SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT CHỈ TRONG GANG TẤC
----------------------
Hồi ký: Đoàn Công Thiện
Vào khoản tháng bảy năm 1968, cách nay 50 năm, trong
hai ngày liên tiếp, Đại đội súng máy cao xạ 12 ly 7 (C 6 D 2311 QK9) của chúng tôi đã có cuộc chạm trán với lính Mỹ thuộc sư đoàn 9, tại khu vực
rạch Án Khám (gần khu di tích ngã ba Ông Hào thuộc huyện Phong Điền thành phố
Cần Thơ ngày nay) và Rạch Bòng Bọng (thuộc huyện Ô Môn). Cuộc chiến đấu diễn ra khốc liệt, cả phía lính Mỹ và chúng tôi đều có nhiều thương vong về Nhân lực.
Thiên Tân xin đăng bài viết, mô tã lại sự kiện để các bạn
cùng xem.
Ngày 3 tháng 5 năm 1968, tôi và bạn tôi tên Ngô Minh
Phục (lúc đó tôi mới 17 tuổi, Phục 18 tuổi), trốn cơ quan Văn phòng Huyện ủy Qò
Quao vào Bộ đội (C 6 D 2311). Vào đơn vị được vài ngày thì Đại đội có lệnh tách ra thành lập một
khung cán bộ khoản 20 người (trong đó có tôi và Phục) để tăng cường cho Trung đoàn
3 đang hoạt động ở chiến trường Vĩnh Trà (Trà Vinh Vĩnh Long ngày nay) nằm phía
bên kia sông Hậu. Sau mấy đêm hành quân bộ, chúng tôi đến Kinh Ngang (thuộc xã
Phương Bình huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang ngày nay), thì có lệnh quay về tiếp
tục ở lại C 6 và gấp rút hành quân lên “Lộ Vòng Cung” để tham gia tấn công vào thành
phố Cần Thơ.
Từ vùng hậu cứ ngã Ba Đình (thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận Kiên Giang), chúng tôi hành quân bằng
xuồng đi cả ngày lẫn đêm lên Ô Môn rồi vượt sông xáng Xà No vào tập kết quân
tại Rạch Sung, chuẩn bị vượt lộ Vòng Cung vào Cần Thơ. Có lẽ do các Tiểu đoàn bộ
binh bị tổn thất nặng không còn sức chiến đấu, nên chúng tôi được lệnh quay trở
lại trú quân tại rạch Án Khám chờ lệnh mới.
Khoản 9 giờ sáng hôm đó, đột nhiên có tiếng súng tiểu
liên nố phía Văn phòng Đại đội, chúng tôi ai cũng ra công sự sẵn sàng chiến
đấu. Một lúc sau, chiến sĩ liên lạc Đại đội chạy xuống thông báo cho biết có một
mủi lính Mỹ thọc vào khu vực Văn phòng từ hướng trong vườn ra (một hướng bất
lợi cho ta về chiến thuật).
Súng của ta và địch, từng chặp nổ vang không ngớt. khoản
20 phút thì máy bay trinh sát của địch bay tới quần đảo và điều chỉnh cho pháo
bắn vào đội hình chúng tôi. Hằng chục khẩu pháo 105 và 155 mm, từ căn cứ Phong
Điền bắn cấp tập, từng loạt đạn nổ chát chúa, mặt đất rung lên chao lắc dữ dội,
khói đạn pháo nồng nặc, mù mịt cả khu vực . . . tôi đang khom người trong công sự,
thì một quả pháo rơi cạnh, mép hố đạn phá bức cửa miệng công sự, hất tung nắp hầm
làm gảy khẩu súng AK và hất luôn thùng thuốc y tế của tôi văng mất.
Công sự không còn an toàn, đợi lúc pháo ngưng tôi và
anh em chạy vào hầm nổi ở trong nhà dân để tránh pháo. Được một lúc thì “Cá Lẹp”
(* Tên chúng tôi thường gọi một đồng đội cũng bằng
tuổi tôi) vừa ra quan sát chưa kịp vào, thì một quả pháo từ chiếc trực thăng
phóng xuống, mãnh đạn găm vào làm gảy xương đùi. Tình thế rất nguy nan, thuốc
cứu thương của tôi không còn, không có dụng cụ cố định xương gãy, chúng tôi
đành băng tạm vết thương cho bạn bằng băng cá nhân, chờ ngớt pháo để chuyển về
tuyến sau.
Đến khoản 3 giờ chiều, tiếng súng bộ binh ở hướng Văn
phòng Đại đội thưa và xa dần, nhưng chiếc máy bay trinh sát và hai chiếc trực
thăng vũ trang vẫn còn quần đảo và liên tục bắn những loạt đạn đại liên xuống
khu vực chúng tôi. Tranh thủ lúc hai chiếc trực thăng không phóng pháo, chúng
tôi đưa “Cá Lẹp” ra bằng tấm ván ngựa lấy tại nhà. Chúng tôi phải khom mình
long dưới mương nước, khiêng bạn đi trong làn đạn bắn của trực thăng. Do vết
thương không được cố định, cứ mỗi lần nghiêng, lắc làm bạn đau đớn rên la,
chúng tôi hiểu bạn đau lắm, cố gắng di chuyển nhẹ nhàn nhưng vẫn bị xê dịch,
nghiêng lắc do địa hình mặt đất.
Phía trên đầu hai chiếc trực thăng vẫn quần đảo và nã
đạn xuống, những thân cây chuối trúng đạn xé ra trắng toát, nước bắn tung tóe
chung quanh . . . hai chiếc máy bay phản lực cũng vừa bay đến chuẩn bị ném bom.
Lúc này Đại đội trưởng (Chú 5 Đáng) đầu bị thương băng trắng cùng mấy người nữa
cũng bị thương đang ngồi họp. Tôi nghe rõ Đại đội trưởng nói (nhưng cũng là
mệnh lệnh):
- Phản lực đến, chắc chắn chúng sẽ ném bom, nhanh
chóng cho mấy đứa nhỏ cùng với các đồng chí bị thương ra tuyến sau, đồng chí 8
Trung (Đai đội phó) thay tôi chỉ huy anh em chiến đấu, cương quyết giữ vững
trận địa, không cho chúng chiếm công sự.
Sau đó tôi và anh Hồng (20 tuổi) được phân công khiêng,
Út (16 tuổi) cầm lá ngụy trang che, chúng tôi đưa “Cá Lẹp” (vẫn dùng tấm ván ngựa) men theo vườn đi về
tuyến sau. Rời khỏi trận địa chưa xa, phía sau hai chiếc phản lực đã lao xuống
trút bom vào đội hình Đại đội. Những tiếng nổ chát chúa vang lên, những mãnh vở
của bom văng ra tứ tung cắm xuống đồng nước. Trên đường đi, chúng
tôi gặp Ngô Minh Phục, ôm một tay bị thương, cũng trên đường ra phía sau. Phục
nói: - Tao bị gảy xương tay rồi . . .
Chúng tôi dần dần rời xa trận địa, một cảm giác về sự
an toàn nhẹ nhàn lan toả trong tôi nhưng phía sau, đồng đội của chúng tôi đang
gồng mình dưới làn bom pháo của đối phương để thực hiện mệnh lệnh của Đại đội trưởng
“Kiên quyết giữ vững trận địa” (còn nữa)
(*) Rất
tiếc, tôi không thể nhớ được tên thật người đồng đội mà chúng tôi hay gọi "Cá Lẹp" ấy.
Viết tại Rạch Giá ngày 29-07-2018.
Nhân vất Ngô Minh Phục nói trong bài viết người choàng vai ĐCT ở ảnh đầu, thứ hai từ phải qua trong hai ảnh liền kề dưới và đứng đầu bên phải ở ảnh cuối. Nếu các bạn nhìn kỷ sẽ thấy vết thương trên tay phải của Phục