Ký của Đoàn Công Thiện
Cơ duyên
đưa tôi đến với mẹ Hui từ người con gái út của mẹ, cô Đoàn Thị Út. Do có việc
có liên quan đến pháp lý, Út đến nhờ tôi giúp đỡ, khi biết tôi cùng họ Đoàn và
là bộ đội trong chiến tranh (qua các bức ảnh trưng bày trên bàn), cô bộc bạch
tâm sự: Em cũng họ Đoàn, em có bốn anh trai
đi bộ đội thì hai anh đã hy sinh thời chống Mỹ đến giờ vẫn chưa tìm được mộ,
hai anh còn lại cũng đều bị thương đã có gia đình riêng; Ba chết đã lâu, má
trên tám mươi tuổi đang sống với em, ngày ngày má cứ mong mỏi tìm được mộ các
anh . . .
Dẫu mới
biết, mới quen, nhưng qua cử chỉ, giọng điệu trong lời tâm sự của Út, tôi hiểu
đó là những điều chân thật tự đáy lòng mà cô muốn giải bày cùng tôi. Dường như
trong lời kể ấy, còn ẩn chứa sự khát khao cháy bỏng về tình ruột thịt mà bấy
lâu nay chiến tranh đã cướp mất, để cô phải sống trong sự trống vắng khôn cùng
của hai người anh thân yêu trong mái ấm gia đình. Dẫu mới biết, mới quen, nhưng
những cử chỉ và giọng điệu ấy, có điều gì đó rất gần, rất thân thiết như người
thân thuộc nhất của tôi.
Rồi một
ngày tôi đến thăm mẹ. Con đường dẫn tôi về quê mẹ được trải bê tông bằng phẳng
len lỏi dưới những hàng dừa, rặng chuối xum xuê. Xa xa những tấm thảm lúa đang
độ xuân thì xanh ngắt . . . Một khung cảnh thanh bình mà cách nay hơn ba
mươi năm, tôi và các con của mẹ cùng bao đồng đội khác của tôi, phải đánh
đổi tất cả tuổi thanh xuân để có được. Nhà mẹ tuy không khang trang nhưng được
xây tường, lợp mái tôL, lát gạch bông sạch đẹp. Trong nhà cũng có đủ tiện nghi
cho cuộc sống của gia đình ở mức trung bình. Mẹ khoe: Căn nhà do Nhà nước
cấp tiền nhưng không đủ, các con phụ giúp thêm mới được như vậy. Tiền hằng
tháng hai xuất liệt sĩ non hai triệu, đủ tiền trầu cau, đường sữa . . . Kể
ra thì mức sống của mẹ như vậy cũng thỏa mãn rồi, chủ trương của Đảng: Phấn
đấu làm sao cho mức sống của gia đình thương binh liệt sĩ phải bằng hoặc cao hơn
mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú đã trở thành hiện thực đối với
mẹ, chỉ có điều: Hài cốt hai liệt sĩ con của mẹ vẫn chưa về với mẹ.
Lúc mới
đến, gặp tôi mẹ mừng lắm! mẹ không cho tôi ngồi dưới gạch tiếp mẹ mà bắt phải
vào nhà, mặc dù tôi vẫn muốn ngồi với mẹ ở ngoài này, để mẹ khỏi phải đi lại
khó khăn (mẹ đang ngồi trên võng). Rồi mẹ gọi Út, gọi chị của Út, gọi các cháu
lại giới thiệu tôi cùng họ với mọi người. Mẹ nói với tôi: Mày trước cũng là
bộ đội, tao gặp mày như gặp lại hai thằng con tao rồi, đôi mắt mẹ rươm
rướm nhìn vào xa xăm như tiếc nuối điều gì đó. Tôi nhận ra bao nỗi niềm da diết
với các con, với một quá khứ bi hùng mà mẹ đã trải qua, còn đọng lại sâu thẳm
trong ánh mắt già nua của mẹ.
Theo
thông lệ, tôi đến thắp nén nhan cuối đầu mặt niệm trước bàn thờ. Trong hai tấm
bằng Tổ quốc ghi công, một ghi tên Đoàn văn Thành, một ghi tên Đoàn Văn Hồng.
Anh Thành hy sinh tháng 2 năm 1968, anh Hồng hy sinh tháng 4 năm 1968. Trong
vòng ba tháng, mẹ mất liền hai người con thân yêu, có nỗi đau nào đau hơn đối
với mẹ? Hỏi mẹ các anh công tác ở đâu, mẹ cho biết: Anh Thành ở Tiểu đoàn 207,
thuộc tỉnh đội Kiên Giang, còn anh Hồng ở Tiểu đoàn 307, bộ đội chủ lực.
Một sự
trùng hợp ngẫu nhiên hiếm có đối với tôi, anh Hồng đã cùng Trung đoàn (Trung
đoàn 1 U Minh Quân khu 9). Tôi gọi ngay điện thoại cho một số anh trước đây ở
Tiểu đoàn 307 với hy vọng có người biết trường hợp hy sinh của anh Hồng, may ra
biết được mộ, nhưng chưa ai có thông tin về anh. Thời gian trên 40 năm, quá lâu
rồi, hơn nửa, nếu anh Hồng chỉ mới vào bộ đội một vài tháng rồi hy sinh, thì
khó có thể có người còn nhớ anh. Dẫu sao, tôi vẫn mong một ngày nào đó sẽ gặp
được người biết về anh.
Trưa hôm
ấy mẹ mời cơm. Như với người con đi xa mới về, mẹ bảo Út làm bửa cơm khá thịnh
soạn, có đủ các món giò heo hầm, lòng xào, vịt kho ăn với bún. . . Tôi hiểu, ở
quê những món ăn như thế là sang lắm! và với mẹ, những món ấy phải hao đi một
khoản tiền không ít, thật tình tôi rất ái ngại. Ái ngại chỉ vì tôi cùng họ với
các con của mẹ, mà gia đình quá ưu ái đối với tôi.
Trong bửa
cơm ấy, mẹ kể nhiều về các anh con của mẹ, về một thời bám trụ nuôi chứa cán
bộ. Ngoài anh Thành và anh Hồng ra, mẹ còn hai anh nữa cũng đều đi bộ đội và
đều bị thương. Sau khi anh Thành hy sinh không lâu, một lần có một người con
gái mẹ chưa từng gặp, đã tìm đến nhà thưa với mẹ rằng: chị là người yêu của anh
Thành và nhận mẹ là mẹ chồng, chị ở với mẹ vài ngày rồi đi không thấy quay lại
nửa.
Mẹ nói,
nước mắt lưng tròng: Con bé đó tốt quá, chưa thành vợ thành chồng với thằng
Thành mà nó đến nhìn nhận con trong gia đình, tao thương nó quá! nhưng không
hiểu sao nó không quay lại thăm tao? Không biết nó ở đâu, còn sống hay cũng hy
sinh rồi?
Mẹ khóc,
những giọt nước mắt chảy ra từ hai khóe mắt nhăn nheo của mẹ. Cả nhà lặng đi,
tôi cũng lặng theo. Trong thời buổi mà con người vì cuộc sống mưu sinh, vì đam
mê vật chất, không ít những kẻ bán mất lương tri, quên đi nhân nghĩa, thì cái
tình cái nghĩa cao cả của mẹ Hui, là một tấm gương ngàn lần trong sáng.
Nắng
chiều xế bóng, tôi phải từ giã mẹ ra về. Với chiếc gậy tre rung rung trong tay,
tôi nghe lời tiễn biệt của mẹ lắc lay trong gió: Mày đi nhớ về ghé lại thăm
tao, tao nhớ mày lắm đó.
Cảm ơn mẹ
Hui. Một khoảnh khắc bên mẹ, một bửa cơm chân quê của mẹ đã cho tôi gặp lại
hình bóng mẹ tôi, hình bóng ngoại tôi và hình bóng của bao bà mẹ khác, những bà
mẹ một thời đã ân cần chăm chút cho chúng tôi, người chiến sĩ Giải phóng quân
trên những nẻo đường kháng chiến.
* Đã đăng trên Báo Kiên Giang ngày 22-02-2013 và trên
Tạp chí CHIÊU ANH CÁC số 106 tháng 04 năm 20013