Translate

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

XÂY DỰNG HIẾN PHÁP

Hiến pháp là đạo cơ bản (Luật gốc) điều chỉnh những vấn đề có tính cố lõi, chung nhất đối với đời sống xã hội. Với nghĩa vụ công dân, chúng ta không chỉ phải chấp hành Hiến pháp mà còn có trách nhiệm xây dựng. Hưởng ứng phong trào góp ý xây dự Hiến pháp của Trung ương Đảng và Quốc hội, ĐCT đã có một số bài viết, kiến nghị góp ý vào dự thảo Hiến pháp (một số bài đã in trên Báo). Đặc biệt, bằng tình cảm và trí tuệ của mình, ĐCT đã gởi văn bản góp ý bổ sung thêm và biên tập lại toàn bộ nội dung Hiến pháp từ 124 điều xuống còn 110 điều. 

Để các bạn Blog tham khảo, Thiên Tân đăng lại toàn bộ Nội dung bổ sung chỉnh sửa sau đây:

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
----------------
                                                                    
                                      Luật sư Đoàn Công Thiện
                            (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Kiên Giang) 
                                             
  ------------------
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có nhiều nội dung bổ sung sửa đổi mới so với Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động trên lĩnh vực pháp luật, bằng tư duy pháp lý, tôi nhận thấy dự thảo cần phải điều chỉnh lại và bổ sung thêm cho đầy đủ hơn. Trên tin thần đó, tôi kiến nghị sửa đổi bổ sung những nội dung cụ thể sau đây:
1. VỀ LỜI NÓI ĐẦU:
Trước hết, cần xem lại tính chất của lời nói đầu trong Hiến pháp. Nghiên cứu tất cả bốn hiến pháp đã ban hành, lời nói đầu đều có nội dung: khái quát quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; xác định chủ quyền dân tộc; vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp về xây dựng nhà nước pháp quyền, về quyền  dân chủ của công dân và những nội dung cơ bản về xây dựng nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học v. v. . .
Thực chất nội dung lời nói đầu trong các Hiến pháp là tuyên ngôn pháp lý của Nhà nước (Hiến ngôn), nó không thuần túy như là lời nói đầu đối với các loại ấn phẩm xuất bản thông thường khác (sách). Nên chăng cần thay lời nói đầu bằng cụm từ Tuyên Ngôn cho sát với nội dung mà nó thể hiện.
Để đáp ứng các yêu cầu mà Ban soạn thảo đề ra, nhất là về mặt kỹ thuật và sự ổn định của Hiến pháp sau khi ban hành, tôi đề nghị viết lại nội dung lời nói đầu toàn văn như sau:
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đứng trước các cuộc xâm lược của kẻ thù ngoại bang, nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu, lập bao chiến công hiển hách. Những Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa . . . mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong quá trình đấu tranh anh dũng ấy, nhân dân ta đã hình thành nên một nền văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc: đoàn kết, nhân nghĩa, bao dung, kiên trung, bất khuất.
Với sự lao động cần cù sáng tạo, ý chí chiến đấu kiên cường, bằng xương máu của bao lớp tiền nhân, nhân dân ta đã xác lập nên hình thể đất nước Việt Nam như hôm nay. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái; từ Trường Sơn hùng vĩ, đến biển Đông bao La, dấu ấn chủ quyền dân tộc Việt Nam còn in đậm trong trang sử khai mở đất nước của cha ông ta.
Từ năm 1930 của thế kỷ hai mươi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến, giành lại độc lập dân tộc, dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), Nhà nước của giai cấp Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với tham vọng biến nước ta một lần nửa trở thành thuộc địa, những người cầm quyền đương thời của Pháp và Mỹ, lần lượt gây ra hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chưa từng có trên đất nước Việt Nam. Xong, với truyền thống yêu nước nồng nàn, bằng khát vọng độc lập tự do, được sự giúp đỡ quý báu của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhân dân ta một lòng theo Đảng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, một Tổng tiến công năm 1968 vang dội, một chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 toàn thắng, giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc.
Với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung; nhân dân Việt Nam  cùng với nhân dân Lào, Cam Phu Chia, làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc. Đứng trước nguy cơ diệt vong của nhân dân nước bạn, dân tộc Việt Nam không tiếc máu xương, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh bại Tập đoàn phản động Khơ me đỏ, giúp nhân dân Cam Phu Chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Theo đường lối của Đảng, nhân dân ta đã và đang tiến hành công cuộc xây dựng nền kinh tế năng động, không ngừng tăng trưởng, đem lại những thành tựu to lớn, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, xã hội phát triển ổn định. Thực hiện đường lối đối ngoại chủ động và rộng mở, cùng phát triển hòa bình, vai trò và vị thế của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được cũng cố.
 Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng; kế thừa Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992; Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam về chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước đi lên theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; không ngừng cũng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
2. CHƯƠNG I:
Điều 2: đề nghị bỏ cụm từ “xã hội chủ nghĩa” đứng sau cụm từ pháp quyền ở đoạn thứ nhất. Toàn văn đoạn đầu điều này viết như sau:
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
     Điều 3: Để chặt chẽ về văn phạm và làm rõ thêm nội dung, tôi đề nghị chỉnh sửa như sau: thêm cụm từ Tạo điều kiện cho tiếp theo sau cụm từ “văn minh” ở dòng thứ 2; thay từ vào cụm từ “có điều kiện” ở dòng cuối. Toàn văn điều 3 viết như sau:
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc phát triển toàn diện. 
Điều 4: đề nghị thêm cụm từ: Quốc hội ban hành Luật về Đảng cộng sản, cụ thể hóa nội dung khoản 1, khoản 2 điều này vào cuối khoản 3. Khoản 3 điều này viết như sau:
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội ban hành Luật về Đảng cộng sản, cụ thể hóa nội dung khoản 1, khoản 2 điều này.
Điều 6: đề nghị thêm cụm từ: các tổ chức chính trị xã hội khác vào cuối điều này. 
Điều 8: đề nghị bỏ cụm từ “chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền” ở khoản 2 và thêm cụm từ là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có năng lực thực hiện nhiệm vụ công vụ vào khoản này. Bỏ cụm từ “phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật” ở khoản 3. Chuyển cụm từ “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” ở cuối khoản 2 xuống khoản 3 và thêm nội dung: Mọi biểu hiện tham nhũng, quan liêu, lạm dụng quyền lực, xem thường nhân dân phải được loại trừ vào cuối khoản 3. Toàn văn khỏan 2, khoản 3, viết như sau:
  2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có năng lực thực hiện nhiệm vụ công vụ; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mọi biểu hiện tham nhũng, quan liêu, lạm dụng quyền lực, xem thường nhân dân phải được loại trừ.
Điều 12: đề nghị bỏ cụm từ “nhất quán”
Điều 13: đề nghị bỏ cụm từ “nhạc của” (dòng trên) và thêm cụm từ của nhạc sĩ Văn Cao vào cuối khoản 3. Khoản 3 điều này viết như sau:
3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

Điều 14: đề nghị chuyển nội dung điều 14 thành khoản 4 điều 13, (bỏ điều 14).

Điều 17: đề nghị bỏ cụm từ: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” vì thực trong tiễn không thể xảy ra và còn gây hiểu theo hướng khác.

3. CHƯƠNG II:

Tôi đề nghị bổ sung thêm những nội dung dự thảo chưa đưa vào chương này như sau:

Điều 22 (dự thảo): Thêm nội dung quyền phòng vệ khi bị người khác dùng vũ lực tấn công. Điều 24 (dự thảo): Thêm nội dung di chuyển tải sản. Điều 28 (dự thảo): Thêm nội dung Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền tham gia lực lượng vũ trang và tham gia làm công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội khác theo luật đinh. Điều 32 (dự thảo): Thêm đối tượng là người đang bị buộc học tập cải tạo tập trung và thay cụm từ: được quyền sử dụng các dịch pháp lý của tổ chức Luật sư và các tổ chức trợ giúp pháp lý khác cho cụm từ “có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa” ở khoản 3; thêm nội dung Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình đối với các đối tượng thành một khoản riêng và quy định thêm trách nhiệm của các cơ quan hữu quan tạo điều kiện cho các đối tượng này thực hiện quyền nói trên. Điều 34 (dự thảo): Thêm nội dung hàng hóa, dịch vụ bị cấm, bị hạn chế. Điều 35 (dự thảo): Thêm nội dung những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, được ưu tiên hưởng chính sách, chế độ an sinh xã hội. Điều 39 (dự thảo): Thêm nội dung Tuổi kết hôn do pháp Luật quy định. Thêm một điều mới (tiếp theo sau điều 40 - dự thảo) quy định: đối tượng là người già, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần được hưởng chế độ chăm sóc bảo vệ. Điều 43 (dự thảo): Thêm nội dung quyền sáng chế phát minh. Điều 45 (dự thảo): Thêm nội dung xin thôi hoặc xin nhập Quốc tịch Việt nam. Chuyển một số nội dung chế định “nghiêm cấm” chuyển thành chế định xử lý vi phạm.
Ngoài nội dung trên, tôi còn đề nghị bổ sung thêm một số nội dung khác vào các điều tương ứng để làm rõ hơn về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội hôm nay và mai sau.
Để bảo đảm tính thống nhất nội dung và kết cấu điều khoản theo thứ tự hợp lý, chương này tôi đề nghị điều chỉnh, sắp xếp, cắt bớt, rút lại chỉ còn 28 điều (thay vì 37 điều như dự thảo). Toàn văn các điều trong chương này như sau:

Điều 14

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. 
 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Không ai được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 15

1. Mọi người có quyền sống; quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Khi ốm đau, tuổi cao được điều dưỡng tại các cơ sở y tế.

2. Nhà nước và tổ chức xã hội, tạo lập các cơ sở chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân.

3. Mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường sống của con người, thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường.

4. Các hành vi có nguy cơ đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của con người phải được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng.

Điều 16

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực, hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
3. Người bị người khác dùng vũ lực xâm phạm tính mạng, sức khỏe một cách trái pháp luật, có quyền thực hiện phòng vệ theo theo quy định của pháp luật.
4. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người, phải được người đó đồng ý.

Điều 17

1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử.
2. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị điều tra, truy tố, xét xử; người đang bị học tập cải tạo tập trung, có quyền sử dụng dịch vụ pháp lý của tổ chức Luật sư và tổ chức Trợ giúp pháp lý khác để bảo vệ cho mình.
3. Cơ quan bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử; Cơ quan quản lý người đang bị học tập cải tạo tập trung, phái tạo điều kiện cho người đó thực hiện quyền của mình tại khoản 2 điều này theo quy định của pháp luật.
4. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình đối với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị điều tra, truy tố, xét xử và người đang bị học tập cải tạo tập trung.
5. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị điều tra, truy tố, xét xử; bị buộc học tập cải tạo tập trung trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật gây thiệt hại cho đối tượng này phải bị xử lý theo pháp luật.

Điều 18

 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật cuộc sống gia đình.
Trừ pháp luật quy định, không ai được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật cuộc sống gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.
 2. Mọi người có quyền bí mật nội dung thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. 
 Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định. 

Điều 19

1. Mọi người có quyền có nơi ở hợp pháp. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để mọi người dân có nơi ở.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp. Không ai được thu giữ, phá dở hoặc tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc thu giữ, phá dở khám xét chỗ ở của người khác phải do người có thẩm quyền thực hiện theo luật định.

Điều 20

1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Tuổi kết hôn do pháp Luật quy định.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Điều 21

1. Người dân tộc có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc cha đẻ và tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
2. Mọi người có quyền xin thôi Quốc tịch Việt Nam hoặc xin nhập Quốc tịch Việt nam theo quy định của pháp luật về Quốc tịch.

Điều 22

1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 
 2. Mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác xâm phạm quyền trẻ em, phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 23

1. Người già, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần có quyền được gia đình, Nhà nước và xã hội chăm sóc nuôi dưỡng. Nhà nước và xã hội xây dựng các cơ sở và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc cho người già, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần nếu người đó không có gia đình.

2. Mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác xâm phạm quyền của người già, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Điều 24
1. Mọi người có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. Nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để mọi người thực hiện quyền này.
2. Mọi hành vi cưỡng bức lao động, sa thải người làm việc không đúng quy định hoặc sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật, đều phải được phát hiện và xử lý nhanh chóng.

Điều 25

1. Mọi người có quyền tự do sản xuất kinh doanh những hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ không bị cấm hoặc không bị hạn chế. 
2. Nhà nước ban hành pháp luật quy định những hàng hóa hoặc lĩnh vực dịch vụ bị cấm, bị hạn chế và tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do sản xuất kinh doanh những hàng hóa hoặc lĩnh vực dịch vụ không bị cấm, không bị hạn chế. 

Điều 26

1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Pháp luật Dân sự quy định về sở hữu tài sản và những vấn đề có liên quan, để mọi người thực hiện quyền sở hữu tài sản của mình. 

Điều 27

1. Mọi người có quyền được hưởng chính sách, chế độ an sinh xã hội. 
2. Nhà nước và các tổ chức xã hội, bảo đảm cho những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, được ưu tiên hưởng chính sách, chế độ an sinh xã hội. 

Điều 28

1. Mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
2. Mọi người có quyền di chuyển tài sản từ nơi này sang nơi khác hoặc từ trong nước ra nước ngoài, từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.

Điều 29

1. Mọi người có quyền được học tập; nghiên cứu khoa học; thực hiện phát minh sáng chế; sáng tạo văn học, nghệ thuật và được hưởng giá trị từ những thành quả đó.
2. Nhà nước công nhận Quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm cho các chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ được hưởng quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 30

1. Mọi người có quyền tham gia hoạt động văn hóa lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; có quyền tiếp cận, sử dụng các cơ sở văn hóa; được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa theo quy định của pháp luật.
2. Mọi sản phẩm văn hóa có nội dung phản động, bạo lực và đồi trụy làm suy thoái nhân cách con người phải được loại trừ; người tạo ra sản phẩm văn hóa ấy phải bị xử lý theo pháp luật.

Điều 31

 1. Mọi người có quyền tự do ngôn luận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không xâm phạm bí mật đời tư của người khác, không vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; được tự do tiếp cận và sử dụng báo chí để thực hiện quyền ngôn luận của mình.
2. Mọi người được tham gia lập hội, hội họp và biểu tình theo qui định của pháp luật.
3. Nhà nước ban hành pháp luật quy định chi tiết thực hiện nội dung khoản 1, khoản 2 điều này.

Điều 32

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng thờ cúng; theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
 2. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng thờ cúng và sinh hoạt tôn giáo của mọi người. Nơi và cơ sở thờ cúng, Nơi và cơ sở của tôn giáo, được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.
 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm Quyền của con người, xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Điều 33

1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. 
 2. Công dân Việt Nam không bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không bị bắt, giao nộp cho Nhà nước khác.
 3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. 

Điều 34

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 35

 1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

Điều 36

 Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền tham gia lực lượng vũ trang và tham gia làm công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội khác theo luật đinh.

Điều 37

 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước; có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.  
 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Điều 38

1. Mọi công dân có quyền khiếu nại, có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại do việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
 3. Mọi hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, làm hại người khác phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 39

 1. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
2. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định.
3. Công dân có nghĩa vụ nộp thuế và các loại thu khác cho Nhà nước, theo quy định của pháp luật.

Điều 40

Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.
4. Mọi hành vi phản bội tổ quốc, xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, xâm phạm quyền con người và quyền công dân; các hành vi vi phạm nghĩa vụ khác đều phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Điều 41
Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam.

Điều 42

Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại có yêu cầu cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, thì được Nhà nước xem xét cho cư trú.

4. CHƯƠNG III:
Điều 58 (dự thảo), đề nghị bỏ cụm từ: “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ở cuối khoản 3, bỏ từ “đai” trong điều này và các điều khác (nghĩa của từ “đai” không liên quan đến Đất). Đề nghị thêm vào điều này 2 khoản như sau:
4. Nhà nước thu hồi đất để lập các dự án kinh tế vì mục đích sinh lợi, được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của người đang sử dụng đất hợp pháp với chủ đầu tư.
5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất, giao đất, thu hồi đất; mọi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái pháp luật trong quản lý đất để vụ lợi,  đều phải được xử lý nghiêm minh.
Điều 60 (dự thảo), đề nghị thêm khoản 2 nội dung như sau:
2. Mọi hành vi tham ô, lãng phí, cố ý làm trái, gây thiệt hại đến kinh tế-xã hội, đều phái được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Điều 63 (dự thảo) đề nghị đưa vào đầu khoản 2 nội dung: Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh Hùng, Anh hùng các lực lượng vũ trang và Thương bệnh binh. Toàn văn khoản 2 ghi như sau:
2. Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh Hùng, Anh hùng các lực lượng vũ trang và Thương bệnh binh là ân nhân của dân tộc, Nhà nước và xã hội mãi mãi biết ơn, tôn vinh và có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với thân nhân Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh Hùng, Anh hùng các lực lượng vũ trang và Thương bệnh binh. Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công khác.
Điều 65 (dự thảo), đề nghị bỏ điều này. Vì nội dung đã thể hiện tại điều 66, 67.
5. CHƯƠNG IV:
Điều 70 (dự thảo) đề nghị sửa lại như sau:
Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân; trung thành và chịu dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
            Điều 73 (dự thảo), đề nghị thêm cụm từ cơ sở vật chất kỷ thuật vào sau cụm từ “bảo đảm” ở dòng thứ 4 (trên xuống), bỏ cụm từ “quốc phòng” ở dòng thứ 6 (trên xuống) Nguyên văn như sau:
Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm cơ sở sở vật chất kỷ thuật trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
6. CHƯƠNG V:
Điều 79 (dư thảo), đề nghị thêm một khoản mới (khoản 12) như sau:
12. Thành lập các cơ quan chuyên trách, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Việc qui định thêm khoản 12 trên đây là nhằm để UBTV QH linh động hơn, với ý tưởng thành lập Viện giám sát nhân dân trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân địa phương thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát hiện nay và kiểm sát Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính. Với ý tưởng này tôi đề nghị đổi tên Viện kiểm sát thành Viện công tố Nhà nước ở các khoản trong điều này và các điều có liên quan (tôi sẽ trình bày kỷ hơn ở các phần sau).
Điều 84 (dự thảo), khoản 1 đề nghị thêm cụm từ: được nhân dân bầu chọn theo quy định của pháp luật vào sau cụm từ “là người” ở dòng 1. Nội dung khoản này như sau:
1. Đại biểu Quốc hội là người được nhân dân bầu chọn theo quy định của pháp luật, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu.  

7. CHƯƠNG VI:
Điều 95 (dự thảo): Đề nghị chuyển nội dung điều 96 lên bổ sung cho điều này và bỏ điều 96.
Điều 97 (dự thảo), đề nghị bỏ cụm từ “có thể” tại đoạn 2 và chuyển toàn bộ nội đung điều 98 lên điều 97, bỏ điều 98.
8. CHƯƠNG VII:
Điều 101 (dự thảo), tại khoản 2, bỏ nội dung: kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định” vì thuộc trách nhiệm của Uỷ ban thường vụ quốc hội. Bỏ khoản 3 trong điều này, vì không cần thiết phải ghi. Chuyển toàn bộ nội dung khoản 5 sang khoản 8, (bỏ khoản 5). Nội dung khoản 8 viết như sau:
8. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và  thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của mình.
9. CHƯƠNG VIII
Về tên gọi của chương.
Tên gọi trong chương VIII là chưa phản ánh đúng tính chung nhất hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát với tư cách là hai chủ thể trong hoạt động tư pháp, vì vậy đề nghị tên của chương này là  Các cơ quan Tư pháp hoặc: các cơ quan hoạt động tư pháp.
Về Tòa án.  
Điều 107 (dự thảo): Theo kết cấu trong dự thảo, điều có 03 khoản nhưng sắp xếp không mang tính hệ thống, chưa đầy đủ nội dung thẩm quyền, cần bổ sung thêm cho sát đúng với lĩnh vực hoạt động của Tòa án, đồng thời rút bớt những nội dung chuyển sang điều khác cho phù hợp hơn. Về tính lô gíc thuật ngữ, có hai cụm từ: “Cơ quan xét xử” và “thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1), cần xem xét lại. Xét xử là một bộ phận của hoạt động tư pháp, Tòa án không chỉ duy nhất làm công tác xét xử mà còn thực hiện một số quyền năng khác do đó cần đảo lại hai cụm từ này.  Đề nghị điều 107 (dự thảo) kết cấu 2 khoản như sau:
1. Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự; Hòa giải, xét xử các vụ án dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân gia đình và các vụ án khác; Thực hiện thẩm quyền tư pháp đối với những vụ việc có yếu tố nước ngoài theo luật định.
 2. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.   
Về việc thành lập Tòa án đặc biệt (khoản 3). Tòa án đặc biệt có thể có những nhiệm vụ quyền hạn và lĩnh vực xét xử khác với Tòa án nhân dân, xong đây là trường hợp cá biệt, hạn hữu, thuộc mô hình hình tổ chức gần với nội dung điều 109 (dự thảo), vì vậy nội dung thành lập Tòa án đặc biệt nên đưa sang điều 109 (dự thảo) cho phù hợp.
Điều 108 (dự thảo): Giống như điều 107, điều này có 07 khoản nhưng cũng thiếu tính hệ thống, cần điều chỉnh, bổ sung cho đúng hơn. Cụ thể: Gộp khoản 1, một phần khoản 2, khoản 3 (có thêm nội dung) và khoản 4 thành khoản 1; Chuyển khoản 07 lên khoản 2; Đưa khoản 5 lên khoản 3, trong đó chuyển một phần nội dung của khoản 2 và bổ sung thêm một ý để làm rõ hơn nguyên tắc này; chuyển toàn bộ nội đung điều 111 thành khoản 4 (bỏ điều 111); Bổ sung mới nội dung quy định Luật tố tụng và Luật thi hành án để thi hành điều 107 và 108 thành khoản 5. Đề nghị thiết kế toàn văn điều 108 như sau:
1. Tòa án xét xử theo trình tự: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc và tái thẩm; việc xét xử ở cấp sơ thẩm bắt buộc phải có hội thẩm nhân dân. Thẩm phán, Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật, xét xử độc lập, quyết định theo đa số; Các vụ án được xét xử công khai, trừ một số trường hợp phải xử kín vì lý do an ninh quốc gia hoặc lý do đạo đức.
2. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; Đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo luật định. 
3. Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm. Thẩm phán và Hội thẩm phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên Tòa để ra phán quyết. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.
4. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
5. Luật tố tụng, Luật thi hành án, quy định chi tiết thi hành điều 107, điều 108 chương này.
Điều 109 (dự thảo): Để thống nhất với các điều nêu trên, điều 109 cần bổ sung chỉnh sửa như sau:
Chuyển phần cuối khoản 1 và khoản 3 điều 107, bổ sung thêm nội dung mới thành khoản 1; Nhập và chỉnh sửa nội dung khoản 2, khoản 3 thành khoản 2. Đề nghị thiết kế toàn văn như sau:
1. Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các địa phương, Tòa án quân sự các cấp và lực lượng Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm Quân nhân theo luật định. Trong trường hợp do yêu cầu cấp thiết, Quốc hội có thể ra Nghị quyết (Nghị quyết sửa từ cụm từ quyết định trong dự thảo) thành lập Tòa án đặc biệt.
2. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc xét xử của Tòa án địa phương và Tòa án quân sự; Ban hành văn bản áp dụng pháp luật tố tụng và quản lý điều hành hoạt động xét xử trong cả nước.


Về Viện kiểm sát.
Tên gọi của Viện kiểm sát đề nghi sửa lại là Viện công tố Nhà nước và đề nghị bỏ chức năng “kiểm sát hoạt động tư pháp” (không bao hàm quyền kháng nghị). Việc sửa lại tên Viện công tố Nhà nước là sát đúng với chức năng chính yếu của cơ quan này. Việc bỏ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là hợp lý bởi lẽ: bản thân Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng cũng đã thực hiện những hành vi tư pháp, do vậy không thể có việc tự mình kiểm sát mình. Việc bỏ chức năng kiểm sát còn có ý nghĩa giúp nâng cao hơn nửa trách nhiệm công tố của mình, đồng thời giúp cho Tòa án xét xử độc lập hơn, tránh tình trạng “thỏa hiệp” trong hoạt động xét xử (Chức năng kiểm sát tư pháp giao lại cho Viện giám sát nhân dân của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khi được thành lập như tôi đề cập ở chương V trên đây).
Với tin thần đó, đề nghị sửa lại các điều như sau:
Điều 112 (dự thảo)
1. Viện công tố Nhà nước là cơ quan tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thẩm quyền truy tố đối người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
 2. Viện công tố Nhà nước do luật định bao gồm: Viện công tố Tối cao, Viện công tố các địa phương và Viện công tố quân sự các cấp .
3. Viện công tố Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Điều 113 (dự thảo)
1. Viện trưởng Viện công tố Tối cao do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện công tố Tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Viện trưởng các Viện công tố khác do luật định. 
 2. Viện trưởng Viện công tố Tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Viện trưởng các.

3. Viện trưởng Viện công tố địa phương báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân; Viện trưởng Viên công tố quân sự báo cáo công tác với thủ trưởng cấp trên theo luật định.

Điều 114 (dự thảo)
1. Viện công tố Nhà nước các cấp do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện công tố cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện công tố cấp trên; Viện trưởng các Viện công tố cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện công tố Tối cao.

2. Khi thực hành quyền công tố, Công tố viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện công tố cùng cấp.
 3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Công tố viên do luật định.  
10. CHƯƠNG IX.
Đề nghị sửa lại tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính. Việc đổi tên như vậy để sát hợp với tính chất hoạt động của loại cơ quan này. Hơn nửa, trước đây trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1960, tên gọi Ủy ban hành chính cũng đã được thống nhất.
Điều 115: (dự thảo) Tại khoản 1 đề nghị thêm nội dung: Xã, phường, thị trấn chia thành khu dân cư, (thay cho “khu phố, thôn, ấp, bản” hiện nay).
11. CHƯƠNG XI 
Điều 124 (dự thảo), đề nghị bỏ nội dung: “hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội” vì không có tính khả thi và thêm quyền này cho các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Toàn văn viết như sau:
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội hoặc Chính phủ có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;
Với nội dung chỉnh sửa bổ sung trên đây, Hiến pháp sẽ còn 110 điều.
Trên đây là toàn bộ những nội dung góp ý vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này, tôi đề nghị cơ quan có chức năng nghiên cứu xem xét.
Kèm theo: Toàn văn dự thảo Hiến pháp do tôi biên tập lại theo nội dung kiến nghị trên đây (xem trong USP).
                                                                 Người kiến ngh

                                                              LS Đoàn Công Thiện
-------------------------------- 
Toàn văn dự thảo Hiến pháp do Luật sư Đoàn Công Thiện biên tập lại theo nội dung kiến nghị (xem bản kiến nghị kèm theo).

LƯU Ý: Phần chữ màu đỏ là phần bổ sung mới; phần chữ màu xanh là phần điều chỉnh, sắp xếp lại; phần chữ màu đen là phần giữ nguyên văn như dự thảo.
HIẾN PHÁP
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
-----------------
TUYÊN NGÔN
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đứng trước các cuộc xâm lược của kẻ thù ngoại bang, nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu, lập bao chiến công hiển hách. Những Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa . . . mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong quá trình đấu tranh anh dũng ấy, nhân dân ta đã hình thành nên một nền văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc: đoàn kết, nhân nghĩa, bao dung, kiên trung, bất khuất.
Với sự lao động cần cù sáng tạo, ý chí chiến đấu kiên cường, bằng xương máu của bao lớp tiền nhân, nhân dân ta đã xác lập nên hình thể đất nước Việt Nam như hôm nay. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái; từ Trường Sơn hùng vĩ, đến biển Đông bao La, dấu ấn chủ quyền dân tộc Việt Nam còn in đậm trong trang sử khai mở đất nước của cha ông ta.
Từ năm 1930 của thế kỷ hai mươi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến, giành lại độc lập dân tộc, dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), Nhà nước của giai cấp Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với tham vọng biến nước ta một lần nửa trở thành thuộc địa, những người cầm quyền đương thời của Pháp và Mỹ, lần lượt gây ra hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chưa từng có trên đất nước Việt Nam. Xong, với truyền thống yêu nước nồng nàn, bằng khát vọng độc lập tự do, được sự giúp đỡ quý báu của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhân dân ta một lòng theo Đảng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, một Tổng tiến công năm 1968 vang dội, một chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 toàn thắng, giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc.
Với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung; nhân dân Việt Nam  cùng với nhân dân Lào, Cam Phu Chia, làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc. Đứng trước nguy cơ diệt vong của nhân dân nước bạn, dân tộc Việt Nam không tiếc máu xương, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh bại Tập đoàn phản động Khơ me đỏ, giúp nhân dân Cam Phu Chia thoát khỏi thảm họa diệt chũng.
Theo đường lối của Đảng, nhân dân ta đã và đang tiến hành công cuộc xây dựng nền kinh tế năng động, không ngừng tăng trưởng, đem lại những thành tựu to lớn, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, xã hội phát triễn ổn định. Thực hiện đường lối đối ngoại chủ động và rộng mở, cùng phát triển hòa bình, vai trò và vị thế của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được cũng cố.
 Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng; kế thừa Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992; Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam về chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước đi lên theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; không ngừng cũng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

 CHƯƠNG I

CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Điều 1

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.



Điều 2
 Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
 Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

Điều 3

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc phát triển toàn diện. 

Điều 4

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 
 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội ban hành Luật về Đảng cộng sản, cụ thể hóa nội dung khoản 1, khoản 2 điều này.

Điều 5

 1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. 
 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Điều 6

 Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác. 

Điều 7 

 1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
 2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.  

Điều 8

 1. Nhà nước hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có năng lực thực hiện nhiệm vụ công vụ; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mọi biểu hiện tham nhũng, quan liêu, lạm dụng quyền lực, xem thường nhân dân phải được loại trừ.

Điều 9

 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. 
 3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Điều 10

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 11

1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

Điều 12

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Điều 13

1. Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 3. Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.
 4. Ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.  
 5. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. 

CHƯƠNG II

QUYỀN CON NGƯỜI, 
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Điều 14

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. 
 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Không ai được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 15

1. Mọi người có quyền sống; quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Khi ốm đau, tuổi cao được điều dưỡng tại các cơ sở y tế.

2. Nhà nước và tổ chức xã hội, tạo lập các cơ sở chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân.

3. Mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường sống của con người, thực hiện các qui định về vệ sinh môi trường.

4. Các hành vi có nguy cơ đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của con người phải được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng.

Điều 16

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực, hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
3. Người bị người khác dùng vũ lực xâm phạm tính mạng, sức khỏe một cách trái pháp luật, có quyền thực hiện phòng vệ theo theo qui định của pháp luật.
4. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người, phải được người đó đồng ý.

Điều 17

1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử.
2. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị điều tra, truy tố, xét xử; người đang bị học tập cải tạo tập trung, có quyền sử dụng dịch vụ pháp lý của tổ chức Luật sư và tổ chức Trợ giúp pháp lý khác để bảo vệ cho mình.
3. Cơ quan bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử; Cơ quan quản lý người đang bị học tập cải tạo tập trung, phải tạo điều kiện cho người đó thực hiện quyền của mình tại khoản 2 điều này theo qui định của pháp luật.
4. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình đối với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị điều tra, truy tố, xét xử và đang bị học tập cải tạo tập trung.
5. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị điều tra, truy tố, xét xử; bị buộc học tập cải tạo tập trung trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật gây thiệt hại cho đối tượng này phải bị xử lý theo pháp luật.

Điều 18

 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật cuộc sống gia đình.
Trừ pháp luật qui định, không ai được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật cuộc sống gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.
 2. Mọi người có quyền bí mật nội dung thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. 
 Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định. 

Điều 19

1. Mọi người có quyền có nơi ở hợp pháp. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để mọi người dân có nơi ở.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp. Không ai được thu giữ, phá dở hoặc tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc thu giữ, phá dở, khám xét chỗ ở của người khác phải do người có thẩm quyền thực hiện theo luật định.

Điều 20

1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Tuổi kết hôn do pháp Luật qui định.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Điều 21

1. Người dân tộc có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc cha đẻ và tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
2. Mọi người có quyền xin thôi Quốc tịch Việt Nam hoặc xin nhập Quốc tịch Việt nam theo qui định của pháp luật về Quốc tịch.

Điều 22

1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 
 2. Mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác xâm phạm quyền trẻ em, phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 23

1. Người già, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần có quyền được gia đình, Nhà nước và xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhà nước và xã hội xây dựng các cơ sở và tổ chức nuôi dưng, chăm sóc cho người già, người khuyết tật nếu người đó không có gia đình.

2. Mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác xâm phạm quyền của người già, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Điều 24
1. Mọi người có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. Nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để mọi người thực hiện quyền này.
2. Mọi hành vi cưỡng bức lao động, sa thải người làm việc không đúng qui định hoặc sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật, đều phải được phát hiện và xử lý nhanh chóng.

Điều 25

1. Mọi người có quyền tự do sản xuất kinh doanh những hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ không bị cấm hoặc không bị hạn chế. 
2. Nhà nước ban hành pháp luật qui định những hàng hóa hoặc lĩnh vực dịch vụ bị cấm, bị hạn chế và tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do sản xuất kinh doanh những hàng hóa hoặc lĩnh vực dịch vụ không bị cấm, không bị hạn chế. 

Điều 26  

1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Pháp luật Dân sự qui định về sở hữu tài sản và những vấn đề có liên quan, để mọi người thực hiện quyền sở hữu tài sản của mình. 

Điều 27

1. Mọi người có quyền được hưởng chính sách, chế độ an sinh xã hội. 
2. Nhà nước và các tổ chức xã hội, bảo đảm cho những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, được ưu tiên hưởng chính sách, chế độ an sinh xã hội. 

Điều 28

1. Mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
2. Mọi người có quyền di chuyển tài sản từ nơi này sang nơi khác hoặc từ trong nước ra nước ngoài, từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.

Điều 29

1. Mọi người có quyền được học tập; nghiên cứu khoa học; thực hiện phát minh sáng chế; sáng tạo văn học, nghệ thuật và được hưởng giá trị từ những thành quả đó.
2. Nhà nước công nhận Quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm cho các chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ được hưởng quyền lợi của mình theo qui định của pháp luật.

Điều 30

1. Mọi người có quyền tham gia họat động văn hóa lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; có quyền tiếp cận, sử dụng các cơ sở văn hóa; được quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá theo qui định của pháp luật.
2. Mọi sản phẩm văn hóa có nội dung phản động, bạo lực và đồi trụy làm suy thoái nhân cách con người phải được loại trừ; người tạo ra sản phẩm văn hóa ấy phải bị xử lý theo pháp luật.

Điều 31

 1. Mọi người có quyền tự do ngôn luận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không xâm phạm bí mật đời tư của người khác, không vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; được tự do tiếp cận và sử dụng báo chí để thực hiện quyền ngôn luận của mình.
2. Mọi người được tham gia lập hội, hội họp và biểu tình theo qui định của pháp luật.
3. Nhà nước ban hành pháp luật qui định chi tiết thực hiện nội dung khoản 1, khoản 2 điều này.

Điều 32

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng thờ cúng; theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
 2. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng thờ cúng và sinh hoạt tôn giáo của mọi người. Nơi và cơ sở thờ cúng, Nơi và cơ sở của tôn giáo, được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.
 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm Quyền của con người, xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự an tòan xã hội.

Điều 33

1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. 
 2. Công dân Việt Nam không bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không bị bắt giao nộp cho Nhà nước khác.
 3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. 

Điều 34

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 35

 1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

Điều 36

 Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền tham gia lực lượng vũ trang và tham gia làm công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức khác theo luật đinh.

Điều 37

 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước; có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.  
 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Điều 38

1. Mọi công dân có quyền khiếu nại, có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại do việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
 3. Mọi hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, làm hại người khác phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 49

 1. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
2. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định.
3. Công dân có nghĩa vụ nộp thuế và các loại thu khác cho Nhà nước, theo qui định của pháp luật.

Điều 40

Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.
4. Mọi hành vi phản bội tổ quốc, xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, xâm phạm quyền con người và quyền công dân; các hành vi vi phạm nghĩa vụ khác đều phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Điều 41
Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam.

Điều 42

Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại có yêu cầu cư trú trên lãnh thỗ Việt Nam, thì được Nhà nước xem xét cho cư trú.

CHƯƠNG III

KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Điều 43

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. 

Điều 44

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Điều 45

1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Điều 46

1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 
2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 
 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. 
Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định.

Điều 47

Đất, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên tự nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. 

Điều 48

 1. Đất là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nền tảng cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, là nguồn lực phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. 
 2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. 
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
4. Nhà nước thu hồi đất để lập các dự án kinh tế vì mục đích sinh lợi, chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của người đang sử dụng đất hợp pháp với chủ đầu tư.
5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất, giao đất, thu hồi đất; mọi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái pháp luật trong quản lý đất để vụ lợi,  đều phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 49

1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 
 2. Ngân sách nhà nước là thống nhất gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 50

 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.
2. Mọi hành vi tham ô, lãng phí, cố ý làm trái, gây thiệt hại đến kinh tế-xã hội, đều phái được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 51

1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.
 2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Điều 52

1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.
 2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Điều 53

1. Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
2. Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh Hùng, Anh hùng các lực lượng vũ trang và Thương bệnh binh là ân nhân của dân tộc, Nhà nước và xã hội mãi mãi biết ơn, tôn vinh và có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với thân nhân Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh Hùng, Anh hùng các lực lượng vũ trang và Thương bệnh binh. Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công khác.

Điều 54

1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 
 2. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. 
 3. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
 4. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan. 

Điều 55

1. Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
2. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.  
3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hoá và học nghề phù hợp.

Điều 56

1. Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao trình độ quản lý, phát triển văn hóa, kinh tế tri thức, thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 
2. Nhà nước thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo khoa học, công nghệ.
3. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ. 

Điều 57

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. 
2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích.  
3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

CHƯƠNG IV

BẢO VỆ TỔ QUỐC

Điều 58

1. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. 
2. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
3. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định.

Điều 59

Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân; trung thành và chịu dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Điều 60

Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. 

Điều 61

Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Điều 62

Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm cơ sở vật chất kỷ thuật trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.

CHƯƠNG V
   QUỐC HỘI

Điều 63

 1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 2. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Điều 64

Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; 
2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập; 
3. Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
 4. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước;
 5. Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
 6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện công tố Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập;  
 7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện công tố Tối cao, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, danh sách thành viên Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia; 
 8. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
 9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật; 
 10. Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố Nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; 
 11. Quyết định đại xá;
 12. Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
 13. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
 14. Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế; 
 15. Quyết định trưng cầu ý dân.

Điều 65

1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm. 
2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong.
3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp chiến tranh.

Điều 66

 1. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.
 2. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.

Điều 67

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên. 
3. Số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.
4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội của mỗi khoá Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới. 

Điều 68

Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; 
2. Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố nhà nước, Kiểm toán Nhà nước;
4. Đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố nhà nước, trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố Tối cao, trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
5. Lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội;
6. Hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân; 
7. Quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
8. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất; 
9. Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
10. Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;
11. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.
12. Thành lập các cơ quan chuyên trách, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 69
1. Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.  
2. Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc. 
4. Hội đồng dân tộc có những nhiệm vụ, quyền hạn khác như các Uỷ ban của Quốc hội quy định tại khoản 2 Điều 81. 

Điều 70

1. Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.  
 2. Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật và dự án khác, báo cáo được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban.
 3. Việc thành lập, giải thể các Ủy ban do Quốc hội quyết định.  

Điều 71

1. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện công tố Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin hoặc giải trình.  
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, báo cáo hoặc giải trình về các vấn đề mà Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu.  

Điều 72

Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.

Điều 73

1. Đại biểu Quốc hội là người được nhân dân bầu chọn theo qui định của pháp luật, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu.  
2. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.
3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.  

Điều 74

1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện công tố Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
 2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.
 3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.

Điều 75 

Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội; nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 76

1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu; có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu.
3. Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Điều 77

1. Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.
2. Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.
 3. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới được triệu tập chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

Điều 78

1. Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật trước Quốc hội.

Điều 79

1. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
2. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua.

CHƯƠNG VI
CHỦ TỊCH NƯỚC

Điều 80

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Điều 81

1. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
2. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
3. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước mới. 

Điều 82

Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; 
3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện công tố Tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Công tố viên Viện công tố Tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;  
 4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; 
 5. Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
6. Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 64; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định.  

Điều 83

1. Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn.  
 Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
 2. Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội không thể họp được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt trong trường hợp có chiến tranh do Quốc hội giao.

Điều 84  

 1. Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ.
 2. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
3. Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 85

1. Phó Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
2. Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ và được Chủ tịch uỷ nhiệm thay Chủ tịch làm một số nhiệm vụ khi cần thiết.
3. Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch.
4. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.
CHƯƠNG VII
CHÍNH PHỦ 

Điều 86

1. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. 
2. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

Điều 87

1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. 
2. Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.
3. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.  
4. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. 
 5. Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng. Khi Thủ tướng vắng mặt thì một Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của Chính phủ.
 6. Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

Điều 88

Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
2. Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ công vụ; quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; phân công, phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban hành chính các cấp; trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính lãnh thổ; tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 
 3. Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước;
4. Thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
 5. Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; theo ủy quyền của Chủ tịch nước đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 93; đàm phán, ký, gia nhập, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
6. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và  thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của mình.

Điều 89

 Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới.

Điều 90

Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, là người đứng đầu Chính phủ.
 Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia; 
 2. Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và chức vụ tương đương trong các cơ quan của Chính phủ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
 3. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Uỷ ban hành chính và Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;
 4. Chỉ đạo việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước, đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
 5. Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết. 

Điều 91

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công.  
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý. 

Điều 92

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của luật và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó.  

Điều 93

Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

    CHƯƠNG VIII 

CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP

Điều 94  

1. Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự; Hòa giải, xét xử các vụ án dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân gia đình và các vụ án khác; Thực hiện thẩm quyền tư pháp đối với những vụ việc có yếu tố nước ngoài theo luật định.
 2. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.   

Điều 95

1. Toà án xét xử theo trình tự: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc và tái thẩm; việc xét xử ở cấp sơ thẩm bắt buộc phải có hội thẩm nhân dân. Thẩm phán, Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật, xét xử độc lập, quyết định theo đa số; Các vụ án được xét xử công khai, trừ một số trường hợp phải xử kín vì lý do an ninh quốc gia hoặc lý do đạo đức.
2. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; Đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo luật định. 
3. Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm. Thẩm phán và Hội thẩm phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên Tòa để ra phán quyết. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.
4. Bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
5. Luật tố tụng, Luật thi hành án, qui định chi tiết thi hành điều 107, điều 108 chương này.

Điều 96

 1. Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các địa phương, Tòa án quân sự các cấp và lực lượng Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm Quân nhân theo luật định. Trong trường hợp do yêu cầu cấp thiết, Quốc hội có thể ra Nghị quyết (Nghị quyết sửa từ cụm từ quyết định trong dự thảo) thành lập Toà án đặc biệt.
2. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc xét xử của Tòa án địa phương và Tòa án quân sự; Ban hành văn bản áp dụng pháp luật tố tụng và quản lý điều hành hoạt động xét xử trong cả nước.

Điều 97 

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định. 
2. Chánh án Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chánh án các Tòa án khác báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân theo quy định của luật. 
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Thẩm phán; việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân do luật định. 

Điều 98

 1. Viện công tố Nhà nước là cơ quan tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thẩm quyền truy tố đối người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
 2. Viện công tố Nhà nước do luật định bao gồm: Viện công tố Tối cao, Viện công tố các địa phương và Viện công tố quân sự các cấp .
3. Viện công tố Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Điều 99

 1. Viện trưởng Viện công tố Tối cao do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện công tố Tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Viện trưởng các Viện công tố khác do luật định. 
 2. Viện trưởng Viện công tố Tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Viện trưởng các.

3. Viện trưởng Viện công tố địa phương báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân; Viện trưởng Viên công tố quân sự báo cáo công tác với thủ trưởng cấp trên theo luật định.


Điều 100


 1. Viện công tố Nhà nước các cấp do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện công tố cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện công tố cấp trên; Viện trưởng các Viện công tố cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện công tố Tối cao.

 2. Khi thực hành quyền công tố, Công tố viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện công tố cùng cấp.
 3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Công tố viên do luật định.  

CHƯƠNG IX
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 101

 1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
 Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
 Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
 Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.
Xã, phường, thị trấn chia thành khu vực dân cư.
 2. Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý.

Điều 102

1. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương. 
2. Uỷ ban hành chính là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.  
Chủ tịch Uỷ ban hành chính  và các thành viên Ủy ban hành chính chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban hành chính và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. 

Điều 103

Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

Điều 104

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban hành chính, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện công tố Nhà nước và thủ trưởng các cơ quan thuộc Uỷ ban hành chính. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản. 
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. 

Điều 105

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Uỷ ban hành chính cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan.
Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội động viên nhân dân cùng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

CHƯƠNG X
HỘI ĐỒNG HIẾN PHÁP, HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA, 
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC


Điều 106

 1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. 
 2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện công tố tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.

Điều 107

 1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
 2. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.  
 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.

Điều 108

 1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 2. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định.
 Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 
3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định. 

CHƯƠNG XI
HIỆU LỰC CỦA HIẾN PHÁP VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Điều 109

1. Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
2. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
 3. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.  

Điều 110

Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội hoặc Chính phủ có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;
 2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định;  
 3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp;  
 4. Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.  
Hiến pháp này đã được biểu quyết thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ…..khóa…..ngày ….tháng….năm…….
------------------------------------------
DƯỚI ĐÂY LÀ TOÀN VĂN DỰ THẢO
HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 1992 (SỬA ĐỔI NĂM 2013)
LỜI NÓI ĐẦU
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử .
Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ
Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 1)
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2)
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 3)
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân , thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình .
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5)
1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
Điều 6 (sửa đổi, bổ sung Điều 6)
Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Điều 7 (sửa đổi, bổ sung Điều 7)
1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Điều 8 (sửa đổi, bổ sung Điều 8)
1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Điều 9 (sửa đổi, bổ sung Điều 9)
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.
Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10)
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 11 (sửa đổi, bổ sung Điều 13)
1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật.
Điều 12 (sửa đổi, bổ sung Điều 14)
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Điều 13 (ghép và giữ nguyên các điều 141, 142, 143, sửa đổi, bổ sung Điều 145)
1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.
4. Ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
Điều 14 (giữ nguyên Điều 144)
Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
CHƯƠNG II: QUYỀN CON NGƯỜI, Q UYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50)
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 16 (mới)
1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52)
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều 18 (sửa đổi, bổ sung Điều 49)
1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác.
3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 19 (sửa đổi, bổ sung Điều 75)
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Điều 20 (sửa đổi, bổ sung Điều 51)
1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
2. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định.
3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
Điều 21 (mới)
Mọi người có quyền sống.
Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71)
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.
3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý.
Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73)
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.
Điều 24 (giữ nguyên Điều 68)
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70)
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69)
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63)
1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.
Điều 28 (sửa đổi, bổ sung Điều 54)
Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Điều 29 (sửa đổi, bổ sung Điều 53)
1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53)
Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74)
1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan , tổ chức , cá nhân .
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Điều 32 (sửa đổi, bổ sung Điều 72)
1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.
4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
Điều 33 (sửa đổi, bổ sung Điều 58)
1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57)
1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh.
2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh.
Điều 35 (sửa đổi, bổ sung Điều 67)
Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
Điều 36 (sửa đổi, bổ sung Điều 62)
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở.
Điều 37 (sửa đổi, bổ sung Điều 73)
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp.
2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56)
1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc.
2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64)
1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65)
1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61)
1. Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng.
Điều 42 (sửa đổi, bổ sung Điều 59)
Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Điều 43 (sửa đổi, bổ sung Điều 60)
1. Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật.
2. Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ.
Điều 44 (mới)
Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa.
Điều 45 (mới)
Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
Điều 46 (mới)
1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành.
2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Điều 47 (sửa đổi, bổ sung Điều 76)
Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
Điều 48 (sửa đổi, bổ sung Điều 77)
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định.
Điều 49 (sửa đổi, bổ sung Điều 79)
Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.
Điều 50 (sửa đổi, bổ sung Điều 80)
Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế.
Điều 51 (giữ nguyên Điều 81)
Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam.
Điều 52 (giữ nguyên Điều 82)
Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú.
CHƯƠNG III: KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, K HOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Điều 43)
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25)
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Điều 55 (sửa đổi, bổ sung Điều 24, Điều 26)
1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
Điều 56 (sửa đổi, bổ sung các điều 22, 23 và 25)
1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.
3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định.
Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18)
Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa , vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18)
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 59 (mới)
1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
2. Ngân sách nhà nước là thống nhất gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 60 (sửa đổi, bổ sung Điều 27)
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.
Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56)
1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.
2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40)
1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.
2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.
Điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67)
1. Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
2. Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước.
Điều 64 (sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34)
1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
2. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
3. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
4. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng , xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan.
Điều 65 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 37)
Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36)
1. Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
2. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.
3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp.
Điều 67 (sửa đổi, bổ sung Điều 37, Điều 38)
1. Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao trình độ quản lý, phát triển văn hóa, kinh tế tri thức, thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Nhà nước thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo khoa học, công nghệ.
3. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ.
Điều 68 (mới)
1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân.
2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích.
3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.
CHƯƠNG IV: BẢO VỆ TỔ QUỐC
Điều 69 (sửa đổi, bổ sung Điều 44)
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân.
Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định.
Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45)
Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Điều 71 (sửa đổi, bổ sung Điều 46)
Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Điều 72 (sửa đổi, bổ sung Điều 47)
Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điều 73 (giữ nguyên Điều 48)
Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
CHƯƠNG V: QUỐC HỘI
Điều 74 (sửa đổi, bổ sung Điều 83)
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84)
Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật ;
2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
3. Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
4. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước;
5. Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, danh sách thành viên Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia;
8. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;
10. Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;
11. Quyết định đại xá;
12. Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
13. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
14. Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế;
15. Quyết định trưng cầu ý dân.
Điều 76 (sửa đổi, bổ sung Điều 85)
1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm.
2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong.
3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp chiến tranh.
Điều 77 (sửa đổi, bổ sung Điều 92)
Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.
Điều 78 (sửa đổi, bổ sung Điều 90)
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên.
3. Số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội của mỗi khóa Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Ủy ban thường vụ Quốc hội mới.
Điều 79 (sửa đổi, bổ sung Điều 91)
Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội;
2. Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;
4. Đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
5. Lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội;
6. Hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân;
7. Quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
8. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
9. Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
10. Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;
11. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.
Điều 80 (sửa đổi, bổ sung Điều 94)
1. Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
2. Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.
4. Hội đồng dân tộc có những nhiệm vụ, quyền hạn khác như các Ủy ban của Quốc hội quy định tại khoản 2 Điều 81.
Điều 81 (sửa đổi, bổ sung Điều 95)
1. Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
2. Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật và dự án khác, báo cáo được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban.
3. Việc thành lập, giải thể các Ủy ban do Quốc hội quyết định.
Điều 82 (sửa đổi, bổ sung Điều 96)
1. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin hoặc giải trình.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo hoặc giải trình về các vấn đề mà Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu.
Điều 83 (mới)
Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.
Điều 84 (sửa đổi, bổ sung Điều 97)
1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu.
2. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.
3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Điều 85 (sửa đổi, bổ sung Điều 98)
1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.
3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.
Điều 86 (sửa đổi, bổ sung Điều 99)
Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội; nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 87 (sửa đổi, bổ sung Điều 100)
1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu; có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu.
3. Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Điều 88 (sửa đổi, bổ sung Điều 86)
1. Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.
2. Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.
3. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới được triệu tập chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.
Điều 89 (sửa đổi, bổ sung Điều 87)
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật trước Quốc hội.
Điều 90 (sửa đổi, bổ sung Điều 88, Điều 93)
1. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
2. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua.
CHƯƠNG VI: CHỦ TỊCH NƯỚC
Điều 91 (giữ nguyên Điều 101)
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Điều 92 (giữ nguyên Điều 102)
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước mới.
Điều 93 (sửa đổi, bổ sung Điều 103)
Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;
2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ;
3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;
4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;
5. Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
6. Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 75; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định.
Điều 94 (sửa đổi, bổ sung Điều 104)
1. Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn.
Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
2. Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội không thể họp được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt trong trường hợp có chiến tranh do Quốc hội giao.
Điều 95 (sửa đổi, bổ sung Điều 105)
Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ.
Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Điều 96 (giữ nguyên Điều 106)
Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 97 (giữ nguyên Điều 107)
Phó Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch ủy nhiệm thay Chủ tịch làm một số nhiệm vụ.
Điều 98 (giữ nguyên Điều 108)
Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch.
Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.
CHƯƠNG VII: CHÍNH PHỦ
Điều 99 (sửa đổi, bổ sung Điều 109)
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Điều 100 (sửa đổi, bổ sung Điều 110)
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng. Khi Thủ tướng vắng mặt thì một Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Điều 101 (sửa đổi, bổ sung Điều 112)
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1 . Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật , nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội , lệnh, quyết định của Chủ tịch nước ; t rình dự án luật , pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội , Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
2 . Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ công vụ; quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; phân công, phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ; kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; t rình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập mới , nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính lãnh thổ ; t ổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra , kiểm tra, chống quan liêu, tham nhũng , lãng phí trong bộ máy nhà nước và giải quyết khiếu nại, tố cáo ;
3. Bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
4. Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước;
5. Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo;
6. Thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
7. Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; theo ủy quyền của Chủ tịch nước đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 93; đàm phán, ký, gia nhập, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
8. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 102 (giữ nguyên Điều 113)
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ mới.
Điều 103 (sửa đổi, bổ sung Điều 114)
Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, là người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;
2. Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và chức vụ tương đương trong các cơ quan của Chính phủ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
3. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;
4. Chỉ đạo việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước, đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
5. Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.
Điều 104 (sửa đổi, bổ sung Điều 116, Điều 117)
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Điều 105 (sửa đổi Điều 115, Điều 116)
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của luật và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó.
Điều 106 (sửa đổi, bổ sung Điều 111)
Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.
CHƯƠNG VIII: TÒA ÁN NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Điều 107 (sửa đổi, bổ sung Điều 126, Điều 127)
1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
2. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt.
Điều 108 (sửa đổi, bổ sung các điều 129, 130, 131, 132 và 133)
1. Việc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp do luật định.
2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
3. Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định.
4. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp do luật định.
5. Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm.
6. Chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm.
7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp.
Điều 109 (sửa đổi, bổ sung Điều 134)
1. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác.
3. Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Điều 110 (sửa đổi, bổ sung Điều 128, Điều 135)
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chánh án các Tòa án khác báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân theo quy định của luật.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Thẩm phán; việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân do luật định.
Điều 111 (sửa đổi, bổ sung Điều 136)
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Điều 112 (sửa đổi, bổ sung Điều 126, Điều 137)
1. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
2. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
3. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Điều 113 (sửa đổi, bổ sung các điều 138, 139, 140)
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Viện trưởng các Viện kiểm sát khác báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân theo quy định của luật.
Điều 114 (sửa đổi, bổ sung Điều 138)
1. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Kiểm sát viên do luật định.
CHƯƠNG IX: CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 115 (sửa đổi, bổ sung Điều 118 )
1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.
2. Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý.
Điều 116 (sửa đổi, bổ sung các điều 119, 120, 123 và 124 )
1. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương.
2. Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Điều 117 (sửa đổi, bổ sung Điều 121)
Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
Điều 118 (sửa đổi, bổ sung Điều 122)
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Điều 119 (sửa đổi, bổ sung Điều 125)
Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan.
Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội động viên nhân dân cùng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
CHƯƠNG X: HỘI ĐỒNG HIẾN PHÁP, HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 120 (mới)
1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.
Điều 121 (mới)
1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
2. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
3 . Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.
Điều 122 (mới)
1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định.
Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.
CHƯƠNG XI: HIỆU LỰC CỦA HIẾN PHÁP VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Điều 123 (sửa đổi, bổ sung Điều 146)
Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
Điều 124 (sửa đổi, bổ sung Điều 147)
Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;
2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định;
3 . Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp;
4. Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
Bản Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ... , nhất trí thông qua trong phiên họp ngày ... tháng ... năm 2013, hồi ... giờ ... phút.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Sinh Hùng

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

TIỂU THUYẾT (Kỳ 2)


BẢO TÁP SÔNG KIÊN

(Tiếp theo kỳ trước)

Tác giả: Đoàn Công Tiện

Chương II

Mấy ngày nay mưa dữ dội, nước ngập cả thị xã, rút không kịp ra biển ứ lại, lênh láng trên mặt lộ hè phố. Cả khu Khám lớn này cũng ngập nước, nền nhà chật ních tù nhân. Nước lép xép, những người tù hầu hết đều mình trần trụi, cả những phụ nữ cũng cởi trần, chỉ có tấm khăn ướt quấn ngang che ngực. Số không bị còng chân khoen tay, thì chạy nhảy lung tung để chống lại cái lạnh, số đang bị còng khoen thì chỉ có ngồi và nằm. Nằm thì ngập nước còn ngồi thì tê buốt cả chân cẳng, ngồi mãi rồi cũng phải ngả người ra nằm một chút rồi lại ngồi dậy. Vẫn cái lạnh đến khó thở với mọi người, tưởng như lồng ngực của họ không mở ra được, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập.

Trong số những người bị còng, có một anh đã nghĩ ra cách chống lạnh. Anh nằm xuống rồi bật ngồi dậy ngay, rồi lại nằm và bật ngồi . . . Cứ động tác ấy anh làm đi làm lại liên tục, trông đến dễ cười, cái lạnh trong anh vơi đi, mọi người thấy thế làm theo. Mấy người phụ nữ cũng bắt chước làm, nhưng chỉ được vài cái đầu, đến cái thứ năm, thứ sáu thì không thể cất nổi cái mình trần trụi, vú móm lòng thòng ấy lên được. Một vài người khúc khích cười, rồi cả khám phá lên cười làm cho cái không gian vốn trầm lắng của nhà tù bổng trở nên ấm cúng, sôi động.

Ngoài trời mưa vẫn rơi ào ào trên mái tol, gió rít qua cửa sổ, thổi tạt những hạt nước lạnh như đá đông vào mặt, mũi, vào mình mẩy người tù. Trong tua gác, hạ sĩ Hận ngồi chồm hổm co ro trên chiếc ghế, ôm khẩu súng M 16 (*), một tay cầm quyển sách, cặp mắt mông lung hướng ra ngoài đường đầy nước, nghĩ ngợi điều gì đó . . .

Có tiếng còi xe rú vang, át cả tiếng ào ào của gió mưa. Một chiếc xe màu xám, từ hướng chợ băng băng chạy đến, nước hai bên bánh xe bắn lên tung tóe, xối sang hai bên đường, tưới váo mấy người đang nép trên lề làm họ nhảy vội vào trong rồi quay lại nói điều gì đó có vẻ giận dữ. Đến gần đường rẽ vào cổng, chiếc xe giảm tốc độ, nó quẹo vào rồi dừng lại trước cổng, mui nó kinh mít, bít bùng.

Hạ sĩ Hận đội kết bước ra khỏi tua gác, tay vẫn cầm cuốn sách, anh ta không đưa tay chào người thiếu úy đang ngồi trong buồng lái, mà vội nhảy lên thềm xe tránh mưa, rồi lên tiếng hỏi luôn:

- Bộ có tù hả thiếu úy?

- Ừ có! Toàn là mấy con mẹ già ở trỏng – Tên thiếu úy nhe hàm răng xỉa tiền ra đáp.

- Họ tội gì vậy? – Hận lại hỏi.

- Tội biểu tình làm loạn!

Tên thiếu úy không nhìn Hận mà ngó vào trong khám trả lời. Hắn nhăn cái mặt xương xẩu nói tiếp:

- Đ. má nó! Dân gì dữ như cọp! Cả trung đội cảnh sát dã chiến ra cản bắn trên đấu chát chát mà mấy bả không sợ, cứ tiến lại đằng dinh, mấy thằng cảnh sát quay báng súng lại đập, mấy bả giựt súng quăng lại rồi lấy đá chọi trúng mấy thằng phun đầu máu, cuối cùng cả trung đội bỏ chạy.

- Rồi sao bắt được? - Hận vẫn nhìn tên thiếu úy hỏi.

          - Sau đó thiếu tá mới huy động thêm một trung đội nửa với hai chiếc xe phun nước của đám cứu hỏa sang dinh, ổng điều luôn tụi tao ra quần với mấy bả . . . Tên thiếu úy đưa bàn tay lên khỏi thành xe, ngón cái chỉ vào ngực, hắn nói tiếp:

- Mày biết không, nhờ tao đó! Nhờ tao mới bắt được mấy bả chớ mấy thằng dã chiến ngu như bò, chẳng làm gì được mà còn bị giựt súng nửa chứ! Gặp mấy bà Việt cộng, mấy bả bắn chết mẹ hết. – Hắn tì tay vào thành xe ngả người ra nệm ghế chửi đổng:

- Đ. má mấy thằng dã chiến sao hiền quá hổng biết nửa! gặp tao hả, giựt súng tao như vậy là tao bắn chết mẹ hết rồi.

- Vậy mà sáng tới giờ tôi có hay gì đâu. – Hận phân bua.

Tên thiếu úy liếc nhìn quyển sách trên tay Hận, nói luôn:

- Đ. má mày mê tiểu thuyết biết cóc gì ngoài đó, tụi tao mệt muốn đứt hơi, quần hồi sáng tới giờ với mấy bả, mày ở trong này xướng quá!. . . ngon quá! . . .

Hắn cố kéo dài hai tiếng “xướng quá” “ngon quá” để khích Hận. Hạ sĩ khó chịu trước những lời lẽ thô tục của tên thiếu úy, anh hất hàm sang bên hỏi trống không:

- Bây giờ làm gì?

- Mở cửa cho vô – Tên thiếu úy đáp gọn lỏn.

- Cho xuống ngoài này rồi dẫn vô trỏng được không? – Hận lại hỏi hắn.

- Không được. mày cho xuống đây mấy bả chạy mất, mày vô ngồi tù thế chịu hông?

Hận nhảy xuống chạy vào tua gác, xách ra một xâu chìa khóa, có đến vài chục cái, to nhỏ, ngắn dài, tròn dẹp đều có đủ, nó khua leng keng theo từng nhịp bước của hạ sĩ. Hận đến cổng mở khóa rồi khom lưng đẩy hết sức cho từng cánh cổng khép sát vào tường, sau đó quay mặt ra chiếc xe, mặc cho những giọt mưa xối vào lưng vào đầu, anh ta đưa hai tay ra hiệu cho xe lăn vào. Chiếc xe từ từ trườn lên thềm cổng vào trong sân nước, nó quay đầu sang một bên, tạo ra những lượn sóng xô vào tường nhà khám.

Mọi người tù trong khám lúc này đều đứng dậy cả. Số bị còng chân khoen tay, cũng ráng lết lại cái lỗ thông hơi phía dưới cửa sổ để nhìn ra, mặc cho nước mưa tưới vào. Có năm, sáu người chạy ra sân . . . Tất cả đổ dồn ánh mắt về chiếc xe đang rùng rình tiếng máy.

Hạ sĩ Hận chạy xùm xùm ra phía sau nhưng cửa xe đang khóa. Anh ta lại chạy ra phía trước, quần áo ướt sũng cùng với đôi giầy nặng trịch, làm mất đi cái vẻ uy nghiêm của một nhân viên cảnh sát trước mặt mọi người. Tên thiếu úy vẫn ngồi trong buồn lái, hắn móc chùm chìa khóa ló đầu ra đưa cho Hận rồi nói:

- Thiếu tá dặn nhốt hết vào biệt giam, mỗi phòng một bà.

Hạ sĩ bước từng bước ra phía sau có vẻ nặng nhọc bởi đôi giầy sủng nước dưới chân.

Mưa tạnh dần, bầu trời hơi cao và sáng hơn ban nãy, gió rít vù vù qua đường dây cáp điện. Tiếng ì ì đằng xa vọng lại, không biết đó là tiếng người biểu tình hay tiếng biển động? Lâu lâu lại vang lên tiếng súng “Cắt pụp . . .cắt cắt . . . pụp pụp” hướng đằng chợ, nghe đặc sệt trong bầu không khí ứ đầy mây nước.

Hạ sĩ tra chìa khóa, cửa xe mở, mấy người đàn bà từ từ lết ra, họ ở độ tuổi trên dưới năm mươi, có người sáu mươi, sáu mươi ngoài, quần áo đều bị ướt và đều bị trói trật khuỷu tay ra sau, nối liền người này với người kia bằng một sợi dây ni long trắng đục. Người phía trước bước xuống, giằng kéo người phía sau ngã theo, khó khăn lắm họ mới xuống dược sân nước. Trong xe tối om, còn lại mấy người, hạ sĩ chưa cho xuống ngay mà lại mở trói cho số người đã xuống rồi dẫn vào nhà giam. Sau khi đưa xong mấy người vào khám, Hận quay lại gọi tiếp mấy người còn lại trên xe. Người thứ nhất rồi kế đến người thứ hai nhảy xuống, tay họ vẫn bị còng nhưng không buộc dính liền như tốp người lúc nãy. Bổng . . . Hận nhận ra người quen trong số người vừa bước xuống. Đó là bà Hai Kỹ, người đã từng cưu mang, cứu giúp mẹ con Hận trong những năm hoạn nạn ở Xép nhỏ. Hận hỏi khẻ bà Kỹ:

- Bác cũng bị bắt nửa à?

Bà Kỹ nhìn Hận rồi hỏi:

- Cháu là ai mà biết bác?

- Cháu là Hận, má con là Mùi, bác nhớ chưa? – Hận đáp nhanh.

- À! Thì ra cháu là . . . Đột nhiên, bà quay mặt đưa hai tay bị còng chỉ vào trong xe nói:

- Cô Tám cháu cũng bị bắt, cô cháu bị đánh nặng lắm, ngồi không được, đang nằm trong ấy, cháu lên dìu cô xuống đi!

Hận hoảng hốt nhảy vọt lên, chui vào trong xe. Trong bóng tối, Hận quờ quạng tìm bà Tám. Bà tám nằm tận đầu trong, nghe có tiếng người đến gần, bà chậm rãi hỏi, tiếng bà nghe mệt nhọc:

- Ai . . . đó?

- Dạ, con đây! Hận đây! Cô Tám có sao không?

Bà Tám khóc nấc lên, vừa khóc vừa kể:

- Hận ơi! . . . Trời ơi!. . . dượng Tám con chết rồi . . .ư!. . .ư! . . . ông ơi! . . ba thằng Hớn ơi! . . . ông chết rồi tôi sống với ai đây! . . . Trời ơi là trời! . . . con chết rồi giờ chồng cũng chết, làm sao tôi sống được nè trời! . . .

- Sao dượng Tám chết vậy cô? – Hận xúc động hỏi cô tám, tiếng Hận lạc đi.

- Còn sao nửa . . . dượng Tám con đang cày ngoài ruộng, máy bay nó đến nó bắn . . . Trời ơi! . . . hết giết con rồi lại giết chồng, quân gì mà tàn ác quá nè trời! . . .

Tiếng kêu khóc, kể lể của bà Tám nghe thảm  thiết, não ruột, như muốn phá tan bầu trời nặng trĩu mây nước. Trong khám kẻ ngồi người đứng, im lặng, mắt họ đỏ hoe. Mấy người đàn bà không chịu nổi, sụt sùi khóc theo bà Tám . . .

Hận khom người bồng bà tám ra cửa xe, mấy người tù đứng gần chạy lại, đưa những tấm lưng trần trụi đỡ lấy bà Tám rồi để bà đứng xuống đất. Bà Tám không đứng nổi khuỵu chân ngả ra sân, nước táp vào ngực, vào mặt bà. Hạ sĩ quýnh quang nhảy xuống xe, mấy người tù xúm lại đỡ bà dậy. Bà Tám thở hổn hển, ngột ngạt, da mặt tái xám. Có tiếng một người tù nói to: “Bà già xỉu rồi, kiếm dầu gió mau lên!”, rồi có anh chạy vào chỗ mấy người đàn bà đang bị cùm chân, mấy chị lột khăn đưa cho anh . . .

Đằng trước có tiếng vọng lại của tên thiếu úy:

- Rồi chưa? Đ. mẹ ở đó khóc lóc, kể lể! vào đây rồi biết thân.

Chẳng ai để ý đến câu nói của nó, mọi người đều xúm xít bên bà Tám. Má Hai (tức bà Kỹ) bước lại kêu mọi người:

- Đem bà Tám lên chỗ khô, mau lên!

Bà Tám được mọi người khiêng để nằm trên thềm xi măng ngay giữa cổng khám, người thì lau bằng khăn, người xoa bàn tay, người bóp, người vỗ . . . cố làm cho bà Tám tỉnh lại.

Má Hai đến bên, khom người xuống đưa tay sờ lên mặt bà Tám. Má hỏi:

- Có sao không chị Tám? Tôi nè! Hai Kỹ nè!

Bà Tám vẫn im thin thít. Mọi người nhìn bà lo lắng.

Trong sân khám, hạ sĩ Hận đứng lặng thinh hướng về bà Tám mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt lăng dài trên má . . . Trong buồn lái, tên thiếu úy trườn người ra khỏi cửa xe, ngoái lại nhìn Hận lên giọng:

- Sao không lại đó coi con mẹ lớn họng ấy chết chưa mà đứng như trời trồng vậy?

Hạ sĩ Hận quay lại, đưa cặp mắt giàn giụa nước mắt ngó thẳng vào mặt tên thiếu úy. Vẫn cái giọng hách dịch của hắn:

- Tao biểu mày lại đó coi con mẹ đó chết chưa nghe không?

Hạ sĩ quay đi, nhấc từng bước nặng nhọc trong đôi giầy đẫm ướt, mặt nước xao động, trong lòng nó cũng xao động, nỗi đau xót xen lẫn sự bực dọc. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, nó cảm nhận được nỗi đau xót trước cảnh mất mát của người thân và dường như nó cũng ý thức được cái nhục của kẻ hạ cấp.

Mọi người vẫn xoa, vẫn bóp cho bà Tám, má hai vẫn gọi bà tám bằng chất giọng lơ lớ tiếng miền Bắc nghe thật âu yếm thân thương. Trong nhà khám mọi người bị còng chân không ra được cũng lo lắng chỉ dẫn nói vọng ra: “Ráng bóp cho dữ . . . giật gió hai bên cạnh hàm cho nhiều . . . vỗ dưới nhượng chân cho nhiều . . . chừng nào thấy da bầm tím mới được . . .”

Tất cả mọi người đều lo cho bà tám, giống như nhũng người hàng xóm lo cho nhau khi có người lâm bệnh nặng thường thấy ở quê. Người thì đưa thêm chiếc khăn khô, người đưa thêm chai dầu gió hay hộp dầu mỡ . . . Tất cả đều mong bà tỉnh lại.

Tên thiếu úy giương cặp mắt cau có nhìn vào đám người đang lom khom ở cổng, ra lệnh:

- Khiêng ra chỗ khác, cho xe ra – Hắn thúc cùi chỏ vào hông người tài xế ra hiệu cho xe chạy.

Chiếc xe rú lên nhả từng cụm khói đen đặc. Nó lùi lại lùa nước tràn vào cửa khám, ùa lên mọi người đang bị cùm. Chiếc xe hầm hập bò ra.

Hạ sĩ hận đang lom khom bên mọi người, bổng quay phắt lại đứng thẳng người giang hai tay ra. Chiếc xe dừng lại, vẫn cái giọng rang rảng của tên thiếu úy ngồi trong xe:

- Tao thấy mày mềm lắm rồi đó! Cảnh sát gì như con nít vậy? có phải mẹ mày đâu mà mày khóc.

- Cô ruột tôi đó! – Hận chỉ tay vào bà tám.

- Cô thì cô chứ. Ai biểu nghe lời Việt cộng ra đây làm loạn.

Hận nóng rang lỗ tai:

- Tôi hỏi thiếu úy, ai đánh cô tôi?

- Tao đánh đó! Được không?

- Tao dộng mày chết mẹ luôn!

Nói xong, Hận lột cái kết đang đội trên đầu quăng xuống nước, hai tay nắm hai vạt áo giật tung ném vào tua gác, nó bước xùm xùm lại chiếc xe, có mấy người lính ở đâu gần đó chạy lại xem, rồi có tiếng cất lên: “Đ.mẹ thằng Thẹo hả? đánh cho nó chết mẹ đi Hận! Đ.mẹ tao tiếp nửa, giồng cái thứ làm phách! Người ta là dân, có bắt người ta thì cũng đàng hoàng . . . Đánh cho bỏ cái thói hóng hách của nó . . . làm đi Hận! tao tiếp.”

Hận lao lại cửa buồng lái, tên thiếu úy rút đầu vào trong xe, hắn móc khẩu súng cầm chĩa ra ngoài hăm dọa:

- Mày bước tới nửa tao bắn mày nát sọ!

Có tiếng của mấy người lính: “Đố mày dám bắn thằng Hận đó? Mày bắn nó tụi tao cho mày ăn lựu đạn, ngon chơi đi?”

Có mấy người tù bỏ bà Tám, lao theo ôm Hận lôi lại. Má Hai bước theo đưa hai tay bị còng lên khẽ đập vào vai Hận, khuyên:

- Bình tỉnh đừng nóng cháu! Nghe lời bác, đừng nóng cháu!

Hận giẫy giụa:

- Buông tôi ra, bà nội nó cũng không dám bắn tôi đâu! Buông tôi ra, tôi đập cho nó một lần cho nó biết tay tôi!

Người lái xe rú còi mấy tiếng, tên thiếu úy vẫn lăm lăm khẩu súng trong tay:

- Tao báo cáo với thiếu tá cho mày biết thân.

- Mày báo với ông tỉnh trưởng tao cũng không sợ nửa. Giỏi đi báo đi, tao thách mày đó. Đồ nịnh!

Hận bực tức trong vòng tay mọi người, nó giương cặp mắt đỏ ngầu nhìn tên thiếu úy.

- Giang ra không, tôi cán chết mẹ hết bây giờ! - Tên thiếu úy hất hàm về phía mọi người còn đang vây quanh bà Tám.

Người tài xế lại túc còi inh ỏi. Một người tù xốc bà Tám bồng vào trong, mấy người kia cũng gom góp khăn áo bước theo. Má Hai đứng nép sát cổng nhìn Hận thương hại. Chiếc xe rú còi lù lù bò ra, mặt tên thiếu úy hầm hầm, hắn ngó vế trước xe, răng cắn chặt làm cho đôi quai hàm của hắn nổi lên gân guốc, xương xẩu.

Tiếng động cơ lẫn tiếng còi xe nhỏ dần rồi chìm trong tiếng gào rít của gió bão. Ngoài kia, cái âm hưởng ì ào có lẽ là tiếng của người biểu tình quyện trong âm thanh của sóng biển, từng hồi, từng hồi dội lại. Khoảng trời khu khám đã tan các đám mây đục nước nhưng ngoài khơi, những áng mây chì đậm đặc lại sà thấp theo gió bay vào.



(*) Loại súng tiểu liên cực nhanh của Mỹ



(Còn nửa)

-----------------------------------------

Nhà xuất bản QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN in và phát hành năm 2001

 Sông Kiên tháng 7-2013

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

NGÀY VUI CHÁU DŨNG (Ảnh sự kiện)

NHỮNG HÌNH ẢNH NGÀY VUI CỦA CHÁU
HUỲNH NGỌC DŨNG

Sau nhiều năm mưu sinh ở xứ người (nước Đức), được sự tác hợp của thân tộc hai bên, nay cháu về xây dựng gia đình trên quê hương của chính mình.








Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

BERLIN - MÙA THU VÀNG (Ký sự ảnh 3)


BERLIN - MÙA THU VÀNG (3)
Khi hoàng đạo mặt trời dịch chuyển về phía nam bán cầu thì không khí từ phương bắc tràn về bao phủ một màu vàng óng ánh trên mỗi vòm cây cổ thụ và gieo cái lạnh hanh hao bao trùm lên thành phố Berlin thơ mộng của nước Đức.
          Với tôi, đây là lần thứ hai trong đời được ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ dịu của phong cảnh. Lần thứ nhất vào năm 1966, máy bay Mỹ rải chất hóa học diệt cỏ ở quê tôi. Trước khi trút lá, những vườn cây xanh thẩm bổng biến thành một tấm thảm vàng rực bao phủ cả một vùng rộng lớn trên tuyến sống Cái lớn thuộc huyện Gò Quao (Kiên Giang).
          Màu vàng ấy đã đi vào ký ức tuổi thơ và đeo bám với tôi trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt. Hôm nay, sau 45 năm, tôi lại được chiêm ngưỡng cái màu vàng tuyệt dịu ấy, nhưng nó không còn là màu của sự hủy diệt, mà là màu của sức sống hòa bình đang ngự trị trên một quốc gia giàu có ở cực bắc xa xôi này. Trong tôi hôm nay cũng không còn ám ảnh cái màu chết chóc tang thương của những năm bom gầm đạn rú; màu vàng ấy đã khơi dậy một niềm tin của tình hữu nghị giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên trái đất này.
-----------------------------
Nhân chuyến công tác tại Berlin tháng 11 năm 2010. 

NHỮNG KHU PHỐ SANG TRỌNG













Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

NHỚ NGÀY BÁC MẤT (Thơ)

         
 

       Ngày ấy (04-09-1969), qua sóng phát thanh đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được tin Bác mất, một nỗi đau quá lớn đối với những người chiến sĩ giải phóng chúng tôi. Đến nay, hơn 40 năm trôi qua, cứ mỗi lần nhớ lại thời khắc ấy, tôi lại thấy nhói lên nỗi đau trong tim.

ĐCT xin ghi lại cảm xúc của mình qua những vần thơ sau đây:

-----------------

NHỚ NGÀY BÁC MẤT

    Đoàn Công Thiện
Một sáng tháng chín.
Đài báo tin Bác mất.
Cả đại đội khóc nhòa nước mắt.
Đồng Bới Lời (*)
Mưa rắc trắng
Một màu tang.
Cả cuộc đời cực khổ gian nan.
Bác dành trọn cho dân cho nước.
Đích thắng lợi, đến gần phía trước.
Bác đi rồi, đâu thấy được ngày vui.
Nỗi đau này, mãi mãi không nguôi.
Chúng con nguyện, không lùi mộ bước.
Đường đã vạch, quyết tiến lên phía trước.
Đập cho tan, lũ xâm lược hung tàn.
Nén đau thương, chúng con vào trận.
Cứ điểm Thứ Mười Một (**)
Cả Trung đoàn
Tiến quân ào ạt.
Bọn Lữ đoàn, tan tác phơi thây.
Pháo gục nòng.
Tàu sắt cháy, ngút trời mây (***)

Bác đi từ ấy đến nay.
Thời gian điểm
Một trăm bốn mươi ngàn ngày có lẻ.
Dẫu bao đổi thay dâu bể.
Lòng chúng con vẫn kề cận mãi bên người.
-------------------
(*) Địa danh thuộc xã Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Kiên Giang.
(**)Địa danh thị trấn huyện An Minh, Kiên Gang ngày nay.
(***) Trận tập kích cứ điểm Lữ đoàn A thủy quân lục chiến ngụy trong đêm 5 rang 6 tháng 11 năm 1969, giết và làm bị thương trên 600 quân, bắn cháy 10 tàu chiến, phá hủy 6 khẩu pháo.