THÁNG TƯ VỀ VỚI
LÀNG NGHỀ VĨNH THUẬN
------------------
Bài
và ảnh:
Đoàn Công Thiện – Trương Vũ
Chúng tôi về
thăm làng nghề Vĩnh Thuận, một vùng quê của miệt rừng U Minh giữa lúc giao thời,
dưới cái nắng oi bức của tiết trời sắp bắt đầu những cơn mưa mùa hạ.
Thực tế làng nghề mà chúng tôi tìm đến, chính là ấp Vĩnh
Trinh của xã Vĩnh Thuận (thuộc huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang), nhưng vì địa
danh Vĩnh Thuận đã đi vào lịch sử kháng chiến, nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của
tỉnh Kiên Giang ra đời; Một vùng chiến trường khốc liệt nhất đã in đậm dấu ấn
không phai mờ của các thế hệ chiến sĩ cách mạng từng đi qua nơi đây, nên chúng
tôi quyết định lấy tên Vĩnh Thuận trong cấu thành tựa đề bài viết này.
Bốn mươi lăm
năm trôi qua, Vĩnh Thuận đã thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng không thể hình dung
ra được; Một địa danh tiếp giáp với rừng U Minh, khu căn cứ địa kháng chiến có
mật độ bom đạn ác liệt nhất trong chiến tranh; Một vùng quê mà mỗi tên đất, tên
sông, đều gắn liền với những chiến công hiển hách…
Những con đường liên ấp, liên xã phẳng lì bê tông rộng mở, nhộn
nhịp người xe qua lại; Những ngôi nhà kiên cố khang trang đẹp đẻ nhiều màu sắc làm
sáng rực cả xóm quê; Tiếng loa âm thanh bài ca vọng cỗ đâu đó vang lên, xen với
tiếng xuồng máy trên sông, lẫn tiếng người cười nói râm rang trên đường sau
buổi làm đồng về … Quan cảnh ấy đã gieo vào tâm thức chúng tôi một cảm xúc nao
nao dâng trào đến tận đáy lòng.
Có bao người đã ngã xuống để có được ngày 30 tháng Tư yên bình
cho quê hương xứ sở này? Có bao nhiêu mồ hôi công sức đổ ra, để có và duy trì một
làng nghề trù phú hôm nay? Đó là những
điều trăn trở mà chúng tôi phải đi tìm lời giải đáp.
Cháu Lâm Vũ Hải, một cán bộ trẻ của Ban tuyên giáo huyện ủy
Vĩnh Thuận, được lãnh đạo phân công đưa chúng tôi về thăm làng nghề. Với lòng
nhiệt tình và thái độ năng nổ, cháu gọi điện liên tục đến các anh có trách
nhiệm ở xã, bố trí cho chúng tôi xuống tận nơi, gặp người thật, việc thật để
thu thập thông tin.
Người đầu tiên tiếp chúng tôi là anh Châu Hoàng Liệt, một
Nông dân có tay nghề cao làm Tổ trưởng Tổ Hợp tác đan đát của ấp Vĩnh Trinh.
Với phong cách của người Nông dân Nam bộ: Thân tình, mộc
mạc, chất phát, anh khoe ngay những phần
thưởng mà cơ quan chính quyền các cấp đã tặng cho hộ gia đình của anh và cho tổ
hợp tác, về thành tích duy trì sản xuất sản phẩm Cần xé, một loại dụng cụ được
làm ra từ cây tre cây trúc, dùng để chứa đựng hàng hóa (*). Trả lời câu hỏi tại
sao chỉ duy nhất có mặt hàng Cần xé mà không sản xuất các loại dụng cụ khác?
Anh bộc bạch trả lời:
Từ khi sanh ra đến
giờ nối tiếp nghề cha mẹ để lại, tôi chỉ đan Cần xé thôi, ở đây mọi người cũng làm
duy nhất chiếc Cần xé, còn Thúng, Rỗ hay vật dụng khác thì không ai làm.
Có lẽ vì chiếc Cần
xé là dụng cụ chứa đựng phổ dụng nhất, chưa có sản phẩm nào thay thế tốt hơn,
nên nó vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Chúng
tôi nghĩ như vậy.
Nói về cách thức hoạt động của Tổ hợp tác, anh Liệt cho
biết:
Anh tự bỏ vốn mua
nguyên liệu tre trúc giao cho các tổ viên, sau đó từng tổ viên tự đan hình
thành sản phẩm thô ban đầu giao lại cho anh, tiển công trả cho mỗi sản phẩm
theo giá thỏa thuận; Tiếp theo, anh và các thành viên trong gia đình, thực hiện
khâu hoàn thiện sản phảm và hợp đồng bán lại cho thương lái . . . cứ như vậy, tổ
hợp tác của anh nhiều năm nay làm ăn luôn có hiệu quả, mỗi tổ viên thu mỗi tháng ba
đến bốn triệu đồng.
Để có tư liệu hình ảnh cho bài viết, theo yêu cầu của chúng
tôi, Vợ chồng anh Lê Văn Bul, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Trinh
thao tác khâu hình thành chiếc Cần xé thô ban đầu và vợ chồng anh Châu Hoàng
Liệt thực hiện khâu hoàn thiện sản phẩm. Với những bàn tay khéo léo, tài hoa,
chỉ trong chốc lát, các anh chị đã cho ra những chiếc Cần xé thanh thoát, cứng chắc
và dung dị mang nét đặc trưng của một loại sản phẩm riêng có của làng nghề ở xứ
đồng bằng sông Cửu Long không thể lẫn vào đâu được.
Người thứ hai mà chúng tôi tiếp xúc là anh Đặng Văn Khoa, Phó
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận.
Cũng với cái chất Nông dân nhiệt tình năng nổ, anh dùng xe
máy đưa chúng tôi đến xem tận nơi một số hộ gia đình trong khu vực làng nghề. Ở
đây, hầu như nhà nào cũng có nguyên liệu tre, trúc cùng với những sản phảm dở
dang để trong nhà. Nói về quá trình hình thành và tồn tại làng nghề, anh tóm
tắt như sau:
Nghề đan Cần xé có
từ trong chiến tranh rất lâu. Những năm sau giải phóng bà con vẫn tiếp tục và đó
là nghề chính. Hồi trước vùng này cây trúc và cây tre trồng rất nhiều, nhà nào
cũng có, nhưng sau này do Chính quyền có chủ trương phát triễn nông nghiệp bền
vững, hệ thống thủy lợi hình thành, nước ngọt mặn được điều chỉnh, đất được cải
tạo rửa phèn . . . Theo qui hoạch, vùng này thực hiện canh tác theo mô hình tôm
lúa xen canh, nên nghề đan Cần xé không còn là nghề chính của bà con nơi đây.
Tuy nhiên, vì là nghề truyền thống nên Đảng bộ luôn có chủ trương duy trì và
vận động bà con bám giữ để nghề không bị mai một. Vì vậy mà nghề đan Cần xé vẫn
còn tồn tại cho đến hôm này, được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cầp Bằng chứng
nhận vào ngày 16 tháng 06 năm 2017.
Cung cấp thông tin về sự hy sinh mất mát trong chiến tranh của địa phương,
anh Khoa cho biết:
Toàn xã có hơn hai
trăm gia đình chính sách, trong đó có hơn 250 Liệt sỉ; Xã có 53 bà mẹ Việt Nam
anh hùng, giờ chỉ còn lại 2 mẹ. Trong số 53 mẹ, có bà đã hy sinh đến 5 người
thân trong gia đình. Xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng vào năm 1994.
Tiếp xúc với một cán bộ lão thành cách mạng (xin được không
nêu tên), anh từng hoạt động ở vùng này trong chiến tranh khá lâu, anh hiểu rất
rõ làng nghề. Theo anh thì làng nghề ra đời vào khoản thập niên 50, 60 của thế
kỷ trước. Do thời điểm đó không có hàng hóa công nghiệp tràn ngập thị trường
như bây giờ, tất cả đồ gia dụng đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên như: Tre,
Trúc, cây Sậy, cây lá Dừa nước v.v… cho nên những sản phẩm đan bằng nguyên liệu
tự nhiên rất phổ biến.
Ở làng nghề này, trong thời kỳ đánh Mỹ, đã có lúc bà con tập
trung từng chiến dịch đan sọt bằng cây Sậy, để đựng đất xây đập chặn kênh xáng
Chắc Băng, nhằm không cho tàu chiến của giặc, tiến công vào vùng giải phóng do
ta làm chủ. Khi chiến tranh bom đạn ác
liệt, nhiều gia đình phải chuyển về vùng giặc tạm chiếm sinh sống nhưng vẫn giữ
nghề; Những người bám trụ ở lại tham gia du kích, cùng với Bộ đội tổ chức đánh
địch càn quét.
Vì Vĩnh Thuận là địa bàn cực kỳ quan trọng có ý nghĩa chiến
lược, nơi địch dùng làm bàn đạp tấn công đánh phá vào U Minh, nên chúng sử dụng
mọi phương tiện chiến tranh đánh vào vùng giải phóng, ta thì quyết giữ không
cho địch thực hiện ý đồ lấn chiếm; Nhiều trận chiến diển ra quyết liệt, trong
đó có chiến dịch tấn công đồn trú và đánh quân nhảy dù (**) tiếp diện, diễn ra trên
địa bàn Vĩnh Thuận, do Bộ đội chủ lực kết hợp với Du kích địa phương, tiến hành
liên tục nhiều ngày, tiêu diệt nhiều quân địch, có cả cố vấn Mỹ, bắn cháy nhiều
máy bay, thu nhiều vũ khí, đánh bại ý đồ chiếm đóng Vĩnh Thuận lúc bấy giờ của
địch (***).
Từ làng nghề về trụ sở huyện, chúng tôi được đồng chí Võ
Thanh Xuân, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp đón. Nói về
định hướng làng nghề trong tương lai, đồng
chí cho biết:
Phương hướng hoạt
động sắp tới của Đảng bộ, Huyện ủy sẽ đưa ra thảo luận tại đại hội lần thứ XII
sắp tới, Đảng bộ tập trung lãnh đạo kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng v. v.
. . trong đó có nội dung bảo đảm những chinh sách hợp lý để làng nghề truyền
thống Vĩnh Trinh luôn tồn tại với sản phẩm Cần xé có từ lâu đời mãi mãi là một
sản phẩm đặc trưng của nghề đan đát ở đồng bằng sông Cữu Long.
Vâng chúng tôi tin như vậy, bởi lẽ: Một khi cái nghiệp của
nghề đã ăn sâu bám rễ vào tìm thức và trở thành thói quen điêu luyện trong bàn
tay của con người thì không thể nào họ
dể dàng từ bỏ được. Đó, như là một chân lý thực tiễn của cuộc sống, mà người Nông
dân miền Tây Nam
bộ từ xưa đến nay vẫn là như vậy.
Trời chiều, rời khỏi làng nghề, xe chúng tôi bon bon trên con
lộ bê tông thẳng tắp. Ven bên đường, những rặng dừa xanh nghiêng mình in bóng
xuống kênh Chắc Băng hiền hòa xuôi dòng đổ ra sông lớn mà lòng chúng tôi rộn
lên bao niềm vui của những ngày tháng Tư lịch sử trên vùng đất anh hùng thấm
đẫm truyền thống cách mạng của quê hương Vĩnh Thuận thân yêu này.
Vĩnh Thuận những ngày tháng 04 – 2020
(*) Dung lượng của chiếc Cần xé, tùy theo chủng loại, mỗi
chiếc có thể chứa từ 40 ký đến 60 ký hàng hóa.
(**) Là một hình thức chiến thuật tiến công bộ binh từ trên
cao. Mỗi tên lính ngoài vũ khí còn được trang bị một chiếc dù, khi lao ra khỏi
máy bay chiếc dù bung ra giữ thăng bằng và từ từ rơi xuống. Lính từ trên cao
bắn xuống mục tiêu cho đến khi tiếp cận được mặt đất.
(***) Tư liệu trong cuốn Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 1, Sư
đoàn 330, Quân khu 9 (Nhà xuất bản QĐND 2005). Trong chiến dịch 7 ngày đêm vào
tháng 4 năm 1964, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 quân, trong đó có 2 cố
vấn Mỹ; Bắn cháy 10 máy bay chiến đấu các loại; Thu trên 200 súng và hằng trăm
chiếc dù; Diệt gọn 1 Tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 2 Tiểu đoàn lính dù khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét