MỘT BẢN ÁN HÀNH CHÍNH
KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN
------------------
Thiên Tân
Những năm gần đây, Phú Quốc phát triển đổi
mới khá sôi động, các công trình kinh tế dịch vụ hình thành ở nhiều nơi, tạo ra
diện mạo mới cho bộ mặt của huyện đảo mang danh “Hòn ngọc” này. Cùng với sự
phát triển, giá cả đất luôn biến động tăng cao, đây được xem là nguyên nhân của
nhiều vụ tranh chấp đất phức tạp, kéo dài, gây nhiều hệ lụy bất ổn cho nhiều hộ
dân sinh sống ở những nơi có dự án phát triển kinh tế.
Bài viết này nêu ra một trường hợp giải quyết
tranh chấp đất, do UBND huyện Phú Quốc tiến hành không sát hợp thực tế, kéo
theo những mắc mứu gây thiệt hại về quyền lợi, cho người có đất trong suốt
nhiều năm chưa dứt điểm. Đó là trường hợp tranh chấp đất giửa ông Phạm Văn
Thường với vợ chồng ông Lê Văn Suôl và bà Hồ Thị Năm, tại ấp Suối Lớn, xã Dương
Tơ, từ năm 2010 đến nay.
Theo các tài liệu ông Phạm Văn Thường cung
cấp cho Tòa án, thì phần đất 4.892m2 nằm trong diện tích hơn 5.000m2
có nguồn gốc là của ông Trần Ký Tỷ khai phá, trồng đào lộn hột (điều) từ năm
1986, đến ngày 19 tháng 06 năm 1995, ông Tỷ làm giấy tặng cho ông sử dụng đến
nay. Trong quá trình sử dụng, ông đã trồng thêm các loại cây gồm: Đào lộn hột,
dừa, me, mít, xoài, chuối, tràm bông vàng.v.v...
Vào năm 1998, vợ chồng ông Lê Văn Suôl và bà
Hồ Thị Năm ra Phú Quốc đánh bắt hải sản tự ý làm nhà trên đất, ông đã làm đơn
thưa ra chính quyền ấp, xã giải quyết, chính quyền động viên ông cho vợ chồng
ông Suôl bà Năm ở tạm 6 tháng nên ông đã đồng ý cho ở nhờ và bắt ông Suôl, bà
Năm làm giấy cam kết gởi tại UBND xã Dương Tơ, nhưng sau đó vợ chồng ông Suôl
bà Năm không di dời nhà đi nơi khác như đã cam kết, mặc dù đã nhiều lần hứa
hẹn. Do ông Suôl bà Năm không chịu thực hiện di dời nhà, nên ông Thường làm đơn
yêu cầu UBND huyện Phú Quốc đưa ra giải quyết.
Ngày 06/12/2010, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc
ban hành Quyết định giải quyết tranh chấp số 4421/QĐ-UBND có nội dung xác định
phần đất 4.892m2 (nằm trong diện tích hơn 5.000m2) có
nguồn gốc là của ông Suôl bà Năm và bác yêu cầu của ông, ông tiếp tục làm đơn
khiếu nại lên UBND tỉnh Kiên Giang, Chù tịch UBND tỉnh ra Quyết định số
2378/QĐ-UBND, ngày 6/12/2010, bác khiếu nại của ông, giữ nguyên Quyết định số
4421/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.
Không đồng ý với hai quyết định của UBND
huyện và UBND tỉnh, ông đã làm đơn khởi kiện hành chính ra Tòa án yêu cầu giải
quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Trong quá trình giải quyết, ông Phạm Văn
Thường đã có nhiều lần làm đơn ngăn chặn, yêu cầu UBND huyện phong tỏa khoản
tiền bồi thường, chờ Tòa án giải quyết vụ án, nhưng UBND huyện vẫn để cho cơ
quan chức năng chi trả cho ông Lê Văn Suôl và bà Hồ Thị Năm với tổng số tiền là:
1.370.060.600 đồng.
Tại bản án số 06//2016/HCST ngày 24/05/2016,
TAND huyện Phú Quốc đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông, hủy Quyết
định số 4421/QĐ-UBND, ngày 06/12/2010 của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. Ngày
15/6/2016, UBND huyện Phú Quốc kháng cáo bàn án, ngày 21/10/2016, TAND tỉnh
Kiên Giang đưa vụ kiên ra xét xử, tại bản án số 28/2016/ HCPT, tuyên bác nội
dung kháng cáo của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, giữ nguyên bản án sơ thẩm số
06/2016/HCST ngày 24/05/2016 của TAND huyện Phú Quốc.
Trong bản án này, TAND tỉnh Kiên Giang còn
kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 2378/QĐ-UBND,
ngày 6/12/2010 và kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc giải quyết lại việc
tranh chấp đất theo hướng công nhận cho ông Phạm Văn Thường được sử dụng phần
diện tích đang tranh chấp (4.892m2).
Sau khi án có hiệu lực, ngày 09-11-2016, ông Thường
làm đơn gởi Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, yêu cầu ra quyết định công nhận cho ông
được quyền sử dụng 4.892m2 nói trên và trả tiền bồi thường toàn bộ
số đất nằm trong dự án theo qui định của pháp luật, nhưng Chủ tịch UBND huyện
Phú Quốc không thực hiện theo kiến nghị của Tòa án.
Trong khi bản án chưa được thi hành thì Văn
phòng UBND huyện Phú Quốc ra Thông báo số 34/TB-VP ngày 28/03/2017, thông báo ý
kiến của ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thực hiện kế
hoạch cưởng chế thu hồi đất của ông Thường giao cho Công ty Toàn Hãi Vân.
Ông Phạm Văn Thường là một chủ cơ sở đóng mới
tàu ghe, có thu nhập cao, nay khu đất bị sang phẳng, cơ sở đóng tàu ghe không
còn, bởi phần đất của ông đã bị Công ty Toàn Hải Vân cho xe, máy vào thi công,
phá hết những tài sản cây trồng trên đất, múc kênh bao cô lập nhà ở, khiến ông
phải vào đất liền, thuê nhà trọ sinh sống qua ngày.
Vấn đề đạt ra là: tại sao Tòa án hai cấp đã
hủy Quyết định giải quyết tranh chấp đất của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và
kiến nghị công nhận 4.892m2 cho ông Phạm Văn Thường, nhưng UBND
huyện Phú Quốc vẫn không thi hành và làm ngơ cho Công ty Toàn Hải Vân vào thi
công công trình trên đất đang tranh chấp?
(Ảnh dưới: khu nhà ông Phạm Văn Thường bị Công ty Toàn Hải Vân múc kênh bao bọc cô lập không thể đi bộ vào được)
(Ảnh dưới: khu đất của ông Phạm Văn Thường bị Công ty Toàn Hải Vân san lấp toàn bộ)
(Các ảnh dưới: Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang xử ông Thường thắng kiện)
(ảnh dưới: bản án không được thi hành thể hiện ngay trong văn bản dưới đây)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét