Mời các bạn xem bài viết đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ của ĐCT. (Copi từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ)
TIN ĐỌC NHIỀU
(Chinhphu.vn) – Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi),
Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang đề cập 3
vấn đề về liên quan đến “quyền của cá nhân đối với hình ảnh”, “quyền tự
vệ” và quy định về chuyển giới.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi, bổ sung lần này có
nhiều nội dung mới, sát hợp với thực tiễn quan hệ dân sự trong đời sống
xã hội, phù hợp với sự phát triển đi lên của đất nước và hội nhập quốc
tế. Về vấn đề “quyền nhân thân”, Dự thảo cũng bổ sung một số quy định mà BLDS năm 2005 chưa đề cập đến như: Quyền sống, việc chuyển đổi giới trong quyền chuyển đổi giới tính, quyền được sống với nhau như vợ với chồng trong hôn nhân gia đình, quyền tiếp cận thông tin, quyền lập hội và các quyền khác… Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh thực tiễn và lý luận, một số nội dung trong Mục “Quyền nhân thân” ở Chương III, dự thảo BLDS sửa đổi nên xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp hơn với thực tế xã hội đương đại.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Trước tiên, đối với quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Điều 36 của Dự thảo có sự thay đổi ở khoản 2 và bỏ khoản 3 trong Điều 31 của BLDS 2005. Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm rõ hơn như nội dung Bộ luật 2005 và đòi hỏi phải dẫn chiếu đến nhiều luật khác không cần thiết.
Mặt khác, chế định “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý” là không sát thực tế và còn tạo cơ sở pháp lý làm phát sinh kiện tụng không đáng có. Bởi lẽ, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thông tin điện tử cũng như ở một số lĩnh vực khác, việc sử dụng hình ảnh con người là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của các loại hình thông tin và yêu cầu đặc thù của sự việc đòi hỏi phải có, nó đã trở thành xu thế chung và phổ biến ở trong nước cũng như trên thế giới hiện nay.
Trên phương diện truyền thông, hầu như tất cả những người có hình ảnh đưa lên các phương tiện đăng tải thông tin, kể cả những trang cá nhân, hiếm có trường hợp nào bị phản đối (trừ trường hợp đưa lên nhằm xâm phạm danh dự người có hình), điều đó cho thấy việc sử dụng hình ảnh là bình thường bởi nó không gây nguy hại cho người có hình ảnh.
Luật Báo chí có quy định việc sử dụng hình ảnh khi đưa thông tin trên phương tiện truyền thông công cộng (xuất phát từ quyền cá nhân về hình ảnh quy định trong Hiến pháp), nhưng nhiều lĩnh vực khác chưa có quy định, chẳng hạn như việc sử dụng hình ảnh làm chứng cứ trong hoạt động tố tụng hay trong hoạt động giáo dục giảng dạy, hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh; sử dụng hình ảnh trên mạng thông tin điện tử của những cá nhân có trang thông tin riêng… nếu bắt buộc mọi hình ảnh (của cá nhân lẫn trong hình ảnh tập thể) đều phải có sự đồng ý của người có mặt trong hình ảnh đó rồi mới được sử dụng là điều chưa hợp lý.
Do vậy, Điều 36 Dự thảo nên quy định theo hướng: “2. Mọi trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích thu lợi nhuận phải được người đó đồng ý và trả tiền thù lao theo hợp đồng.
3. Trong trường hợp vì lợi ích công cộng, vì sự nghiệp nghệ thuật, tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hình ảnh của người khác, nhưng phải trả tiền thù lao cho người đó nếu có thu lợi nhuận, tỷ lệ trả thù lao do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn 30% giá trị lợi nhuận thu được.
4. Nghiêm cấm đưa hình ảnh khuyết tật của người khác lên các phương tiện thông tin nếu không được người đó đồng ý; nghiêm cấm sử dụng hình ảnh của người khác nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Mọi trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật”.
Quy định theo hướng như đã nêu sẽ vừa bảo đảm quyền lợi vật chất cho người có hình ảnh, vừa tạo điều kiện cho các chủ thể khác sử dụng hình ảnh của người khác một cách thuận lợi mà không vi phạm đến quyền về hình ảnh của cá nhân người khác.
Đưa quyền tự vệ thành chế định pháp lý
Quyền sống là nội dung hoàn toàn mới bởi Hiến định. Khoản 1 Điều 16 Dự thảo BLDS sửa đổi quy định các phương thức bảo vệ quyền dân sự ghi “Tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này và các luật liên quan” và tại Điều 17 ghi “Trường hợp cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức tự bảo vệ quyền dân sự thì việc bảo vệ phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và không được vượt quá giới hạn cần thiết do luật định để ngăn chặn hành vi vi phạm đó”.
Nội dung trên đây chứa đựng cái chung nhất về quyền tự bảo vệ trong toàn bộ các quan hệ dân sự.
Vấn đề đặt ra ở đây là quyền tự bảo vệ để bảo đảm quyền sống cần quy định như thế nào thì trong Điều 37 của Dự thảo BLDS sửa đổi không thể hiện.
Trong Bộ luật Hình sự có quy định trường hợp phòng vệ chính đáng, nhưng đó là luận cứ đối chứng để xác định hành vi phạm tội (vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng), không phải là chế định dân sự. Với nội hàm quyền sống thì phòng vệ chính đáng lại nằm trong phạm trù của quyền dân sự. Bởi, phòng vệ chính đáng là hành vi tự vệ (không phải là hành vi nguy hiểm quy định trong Bộ luật Hình sự). Do đó, cần phải đưa quyền tự vệ vào Điều 37 thành một chế định pháp lý cho phù hợp.
Nghiên cứu các khoản khác ở Điều 37 Dự thảo, có những nội dung vừa thiếu, nhưng lại có nội dung thừa và sử dụng từ ngữ cũng cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thuật ngữ Luật học…
Để khắc phục những khiếm khuyết đã nêu, Điều 37 nên cấu trúc lại như sau:
“1. Cá nhân có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
2. Người bị người khác dùng vũ lực xâm phạm tính mạng, sức khỏe một cách trái pháp luật, người đó hoặc người khác có quyền thực hiện hành động phòng vệ theo qui định của pháp luật.
3. Khi phát hiện người bị nạn, bị bệnh mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa người đó đến cơ sở y tế; cơ sở y tế có nghĩa vụ sử dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có tiến hành cứu chữa người bị nạn, bị bệnh theo qui định của pháp luật về khám chữa bệnh.
4. Việc phẫu thuật cắt bỏ, thay thế hoặc cấy ghép mô, bộ phận về mặt sinh học đối với cơ thể người; việc thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới; việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế.
5. Việc khám nghiệm, giải phẫu tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của người chết lúc còn sống;
b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người chết lúc còn sống;
c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác trong trường hợp luật định”.
Quy định về chuyển giới có cần thiết?
Điều 40 Dự thảo BLDS (sửa đổi) có khác so với Điều 36 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo lại dùng phương pháp dẫn chiếu luật khác (dạng mở) mà không đi vào thực chất của chuyển đổi giới tính để quy định thành chế định cụ thể như Điều 36 BLDS 2015 là không xác thực.
Một nội dung khác trong điều này cũng cần được xem xét, đó là hai phương án trong khoản 4 Điều 40 của Dự thảo quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới” hoặc “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”.
Dưới khía cạnh quyền tự do cá nhân, nội dung khoản 4 nêu trên là áp đặt và thiếu tính khả thi.
Theo các nhà chuyên môn, việc chuyển đổi giới tính bắt nguồn từ sự thay đổi về mặt sinh lý trong cơ thể kéo theo sự thay đổi về tâm lý, quá trình này diễn ra một cách tự nhiên trong thực thể ở một số ít cá nhân.
Vấn đề đặt ra ở đây là sự thay đổi này có phải là hành vi chủ quan xuất phát từ ý chí có tính mục đích của người “chuyển giới” hay là sự phát triển đột biến tự phát trong cơ thể cá nhân? Việc chuyển đổi giới tính này có gây hoặc tiềm ẩn gây nguy hại cho cộng đồng xã hội hay không, hay chỉ là sự khiếm khuyết đối với riêng cá nhân của những người đó…? Từ những lý do đó không nhất thiết cần phải xác lập thêm khoản 4 với hai phương án mà Dự thảo đã đưa ra.
Với những nội dung phân tích, thiết nghĩ, Điều 40 dự thảo BLDS sửa đổi nên giữ nguyên như Điều 36 BLDS năm 2005 là phù hợp.
Luật sư Đoàn Công Thiện
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét