PHỎNG VẤN SÂU LUẬT SƯ ĐOÀN CÔNG THIỆN
-----------------------
Kính chào luật sư Đoàn Công Thiện!
Em là Nguyễn Thy Lệ, hiện là Biên tập viên Đài Phát
thanh – Truyền hình Kiên Giang. Anh trả lời giùm em những câu hỏi về “Vấn đề vi
phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trên báo mạng điện tử Việt Nam hiên nay”.
Câu hỏi 1: Luật sư đánh giá thế nào về việc thực hiện
“Nguyên tắc suy đoán vô tội” trong công tác tố tụng ở Việt Nam nói chung
và tỉnh Kiên Giang nói riêng?
Trả lời:
Hiến pháp năm 2013 tại khoản 1 điều 31 đã ghi rõ
((Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo
trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật)).
Trên cơ sở Hiến định, “Nguyên tắc suy đoán vô tội” đã
được qui định tại điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 với nội dung: ((Người bị
buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự,
thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội
theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội)).
Bộ luật tố tụng hình sự năm 1999 tuy không xác định “Nguyên
tắc suy đoán vô tội” một cách rõ ràng như Bộ luật hình sự năm 2015, nhưng cũng
đã qui định cho các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ chứng minh có tội mà còn phải có trách
nhiệm chúng minh vô tội đối vớ bị can, bị cáo khi tiến hành hoạt động tố tụng
(điều 10).
Phải khẳng định rằng trong thời gian
qua, trong cả nước nói chung, ở tỉnh ta nói riêng, các cơ quan tiến hành tố
tụng đã tiến hành các biện pháp lý đấu tranh chống tội phạm một cách có hiệu
quả, kịp thời xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, bảo đảm đúng người,
đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng, có một số nơi
cơ quan tiến hành tố tụng chưa coi trọng “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Vấn đề
này thể hiện qua một số dấu hiệu sau đây:
Án oan đã xảy ra ở một số nơi, trong đó có những bị án
đặc biệt nghiêm trọng đến mức tử hình, tù chung thân, mà điển hình như các bị
án Huỳnh Văn Nén (án tù chung thân ở 10 năm), Nguyễn Thanh Chấn (án tù chung
thân ở 15 năm), Hàn Đức Long (án tử hình) v.v…
Một số vụ án bị can bị cáo kêu oan trong quá trình
điều tra, truy tố xét xử, cá biệt có bị án đã chấp hành hình phạt xong vẫn tiếp
tục kêu oan, nhưng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét một cách
khách quan, toàn diện; trong khi chứng cứ buộc tội trong những vụ án đó không
vững chắc, còn có những mâu thuẫn và nhiều nghịch lý.
Câu hỏi 2: Luật sư có thường xuyên đọc những tin, bài
về pháp luật trên báo mạng điện tử?
Trả lời:
Có.
Tôi vẫn thường xuyên xem bài trên các báo chính thức và các trang mạng xã hội.
Tôi cũng có rất nhiều bài viết vế pháp luật đăng trên Cổng thông tin điện tử
của Chính phủ, đăng trên Blog và FB cá nhân của tôi.
Câu hỏi 3: Vậy luật sư nhận xét gì về thực hiện
“Nguyên tắc suy đoán vô tội” trong báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay?
Trả lời:
“Nguyên tắc Suy đoán vô tội” là định hướng pháp lý
dành cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên lĩnh vực thông tin báo chí nói chung,
trên lĩnh vực báo điện tử nói riêng, khi đưa thông tin những vụ án có người
đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng nên tuân thủ nguyên tắc này, nếu như
người đó chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Câu hỏi 4: Luật sư có thể cho biết những biểu hiện chủ
yếu trong vi phạm “nguyên tắc suy đoán vô tội” trên báo mạng điện tử Việt Nam
hiện nay?
Trả lời:
Nếu xét về mặt thời gian của quá trình lâu dài, thì nói
vi phạm là chưa hòan toàn đúng, vì Luật
báo chí trước đây không cấm đưa thông tin có tính nhận định, nhận xét kết tội… Chỉ
từ ngày 1 tháng 1 năm 2017 trở lại đây, khi mà Luật báo chí năm 2016 có hiệu
lực thì hành, thì hành vi “Qui kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án” mới
được xem là vi phạm, bởi lẽ: hành vi đó đã bị cấm được qui định tại khoản 8,
điều 9 của Luật báo chí năm 2016 diện dẫn trên đây.
Tuy nhiên, xem xét theo “Nguyên tắc suy đoán vô tội”
có thể thấy hiện tượng các bài viết qui kết có tội đối với những người bị bắt
giữ đang trong giai đoạn điều tra, truy tố hoặc đang bị xét xử là khá phổ biến.
Từ sự qui kết có tội, nên các bài viết thường dùng những từ ngữ có ý nghĩa miệt
thị, cùng với sự nhận xét, mô tã cái xấu làm cho người đọc có ấn tượng căm ghét,
định kiến đối với người bị qui kết có tội.
Câu hỏi 5: Theo luật sư thì nguyên nhân của việc vi
phạm “nguyên tắc suy đoán vô tội” trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay là gì?
Trả lời:
Có hai nguyên nhân chính sau đây.
Thứ nhất: Do tâm lý căm ghét cái ác, căm ghét cái xấu
khiến cho người viết dễ rơi vào tình trạng phóng đại, suy luận theo hướng chủ
quan hơn là nhìn nhận sự việc với góc độ khách quan, trung thực.
Thứ hai: Do qui định của pháp luật trước đây (trừ Luật
báo chí 2016) chưa qui định cụ thể, cộng với năng lực phán đoán và khả năng
diễn đạt sự phán đoán ấy còn bị hạn chế thuộc về kỹ năng tác nghiệp của người
viết.
Câu hỏi 6: Luật sư có thể cho biết những tác hại do vi
phạm “Nguyên tắc suy đoán vô tội” trên báo chí gây ra?
Trả lời:
Trước hết, nó gây ra tâm lý tiêu cực trong cộng đồng
dân cư đối với người và gia đình của người bị qui kết phạm tội, mà hệ quả là
người bị qui kết bị xã hội chỉ trích, xa lánh, phân biệt đối xử.
Việc qui kết có tội đối với người có hành đang vi bị
xem xét, còn có thể tác động đến tính độc lập của những người tiến hành tố tụng,
dẫn đến oan sai trong quá trình giải
quyết vụ án.
Câu hỏi 7: Vậy chúng ta có giải pháp nào để ngăn chặn
những vi phạm “Nguyên tắc suy đoán vô tội” trên báo chí, đặc biệt là báo mạng
điện tử?
Trả lời:
Trước hết phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc tôn trọng
sự thật khách quan trong việc đưa thông tin. Khi viết, phản ánh sự việc phải
thật sự trung thực, có như thế nào đưa tin như thế đó, cái gì chưa có kết luận
của người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng, thì không được suy
đoán theo ý chủ quan.
Kế đến là phải chấp hành đúng pháp luật về thông tin
báo chí nói chung và chế định bị cấm trong Luật báo chí 2016 nói riêng, trong
đó có nội dung cấm “Qui kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án”.
Những giải pháp nói trên không có nghĩa chúng ta chỉ
đưa thông tin sự vụ mà phải biết kết hợp với nội dung phê phán, nếu một hành vi
của ai đó vi phạm phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, trái với thuần phong mỷ tục
Việt Nam, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội để chống và loại trừ cái ác, cái
xấu trong xã hội; định hướng cho mọi người hành xử với nhau tốt đẹp và nhân văn
hơn.
Xin chân thành cảm ơn luật sư đã tham gia cuộc phỏng
vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét