Translate

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH. . . (Sự kiện)


Ngày 16 - 10 - 2013, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2013). Về dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện một số cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc ở Trung ương, đại diện một số tổ chức nước ngoài có liên quan, cùng toàn thể các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn Quốc. Buổi lễ được Đài truyền hình Quốc gia (VTV 1) truyền hình trực tiếp từ 8 giờ đến 9 giờ cùng ngày.
THIÊN TÂN giới thiệu diễn văn của Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đọc tại buổi lễ và một số hình ảnh để các bạn cùng xem. 

BÀI PHÁT BIỂU CỦA LUẬT SƯ LÊ THÚC ANH
Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và toàn thể các vị khách quý trong và ngoài nước,

          Thưa các luật sư đồng nghiệp,

Tại buổi lễ trọng thể này, chúng ta bày tỏ lòng thương tiếc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta rất tự hào vì trong đội ngũ luật sư đã có những đồng chí đã từng là Bộ đội Cụ Hồ dưới sự chỉ huy tài ba, thao lược của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

          Trong buổi lễ trọng thể hôm nay, chúng ta nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người rất quan tâm, chỉ đạo và có những quyết định quan trọng đến sự phát triển của đội ngũ luật sư Việt Nam, đặc biệt là từ khi thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam.

          Thưa Thủ tướng, các vị khách quý và các luật sư đồng nghiệp.

Hôm nay, trong không khí trang trọng của buổi Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống luật sư Việt Nam - Ngày 10 tháng 10 hàng năm, cho phép tôi thay mặt Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Hội đồng luật sư toàn quốc và Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam xin trân trọng gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể ỏ Trung ương và địa phương và toàn thể các vị khách quý trong và ngoài nước lời chào mừng và cảm ơn chân thành nhất của đội ngũ luật sư Việt Nam.

Cách đây 68 năm - Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể luật sư, khai sinh nghề luật sư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với giới luật sư Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần đặt nền móng cho nền tư pháp XHCN của dân, do dân, vì dân mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang phấn đấu xây dựng và hoàn thiện.

Nhìn lại quá trình lịch sử, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 10/10/1945 để ký Sắc lệnh về Tổ chức đoàn thể luật sư. Trước đó 16 năm, ngày 10/10/1929, thực dân Pháp đã tuyên án tử hình đối với Bác. Năm 1931, Bác bị bắt ở Hồng Kông, Luật sư Frank Loseby đã tích cực sử dụng các biện pháp pháp lý ngăn cản thành công việc thực dân Pháp can thiệp với nhà cầm quyền ở Hồng Kông đã trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam để họ thực hiện bản án tử hình đối với Bác. Nhờ có sự tận tâm giúp đỡ của Luật sư Frank Loseby, Bác đã tránh được án tử hình, tiếp tục lãnh đạo Đảng và nhân dân ta cứu đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của nghề luật sư trong sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội, chỉ 38 ngày sau khi đất nước giành được độc lập (10/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể luật sư. Cũng với nhận thức và tư tưởng đó, Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và các đạo luật về tố tụng đã được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ trong tố tụng, trong đó có việc tăng cường bảo đảm quyền bảo chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trước Toà án và các cơ quan tiến hành tố tụng. Tiếp theo đó, Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, Pháp lệnh luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006 (được  sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012) đã quy định cụ thể về luật sư và hành nghề luật sư phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước, khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của nghề luật sư, của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Từ ngày 10/10/1945 lịch sử đó, trải qua gần 70 năm, đội ngũ luật sư Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nghề luật sư trong xã hội, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều luật sư đã nêu cao tấm gương hy sinh quả cảm như Luật sư Thái Văn Lung đã anh dũng hy sinh trên chiến trường từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; các luật sư đã mang hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng một nền tư pháp dân chủ. trong sạch, vững mạnh. Giới luật sư Việt Nam sẽ mãi mãi tự hào và biết ơn đối với các luật sư tiền bối như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phan Văn Trường, Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Vũ Đình Hoè, Trần Công Tường, Trịnh Đình Thảo và nhiều luật sư tiêu biểu khác.

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong giai đoạn cách mạng mới, đội ngũ luật sư Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng, phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của nghề luật sư. Đặc biệt, những năm gần đây, đội ngũ lụât sư nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Với hơn 8000 luật sư chính thức, 3500 người tập sự hành nghề luật sư và trên 3000 tổ chức hành nghề luật sư đang sinh hoạt và hành nghề trong 63 Đoàn luật sư địa phương trên cả nước, hàng năm, đội ngũ luật sư nước ta đã cung cấp một số lượng lớn các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội, thông qua hoạt động tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, đội ngũ luật sư không những đã có những đóng góp tích cực cho công tác tư pháp nói chung, hoạt động xét xử nói riêng, mà còn là nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển các quan hệ kinh tế thị trường và hội nhập theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp.

Kính thưa quý vị,

Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập tháng 5/2009  đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; đã bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và duy trì, phát huy các chuẩn mực đạo đức của nghề luật sư; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư; đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ luật sư nước ta. Kết quả đó được Đảng, Nhà nước, nhân dân, giới luật sư đánh giá cao, bạn bè quốc tế mến mộ. Đạt được những kết quả như trên là nhờ có sự định hướng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua Sắc lệnh 46/SL, sự kế thừa và quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Tư pháp đã có công đào tạo và xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ chính quyền địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của các luật sư, các Đoàn luật sư dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Ước nguyện của đội ngũ luật sư Việt Nam mong muốn có một Ngày kỷ niệm truyền thống hàng năm như một dịp tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu; đồng thời là dịp để ôn lại và phát huy những truyền thống vẻ vang của nghề luật sư;  học hỏi các thế hệ đi trước; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng và Bác Hồ, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Từ đó, mỗi luật sư ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy vai trò của người luật sư trong thời kỳ đổi mới, luôn ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nguyện suốt đời đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.

Trước những thành công ngày hôm nay và tương lai phát triển của nghề luật sư, giới luật sư Việt Nam luôn ghi nhớ ngày 10/10/1945 là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời và trưởng thành của đội ngũ luật sư Việt Nam. Tự hào về Ngày truyền thống vẻ vang của mình, toàn thể luật sư Việt Nam chúng ta hãy đoàn kết, vững bước tiến lên.

Thay mặt Đảng Đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc, trong buổi lễ trang trọng này, tôi xin kính chúc đồng chí Thủ tướng, các đồng chí đại diện Ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các vị khách quý, các tổ chức và bạn bè quốc tế, cùng các luật sư đồng nghiệp dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn. 

 Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biếu tại buổi lễ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào các đại biểu dự lễ


 Luật sư Lê Thúc Anh trả lời phỏng vấn Đài truyền hình

68 Luật sư trẻ, tượng trưng 68 năm ngày Bác Hồ ký Sắc luật 46 công nhận Đoàn thể Luật sư hoạt động dưới chế độ mới: VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (Nay là CHXHCN Việt Nam). Trong ành đại diện thế hệ trẻ Luật sư Việt Nam phát biểu.

Biểu diển Hợp xướng do 68 Luật sư trẻ trình bày.

Một số tiết mục do Đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp của Nhà hát lớn Hà Nội trình bày



Một số tiết mục ca múa do chính các Luật sư của Đoàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ biểu diển. Tính nghệ thuật của những tiết mục này không thua kém các diển viên chuyên nghiệp biểu diển.






Trước Nhà hát lớn Hà Nội

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG

VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG
VĨNH BIỆT BÁC GIÁP KÍNH YÊU
Vậy là Đại tướng đã đi xa. Đối với tất cả chúng ta, Bác Giáp mất đi để lại sự tiếc thương vô cùng to lớn; Đối với thế hệ một thời cầm súng đánh giặc xưa kia, là sự mất mát không có gì bù đắp được và là nổi đau đến tận đáy lòng trong mỗi người chúng tôi.
Trong giờ phút thiêng liêng tiễn đưa Bác về nơi yên nghĩ vĩnh hằng hôm nay (13-10-2013), chúng con xin kính cẫn nghiêng mình vĩnh biệt Bác và mãi mãi noi theo gương sáng của Người.
-----------------------------
Những hình ảnh của những cựu chiến binh một thời cầm súng chiến đấu chống Mỹ do Đại tướng làm Tổng tư lệnh.









Thế hệ hôm nay



Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

ĐẠO ĐỨC LUẬT SƯ (Bài viết)

 ĐẠO ĐỨC LUẬT SƯ LÀ NHỮNG CHUẨN MỰC CỦA ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
(Đã đăng trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn LSVN và Báo Kiên Giang)
Đoàn Công Thiện
Với tư cách là hình thái ý thức, đạo đức có vai trò điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong mọi mối quan hệ xã hội. Đạo đức cách mạng là một hình thái ý thức được phát triển trên cơ sở học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, có nội dung định hướng con người hành xử theo những chuẩn mực tiến bộ, bảo đảm sự hài hòa lợi ích chung trong xã hội. Ở nước ta, phạm trù đạo đức cách mạng chứa đựng những giá trị truyền thống mang tính nhân văn cao thượng, được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là sự kết tinh bằng xương, bằng máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được nâng lên tầm cao mới, là hành vi ứng xử của mỗi người vì mọi người, trong đó lợi ích cá nhân, lợi ích bộ phận, phải nằm trong lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Đạo đức luật sư là một dạng hình thái ý thức đặc thù do tính chất nghề nghiệp quyết định, nhưng vẫn là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đạo đức luật sư có thể khái quát trong những nội dung chính sau đây.
Trước hết, Luật sư phải là người trung thành với Tổ quốc, với lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia, dân tộc; đó là nguyên tắc tối thượng trong ứng xử của người Luật sư khi hoạt động hành nghề cũng như trong mọi hoạt động khác, chỉ khi nào người Luật sư biến ý thức vì lợi ích quốc gia, dân tộc trở thành tình cảm cá nhân mình và thể hiện nó trong thực tiền hành động, thì khi đó mới có thể nói là người Luật sư chân chính. 
Tuyệt đối tuân thủ pháp luật, là một nguyên tắc bắt buộc đối với mỗi Luật sư khi hành nghề; Ngoài chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật còn là những chuẩn mực cao nhất của đạo đức; do đó, tuân thủ pháp luật là yêu cầu mang tính tất yếu trong quá trình hành nghề; Mặt khác, Luật sư là người am hiểu pháp luật hơn ai hết, là người có tư duy pháp lý sâu sắc, do đó tuân thủ pháp luật phải là một hành động tự giác của quá trình rèn luyện đạo đức Luật sư.
Luật sư phải có lòng nhân ái và nhân đạo cao cả; Nhân ái và nhân đạo là truyền thống ngàn xưa của dân tộc ta, nó biểu hiện sự thiện cảm, bao dung và vị tha của con người Việt Nam; Do đặc thù nghề nghiệp, Luật sư có điều kiện tiếp cận với những nỗi đau, cái ác và điều xấu trong xã hội, ở đó đức tính nhân ái và lòng nhân đạo của con người sẽ được bộc lộ, người Luật sư phải cảm nhận nổi đau của người như là nổi đau của mình; phải biết dung thứ lỗi lầm cho người khác khi họ nhận ra lẽ phải. . . đó là những đức tính cao quý đòi hỏi người Luật sư cần phải có.
Luật sư phải dũng cảm và có bản lĩnh để vượt qua trở ngại, thách thức khi gặp phải trong quá trình hành nghề. Đó là một yêu cầu tự thân vận động nhằm chuẩn bị tâm thế cho mình khi đối đầu với những tình huống “xung đột” xảy ra trên con đường tìm ra lẽ phải. Luật sư có thể ví như những “hiệp sỉ” trên trận tuyến bảo vệ chân lý mà ở đó, đối phương (hiểu theo nghĩa rộng) có nhiều thủ đoạn và luôn tìm mọi cách bẽ cong cán cân công lý; nếu không có lòng dũng cảm và bản lĩnh của người “hiệp sỉ” thì người Luật sư không hoàn thành sứ mạng cao cả của mình là những chiến sỉ tiên phong trên mặt trận bảo vệ công lý.
Luật sư phải có lòng trung thực, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp; Lòng trung thực, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp là những  đức tính tích cực luôn bổ sung cho nhau trong quá trình hành nghề luật sư; những đức tính đó cần phải được đề cao bởi lẽ: trong hành nghề của mình, nếu không xây dựng lòng trung thực, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp thành ý thức tự giác, thì người Luật sư, do động cơ vụ lợi, họ dể dàng lừa dối khách hàng, lừa dối cơ quan công quyền để mưu cầu lợi ích không chính đáng của cá nhân.

Quy tắc đạo đức luật sư là hệ thống các quy phạm định hướng ứng xử có tính bắt buộc đối với giới luật sư trong hành nghề, được đút kết từ thực tiễn lịch sử tồn tại và phát triển nghề luật sư ở Việt Nam; Nội dung Quy tắc đạo đức luật sư là những chuẩn mực điển hình của đạo đức xã hội và là những chuẩn mực của đạo đức cách mạng.
---------------------------------------------------------

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Nhà văn ANH ĐỘNG 1 (Giới thiệu tác giả, tác phẩm)



Những người yêu văn học, có lẽ không ai lại không biết đến Nhà văn Anh Động, một cây đại thụ trong giới sáng tác văn ở đồng bằng sông Cữu Long.

Với tôi, Nhà văn Anh Động vừa là đàn anh, vừa là người thầy và cũng là người bạn thân thiết. Mấy ngày trước, tình cờ anh đến chơi nhà, tôi có nhã ý giới thiệu về anh và các tác phẩm của anh, anh rất vui, bằng lòng cho tôi chụp ảnh và cung cấp mấy bài viết mà anh đã đăng trên các Báo.

Thiên Tân xin giới thiệu hai tác phẩn của anh sau đây và sẽ tiếp tục giới thiệu tiếp nhiều tác phẩm khác của anh để các bạn cùng xem.
Nhà văn Anh Động

TÍNH ĐẤT NẾT NGƯỜI QUA MỘT CÂU CA DAO 

                                                                             ANH ĐỘNG

1. TÍNH ĐẤT

Nam bộ có câu ca dao: “Nước ròng bỏ bãi, xa cừ; Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”

Tất cả sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi nào cũng có bãi bùn bồi tụ. Sông, rạch là đường nước tự nhiên có dòng chảy từ thượng nguồn đổ xuống. Uốn lượn quanh co theo những nơi nào có đường trũng mặt đất, do đó các chỗ đất thòi ra người ta gọi là “doi”, chỗ đất khuyết vô gọi là “vịnh”. Bất cứ dòng chảy dài hay ngắn đều có mang phù sa đến bồi tụ theo các con doi, từ đó xóm dân cư ở phía doi phải chịu sự án ngữ của một bãi đất bùn ngăn cách xóm nhà ra mé nước dòng sông, do đó người ta phải làm một “ cái bến”. Bến sông bắt đầu từ con lộ chính, có đường bộ và đường nước chạy song hành ra tới mé nước sông. Bến sông phải xuyên qua một đoạn dải lá dừa nước, rồi một đoạn thảo mộc lấn đất mới bồi tụ, cuối cùng gối đầu ra tận mé nước sâu, để mương bến đưa xuồng ghe nhỏ ra vô và đưa nước, tháo nước cho vườn ruộng.

Còn bờ bến? Bởi đắp một con bờ trên mặt bùn, muốn giữ chân bờ được chắt, người ta xốc hai hàng cừ dọc và một hàng cừ ngang đầu bờ chỗ mé nước sông. Hai hàng cừ dọc cách nhau khoảng 4,5 mét. Trước khi lấy đất đắp bờ (nơi lấy đất để sau này làm mương bến), bởi đất bùn nhão, người ta phải dùng cây ráng, hoặc cây sóng lá dừa nước, loại lâu mục xếp “trĩ” hai bên theo hàng cừ giữ cho đất khỏi bị lở, chài. Bờ bến dài hay ngắn là tùy thuộc con bãi từ lộ chính ra tới mé sông rộng hay hẹp. Có những bờ bến dài đến hàng trăm mét. Dù bến dài hay ngắn người ta làm cũng phải mất đúng một năm. Thời gian ở đây không phải là do công việc nhiều hay ít, mà do thời tiết và điều kiện địa lý. Đặc thù này nổi bật nhất là ở vùng đất Tây Nam bộ, bởi ở đây có những con sông lớn ảnh hưởng triều nước Biển Tây ( Vịnh Thái Lan), biên độ triều rất thấp và bán nhật triều tương đối, như sông Giang Thành, Cái Bé, Cái Lớn, Sông Đốc, Bảy Háp…Triều cường yếu, nước đưa vào, tháo ra không mạnh, sông nào cũng có “giáp nước” cho nên phù sa lắng đọng rất nhiều. Muốn làm cái bờ bến cho chắt ngoài cắm cừ, trĩ ráng còn phải từ từ, nước “kém” làm, nước “rong” nghỉ để cho đất bùn nhão ở chân bờ bến dẻ dần, khô dần. Cứ mỗi nhà người ta làm một cái bến riêng như vậy, cho nên khi người đi xuồng, ghe trên sông gặp lúc nước “ kém” thì sẽ thấy : “ Nước ròng bỏi bãi, xa cừ”.            

2. NẾT NGƯỜI

Người Nam bộ, nhất là người vùng Sông Hậu, có lẽ vì bảo vệ gương mặt vợ, con gái mình khỏi bị trầy xước thành thẹo, cho nên đàn ông ít cho đàn bà, con gái đi làm đồng, làm rừng. Từ những chục năm đầu mở rừng khai ruộng, chính là đi làm rừng. Giai đoạn này gần như tuyệt đối là đàn bà, con gái chỉ ở nhà lo cơm nước, con cái, bởi ra rừng không tránh khỏi cây cối, gai chà quàu móc, trầy xuể da mặt thành thẹo. Quan niệm đàn ông, con trai ở đây là nếu đàn bà, con gái trên mặt có thẹo thì mất đi cái “ duyên”. Bởi vậy cho nên: “ Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”. Đàn ông, con trai mặt có thẹo coi như đó là một nét oai hùng, ít nhất cũng xem như có tính khí ngang tàng, dễ chịu. Ngược lại, đàn bà, con gái có cái thẹo là vô duyên, khó chịu! Đời con gái chỉ có một lần được cưới xin, nhưng thiệt thòi làm sao cho cô nào đó có thẹo mặt. Bị “ trừ đôi bông!”Đôi bông của ngày cưới là sự trân trọng, quý giá của nhà chồng đối với một nàng dâu tương lai. Nhưng cắc cớ làm sao, chỉ vì gương mặt mình xui rủi bị hằn một vết thẹo mà phải bị… “trừ” đi hết cái duyên, cái trân trọng quý giá của người con gái. Bởi tính người ở vùng đất Nam bộ này quá khắc khe với gương mặt đàn bà, con gái đến tạo nên ấn tượng sâu sắc như vậy!

  Tứ tính khắc khe có ấn tượng sâu sắc ấy, mãi về sau và cho đến bây giờ, hể khi thù hằn, giận dũi nhau, người ta rạch mặt nhau (ở phái nữ) để xóa bỏ cái duyên một đời của đàn bà, con gái. Hiện tượng này vẫn còn thịnh hành, nhất là ở đám người giang hồ bụi bậm…
NÓI THƠ BẠC LIÊU

----------

1. Lãnh thổ Bạc Liêu qua một thời

Hạt tham biện Bạc Liêu được thành lập năm 1882, so với các hạt tham biện ở Nam Kỳ thì Bạc Liêu là một hạt được định hình sau hết, bởi có nhiều lần thay đổi, xắp xếp địa danh địa giới.

Nói về lịch sử thì thành phố Bạc Liêu đã ra đời năm 1739, tên gọi Trấn Di, do hai ông Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ tạo dựng. Bấy giờ vùng đất Sông Hậu còn “ Hải ngoại tự trị” của chúa Nguyễn Đàng Trong. Họ lập trấn để khẳng  định quyền lãnh thổ của mình; trấn đây là “trấn đạo”, vừa là một thị trấn dân cư vừa là đồn lũy của đạo quân cai quản, bảo vệ và gìn giữ an ninh trật tự. “ Di” có nghĩa là vùng rìa bên ngoài, có nhiều dân tộc hỗn hợp phức tạp theo người Hán gọi là Man Di. Thuở ấy vùng đất này đa số là người Khmer bản địa và người Trung Quốc nhập cư trái phép qua các nguồn phản Thanh phụ Minh. Theo một số nhà nghiên cứu, tại sao Trấn Di dần dần “ Bạc Liêu hóa”? Bởi do chữ Bạc Liêu gọi trại tứ “ Bồ Liễu” Có thể là “chợ có nhiều người Lào” có thật vậy không? Chúng tôi chưa thấy thư tịch nào ghi việc này. Lại có người nói: Trấn Di nằm theo trục kinh tuyến với một trong 9 cửa sông Cửu Long, nên người Pháp ghi cửa sông ấy là “ Tran Di” mà các cụ nho An Nam  thuộc Pháp phiên âm cửa sông ấy là Trần Đề (Trần Đế) như vậy. Điều này rất mơ hồ, có lẽ là một sự phỏng đoán của ai đó.

Trở lại, từ khi người Pháp thành lập  hạt tham biện Bạc Liêu (1882), rồi đến 1900 đổi thành tỉnh Bạc Liêu thì vùng đất này rất rộng: đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp tỉnh Rạch Giá ( chưa có tỉnh Cà Mau). Mãi cho đến thời kỳ 9 năm chống Pháp cũng vậy, chỉ khi thời chánh quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1956, cái gọi là tỉnh An Xuyên mới xuất hiện trên vùng đất này.

Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, tỉnh Bạc Liêu là một địa bàn nằm cuối cùng của Tổ quốc, vùng đất có địa thế hiểm trở đối với quân thù, là nơi căn cứ địa thuận lợi của ta, cho nên có nhiều cơ quan Nam bộ đồn trú ở Bạc Liêu, một thời gian dài Bạc Liêu là nơi phát triển chánh trị, văn hóa, xã hội ra toàn miền. Do vậy, điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời từ nơi đây.

2. Nhịp điệu và phong cách nói thơ Bạc Liêu.

Trước hết tôi nói về phần nhạc đệm. Người nói thơ vào đầu bằng điệu “ rao” của những câu nói lối đề vô theo âm điệu ca Vọng cổ. Có thể 4 hoặc 6 câu nói lối, người nói cũng vô một câu xuống muồi ở nốt sol (hò) y như vô Vọng cổ. Sau đó thì chuyển giọng “ nói thơ Bạc Liêu” ( đoạn sau chúng tôi ghi rõ hơn). Thuở ấy người đệm đàn bằng nhạc cụ đàn măng-đô-lin hoặc đàn ri-ta phím lõm “dây Rạch Giá”; có nghĩa là theo bậc quảng 7 ( sol- la-si-đô-rê-mi-pha). Lời thơ viết theo thể lục bác. Thay vì điệu “nói thơ Lục Vân Tiên” vào đầu câu sáu chữ thì “ nói thơ Bạc Liêu” lại vào đầu bằng câu 8 chữ. Thí dụ, nói thơ Lục Vân Tiên:


Thắp đen-xem chuyện-Tây Minh…”

Thì nói thơ Bạc Liêu:

“ Con ra-mặt trận-giữ gìn-biên cương…”

Và nhạc đệm hòa theo đúng giọng”

“ Si si-la rế-la rề-pha la…”

“ Thà rằng-chết ở-chiến trường…”

Nhạc cứ hòa theo:

“ pha pha-la rế- la rề…”

 Nếu câu nào người nói ngừng lại đề cho người đệm nhạc đánh lái mà gặp chữ không có dấu huyền (-) thì người nói thơ phải nói thêm …ơ ớ ờ… Chỉ hai câu thôi, người nói thơ dừng lại để cho người đệm nhạc đánh một câu “lái”:

“ Đồ rề-pha la-đồ rề”

Rồi người nói thơ tiếp tục nói hai câu với nhịp điệu như hai câu trước. Cứ như vậy nói đến khi nào hết lời của bài thơ ấy.

Nhịp điệu nói thơ Bạc Liêu đã đi sâu vào cảm thức của người Nam bộ một thời. Nó trở thành một làng điệu dân ca mà sau này có một số nhạc sĩ người Nam bộ dựa vào đó phát triển thành những ca khúc đặc sắc, ví dụ như bài ca “ Cô gái Sài Gòn  tải đạn” của nhạc sĩ Lư Nhứt Vũ chẳng hạn.

3. Bài“ Nói thơ Bạc Liêu” đầu tiên.

        Người khai sanh điệu “nói thơ Bạc Liêu” tên là Thái Đắc Hàng, sanh ngày 17-8-1920, tại ấp Tân Đức, xã An Xuyên, quận Cà Mau, tính Bạc Liêu. Cách nay khoảng 20 năm, ông cư ngụ số 381, khóm 4, phường 5, đường Quang Trung thị xã Cà Mau.

  + Vào những năm đầu 1950, Việt Minh có lịnh cấm ca vọng cổ, để nhớ âm điệu vọng cổ, ông Thái Đắc Hàng sáng tác ra một điệu nhạc gọi là Nói tho Bạc Liêu, đồng thời ông sáng tác luôn lời bài nói thơ đầu tiên nhan đề “ MƯỜI THƯƠNG”như sau:


          

            …Má ơi chiến sĩ của…mình

     Đánh Tây (cái mà) giỏi quá khiến tình con thương

     Một thương chiến sĩ kiên cường (lái)

     Hai thương( cái mà) chiến sĩ sa trường quản chi

     Ba thương lặn lội bùn lầy (lái)

     Bốn thương (cái mà) súng vác cả ngày trên vai

     Năm thương khổ cực chẳng nài (lái)

Sáu thương ( cái mà) lễ phép mặt mày như hoa

Bảy thương xa mẹ xa cha ơ ớ ờ)

Tám thương ( cái mà) bỏ xứ cửa nhà xa lơ.

Chín thương ngủ bụi ngủ bờ (lái)

Mười thương (cái mà) hăng hái trước giờ xuất chinh

Má ơi chiến sĩ của mình (lái)

Đánh Tây (cái mà) giỏi quá khiến tình con thương…

Khiến tình con thương…

     Bài thứ hai, sáng tác lời của nhà thơ Nguyễn Bính ( đã mất), vợ con ông hiện nay ở số 23, đường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh  (Vợ tên Hồng Châu, con tên Nguyễn Bính Hồng Cầu).

4. Bài thứ hai

Con ra (cái mà) mặt trận giữ gìn quê hương

Thà rằng chết ở chiến trường (lái)- Đồ rề pha la đồ rề.

Còn hơn (cái mà) sống ở trên giường thê nhi

Phản công súng nổ đì đùng (lái)

Kìa bao (cái mà) chiến sĩ anh hùng xông pha

Giang sơn nghĩa nặng hơn nhà (lái)

Lẽ nào (cái mà) con nghĩ tình nhà cao hơn

 Biệt ly sanh tử chớ sờn (lái)

Nam nhi (cái mà)thời loạn rửa hờn ở con

Còn nhà, còn nước, còn non ơ ớ ờ (lái)

Còn trang (cái mà) thanh sử thì còn ghi công

- Em ơi tình nghĩa vợ chồng (lái)

Anh là (Cái mà) một đấng anh hùng nam nhi

Phải đành dứt áo ra đi ơ ớ ờ (lái)

Gia đình (cái mà) tạm gác vậy thì cho em

Mẹ già hôm sớm chăm nom  ơ ớ ờ(lái)

Ân cần (cái mà-) phụng dưỡng cháo cơm chu toàn

Thân anh dù có nát tan ơ ớ ờ (lái)

Anh nguyền (cái mà) gội rửa giang san máu hồng

Nam nhi hồ thủy tang bồng (lái)

Làm cho (cái mà) rạng mặt con Rồng cháu Tiên

- Mẹ ơi ở lại bình yên  ơ ớ ờ (lái)

Để con (cái mà) mang nóp súng trường lên vai

Thù nhà, nợ nước nặng hai ơ ớ ờ (lái)

Chí nhân (cái mà) quân tử làm trai cho tròn

Minh sơn hải thệ non mòn (lái)

Thằng Tây (cái mà) còn đó mình còn đánh Tây

- Con ơi, mẹ nói lời nầy (lái)

Tòng quân (cái mà) cho kịp kẻo chầy phản công

Ơ ớ hơ… Kẻo chầy phản công…ơ ớ ờ…

                                                            ANH ĐỘNG

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

BERLIN MÙA THU VÀNG (Ký sự ảnh 4)

BERLIN - MÙA THU VÀNG (3)
Khi hoàng đạo mặt trời dịch chuyển về phía nam bán cầu thì không khí từ phương bắc tràn về bao phủ một màu vàng óng ánh trên mỗi vòm cây cổ thụ và gieo cái lạnh hanh hao bao trùm lên thành phố Berlin thơ mộng của nước Đức.

          Với tôi, đây là lần thứ hai trong đời được ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ dịu của phong cảnh. Lần thứ nhất vào năm 1966, máy bay Mỷ rải chất hóa học diệt cỏ ở quê tôi. Trước khi trút lá, những vườn cây xanh thẩm bổng biến thành một tấm thảm vàng rực bao phủ cả một vùng rộng lớn trên tuyến sông Cái lớn thuộc huyện Gò Quao (Kiên Giang).

          Màu vàng ấy đã đi vào ký ức tuổi thơ và đeo bám với tôi trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt. Hôm nay, sau 45 năm, tôi lại được chiêm ngưỡng cái màu vàng tuyệt dịu ấy, nhưng nó không còn là màu của sự hủy diệt, mà là màu của sức sống hòa bình đang ngự trị trên một quốc gia giàu có ở cực bắc xa xôi này. Trong tôi hôm nay cũng không còn ám ảnh cái màu chết chóc tang thương của những năm bom gầm đạn rú; màu vàng ấy đã khơi dậy một niềm tin của tình hữu nghị giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên trái đất này.

-----------------------------

Nhân chuyến công tác tại Berlin tháng 11 năm 2010. 
 

NHỮNG BÀN TAY THÂN THIỆN VÀ HỮU NGHỊ
--------------------



NHỮNG PHIÊN LÀM VIỆC BỔ ÍCH
---------------








QUÀ TỪ VIỆT NAM
----------- 




CÙNG NHÌN MỘT HƯỚNG
 -------------