Translate

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

CHIA THỪA KẾ ĐẤT ĐÚNG HAY SAI ?



LUẬN CỨ BẢO VỆ
-------------
(Tên người, tên địa phương, đã thay đổi)

Trong vụ tranh chấp này, cả hai cấp Tòa án đều xác định tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và quyết định chia thừa kế theo yêu cầu của Nguyên đơn. Mời các bạn xem bài bảo vệ của ĐCT sau đây để tham khảo.
------------------------------------------
1. Về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
Theo lời trình bày của các đương sự, phần đất mà phía Nguyên đơn có yêu cầu chia thừa kế, có nguồn gốc của bà Hồng Lỉnh, là mẹ của ôn Lý Tòng và là bà nội của Lý Y, Lý Binh (là Nguyên đơn) và Lý Phan (là Bị đơn).  Phần đất này trước năm 1975, ông Lý Kỉnh, con bà Hồng Lỉnh và là bác của Nguyên đơn và Bị đơn, người quản lý trông coi, trồng các loại cây trên đất, sau đó chuyển giao lại cho ông Lý Phan với giá 6 chỉ vàng 24 k.
Quá trình sử dụng đất, có nhiều người biết, trong đó, ông Trần Văn Khánh là người cư trú tại địa phương, trình bày trong Biên bản ghi lời khai nhân chứng ngày 30-03-2018 BL 288 (767)  xác định: Đất đang tranh chấp là của bà nội ông Phan chết đề lại. Phần đất trên núi ông Phan mua lại của cha bà Lý Thị Xinh là ông Lý Kỉnh, phía dưới là bà nội và cha ông Phan ở cho đến khi chết. Bà Lý Y chạy giặc ông Phan ở lại trông coi đất.
Đặt biệt trong Biên bản ghi lời khai ngày 30-05-2018, BL 289 (769), bà Lý Thị Xinh, là con ông Lý Kỉnh khai: Phần đất tranh chấp là của bà nội. Khi cón sống bà nội ở với bà Lý Y trên đất, đến khi chạy giặc khơ me, bà nội chết, bà Y bỏ đi thì ông Phan về coi sóc đất. Trước năm 1975, cha tôi có tới lui coi sóc đất và trồng trọt, đến khi bà Y chạy giặc cha tôi là người trông giữ đất, sau đó ông Phan về đòi lại đất nên cha tôi trả lại vào khoản năm 1990, ông Phan đưa cho cha tôi 6 chì vàng tiền khai phá và canh giữ đất dùm. Trước đó ông Phan không có trồng gì, khoản năm 2000, ông Phan mới trồng xoài trên đất trả vàng và đất ông bà nội ở trên đất hiện nay.
Lời khai của bà Xinh, ông Khánh là phù hợp với chứng cứ khác tại BL 197, Tờ thỏa thuận viết tay ngày 10-08-1996 (685), có nội dung thỏa thuận ông Phan trả cho ông bà Lý Kỉnh  6 chỉ vàng tiền cây trồng trên đất cha ông đã chết, có hai người làm chứng và xác nhận của Ban nhân dân ấp (685).
Quá trình sử dụng nêu trên cho thấy, quyền sử dụng đất của bà Hồng Lỉnh được chuyển giao sang cho ông Lý Kỉnh, sau đó ông Kỉnh chuyển giao lại cho ông Lý Phan bằng 6 chỉ vàng 24k (Giá này phù hợp với giá đất lúc bấy giờ), chứ không có chuyển giao cho ông Lý Tòng (là cha của Nguyên đơn và Bị đơn) mặc dù trong Biên bản họp gia tộc và các đương sự có lúc khai là của cha mẹ, bởi ông Tòng chết vào năm 1977, lúc này bà Hồng Lỉnh còn sống, đến năm 1979 bà Lỉnh mới chết.
Nguốn chứng cứ khác nữa, đó là BL 115, Biên bản họp gia tộc ngày 12-07-2001, trong đó ghi rõ “Bốn anh em trong gia tộc bàn bạn dẫn đến thống nhất giao cho Lý Phan được thừa hưởng, quản lý và sử dụng” “Nếu sau này bốn anh em trong gia tộc cần một nền nhà để ở thì anh Phan có trách nhiệm chỉ nền em ở nhưng không được sang tên và làm thủ tục theo yêu cầu, chỉ được ở”. Biên bàn có chữ viết nội dung xác nhận của ông LST trưởng khu phố (624). BL 313, Tờ ưng thuận cho mượn đất cất nhà viết tay, lập ngày 16-03-2005, ông Phan cho bà Lý Y mượn phần đất cất nhà ở, ngang 6m dài 20m, diện tích 669,3m2 trong thửa116. Thời gian mượn 10 năm. Lý do Y không có nơi cất nhà. Giấy có xác nhận của khu phố ngày 22-03-2005 (784).
Bà Lý Y thừa nhận có lập hai van bản trên tại BL 308, Biên bản hòa giải tại Tòa án ngày 8-6-2018 thể hiện như sau: “Cha tôi mất năm 1977, bà nội chết năm 1979, không có ai đế lại di chúc. Năm 1982 tôi về ở trên đất, đến năm  1986-1987 dọn về ven biển ở, giao giấy tờ cho ông Phan cất giữ. Năm 2004 tôi về ở lại trên đất, được ông Phan cho cất nhà ở nhưng chưa chia đất. ”. “Giấy họp gia tộc chúng tôi có ký tên nhưng không hề biết ông Phan kê khai đất và chỉ cho ông Phan quản lý chứ không cho đứng tên, ông Phan có hứa chia lại cho các em”. Ông Lý Bình trình bày: Tôi có ở trên đất từ năm 1975 đến 1977 về KL ở. Đến năm 2013 tôi về tiếp tục ở và yêu cầu chia đất nhưng ông Phan  không đồng ý”. (775-776)
Mặc dù bà Xinh khai cha bà chuyển giao cho anh em ông Lý Phan nhưng thực chất, ông Phan là người xuất vàng trả cho cha bà Xinh; Bà Lý Y và ông Lý Bình đều sống ở nơi khác, người trực tiếp canh tác liên tục trên đất là ông Lý Phan từ năm 1977 (Theo Nguyên đơn thì từ 1984) đến nay (trừ phần đất ông Lý Phan cho hai Nguyên đơn có nhà ở).
2. Về quan hệ tranh chấp và áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm.
Án sơ thẩm xác định: Quan hệ trong vụ này là “Tranh chấp phân chia di sản thừa kế” và áp dụng khỏan 4, điều 36 Pháp lệnh thừa kế số 44-LCT/HĐNN ngày 30-08-1990 của Hội Đồng Nhà Nước; Điều 623 Bộ Luật Dân Sự 2015, để tính thời hiệu thừa kế và chấp nhận yêu cầu của các Nguyên đơn, chia thừa kế theo pháp luật Cho bà Lý Y 2.037m2, ông Lý Bình 1.873,4m2, ông Lý Phan 2.584,4m2 và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Phan, mà không căn cứ vào qui định pháp luật về đất đai và những qui định pháp luật dân sư khác là chưa đúng, dẫn đến sai phạm trong việc áp dụng pháp luật, gây thiệt về quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho phía Bị đơn.  
Tô xin dẫn chứng những qui định của pháp luật có liên quan sau đây.
Tại thời điểm bà Hồng Lỉnh và ông Lý Tòng chết, Luật đất đai năm 1987 đang có hiệu lực, không có chế định thừa kế quyền sử dụng đất, mà chỉ qui định: “Người được thừa kế nhà ở hoặc người chưa có chỗ ở, khi được người khác chuyển nhượng nhà để ở, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, thì được quyền sử dụng đất ở có ngôi nhà đó.” (điều 17). Theo qui đính này, thì Pháp lệnh thừa kế số số 44-LCT/HĐNN ngày 30-08-1990 chỉ có ý nghĩa giải quyết tranh chấp thừa kế đối với bất động sản là nhà ở gắn với đất có nhà, chứ không thể áp dụng cho việc thừa kế quyền sử dụng đất mà không có nhà trên đó. . . Chỉ đến khi Luật đất đai năm 1993 được Quốc hội khóa IX, thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 14-07-1993 (có hiệu lực từ ngày 15-10-1993), thì chế định thừa kế quyền sử dụng đất mới được đưa vào luật, thể hiện tại khoản 2 điều 3; Khoản 1, khoản 3 điều 76. Như vậy quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất chỉ có giá trị pháp lý và được áp dụng kế từ ngày 15 -10-1993 trở về sau. Cấp sơ thẩm áp dụng quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất để giải quyết cho trường hợp này là trái qui định pháp luật. Điều 263 qui định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với Bất động sản chỉ áp dụng cho nhà ở và các công trình xây dựng cố định khác chứ không thể áp dụng cho quyền sử dụng đất nếu đất đó không có công trình cố định.
3. Vấn đề hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luật đất đai 1987, qui định thì: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý”. “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này” (điều 1); “Đất vườn được tính vào đất làm kinh tế gia đình xã viên hoặc đất giao cho nông dân còn sản xuất cá thể, phần còn lại người có vườn vẫn được tiếp tục sử dụng để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.Nhà nước có chính sách khuyến khích và bảo vệ lợi ích của mọi tổ chức và cá nhân thâm canh, tăng sản lượng cây trồng trên đất vườn, sử dụng đất trống, đồi núi trọc để lập vườn theo quy hoạch” (điều 31) (Luật này còn qui định người sử dụng đất mà không sử dụng trong 6 tháng liền sẽ bị thu hồi nếu không có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. (khoản 5 điều 14).
Với những qui định trên đây, việc UBND huyện HT (nay là thành phố HT), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy bìa xanh) cho ông Lý Phan vào năm 1990 là đúng với Luật đất đai năm 1987. Do ông Phan là người trực tiếp quản lý và liên tục sử dụng canh tác trồng các loại cây, lập vườn trên đất; Ông Phan cũng là người được UBND huyện HT công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp vào năm 1990, nên năm 2004, ông được UBND thị xã HT đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), là phù hợp qui định của pháp luật tại thời điểm này. Phía Nguyên đơn biết nhưng không phản đối, khiếu nại hoặc khởi kiện việc ông Phan làm và được cấp giấy chứng nhận mới, chứng tỏ phía Nguyên đơn mặc nhiên thừa nhận ông Phan làm chủ quyền sử dụng trên đất (Thể hiện tại BL 01 (531) trong đơn khởi kiện), thì không có lý do gì yêu cầu hủy giấy chứng nhận của ông Phan. Cấp sơ thẩm hủy Giấy chứng nhận mà UBND thị xã HT đã cấp cho ông Phan là sai qui định của pháp luật đất đai.
4. Kết luận và đề xuất.
Ông Lý Phan quản lý và sử dụng đất từ năm 1977 (hoặc từ năm 1984 theo trình bày của Nguyên đơn) đến năm 2015, phía Nguyên đơn mời có yêu cầu giải quyết tranh chấp.  Giả định nếu ông Phan không được cấp Giấy chứng nhận, thì ông cũng đã chiếm hữu sử dụng công khai, ngay tình, liên tục trên 30 năm, thỏa mảng điều kiện trở thành chủ sở hữu đồi với bất động sản được qui định tại điều 236 Bộ luật dân sự 2015.
Từ những căn cứ nêu trên, tôi cho rằng đơn kháng cáo của Bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến vụ kiện, yêu cầu bác toàn bộ nội dung khởi kiện của Nguyên đơn là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.
Tuy nhiên tại phiên tòa hôm này, ông Lý Phan và người đại diện theo ủy quyền của các người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan, đồng ý chia cho phía Nguyên đơn mỗi người một phần đất ở với diện tích 10mx30m, mà không lấy lại giá trị đất, là hợp với đạo lý tình anh em, đề nghị Tòa án ghi nhận và buộc Bị đơn có nghĩa vụ tách giấy chứng nhận cho phía Nguyên đơn theo qui định của pháp luật.
(Luận cứ bảo vệ này đã trình bày tại phiên Tòa phúc thẩm ngày 31-05-2019. Bản án phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét