Năm thằng là Lính Quân y
Đã từng nếm trải gian nguy một thời
Chiến tranh bom đạn tơi bời
Bên nhau đồng đội sống đời Chiến binh
Hôm nay trong cảnh thanh bình
Vẫn như thuở ấy nghĩa tình vẹn nguyên
-------------
(Từ phải qua: ĐCT, Võ Văn Bé, Phạm Tấn Sơn, Nguyễn Minh Chiến và Đặng Tiến Dũng. Ảnh chụp ngày 05-10-2018 tại nhà anh Nguyễn Minh Chiến, Tân Dân, Đầm Dơi, Cà Mau)
Chúng tôi đều là những người Lính Quân y thuộc Trung
đoàn 1, U Minh QK9. ĐCT vá Võ Văn Bé làm Y tá cho đến ngày hòa bình xin phục
viên rời khỏi Quân ngũ; Phạm Tấn Sơn là Dược tá trong chiến tranh, sau hòa bình
đi học Dược sĩ về làm Hiệu trưởng trường Dược tá QK9, sau khi ra Quân tiếp tục
học Dược sĩ cao cấp (Bác sĩ Dược) nhưng không theo nghề mà sang làm Phó giám
đốc Sở Công nghiệp Hậu Giang cho đến ngày nghỉ hưu; Anh Nguyễn Minh Chiến,
trong chiến tranh được đưa đi học Dược sĩ về phụ trách Dược chính của Trung
đoàn, tham gia chiến trường Camphuchia sau đó được ra Quân về quê làm anh Nông dân vui với con tôm cây lúa; Đặng Tiến Dũng, thời
đánh Mỹ làm ý tá, khi sang chiến trường Camphuchia được đi học Y sĩ về tiếp tục
phục vụ trong đội phẫu thuật của Trung đoàn cho đến ngày về nước và chuyển
ngành . . . Mỗi chúng tôi đều có những sự kiện vui có, buồn có đã trở thành những kỹ niệm
không thể nào quên được. Có hai sự kiện xin kể các bạn xem nhé.
Chuyện thứ nhất.
Khoản năm 1971 hoặc 1972, trên chiến
trường Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay, anh Võ Văn Bé suýt chết trong
trận B 52 ném bom vào khu vực đóng quân của đội Phẫu thuật tại kênh Ba Lào. Sáng
hôm ấy khi phát hiện B 52 trút bom một số người hô chạy, nhưng anh Bé không
chạy mà ngồi ép sát vào một công sự nổi, thì một loạt bom rơi xuống, một trái
nỗ hất một khối đất chôn ép anh vào thành công sự. Có hai người nhảy xuống mương nước gần đó không bị đất đè phát hiện anh bị chôn chạy lại moi kéo anh ra, anh bị ngất một lúc
sau mới tỉnh lại. Hôm đó hai người kêu
anh chạy là hai anh Y sĩ (anh Chín Cát và anh Tư Lùn) đều bị chết do chạy vào
đúng chỗ bom nổ, nếu anh Bé chạy theo chắc chắn cũng không thể sống được. Bây giờ anh bị điếc đặt là do trai bom ấy.
Chuyện thứ hai:
Năm 1974, Trung đoàn về hoạt động trên
chiến trường Vĩnh Trà (Trà Vinh Vĩnh Long ngày nay), bộ phận Dược đóng quân tại
rạch Bần Chát, huyện Cầu Kè thuộc địa phận Trà Vinh. Không hiểu vì cớ gì mà có
một bà trên 50 tuổi, ở khu vực đóng quân, có chồng con đang hoàng, lại mê
muội anh bạn chúng tôi chỉ có 25 tuổi (vì tế nhị xin không nêu tên). Bà ta
yêu đến mức rơi vào trạng thái hoang tưởng nặng nề (bị tâm thần). Cứ sáng hoặc chiều, bà bơi
xuồng đến trước chỗ đóng quân, đậu dưới con rạch rồi gọi anh bạn tôi liên tục và thốt lên những lời
yêu đương kỳ quặc, khiến anh bạn của chúng tôi phải khổ sở lánh mặt mỗi khi bà ta đến.
Sau sự kiện đó chúng tôi hay trêu anh có số đào hoa nhất Việt Nam
này. . .
Hy vọng những mẫu chuyện trên, sẽ giúp các bạn hiểu thêm về những người lính chúng tôi trong thời chiến.