Translate

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CAND 19 THÁNG 08


Bồi hồi nhớ lại thuở xưa
Anh em đồng chí muối dưa một thời
Bên nhau chung một nghiệp đời
Vì dân phục vụ ngời ngời sáng trong. 
---------------- 

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

KHÔNG NÊN QUI ĐỊNH PHẠT TIỀN LÀ HÌNH PHẠT CHÍNH (Bài viết)



Ngày 12-08-2015, Cổng thông tin điện từ của Chính phủ tiếp tục đăng bài viết thứ 3 của Đoàn Công Thiện trong mục góp ý Dự thảo sữa đổi Bộ luật hình sự, mời các bạn xem toàn văn dưới đây.
-------------------
KHÔNG NÊN QUI ĐỊNH PHẠT TIỀN LÀ HÌNH PHẠT CHÍNH
14:35, 12/08/2015
(Chinhphu.vn) – Nếu duy trì phạt tiền là hình phạt chính, khi áp dụng, nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của những người không phải là người phạm tội. Đây là vấn đề nên được xem xét trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.


Bộ luật hình sự đầu tiên ban hành năm 1985, hình thức phạt tiền đã được đưa vào với tư cách là một loại hình phạt và tiếp tục được qui định trong các lần sửa đổi tiếp theo sau này. Hình phạt tiền được qui định thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung, chủ yếu áp dụng cho các tội danh phát sinh từ trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm  khác. Về mặt thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng trong nhiều vụ án đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nghiên cứu nguồn gốc từ xa xưa cho thấy: bản chất của hình phạt mà các nhà nước phong kiến đặt ra là dùng các biện pháp cơ học tác động nhằm vào thân thể (làm chết, gây thương tích, gây đau đớn) và tước quyền tự do cá nhân của người bị qui kết phạm tội. Khi xã hội phát triển tiến bộ, các hình phạt nhằm vào thân thể con người được giảm đi hoặc được thay thế bằng các hình thức khác phù hợp hơn trong đó có phạt tiền.

Phân tích nội dung khái niệm hình phạt (điều 30 sữa đổi, điều 26 Luật cũ) cho thấy phạt tiền không thể xem “là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất” bởi lẽ nó chỉ tác động vào lợi ích vật chất có ý nghĩa tước đoạt giá trị tài sản (giá trị này vẫn tái tạo được), nhưng không hạn chế đến quyền tự do cá nhân, một quyền đương nhiên mà con người được hưởng, điều này cho thấy tính trừng trị, tính răng đe không cao.

Mặt khác cần phải xem xét đến, đó là: nếu duy trì phạt tiền là hình phạt chính, khi áp dụng, nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của những người không phải là người phạm tội. Ta lấy tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (điều 134 sửa đổi) làm ví dụ.

Theo điều luật nói trên thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Nếu người phạm tội là thành viên trong một gia đình thì rõ ràng số tiền bị phạt sẽ là gánh nặng cho gia đình, trong khi những thành viên khác không hề có lỗi. Hoặc phạt tiền đối với Pháp nhân cũng vậy: nếu Pháp nhân là một Doanh nghiệp cổ phần, thì việc phạt tiền sẽ tác động đến quyền lợi của các cổ đông, là những người không tham gia điều hành doanh nghiệp, không có lỗi khi Pháp nhân phạm tội (vấn đề pháp nhân phạm tội, người viết sẽ có bài riêng).

Từ những điều phân tích trên đây, thiết nghĩ: vấn đề phạt tiền chỉ nên giữ lại làm hình phạt bổ sung, bỏ qui định hình phạt chính là phạt tiền và đưa vào Bộ luật với tư cách là biện pháp thay thế cho một số loại tội phạm như: nộp tiền thay thế cho một số tội danh thuộc loại vô ý phạm tội, hay nộp tiền thay cho thời gian cải tạo tập trung hoặc cải tại tại chỗ (xem bài tiếp theo về biện pháp thay thế).

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

GÓP DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ PHÂN LOẠI TỘI PHẠM



(Bài viết đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ ngày 07-08-2015)


SỰ NGHỊCH LÝ GIỮA PHÂN LOẠI TỘI PHẠM

VỚI CÁC TỘI DANH TRONG DỰ THẢO BLHSSĐ

-------------------

                                                                

                                                                      Luật sư Đoàn Công Thiện

                                                               (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Kiên Giang)

Vấn đề phân loại tội phạm được sửa đổi qui định thành một điều riêng biệt (điều 9) trong Dự thảo Bộ luật hình sự mới. Nội dung phân loại tội phạm cũng được phân chia thành bốn loại như Luật cũ (Tội phạm ít nghiêm trọng; Tội phạm nghiêm trọng; Tội phạm rất nghiêm trọng và Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), nhưng cách diễn giải lại khác với Bộ luật hình sự hiện hành.

Cụ thể như sau:

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Nội dung phân loại tội phạm trong Dự thảo Luật sửa đổi có sự khác biệt với khoản 3, điều 8 Bộ luật hình sự hiện hành ở chỗ: điều luật hiện hành lấy mức thời gian qui định phạt tù tối đa làm căn cứ xác định cho mỗi loại tội phạm, còn ở điều 9 (khoản 2, khoản 3 và khoản 4) Dự thảo Luật sửa đổi qui định mỗi loại tội phạm được giới hạn bởi mức phạt tù tối thiểu đến mức phạt tù tối đa để làm căn cứ xác định.

Đối chiếu với các điều luật trong các tội phạm cụ thể ở phần hai (từ chương XIII đến chương XXVI), cho thấy có sự nghịch lý về mặt lô gic học, nhiều tội danh qui định mức phạt tù vượt ra ngoài giới hạn thời gian phạt tù được qui định trong khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 9 Dự thảo sửa đổi.

Qua ba ví dụ sau đây ta sẽ thấy rõ sự nghịch lý nói trên.

Ví dụ thứ nhất. Tại khoản 1 điều 138, Dự thảo qui định hình phạt cho tội vô ý làm chết người:

Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Qui định trên cho thấy, mức tối thiểu nằm trong giới hạn tội ít nghiên trọng (đến 3 năm tù), mức tối đa nằm trong giới hạn tội nghiêm trọng (từ trên 03 năm đến 07 năm tù), vậy tôi này năm trong loại nào?

Ví dụ thứ hai. Tại khoản 1 điều 118, qui định hình phạt cho tội phá rối an ninh:

Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 109 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

Nếu lấy mức tôi đa để xác định là tội rất nghiêm trọng (đến 15 năm tù) thì đã thỏa mãn khoản 3 điều 9 như dự thảo (tức là tội phạm rất nghiêm trọng), nhưng với mức thấp nhất là 5 năm tù, thấp hơn mức tối thiểu trên 07 năm lại nằm trong khoản 2 điều 9 (tức là tội phạm nghiêm trọng).

Ví dụ thứ ba. Tại khoản 1 điều 108, qui định hình phạt cho tội phản Quốc:

Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đây là loại Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng vì có hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, mức thấp nhất ghi trong điều luật lại là 12 năm, thấp hơn mức tối thiểu trên 15 năm, qui định tại khoản 4 điều 9 trong Dự thảo (tức là tội này vừa là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại vừa là tội phạm rất nghiêm trọng).

Qua 3 ví dụ trên đây cho thấy: nội dung diễn giải về phân loại tội phạm tại điều 9 không thống nhất với qui định hình phạt trong nhiều tội danh ở phần các tội phạm cụ thể, đây là điều nghịch lý trong xây dựng qui phạm pháp luật cần phải xem xét.