Năm 1974, không khí chiến trường rất khẩn trương, lúc đó chúng tôi đang ở huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, lệnh cấp trên điều chúng tôi phải gấp rút quay về Cầu Kè. Nếu đi bộ phải mất hai, ba đêm mới tới, nên chỉ huy tổ chức cho chúng tôi hóa trang đi công khai bằng ghe.
Chiếc ghe chở chúng tôi trọng tãi chừng 5 tấn, cắm cờ "3 sọc" (cờ của chính quyền Sài Gòn) chạy giữa sông. Trên ghe có khoản bảy, tám người chúng tôi gồm anh em ở Tiểu ban Quân y của Trung đoàn (và cũng là đội phẫu thuật dã chiến), do Bác sĩ Vũ Phong Hàn chỉ huy, được trang bị súng AK và một súng B40.
Tuyến chúng tôi đi phải qua căn cứ của đối phương đóng tại căn cứ Cầu Quan (bến phà Đại Ngãi phía Trà Vinh - trong ảnh), nơi đây lúc nào cũng có tàu chiến sẵn sàng tiếp cận, khám xét các tàu ghe qua lại nếu chúng nghi vấn. Đối diện với căn cứ Cầu Quan, phía bên Cù Lao Dung cũng có một đồn của chúng án ngữ ven sông.
Khi đi, phương án đặt ra là: nếu chúng nghi ngờ bắn súng kêu ghé, ta cứ cho ghe chạy bình thường, nếu chúng cho tàu chiến đuổi theo, ta đợi chúng chạy đến thật gần, dùng súng P40 và AK bắn thẳng vào tàu của chúng rồi mở hết tốc độ cho ghe chạy vào bờ....
Theo hợp đồng, phía bên Cù Lao Dung, một tổ của Đại đội vận tãi Trung đoàn đang đóng bên ấy, khi ghe chạy ngang thì dùng súng P41 và tiểu liên bắn vào đồn để thu hút chúng đối phó, cho ghe chúng tôi vượt qua.
Hôm ấy ghe chúng tôi chạy ngang căn cứ Cầu Quan không thấy bọn lính bắn súng kêu ghé, và phía Cù Lao Dung, tổ vận tãi cũng nổ súng đúng theo hợp đồng, chúng tôi vượt qua căn cứ của chúng về đến căn cứ an toàn.
Đại Ngãi - Cầu Quan hôm nay là một đầu mối giao thông nối liền hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, phà xe qua lại nhộn nhiệp. Sông Hậu vẫn như xưa, đặc quánh phù sa, mênh mông xuôi dòng đổ ra biển Đông muôn thuở.
--------------
Ảnh chụp sáng ngày 18-06-2017