Translate

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

MANG THAI HỘ NÊN ĐƯA VÀO BỘ LUẬT DÂN SỰ



 Bài viết đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và trên Báo Kiên Giang ngày 31-03-2015. Mời các bạn xem nhé
----------------------
Luật hôn nhân gia đình (LHNGĐ) sửa đổi bổ sung năm 2014 có qui định nội dung mang thai hộ. Đây là một chế định pháp lý mới, cần phải được nghiên cứu đưa vào Bộ luật dân sự sữa đổi lần này, với tư cách là một qui phạm pháp luật dân sự điều chỉnh về quan hệ mang thai hộ.
LHNGĐ 2014, tuy các nội dung mang thai hộ được qui định từ điều 94 đến điều 98 (năm trong chương: xác định cha, mẹ cho con), nhưng chưa đầy đủ, còn nhiều vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn giao dịch mà Luật HNGD 2014 chưa đề cặp tới.
Vấn đề là cần phải đi sâu phân tích, làm rõ lý luận, dự báo tình huống và các khía cạnh pháp lý khác, làm cơ sở cho việc bổ sung những nội dung rõ ràng hơn trong chế định về mang thai hộ vào Bộ luật dân sự sửa đổi, tạo ra những định chế pháp lý chặt chẻ để điều chỉnh loại hình mang thai hộ này một cách tốt nhất.
Điều 3 LHNGĐ, giải thích về mang thai hộ như sau:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con (khoản 22).
LHNGĐ 2014 qui định tương đối đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhưng chưa dự liệu tình huống người mang thai hộ bị tai biến dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời vì lý do mang thai hộ để xác định chủ thể gánh chịu hậu quả dân sự.
Với những căn cứ như đã phân tích trên đây, nội dung quan hệ mang thai hộ phải được biên soạn thành một chế định có tính hệ thống để đưa vào bổ sung trong Bộ luật dân sự sửa đổi lần này.
Với ý nghĩa đó, ý kiến chúng tôi đề xuất như sau:
Tại điều 39 cần bổ sung thêm quyền được mang thai hộ cho người khác theo qui định của Luật hôn nhân gia đình. Đưa nội dung mang thai hộ vào điều này là hợp lý vì: mang thai hộ cũng là quyền về nhân thân và là một qui trình sinh học có sự can thiệp kỷ thuật ngành y như việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể khác mà điều luật này đã qui định (tham khảo thêm bài “mấy vấn đề về nhân thân …” tác giả ĐCT đã đăng trong Cổng thông tin điện tử chính phủ ngày 13-01-2015).
Về hợp đồng mang thai hộ. Đây là một loại giao dịch dân sự có điều kiện đặc biệt. Nói có điều kiện đặc biệt là bởi giao dịch này sẽ làm phát sinh, thay đổi cả trên lĩnh vực sinh lý và tâm lý của người mang thai hộ (nhất là lĩnh vực tình cảm), nó còn có liên quan đến nhiều mối quan hệ trong cuộc sống của các chủ thể khác tham gia . . . cho nên cần phải qui định chặt chẻ về nội dung, hình thức của loại hợp đồng này. Theo chúng tôi, hợp đồng này nên biên soạn thành một mục riêng và đưa vào chương XVI là phù hợp với tính chung nhất là loại hợp đồng nhưng mang tính đặc thù riêng, không trùng lấp với các loại hợp đồng khác (Chương qui định một số Hợp đồng thông dụng).
Về nội dung: Qui phạm cần qui định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết hợp đồng, trong đó phải tính đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mang, sức khỏe cho người mang thai hộ khi có sự cố sảy ra xuất phát từ việc mang thai hộ này.
Việc đề xuất đưa nội dung mang thai hộ thành những qui phạm vào Bộ luật dân sự sửa đổi lần này có ý nghĩa bổ sung, tạo sự đồng bộ giữa hai ngành luật (Luật HNGĐ và BLDS), sát hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm cho các quan hệ dân sự được điều chỉnh một cách chặt chẽ hơn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét