(Chinhphu.vn) - Khung hình phạt tù có thời hạn được quy định cho mỗi tội danh tại Bộ luật Hình sự hiện nay và kể cả trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là quá rộng. Điều này dẫn đến tình trạng xét xử ở các tòa án không thống nhất trong việc định lượng hình phạt cho bị cáo.

Thực tiễn xét xử cho thấy, cùng một tội danh, cùng tính chất, mức độ phạm tội như nhau, nhân thân giống nhau, nhưng ở nơi này xử mức án cao, ở nơi khác xử mức án thấp, thậm chí ở cùng một tòa án, lúc thì xử thấp, lúc lại xử cao. Nhược điểm này còn có thể làm phát sinh tiêu cực trong hoạt động xét xử ở ngành tòa án hiện nay.
Nhằm khắc phục nhược điểm nói trên, người viết xin nêu một số quy ước các nhóm hình phạt cơ bản dựa trên cơ sở nội dung phân chia tội phạm. Trong mỗi mức chuẩn, lại có cách biệt lũy tiến từ thấp đến cao để quy định cho từng tội danh ở các chương trong phần các tội phạm, cụ thể:
Nhóm I: Tội ít nghiêm trọng gồm các mức 6 tháng; 12 tháng; 2 năm và 4 năm tù giam (bỏ mức 3 tháng và cao hơn một năm so với luật hiện hành).
Nhóm II: Tội nghiêm trọng gồm các mức 2 năm; 4 năm; 6 năm và 8 năm tù giam (cao hơn một năm so với luật hiện hành).
Nhóm III: Tội rất nghiêm trọng gồm các mức 6 năm; 9 năm; 12 năm hoặc 15 năm tù giam (như luật hiện hành).
Nhóm IV: Tội đặc biệt nghiêm trọng gồm các mức 10 năm; 20 năm; 30 năm; 40 năm tù giam hoặc tử hình (bỏ hình phạt chung thân).
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi; căn cứ khách thể bị xâm hại trong phần giả định tội phạm mà mỗi tội danh quy định có 3 hoặc 4 bậc hình phạt.
Ví dụ: Điều 100. Tội bức tử (ví dụ này bao gồm cả sửa đổi điều luật)
1. Người nào thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, làm người đó tự sát, thì phải chịu một trong các hình phạt sau đây: 2 năm; 4 năm hoặc 6 năm tù giam.
2. Phạm tội làm hai người tự sát thì phải chịu một trong các hình phạt sau đây: 6 năm; 9 năm hoặc 12 năm tù giam.
3. Phạm tội làm ba người trở lên tự sát, thì phải chịu một trong các hình phạt sau đây: 10 năm; 20 năm hoặc 30 năm tù giam.
Xác định thời gian phạt tù theo tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Các tình tiết tăng nặng (Điều 48 cũ), giảm nhẹ (Điều 46 cũ) cũng được sửa đổi bằng cách quy định rõ cho mỗi tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ (cộng thêm và trừ đi) một tỉ lệ thời gian của hình phạt chuẩn được áp dụng.
Ví dụ: a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm, thì được giảm 1/10 thời gian hình phạt chuẩn bị áp dụng.
b) Người phạm tội có tổ chức thì bị tăng 2/10 thời gian hình phạt chuẩn bị áp dụng.
Khi xét xử, tòa án căn cứ tính chất và mức độ phạm tội, căn cứ nhân thân của bị cáo mà chọn một mức chuẩn trong nhóm hình phạt quy định tại điều khoản được áp dụng làm cơ sở, sau đó cộng và trừ lượng thời gian của những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng được áp dụng, tạo thành mức phạt cụ thể cho bị cáo.
Nếu bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng được áp dụng, thì mức chuẩn là lượng thời gian xác định tuyên phạt cho bị cáo.
Trong trường hợp đồng phạm, thì người chủ mưu, người thực hành phải chịu hình phạt chuẩn ngang nhau; người giúp sức chịu hình phạt chuẩn một nửa, người xúi giục chịu hình phạt chuẩn 1/4 so với hình phạt chuẩn được áp dụng cho người chủ mưu, người thực hành.
Nếu người chủ mưu, người thực hành bị áp dụng hình phạt tử hình, thì người giúp sức phải chịu hình phạt chuẩn 10 năm hoặc 20 năm, người xúi giục phải chịu áp dụng hình phạt chuẩn 6 năm, 9 năm hoặc 12 năm tùy theo tính chất hành vi của họ.
Trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, nếu loại tội phạm bắt buộc phải chịu hình phạt, thì quy định lấy mức khởi điểm trong khung hình phạt của tội danh mà người đó có hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, làm cơ sở và quy định người có hành vi phải chịu 1/3; 1/2 hoặc 2/3 thời gian của mức khởi điểm đó làm hình phạt chuẩn. 
Ở khung hình phạt cơ bản, trong mỗi nhóm chỉ có 3 hoặc 4 mức chuẩn, hoặc có cả hình phạt tù có thời hạn lẫn hình phạt tử hình, sẽ tạo thuận lợi cho tòa án xác định mức phạt khi xét xử.
Ví dụ: Bị cáo A phạm tội “Bức tử” (Điều 100 cũ), nếu rơi vào Khoản 1, ta nhận biết được ngay mức chuẩn cần áp dụng là 2 năm; 4 năm hoặc 6 năm tù giam. Nếu nhân thân tốt, tính chất hành vi phạm tội không cao, thì áp dụng mức chuẩn 2 năm. Nếu nhân thân xấu, nhưng tính chất hành vi phạm tội không cao, thì áp dụng mức chuẩn 4 năm. Nếu nhân thân xấu và tính chất hành vi phạm tội cao, thì áp dụng mức chuẩn 6 năm.
Vấn đề quyết định hình phạt nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong Bộ luật Hình sự, tính sát thực của phương án “chuẩn hóa hình phạt” là ở chỗ, khi đi vào thực tiễn xét xử, nó định ra được tính chất riêng biệt của hành vi phạm tội cụ thể phải áp dụng hình phạt thấp hơn hoặc cao hơn hình phạt chuẩn, trên cơ sở lượng thời gian tăng nặng, giảm nhẹ theo logic pháp lý, nó xóa bỏ tính chung chung trong Luật hiện hành.
Có thể thấy rõ qua ví dụ trên: Bị cáo A phạm tội “Bức tử” (Điều 100) rơi vào Khoản 1 (có một người tự sát), thì A bị áp dụng mức chuẩn là 2 năm, có một tình tiết giảm nhẹ (không có tình tiết tăng nặng), đương nhiên A được hưởng mức án cụ thể dưới khung hình phạt 2 năm (dưới mức thấp nhất). Ngược lại nếu A bị áp dụng mức chuẩn là 6 năm, có một tình tiết tăng nặng (không có tình tiết giảm nhẹ), đương nhiên A phải chịu mức án cụ thể cao hơn khung hình phạt bị áp dụng.
Từ những nội dung phân tích trên cho thấy, nội dung phương án “chuẩn hóa hình phạt” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp cho những người tiến hành tố tụng ở giai đoạn xét xử có cơ sở vững chắc khi quyết định lượng hình phạt cho bị cáo và triệt tiêu được những nhược điểm như đã nói ở phần đầu.
            Luật sư Đoàn Công Thiện
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang
(Bài viết đã được đăng trong Cổng thông tin điện tử của Chính phủ ngày 24-07-2015)