Translate

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO DÂN TRÍ


BÀI TRẢ LỜI BÁO DÂN TRÍ
--------------
                                                                  Luật sư Đoàn Công Thiện (*)
1). PV: Khi tiếp nhận hồ sơ bảo vệ quyền lợi cho cô Lê Thị Mỹ Chi – Thủ quĩ Trung tâm giáo dục thường xuyên tình Kiên Giang, luật sư nhận định như thế nào về vụ việc này?
Trả lời:
Trước khi nhận trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cô Lê Thị Mỹ Chi, tôi có tìm hiểu và được biết: Cô Mỹ Chi là người có đơn gởi cơ quan chức năng, phản ảnh những tiêu cực của Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang, yêu cầu thanh tra làm rõ xử lý theo qui định. Sau khi thanh tra, cơ quan chức năng kết luận Ban giám đốc Trung tâm và Kế toán đã có hành vi sai phạm để ngoài sổ sách và chi sai nguyên tắc gần 700 trăm triệu đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, Giám đốc được giải quyết cho nghĩ hưu, điều chuyển công tác đối với kế toán. Riêng cô Mỹ Chi thì bị buộc thôi việc, đây là điều không bình thường.
Từ những thông tin nắm được, điều mà tôi quan tâm là: Cô Lê Thị Mỹ Chi có bị trù dập hay không, bởi cô là người phát hiện và tố cáo tiêu cực? Nếu cô Chi có vi phạm, thì mức độ vi phạm đến đâu? Việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với cô có phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm, có đúng với qui định của pháp luật hay không?
2) PV: Theo luật sư, kết luận số 18 có đủ cơ sở pháp lí để Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang ra quyết định thi hành kỷ luật buộc thôi việc cô Lê Thị Mỹ Chi? Luật sư có thể lí giải như thế nào về số tiền 70 triệu đồng mà ngành chức năng cho rằng cô Mỹ Chi không nhập làm mất?
Trả lời:
Nếu nói về cơ sở pháp lý, thì cả hai kết luận (KL18 và KL 60) của Sở tài chính Kiên Giang, đều là những căn cứ pháp lý về hình thức, để xem xét trách nhiệm cá nhân của những người có sai phạm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trong đó có cô Lê Thị Mỹ Chi.
Riêng về nội dung, hai kết luận xác định đối với số tiền rút ở kho bạc, cô Chi không nhập quĩ và làm mất quĩ với tổng số tiền 70.609.258 đồng, nhưng không làm rõ không nhập quĩ bao nhiều và mất bao nhiêu, là chưa rành mạch; Do đó, Quyết định của Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Kiên Giang, thi hành kỷ luật buộc thôi việc cô Lê Thị Mỹ Chi là chưa thỏa đáng, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất: Đối chiếu với quĩ tiền mặt tại thời điểm sau khi cô Chi rút tiền ở kho bạc, trong sổ quĩ phần chi thường xuyên cho cơ quan luôn bị âm, trong đó số âm cao nhất hơn 80 triệu. Như vậy, số tiền chi âm chính là số tiền ở kho bạc rút về không nhập quĩ. Số tiền này, không có chứng cứ nào xác định cô Chi sử dụng cho cá nhân cô.
Thứ hai: Việc cô Lê Thị Mỹ Chi, không thực hiện ghi nhập vào sổ quĩ là do Kế toán không ra phiếu thu, chứ không phải do cô Chi tự ý không nhập vào sổ quĩ.  Đây là lỗi của Kế toán, chứ không phải lỗi của Thủ quĩ. Cô chi chỉ có lỗi mất tiến mặt 609.258 đồng khi kiểm tra, lỗi này là không đáng kể, không đến mức phải bị buộc thôi việc.
3) PV: Qua các văn bản (02 bản án và quyết định buộc Cô Mỹ Chi thôi việc) ngành chức năng Kiên Giang căn cứ vào kết luận miệng của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Ngọc Sương, thể hiện qua cuộc họp (mà sau này trích văn bản số 04) phòng chống tham nhũng vào ngày 2/3/2010 chỉ đạo “buộc cô Mỹ Chi bồi thường số tiền 70 triệu đồng và cho nghỉ việc”. Chỉ đạo này có cơ sở pháp lý để Sở GD-ĐT Kiên Giang làm căn cứ buộc cô Chi nghỉ việc?
Trả lời:
Việc chỉ đạo miệng của Chủ tịch UBND tỉnh (tại thời điểm lúc giải quyết) như Phóng viên đặt vấn đề, theo tôi: Có thể là do báo cáo kết luận thanh tra không rõ như tôi trả lời ở trên, nên Chủ tịch mới đưa ra ý kiến chỉ đạo như vậy. Dù đó là ý kiến nhân danh Chủ tịch tỉnh, nhưng không phải là căn cứ pháp lý để cơ quan dưới quyền ra quyết định kỷ luật cô Chi, kể cả việc bồi thường thiệt hại; Căn cứ pháp lý phải là kết luận thanh tra, có cơ sở khách quan của cơ quan chức năng, chỉ ra được hành vi sai phạm của cô Chi theo qui định của pháp luật.
4) PV: Luật sư có ý kiến gì về việc kêu oan của cô Lê Thị Mỹ Chi?
Trả lời:
Tôi cho rằng cô Lê Thị Mỹ Chi kêu oan là có căn cứ.
Thứ nhất: Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Kiên Giang ra quyết định buộc thôi việc cô Mỹ Chi dựa theo Kết luận số 18 của Sở Tài Chính là chưa khách quan. Trong kết luận này không thể hiện cô Chi có hành vi sử dụng số tiền 70 triệu vào mục đích cá nhân; Việc cô Chi không ghi vào sổ quĩ là do Kế toán không ra phiếu thu, lỗi đó không thể buộc cô Chi gánh chịu.
Thứ hai: Nếu xác định cô Chi làm mất quĩ  609.258 đồng (kể cả lỗi không ghi vào sổ quĩ), những lỗi đó chưa đến mức phải buộc cô Chi thôi việc; Trong khi lãnh đạo và Kế toán có hành vi, vi phạm tài chính nghiêm trọng hơn rất nhiều, nhưng không ai bị buộc thôi việc.
5) PV: Theo Luật sư, hai cấp Tòa án ở Kiên Giang bác đơn khởi kiện của cô Lê Thị Mỹ Chi có khách quan hay không?
Trả lời:
Trong quá trình tiến hành tố tụng, giữa Tòa án và Viện kiểm sát, có hai quan điểm khác nhau. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát tình (Quyết định số 01/QĐKNPT-LĐ ngày 03-12-2014) cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng Luật lao động và Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết đơn khởi kiện của cô Chi là sai, nên yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, nhưng cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm căn cứ Nghị định 35/2005 ngày 17-03-2005 của Chính phủ là đúng, không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, giữ y bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của cô Chi.
Vấn đề nêu tôi xin được làm rõ khía cạnh pháp lý, kể cả lĩnh vực hành chính lẫn lĩnh vực lao động, để bạn đọc xem xét.
Về lĩnh vực hành chính:
Thời điểm ban hành quyết định kỷ luật cô Chi (ngày 01-11-2010), là thời điểm Luật cán bộ công chức đang có hiệu luật pháp luật (Luật số 22/2008/QH12 ngày 13-11-2008). Tại điều 80 qui định: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ khi cán bộ, công chức có hành vi, vi phạm cho đến ngày xử lý; Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa không quá 4 tháng, kể từ khi phát hiện cho đến khi ra quyết định xử lý. Nếu cho rằng hành vi không nhập quĩ và mất tiền nói trên của cô Chi là sai phạm cần phải xử lý, thì hành vi đó sảy ra từ tháng 11 năm 2006 đến thời điểm xử lý kỷ luật (tháng 11-2010) đã quá 24 tháng; Thời hạn kể ngày 01-04-2010 (ngày ban hành kết luận số 18 được xem là ngày phát hiện sai phạm) đến ngày ban hành quyết định kỷ luật (ngày 01-11-2010) là quá 04 tháng. . . Như vậy, thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật đối với hành vi sai phạm của cô Chi đều vượt quá thời gian qui định của điều luật, như đã viện dẫn trên đây.
Bản án phúc thẩm số 01/2015/LĐ-PT ngày 28-05-2015 của TAND tỉnh Kiên Giang, áp dụng một số điều khoản của Luật Viên chức số 52/2010/QH12, ngày 15-11-2010, nhưng cũng không xem xét áp dụng điều 53 qui định thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức là chưa khách quan, vì nội dung điều 53 qui định thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức sai phạm tương tự như điều 80 Luật cán bộ công chức nêu trên.
Về lĩnh vực lao động:
Theo qui định tại điều 85, Bộ luật lao động 1994 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, năm 2006), thì người lao động chỉ bị sa thải trong các trường hợp sau:
a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;
c) Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Nếu xem xét dưới góc độ lao động, thì sai phạm của cô Chi cũng không thuộc trường hợp phải bị sa thải.
6) PV: Luật sư có ý kiến gì về việc xử lý kỷ luật cô Lê Thị Mỹ Chi?
Trả lời:
Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng. Cô Lê Thị Mỹ Chi có đơn tố giác tiêu cực tham nhũng và qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện lãnh đạo và kế toán trong cơ quan sai phạm nghiêm trọng, nhưng hình thức xử lý lại nhẹ hơn cô là không công bằng và làm thui chột nhân tố tích cức trong công tác phòng chống tham nhũng.
Theo tôi được biết, TAND tối cao đã nhận được đơn yêu cầu giám đốc thẩm của cô Lê Thị Mỹ Chi; Vì vậy, tôi đề nghị TAND tối cao sớm xem xét hủy toàn bộ hai bản án sơ và phúc thẩm trong vụ kiên nói trên, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cô Chi theo qui định của pháp luật.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

VÙNG ĐẤT MANG TÊN MẸ






 



KỶ NIỆM XƯA Ở KÊNH Ô MÔI

MỘT KỶ NIỆM Ở KÊNH Ô MÔI
--------------------
Ngày ấy chúng tôi còn trẻ lắm, tôi 17 tuổi còn Ngô Minh Phục, bạn tôi 18. Chúng tôi công tác ở đội bảo vệ (trước gọi là đội “phòng thủ”) thuộc Văn phòng huyện ủy Gò Quao (Kiên Giang), cơ quan đóng bên sông Nhà Ngang, một nhánh của sông Cái Lớn rẻ từ ngã Ba Tàu về Ba Đình, Vĩnh Thuận…
Đâu năm 1968, có một Đại đội phòng không của Quân khu 9 về đóng quân ngay cơ quan, chúng tôi làm quen với các anh và ngõ ý muốn theo đơn vị. Có lẽ do chúng tôi đang công tác, nên các anh không dám nhận, nhưng khi đơn vị sắp chuyển sang chỗ khác, các anh mới chỉ địa điểm Kênh Ô Môi, nơi đơn vị sẽ đến đóng quân, như là sự thỏa thuận ngầm: Nếu chúng tôi đi Bộ đội thì đến đó gặp, các anh sẽ nhận.
Vậy là tối hôm đó (mùng 4 rạng mùng 5 tháng 3 năm 1968), đợi mọi người ngủ say, chúng tôi bí mật xếp mùng, quân áo, cho vào ba lô, trốn cơ quan đi. Trong cơ quan chúng tôi chỉ cho một mình chị Chín Liên biết chúng tôi đi Bộ đội (Chị Chín Liên là người ở chung cơ quan chúng tôi rất cảm mến). Đêm ấy, chị Chín ra ngoài bờ vườn (Cơ quan đóng ờ trong vườn), chị ôm hai chúng khóc rất nhiều.
Vậy là từ nữa đêm hôm ấy, chúng tôi rời khỏi cơ quan. Cuộc hành trình ngót 6 tiếng đồng hồ đi bộ, trời sáng chúng tôi mới tới được ngang kênh Ô Môi. Nhờ một người dân dùng xuồng đưa sang bên kia sông, chúng tôi gặp được đơn vị và các anh chấp nhận cho chúng tôi vào Đại đội.
Khu vực kênh Ô Môi trước đây bạt ngàn rừng tràm, nhẩm dấu tích heo rừng hoang dã sinh sống. Cặp ven sông, tuy có nhà dân nhưng có lẽ do sợ bom đạn của giặc, nên người dân đã bỏ đi nơi khác, các căn nhà để trống.
Kênh Ô Môi hôm nay (xem ảnh), bao trùm lên một sức sống mới, tuy chưa trù phú nhưng cũng hình thành nên một diện mạo của Nông Thôn Mới với Điện - Đường giăng phủ khắp mọi nơi.
         Mới đó mà đã sắp tròn 50 năm, ngày tôi vào Bộ đội tại con kênh Ô Môi này.
(Những bức ảnh chụp ngày 14-04-2019)





 

  
  



------------------ 
Những ảnh dưới: Ngã Ba Đình



Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

THĂM TRẬN ĐỊA XƯA

Ta về thăm trận địa xưa
Thời gian phủ bóng nắng mưa nhạt nhòa
Ánh vàng nhuộm chín đồng xa
Gió xào xạc gió như là tiếng đau
Đồng đội tôi nằm nơi đâu
Khuất trong hương lúa sắc màu của quê
Chuyện xưa giờ lại quay về
Mấy mươi năm vẫn thấy tê tái lòng
Nhớ đêm hôm ấy mùa đông
Lẫn trong tiếng sùng nghe lòng nhói đau
Mây bước chân chỉ cách nhau
Bạn nằm ở đó nghìn thu xa vời
Pháo gầm đạn nổ tơi bời
Xác thân người lính chơi vơi ven đồn
Máu xương bạn đã thắm hồng
Cho nay mùa vụ vàng đồng lúa tươi
..............
Ấm no sung túc ai ơi
Đừng quên người lính một thời hi sinh.
(Rạch Giá ngày 06-04-2019)
------------- 
     Những bức ảnh chụp tại vị trí đồn Phũ Thuật (kinh Xáng Bộ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), nơi khẩu đội DKZ của chúng tôi cùng Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 1 U Minh Qk9), tiến hành trận đánh không thành công, dẫn đến 17 người hi sinh vào một đêm mùa đông cuối năm 1973.