Translate

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

LUẬN CỨ BẢO VỆ TRẦN THANH HÔ

         Đã có những trường hợp số phận pháp lý của một con người lại được định đoạt bởi sự thiên vị, khiến chân lý bị méo mó. Trường hợp dưới đây là một trong một số vụ việc mà trên những chặn đường bảo vệ công lý Thiên Tân gặp phải.
     Vì lý do giữ bí mật riêng tư và sự tế nhị, Thiên Tân thay đổi họ tên các nhân vật và không nêu địa danh trong sự kiện này. Mời các bạn xem nhé.

LUẬN CỨ BẢO VỆ TRẦN THANH HÔ
BỊ XÉT ĐƯA ĐI CAI NGHIỆN BẮT BUỘC
                                                      ------------------
                                                                                   Ngày 11-04-2018
Theo Văn bản yêu cầu của anh Trần Thanh Hồ đế ngày 21-03-2018, về việc bảo vệ cho anh trong vụ Cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Cai Nghiện Ma Túy Đa Chức Năng. Căn cứ Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13, ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho anh Trần Thanh Hồ, tôi xin trình bày quan điểm của tôi về Quyết định số 06/TA-CT ngày 27 tháng 03 năm 2018 của TAND huyện X như sau
Tôi nhận thấy: Việc TAND huyện X ra quyết định xử lý anh Trần Thanh Hồ bằng biện pháp cai nghiệt bắt buộc là thiếu khách quan, không đúng với qui định của pháp luật, thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Thư nhất: Về nội dung xác định anh Hồ “không có nơi ở ổn định”.
Nghị định số 43/2005 ngày 05 tháng 04 năm 2005, giải thích từ ngữ tại khoản 1 điều 3 ghi: “Người không có nơi cư trú nhất định là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định; người có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại đó mà thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định”.
Anh Trần Thanh Hồ đăng ký Hộ khẩu thường trú tại ấp Thạnh Hòa xã Thạnh Lộc, huyện X, nhưng anh về chung sống và làm ăn với chị Nguyễn Thị Bích Trân (Hôn nhân thực tế) tại ấp B xã Y huyện X từ đầu năm 2017 cho đến nay. Việc anh Hồ chung sống như vợ chồng với chị Trân tại địa chỉ  ấp B xã Y, gia đình hai bên đều đồng ý, tại nơi cư trú ai cũng biết. Trong đơn yêu cầu xác nhận, chị Trân trình bày rõ việc chị và anh Hồ chung sống như vợ với chồng, UBND xã Y cũng đã xác nhận. Mặt khác, anh Hồ có cha là ông Trần Văn Trị, có nhà và nơi cư trú tại ấp Hòa Bình, xã Định An, huyện Z trong cùng một tỉnh, anh Hồ vẫn thường xuyên về chăm sóc ông tại đây . . . điều đó cho thấy: Các cơ quan chức năng ở huyện X xác định anh Hồ “không có nơi ở ổn định” là không chính xác.
Thứ hai: Về nội dung xác định anh Hồ “Nghiện ma túy”
Nghiện ma túy được hiểu là tình trạng sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần một hay nhiều loại ma túy và người sử dụng bị lệ thuộc vào chất ma túy đó. Thế nhưng theo lời trình bày của anh Hồ, thì anh chỉ hút lần đầu tiên khoản 8, 9 hơi trong tiệc nhậu do bạn rũ hút tại xã Định An huyện Z vào ngày 9 tháng 02 năm 2018, chứ từ trước đến nay anh chưa từng sử dụng. chị Trân (người sống chung với anh Hồ như vợ chồng), ông Trần Văn Trị (cha anh Hồ) cũng xác định anh Hồ chưa từng sử dụng ma túy bao giờ.
Trong hồ sơ, duy nhất chỉ có Biên bản xét nghiệm chất ma túy lập tại Trung tâm cai nghiện vào lúc 18 giờ ngày 12 tháng 02 năm 2018 có ghi anh khai “sử dụng từ năm 2017 đến nay”, nhưng tại phiên họp xét (ngày 27-03-2018), anh trình bày rằng anh khai chỉ có một lần chứ không có nói sử dụng từ năm 2017. Trong hồ sơ, các lời khai của anh Hồ trước đó cũng chỉ thể hiện anh sử dụng có một lần duy nhất vào đêm 9 tháng 02 năm 2018, chứ không có tài liệu nào khác chứng minh anh đã sử dụng nhiều lần.
Trong hồ sơ có sự mâu thuẫn về việc xác định anh Hồ nghiện ma túy ở chỗ: Tại Phiếu trả lời kết quả về việc xác định tình trạng nghiện ma túy của Bác sĩ Vũ Thị Lang ký ngày 16 tháng 02 năm 2018, kết luận anh Hồ “Có nghiện ma túy” nhưng tại Thông báo số 179 do Giám đốc Trung tâm Bùi Thị Đào ký ngày 17 tháng 02 năm 2018 (sau văn bản trả lời kết quả nghiện ma túy) lại kết luận: “Đối tượng có sử dụng ma túy dạng Methamphetamine” và đề nghị cơ quan Công an huyện X bổ sung thêm những cơ sở xác định tình trang nghiện ma túy của đối tượng (tại sao có kết luận rồi mà lại yêu cầu bổ sung?).
Tại phiên họp, Bác sỉ Vũ Thị Lang trình bày: Căn cứ kết luận anh Hồ nghiện ma túy là do anh khai đã sử dụng từ năm 2017. Ngoài Phiếu theo dõi  xác định tình trạng nghiện ma túy (không có ghi số bút lụt, có đánh dấu một số chỉ số), không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện anh Hồ có điều trị bằng thuốc cắt cơn hoặc những liệu pháp trị nghiện khác. . . vì vậy kết luận anh Hồ nghiện ma túy là chưa khách quan.
Thứ ba: Về hồ sơ và những dấu hiệu sai phạm trong việc lập hồ sơ.
 Theo bản kê bút lục đánh số thứ tự từ 1 đến số 36. BL 36 là Biên bản giao nhận hồ sơ lập lúc 15 giờ 30 ngày 27 tháng 02 năm 2018 giữa Công an và Phòng Tư pháp chỉ có 21 trang, thì có một số tài liệu và bút lục phát sinh ngoài danh mục. Đáng chú nhất là các BL như: BL 41 Đơn xin đưa đi cai nghiện do ông Võ Văn Lanh viết, có dấu lăn tay dưới dòng chữ Trần Văn Trị, ghi ngày 13 tháng 02 năm 2018, có nội dung yêu cầu đưa Trần Thanh Hồ đi cai nghiện: BL số 39,  Biên bản ghi lời khai do Đoàn Trần Hùng lập ngày 13 tháng 02 năm 2018, có nội dung ông Trị đồng ý đưa anh Hồ đi cai nghiện, các BL này ghi ngày 13-02-2018 nhưng không có trong bản kê tài liệu. Trong khi đó ông Trị và ông Lang trình bày cán bộ Công an đến nhà ông Trị làm việc vào ngày 18 tháng 03 năm 2018 (xem đoạn phim ghi hình và đoạn băng ghi âm tôi đã nộp).
Trong hồ sơ còn thể hiện dấu hiệu khác thường ở chỗ: Theo bản kê tài liệu thì Phiếu theo dõi  xác định tình trạng nghiện ma túy ghi BL 30, nhưng trong hồ sơ phiếu này không có đánh số, phải chăng BL 30 là phiếu theo dõi tình trạng nghiện ma túy của Hồ chưa có cơ sở kết luận nên mới có Thông báo số 179 do Giám đốc Trung tâm Bùi Thị Hằng ký đề nghị cơ quan Công an huyện X bổ sung thêm những cơ sở xác định tình trang nghiện ma túy của đối tượng?
Những tài liệu nêu trên cho thấy có dấu hiệu của việc làm sai lệch và tạo dựng chứng cứ không có thật, để nhằm hợp thức hóa hồ sơ đưa anh Hồ đi cai nghiện.
Thứ tư: Về áp dụng pháp luật.      
Luật xử lý vi phạm hành chính qui định tại điều 131 thì:
1. Trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này.
2. Đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý.
3. Thời hạn quản lý được tính từ khi lập hồ sơ cho đến khi người có thẩm quyền đưa đối tượng đi áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quyết định của Tòa án. 
Tại điều 120 Luật xử lý vi phạm hành chính còn nêu rõ:
1. Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các điều từ 120 đến 132 của Luật này, nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Chương II của Phần này.
3. Người ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.
Trong ngày 12 tháng 02 năm 2018, tài liệu thu thập chỉ là phiếu xét nghiệm dương tính với chất ma túy và bản Tường trình (BL5) anh Trần Thanh Hồ khai bỏ địa phương khoản 01 năm nay và có hút ma túy đá một lần vào lúc 23 giờ ngày 0-2-2018, chưa có tài liệu nào chứng minh anh Hồ thường xuyên sử dụng và bị nghiện ma túy, nhưng Công an huyện X lại cho rằng anh Hồ nghiện ma tuy và không có nơi cư trú nhất định, rồi đề nghị và Chủ tịch UBND xã Y ra Quyết định đưa anh Hồ vào Trung tâm cai nghiện ngay trong ngày là một điều nghịch lý.
Anh Trần Thanh Hồ có nơi cư trú rõ ràng không phải là người thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định”; Gia đình của anh cũng đã đến gặp Công an yêu cầu được bảo lãnh, lẽ ra anh phải được gia đình bảo lãnh trong khi chờ làm thủ tục; Thế nhưng Chủ tịch UBND xã Y lại ban hành Quyết định đưa anh Trần Thanh Hồ vào cơ sở cai nghiện tập trung là trái với qui định nêu trên.
Tại khoản 1 điều 3 Nghị định 221/2013 (được sửa đổi theo Nghị định 139/2016) qui định đối tượng đưa đi cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện phải là: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
Anh Trần Thanh Hồ không phải là người “thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định”, anh cũng chưa từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy, cùng với các chứng cứ chứng minh anh nghiện ma túy chưa rõ ràng ….. cha anh là người có công với cách mạng, hiện bị bệnh tai biến sống một mình, anh là người chăm sóc ông, nên việc Tòa án huyện X ra quyết định đưa anh đi cai nghiện bắt buộc vừa không khách quan, vừa không phù hợp với tính nhân đạo xã hội của Đảng và Nhà nước ta và sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho anh và cha anh trong hiện tại lẫn sau này.
Kiến Nghị:
Để bảo đảm và tôn trọng Quyền con người, Quyền Công dân của anh Trần Thanh Hồ theo Hiến định (điều 3 Hiến pháp 2013); Nhằm góp phần bảo đảm sự tuân thủ đúng đắn pháp luật, tôi đề nghị TAND tỉnh hủy Quyết 06/TA-CT ngày 27 tháng 03 năm 2018 của TAND huyện X, không áp dụng hình thức xử lý hành chính đối với anh Trần Thanh Hồ bằng biện pháp đưa đi cai nghiện tập trung theo qui định của pháp luật.
 Luật sư ĐOÀN CÔNG THIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét