Translate

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

CHỦ THỂ CHỊU TRÁCH NHIỆM LÀ AI


CHỦ THỂ CHỊU TRÁCH NHIỆM LÀ AI (*)
(Trích bài bào chữa)
--------------
Luật sư Đoàn Công Thiện
Xem xét nguyên nhân để xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở cửa khẩu Bình Tiên và Hà Giang gây thiệt hại hơn 109 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng có phải do “thiếu tin thần trách nhiệm” trong quá trình thực thi pháp luật của bị cáo Lâm Chí Bảo cùng các bị cáo khác tại phiên tòa hôm nay, hay do nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, pháp luật? Chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý về hậu quả thiệt hại trong vụ án nói trên có phải chỉ duy nhất là Công chức hải quan hay còn có những chủ thể khác? Cáo trạng  kết luận Lâm Chí Bảo phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ở tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 điều 285 của bộ luật hình sự liệu có oan cho bị cáo hay không, khi chưa làm rõ trách nhiệm của các Công chức dưới quyền, như lời Bị cáo Bảo trình bày trước Tòa?
Để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên, tôi xin phép được đưa ra những luận cứ sau đây:
Theo nội dung về thủ tục hoàn thuế tại chương VII (từ điều 57 đến điều 60) của Luật quản lý thuế năm 2006, qui định rất rõ các chủ thể tham gia giải quyết hoàn thuế; hồ sơ hoàn thuế; trách nhiệm của Cơ quan và Công chức thuế vụ . . . chỉ duy nhất tại khoản 2 điều 58 có liên quan đến Hải quan đó là: Hồ sơ hoàn thuế được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế.
Với chức năng được giao, Chi cục hải quan Bình Tiên (kế cả ở Hà Giang) không có nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hoàn thuế, vì vậy hai Chi cục Hải quan này, không phải là chủ thể giải quyết việc hoàn thuế và do đó, những Công chức Hải quan không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả thiệt hại xảy ra trong lĩnh vực hoàn thuế.
Nghiên cứu Qui trình hoàn thuế, ban hành kèm theo Quyết định số 905/QĐ-TCT của Tổng cục thuế; nghiên cứu Qui chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam, Camphuchia ban hành theo Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: các qui phạm pháp luật này, qui định rất chi tiết về trình tự các giai đoạn, thủ tục và những nội dung có liên quan đến việc mua bán hàng hóa qua biên giới, cũng như việc hoàn thuế.
Riêng về Qui trình hoàn thuế. Để các chủ thể được thụ hưởng tiền hoàn thuế Cơ quan thuế phải tiến hành 5 bước qui trình nghiệp vụ, từ khi tiếp nhận hồ sơ cho đến khi ra Quyết định hoàn thuế; trong mỗi bước, Qui chế đều qui định trách nhiệm cho Công chức thuế vụ phải thực hiện những công việc cụ thể v.v…vấn đề đặt ra ở đây là: Trước khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lâm Chí Bảo và các bị can khác, các cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn điều tra, truy tố không làm rõ những nội dung mà pháp luật bắt buộc Công chức Thuế vụ phải tuân thủ khi thực hiện hoàn thuế cho các đối tượng, không làm rõ Ngân hàng và các chủ thể khác có liên quan, có làm đúng qui định nội ngành của mình hay không? Không xem xét đến vai trò của Cơ quan Thuế vụ, vai trò của Ngân hàng, trạm Biên phòng trong mối quan hệ tương tác với Cơ quan hải quan, đối với hậu quả hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế, trước khi xem xét đến trách nhiệm của Công chức hải quan là một khiếm khuyết rất lớn trong quá trình tiến hành tố tụng của vụ án này.
Theo như lời trinh bày của đại diện Cục thuế tại phiên Tòa cho thấy: Hồ sơ hoàn thuế bắt buộc phải có gồm: Hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa; Tờ khai hải quan; Chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Hóa đơn mua hàng đầu vào và một số loại giấy tờ khác. Trong các tài liệu đó, chỉ có tờ khai hải quan thuộc ngành Hải quan, còn lại nhiều tài liệu chứng từ khác thuộc trách nhiệm của Cục Thuế vụ, của Ngân hàng và của những cơ quan khác, nếu Công chức Thuế vụ thực hiện một cách đầy đủ, đúng với qui trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của ngành mình, thì cũng sớm phát hiện ra sự gian lận tiền thuế mà các đối tượng đã thực hiện.
Tôi đưa ra ví dụ như sau:
Bị án Trần Hữu Thọ và Bị án Huỳnh Văn Trong khai đã mua hóa đơn đầu vào, kê khống mua hàng của các Doanh nghiệp nội địa những mặt hàng thuộc diện ưu đãi miễn kiểm tra hải quan … vậy thì, cơ quan Thuế vụ kiểm tra đối chiếu những hóa đơn này như thế nào trước khi quyết định hoàn thuế? Tại sao các đối tượng sử dụng hóa đơn mua hàng khống trong một thời gian dài như vậy mà Thuế vụ không phát hiện ra sau khi hoàn thế? Trong khi ngành thuế có đủ các lực lượng thực thi nhiệm vụ, trong đó có Thanh tra thuế? Điều đó chứng tỏ khâu hoạt động kiểm tra đối chiếu, Công chức thực thi công vụ của ngành Thuế, chưa làm hết trách nhiệm hoặc chưa thực hiện đúng theo nội dung Quyết định số 905/QĐ-TCT của Tổng cục thuế đã ban hành.
Từ những cơ sở phân tích trên đây cho thấy rằng: Truy cứu trách nhiệm hình sự Lâm Chí Bảo (kể cả các bị cáo khác), với tư cách là những cán bộ Công chức hải quan về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đúng về mặt chủ thể tội phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng do Trần Hữu Thọ và Huỳnh Văn Trong thực hiện như đã nêu ở trên.
Khi nghiên cứu các nội dung có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, tôi xin được phân tích làm rõ những yêu tố mang tính khách quan xuất phát từ chính sách pháp luật và cả yêu tố kỷ thuật để Hội đồng xét xử xem xét.
Với chính sách thông thoáng cho các Doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, một số qui phạm pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành tạo ra kẽ hở, biểu hiện cụ thể sau đây:
Thứ nhất: Về chính sách ưu đãi
Theo nội dung Qui trình thủ tục hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 1171 ngày 15-06-2009 của Tổng cục hải quan, trong đó ưu tiên cho “luồng xanh” không phải kiểm tra thực tế hàng hóa đối với Doanh nghiệp có hàng xuất nhập khẩu. Đây là một kẻ hở rất lớn, tạo không gian cho gian lận thương mại và chính các Bị án Trần Hữu Thọ, Huỳnh Văn Trong đã lợi dụng kẻ hở này thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình như hai bị án trình bày tại Tòa.
Thứ hai: Về kỷ thuật.
Theo như trình bày của đại diện Cục hải quan, cũng như các cán bộ chuyên môn, việc phân luồng đã được lập trình và hệ thống hóa qua mạng điện tử Hải quan trong toàn Quốc, cán bộ hải quan chỉ việc nhập các dữ liệu theo mẫu biểu qui định vào máy tính, máy sẽ cho ra kết quả, kết quả đó được xem như là  chỉ lệnh bắt buộc thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng nếu có nghi ngờ trên thực tế Công chức hải quan cũng không thể kiểm tra được, vì nếu kiểm tra sẽ làm trái qui trình và sẽ đối diện với chế tài hành chính.
Trên đây là trích một phần trong bài bào chữa cho Bị cáo kêu oan tại một phiên Tòa Hình sự. Hy vọng nội dung bào chữa trong bài sẽ giúp các bạn, nhất là Luật sư đồng nghiệp có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.
(*) Tên người và địa danh đã thược thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét