Translate

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

MIỄN TRÁCH NHIỆM TỐ GIÁC...(BÀI VIẾT)

          Những ngày này, trên diễn đàn Quốc hội và trên các kênh thông tin, vấn đề Người bào chữa có trách nhiệm tố giác tội phạm đối với người mà mình có nghĩa vụ bào chữa? nếu không tố giác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? v.v... đang có ý kiến trái chiều nhau. Thiên Tân xin mời các bạn xem bài viết đã đăng trên Luật Sư Online dưới đây.
------------------------- 

NHỮNG CĂN CỨ MIỄN TRÁCH NHIỆM
TỐ GIÁC TỘI PHẠM CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA

                                             Luật sư Đoàn Công Thiện
                                 (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Kiên Giang)
Vấn đề Người bào chữa có nghĩa vụ tố giác hay không tố giác tội phạm; bị hay được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, về hành vi không tố giác tội phạm … đã có sự tranh luận quyết liệt, không những chỉ ở diển đàn Quốc hội, mà ở tất cả các kênh thông tin khác. Những ý kiến trái chiều thể hiện quan điểm khác nhau với những luận điểm đối chọi khá gay gắt.
Để có cơ sở lý luận, lý giải những căn cứ miễn trách nhiệm tố giác tội phạm của người bào chữa trong quá trình tham gia hoạt động tố tụng, khi biết người bị tạm giữ (hình sự), bị can, bị cáo, mà mình có nghĩa vụ bào chữa phạm tội, thiết nghĩ cần phải xem xét nó trong mối quan hệ đa chiều với các chế định pháp lý khác và những đặc điểm riêng biệt trong quá trình hoạt động tham gia tố tụng của người bào chữa, để đưa ra qui định hợp lý trong nội dung sửa đổi Bộ luật hình sự lần này.
Trước hết phải khẳng định nghĩa vụ công dân đối với an ninh Quốc gia và sự an toàn trật tự xã hội là nghĩa vụ thiêng liêng cao quí, nó gắn liền với quyền được sống trong môi trường lành mạnh của mọi người. Luật sư cũng là một công dân, nên không thể không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ sự an toàn an ninh Quốc gia và trật tự xã hội.
Tuy nhiên, khi Luật sư đã tham gia tố tụng với tư cách là Người bào chửa  trong vụ án hình sự thì quyền và nghĩa vụ pháp lý đã bị ràng buộc người bào chữa phải tuân thủ những chế định riêng biệt, nhằm góp phần vào quá trình bảo vệ công lý. Pháp luật qui định thể hiện tính chất riêng biệt trong hoạt động tham gia tố tụng của người bào chữa như sau:
Một là: Luật sư bị cấm, không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác (tiết c, khoản 1, điều 9 Luật Luật sư 2013). Luật sư có nghĩa vụ: giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật (Qui tắc 12 – Qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã được Bộ trưởng bộ Tư pháp phê chuẩn).
Hai là: Người bào chữa có nghĩa vụ: Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo (tiết a, khoản 2, điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015). Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan (tiết c khoản 2 điều 73 Bộ luật tố tụng 2015). Người bào chữa của người bị buộc tội không được làm chứng buộc tội người mà mình đang bào chữa (tiết a, khoản 2 điều 66, Bộ luật tố tụng 2015).
Ba là: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điều 15, Bộ luật tố tụng hình sự 2015). Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 59, 60, 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Những qui định trên đây cho thấy: nếu người bào chữa đi tố giác cũng có nghĩa sẽ trở thành nhân chứng buộc tội người mình đang nhận bào chữa và buộc phải từ chối bào chữa, điều này mâu thuẫn với tiết a, khoản 2 điều 66 và tiết c khoản 2 điều 73 đã viện dẫn ở trên. . . điều đó cho thấy có sự xung đột nghĩa vụ pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Còn một vấn đề khác cần phân tích thấu đáo. Nếu bắt buộc người bào chữa phải tố giác hành vi phạm tội của người mà mình có nghĩa vụ bào chữa, thì liệu rằng với những thông tin chưa được kiểm chứng bằng một cuộc điều tra toàn diện và kết luận của bản án thì căn cứ vào đâu để xác định người đó phạm tội gì, tính chất có đặc biệt nghiêm trọng hay không nghiêm trọng? v.v…
Với những nội dung phân tích nêu trên cho thấy: loại trừ hành vi tố giác của người bào chữa và miễn truy cứu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm đối với hành vi phạm tội của người mà Luật sư có nghĩa vụ bào chữa là một yêu cầu mang tính khách quan.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét