Translate

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

CỨU SỐNG ĐỒNG ĐỘI (Bài viết)

 
(Nhân vật nói trong bài viết, người ngồi thứ ba từ trái qua ở hàng ghế đầu)
CỨU SỐNG ĐỒNG ĐỘI        

    Đoàn Công Thiện

       (Cựu Y tá Quân y Trung đoàn 1 – QK 9)

Trong chiến tranh, có nhiều chuyện nghe kể, khó có thể tin được đó là sự thật. Một trong những chuyện ấy là việc Y tá Nguyễn Công Bình, với một mũi lê súng Cạt – Bin, đã cứu sống đồng đội.

Vào khoản tháng 5 tháng 6 năm 1970, Tiểu đoàn 307 Trung đoàn 1 U Minh (Nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9), tiến hành trận đánh chi khu Ngang Gừa (nay là huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Sau khi trận đánh kết thúc, còn một thương binh chưa kịp đưa về tuyến sau, Y tá Bình được cấp trên phần công cùng Tám Tuấn (cũng là Y tá) chuyển đến đội phẫu thuật cách nơi đóng quân của Tiểu đoàn hơn 4 cây số.

Người đồng đội bị thương ấy tên Lê Văn Hóa, là chiến sĩ Quân khí của Tiểu đoàn. Anh bị một mãnh đạn M 79 ghim vào cổ, vết thương nhỏ, không ra máu, không có băng bó. Xuống xuồng, thấy bạn hút thuốc, Hóa cũng xin một điếu. Nghĩ là vết thương phần mềm, hơn nửa thấy Hóa đi đứng bình thường, biết bạn đã thức trắng trong đêm, bảo đảm súng đạn cho anh em chiến đầu, nên Bình không ngần ngại cho anh hút. Không ngờ điếu thuốc ấy lại trở thành tai họa cho Hóa.

Vừa hít được mấy hơi thuốc, Hóa có biểu hiện bị ngạt thở. Anh vật vã, lăn lộn trên xuồng. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, Bình biết ngay vết thương của Hóa đã thấu khí quản chứ không phải phần mềm như nhận định ban đầu. Trên tay không có bất cứ dụng cụ chuyên môn nào, chỉ còn cách bơi thật nhanh về đội phẫu thì họa may mới cứu được Hóa.

Đoạn đường còn lại phải mất hằng giờ đồng hồ, Bình và Tuấn bơi cật lực, mồ hôi vã ra, ở giửa xuồng Hóa vẫn oằn oại, anh nói những lời trăn trối với Bình và Tuấn. Một lúc sau, Hóa nằm yên, mặt tái nhợt, quần anh ước dầm nước tiểu. Tình thế rất nguy kịch, sự sống của Hóa chỉ còn trong chốc lác. Bất chợt, Bình nhìn thấy chiếc lưỡi lê súng Cạt – Bin nằm lăn lóc dưới khoan xuồng. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu Bình: “mở khí quản – chỉ có mở khí quản mới cứ sống Hóa, không còn cách nào khác”. Bình bảo Tuấn tiếp tục bơi, còn anh lấy chiếc lê lao lại nơi Hóa nằm. Lúc này toàn thân Hóa mềm nhũn, ngực căng phồng không còn co thắt được nửa. Bình đưa mũi lưỡi lê ngay yết hầu của Hóa cắm vào, một tiếng “sột” nhẹ, vết thương hé mở, hơi và máu từ cổ họng của Hóa tuông ra, anh moi những cục máu tụ còn vướng nơi cửa miệng vết mở rồi dùng ngón tay chèn giữ yên, tạo đường thở mới cho Hóa. Cứ thế, anh bảo Tuấn cố gắng bơi nhanh về đội phẫu.

Sau những động tác dứt khoát ấy, tình trạng ngưng thở của Hóa đã được khắc phục, anh bắt đầu thở nhẹ, da mặt tươi lại nhưng thể trạng thì rất yếu. Chỉ có một mình điều khiển, Tuấn cố gắng hết sức lực bơi, phải mất cả giờ anh mới đưa xuồng chở hai người tới đội phẫu. Hóa được đưa lên trạm và được giải phẫu cứu sống.

Chuyện cứu đồng đội thoát chết trong giây lát của Y tá Nguyễn Công Bình là vậy, nhưng không ngờ, vết mở khí quản hôm ấy đã để lại cho Hóa một di chứng không còn nói được bình thường như mọi người sau khi lành vết thương. Do vết mở đã làm tổn thương đến bộ phận phát âm trong thanh quản, tiếng nói của anh bị biến dạng không còn nghe được.

*

*     *

Ba mươi lăm năm trôi qua, chuyện đã đi vào quá khứ. Lê Văn Hóa, người đồng đội được Bình cứu sống ngày ấy đã hi sinh trong một tai nạn nghiệp vụ sau đó ít lâu. Y tá Nguyễn Công Bình năm nào giờ là Đại tá, đang giữ cương vị chỉ huy ở một đơn vị huấn luyện quân sự của Quân khu (*). Cứ mỗi dịp gặp lại đồng đội xưa, anh xót xa nhắc lại chuyện cũ và cảm thấy như mình có lỗi: Giá như lúc đó khéo hơn, biết lách lưỡi lê vào chỗ khác thì Hóa đâu có mất đi tiếng nói.

Âu đó cũng là chuyện bình thường của chiến tranh. Trong lúc thập tử nhất sinh của Hóa, yêu cầu cấp thiết nhất lúc bấy giờ là cứu sống đồng đội, thì việc gây ra sự cố ấy cũng là lẽ đương nhiên không thể tránh khỏi.

Hành động của Y tá Nguyễn Công Bình đã thể hiện bản lĩnh quyết đoán của người chiến sĩ Quân y và là một điều kỳ dịu hiếm có trong lịch sử cứu thương của ngành Quân y trong quân đội ta.

Qua mẫu truyện trên, cho chúng ta thấy được cái cao cả của người chiến sĩ Giải phóng trong cuộc chiến tranh vừa qua là hết lòng vì đồng đội.

(*) Ông là Chính ủy Trường quân sự Quân khu.

-------------------------------



Đã đăng trên báo Quân khu 9, kỳ 1 tháng 2 năm 2009 và trên Báo Kiên Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét