Translate

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

ĐẠO ĐỨC LUẬT SƯ (Bài viết)

 ĐẠO ĐỨC LUẬT SƯ LÀ NHỮNG CHUẨN MỰC CỦA ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
(Đã đăng trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn LSVN và Báo Kiên Giang)
Đoàn Công Thiện
Với tư cách là hình thái ý thức, đạo đức có vai trò điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong mọi mối quan hệ xã hội. Đạo đức cách mạng là một hình thái ý thức được phát triển trên cơ sở học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, có nội dung định hướng con người hành xử theo những chuẩn mực tiến bộ, bảo đảm sự hài hòa lợi ích chung trong xã hội. Ở nước ta, phạm trù đạo đức cách mạng chứa đựng những giá trị truyền thống mang tính nhân văn cao thượng, được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là sự kết tinh bằng xương, bằng máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được nâng lên tầm cao mới, là hành vi ứng xử của mỗi người vì mọi người, trong đó lợi ích cá nhân, lợi ích bộ phận, phải nằm trong lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Đạo đức luật sư là một dạng hình thái ý thức đặc thù do tính chất nghề nghiệp quyết định, nhưng vẫn là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đạo đức luật sư có thể khái quát trong những nội dung chính sau đây.
Trước hết, Luật sư phải là người trung thành với Tổ quốc, với lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia, dân tộc; đó là nguyên tắc tối thượng trong ứng xử của người Luật sư khi hoạt động hành nghề cũng như trong mọi hoạt động khác, chỉ khi nào người Luật sư biến ý thức vì lợi ích quốc gia, dân tộc trở thành tình cảm cá nhân mình và thể hiện nó trong thực tiền hành động, thì khi đó mới có thể nói là người Luật sư chân chính. 
Tuyệt đối tuân thủ pháp luật, là một nguyên tắc bắt buộc đối với mỗi Luật sư khi hành nghề; Ngoài chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật còn là những chuẩn mực cao nhất của đạo đức; do đó, tuân thủ pháp luật là yêu cầu mang tính tất yếu trong quá trình hành nghề; Mặt khác, Luật sư là người am hiểu pháp luật hơn ai hết, là người có tư duy pháp lý sâu sắc, do đó tuân thủ pháp luật phải là một hành động tự giác của quá trình rèn luyện đạo đức Luật sư.
Luật sư phải có lòng nhân ái và nhân đạo cao cả; Nhân ái và nhân đạo là truyền thống ngàn xưa của dân tộc ta, nó biểu hiện sự thiện cảm, bao dung và vị tha của con người Việt Nam; Do đặc thù nghề nghiệp, Luật sư có điều kiện tiếp cận với những nỗi đau, cái ác và điều xấu trong xã hội, ở đó đức tính nhân ái và lòng nhân đạo của con người sẽ được bộc lộ, người Luật sư phải cảm nhận nổi đau của người như là nổi đau của mình; phải biết dung thứ lỗi lầm cho người khác khi họ nhận ra lẽ phải. . . đó là những đức tính cao quý đòi hỏi người Luật sư cần phải có.
Luật sư phải dũng cảm và có bản lĩnh để vượt qua trở ngại, thách thức khi gặp phải trong quá trình hành nghề. Đó là một yêu cầu tự thân vận động nhằm chuẩn bị tâm thế cho mình khi đối đầu với những tình huống “xung đột” xảy ra trên con đường tìm ra lẽ phải. Luật sư có thể ví như những “hiệp sỉ” trên trận tuyến bảo vệ chân lý mà ở đó, đối phương (hiểu theo nghĩa rộng) có nhiều thủ đoạn và luôn tìm mọi cách bẽ cong cán cân công lý; nếu không có lòng dũng cảm và bản lĩnh của người “hiệp sỉ” thì người Luật sư không hoàn thành sứ mạng cao cả của mình là những chiến sỉ tiên phong trên mặt trận bảo vệ công lý.
Luật sư phải có lòng trung thực, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp; Lòng trung thực, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp là những  đức tính tích cực luôn bổ sung cho nhau trong quá trình hành nghề luật sư; những đức tính đó cần phải được đề cao bởi lẽ: trong hành nghề của mình, nếu không xây dựng lòng trung thực, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp thành ý thức tự giác, thì người Luật sư, do động cơ vụ lợi, họ dể dàng lừa dối khách hàng, lừa dối cơ quan công quyền để mưu cầu lợi ích không chính đáng của cá nhân.

Quy tắc đạo đức luật sư là hệ thống các quy phạm định hướng ứng xử có tính bắt buộc đối với giới luật sư trong hành nghề, được đút kết từ thực tiễn lịch sử tồn tại và phát triển nghề luật sư ở Việt Nam; Nội dung Quy tắc đạo đức luật sư là những chuẩn mực điển hình của đạo đức xã hội và là những chuẩn mực của đạo đức cách mạng.
---------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét