Translate

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

BẢO TÁP SÔNG KIÊN (Kỳ 4)


(Tiếp theo kỳ III)

Tác giả: Đoàn CôngThiện

CHƯƠNG IV 
Ngoài cửa có tiếng khua “Loong Coong”, cánh cửa vụt mở, ánh sáng đục mờ ùa vào khám. Tiếng gào rít của gió, tiếng mưa xối xuống mái tol, cũng dội vào. Má bàng hoàng mở mắt nhìn ra, hạ sỉ Hận mình trần, đầu cũng chẳng có nón, mặc chiếc quần cụt, chân không giầy, mình mẩy đầu cổ đều ướt nước, xách chùm chìa khóa đứng ngó vào.

- Bác Hai ơi! Bác Hai!

Hình như nó không nhìn thấy má. má Hai đứng dậy lếch thếch bước ra, vừa đi má vừa nói:

- Cháu Hận đó hả? sao quần áo đâu không mặc mà trần trụi thế này, bị cảm rồi làm sao? chị Tám đã tỉnh chưa cháu?

Má bước tới cửa, ánh sáng tỏ hẳn soi rõ tường nhà khám. Trước mặt má, phía bên kia có cái ghế để một gói to và một chùm năm sáu cái bánh lá dừa, má đưa tay còn bị còng lên dụi mắt, áo má vẫn còn ẩm ướt. Hận nhìn má thương xót khẽ trả lời:

- Cô Tám con tỉnh rồi. - Nói xong nó đưa chùm chìa khóa lật lật, lấy ra một cái nhỏ tí xíu rồi nói: - Bác đưa cháu mở còng cho.

- Mở còng cho bác, cháu không sợ người ta còng cháu sao?

Má cười vẽ hóm hỉnh, dường như để nhắc nhở cái phận sự giữ tù mà người ta đã thuê nó với bậc lương hạ sĩ.

Hận ngó ra ngoài:

- Trời mưa này mấy ổng không lại đâu, bác đừng trốn nghen!

- Hồi nãy bác còn không trốn thì bây giờ bác trốn làm chi, mà việc gì bác phải trốn? mà chị Tám nhốt ở đâu? Cho bác thăm có được không?

- Con để ở phòng thẩm vấn đằng kia kìa, trời mưa vầy bác đi sao được?

- Mặc kệ, bác cứ đi không sao đâu.

Nói rồi má bước ra cửa, mưa xối, gió tạt vào người, má quay lại hỏi to:

- Phòng thẩm vấn có phái chỗ nó đánh tù, hỏi cung ở trước cửa có cây cột điện vuông đó phải không?

Hận không đáp lời, mà chạy ra nắm tay má:

- Mưa lắm, để tạnh mưa bác hả đi, con như vầy còn lạnh, bác chịu sao nổi!

- Không sao, mưa như vầy bác đi tốt hơn, để ráo mưa chúng nó đến thấy thì khổ cho con. . . mà có phải chỗ đó không? Má hỏi tiếp.

- Dạ phải, mà sao bác biết chỗ đó vậy? Hận hỏi lại rồi buôn tay má ra

- Bác đã bị bắt hồi năm ngoái, nên biết.

Nói xong má bước đi. Dáng má to, khỏe, nhập nhòa trong mưa. Dường như nhớ ra điều gì Hận vụt chạy theo má, vừa đi vừa nói:

- Con đem quần áo với mấy cái bánh lại cho bác, con để trên cái ghế tại cửa khám, lát nửa bác về thay, bác lấy luôn cái ghế vô trong khám để ngồi cho đỡ mỏi.

- Cháu không khóa cửa sao?

- Không đâu, con để cho bác đi ra đi vô bác thấy đường, nhưng bác đừng ra ngoài sân nghen.

- Thế cháu không sợ chúng nó biết à? – má lại hỏi.

- Mấy thằng lính bạn con nó không nói đâu, mà mấy ổng có lại thì con vô khóa lại.

Má đưa tay lên vỗ vỗ vào đầu Hận, rồi nói:

- Tốt! cháu có lòng lo cho bác, bác rất cảm ơn cháu, nhưng cháu phải lo cho mấy người tù kia nữa kìa. – Má chỉ tay vào mấy nhà giam đông nghẹt người. Má nói tiếp:

- Cháu là đứa con sinh ra ở Xép Nhỏ, ở đó có vườn tược ruộng đồng đã nuôi sống một phần cuộc đời của cháu, cháu đã sống với người dân quê lao động, cháu phải biết yêu thương họ, phải hành động theo lẽ phải, phải làm việc gì có ích cho đất nước, có lợi cho dân, đừng nghe theo lời chúng nó đàn áp bà con cô bác mình. . .

Lời má không nặng và lạnh như những hạt mưa đang trút lên đầu lên cổ Hận, lời má nghe êm dịu ấm áp tình quê rót vào lòng nó một dòng tình cảm nghe dạt dào sâu lắng. Hận đăm chiêu cúi nhìn mặt nước lấp lánh mưa rơi thầm hứa với má: Vâng! Con sẽ làm những điều mong muốn của bác.

Má Hia bước tới cái phòng có cánh cửa sơn màu xanh lam với dòng chữ: “không phận sự cấm váo”, má đẩy cánh cửa bước vô, những giọt nước từ người má nhỏ dài xuống nền xi măng. Trong phòng có một cô gái khoảng hai mươi lăm tuổi, mặc chiếc áo có in hoa màu hồng nhạt, ngồi cạnh bà Tám đang nằm thiêm thiếp. Thấy cửa mở, cô ngước lên, nhận ra má Hai cô hỏi:

- Bác Hai bị bắt hả?

Má ừ một tiếng rồi lấy tay che mắt nhìn mặt cô gái.

- Bác không nhận ra cháu sao? Cháu là Tím đây, con của Chín Thi nè. – Cô gái nói giọng vui vui.

- À! Cháu là con vợ lớn của thằng Thi phải không? Sao con biết mà đến đây?

- Em con nó gọi điện về nói cô Tám với bác bị bắt, nó kêu con đem quần áo, mền chiếu, mua bánh lại cho cô con với bác.

Má ngồi xuống:

- Cháu có tham gia đấu tranh với bà con không?

- Dạ có! Con đi với mấy đứa bạn. Ôi! Người thiệt là đông.

Bà Tám tỉnh người, ngọ nguậy quay mình lại:

- Chị Hai đến đó hả? đi chi cho ướt vậy? tôi đỡ lắm rồi.

- Tôi đến xem chị khỏe thật chưa? Nghe cháu Hận nói chị tỉnh lại, tôi mừng cho chị, lúc nảy tôi lo quá! Thấy chị yếu đi nhiều.

Má Hai quay sang Tím:

- Phòng tối quá, nãy tưởng ai té ra là cháu. Sao con Hồng đâu không đi với cháu?

- Dạ nó đi học hồi sáng sớm, chắc nó nhập vô đoàn biểu tình hướng bên đường Phó Điều, nghe nói bên đó dưới Hòn Đất kéo lên đông lắm!

- Lát nửa có gặp nó, cháu cho nó hay là bác bị bắt nhốt ở đây. À mà ba cháu với dì Mùi khỏe chứ?

- Dạ khỏe, ba con kêu con đem đồ đến trước rồi chiều tối ba con lại.

Má chép lưỡi:

- Chà!. . .không biết tối có đến thăm được không à! bác thấy chúng nó khó lắm đó, bây giờ không có tụi nó cháu Hận cho bác cháu ta gặp chị Tám, chứ lát nữa bác e không được đâu.

- Không sao đâu, con kêu dì Mùi lại xin là mấy ổng cho hà.

- Dì Mùi có hay bác với cô cháu bị bắt không?

- Bả đi Sài Gòn hồi sáng, nghe nói bả đi với ông Tỉnh trưởng lên áp phe vụ gì đó, hình như là đầu máy xe hơi, chắc giờ này bả về rồi.

- Ủa! hồi sáng tao thấy thằng Tỉnh trưởng còn ở dinh mà!

- Vậy là bả đi một mình.

Má Hai lẩm bẩm:

- Con Mùi thật là hư hỏng, chẳng còn nghĩ gì đến tình dân nghĩa nước, đến bà con thân thuộc nửa, cứ ôm chân mấy thằng Việt gian hại dân, rồi có ngày cũng mang họa vào thân cho mà xem.

- Ba con ông có chịu đâu, tại ý bả muốn thì bả làm, ai cản bả được.

Bà Tám kéo chiếc mền xuống bụng, nheo nheo cặp mắt hốc hác buồn teo, bà lấy tay vỗ vỗ vô ngực:

- Sao tức ngực quá, đỡ cô ngồi dậy coi Tím?

Má Hai đưa bàn tay lạnh móp rờ lên mặt, rồi lòn tay vào ngực vào cổ bà Tám, má nói:

- Chị Tám bị cảm rồi, người chị nóng ran nè. – Rồi mà quay sang Tím: - Cháu đi kiếm ít lá tràm là sả . . . ờ mà ở đây đâu có thứ đó.

Má nghĩ ngợi một lúc rồi tiếp:

- Thôi thế này, cháu đi kiếm một ít trà, mấy củ tỏi hay hành củ cũng được, một cây nến với cái đĩa, đem lại cho bác, bác xông hơi cho chị Tám.

Tím đỡ bà Tám nằm xuống, với lấy cái nón lá, cô bước ra sân nước. Còn lại hai người, má ngó quanh rồi nhìn lên chiếc bàn kê ở góc tường, trên bàn chất đầy những thứ dùng để tra khảo người tù: nào còng răng, kềm bấm, dùi cui, roi cá đuối, cả cái máy điện thoại quay tay kiểu nhà binh cũng có . . . đủ thứ, la liệt. Má nheo mắt nghĩ ngợi một lúc lâu rồi cuối xuống thì thầm với bà Tám:

- Ráng giữ khí tiết nghe chị Tám, đừng khai điều gì có hại nghe chị, cuộc đấu tranh của mình có lý chúng nó không làm gì được mình đâu, ở ngoài bà con sẽ buộc nó phải thả mình, chị đừng sợ nghen!

Bà Tám quay sang ôm ngang lưng má Hai, giọng bà thổn thức trong tiếng nấc.

- Chồng chết, con mất, chết sống gì tôi cũng đi theo Đảng, đi với các chị, chị đừng lo, thà tôi chết theo chồng theo con chứ tôi không phản lại Đảng, phản lại chị em mình đâu.

Bà Tám khóc bật thành tiếng. Bà không gào, không thét như ban sáng, nhưng nước mắt bà chảy ra đầm đìa, thấm nóng lưng má Hai, má mím môi lại, trong lòng quặn đau cho nỗi mất mát quá lớn của bà Tám. Má liên tưởng đến nỗi đau thương của biết bao người dân vô tội khác. Sự căm hờn sôi sục trào dâng trong lòng má, chỉ có đuổi sạch bọn Mỹ, lật hết bọn ngụy tay sai, mới xóa được nỗi thương đau tang tóc này.

Mưa đã tạnh, gió cũng thôi réo rít như ban nãy, những giọt mưa ứ lại trên mái nhà nhỏ xuống tạo ra những cái bong bóng hình bán cầu liên tiếp hiện lên rồi vụt mất trên sân nước.

*

*   *

Bây giờ hạ sĩ Hận đã gọn gàng trong bộ đồ lính khô sạch, chị nó mới đem lại cho nó bộ đồ ấy. Nó ngồi trong tua gác, mặt buồn thiu, khẩu súng dựng tựa bên cạnh bất động. Ánh đèn Nê-ông sáng choang soi rõ gương mặt bầu bĩnh non trẻ của nó. Nó suy nghĩ hồi tưởng lại chuyện xa xưa, nó nhớ về một vùng quê có con sông Cái Lớn hiền hòa ôm lấy Xép Nhỏ đêm ngày sóng vỗ rì rào như tiếng mẹ ru con bên chiếc võng đong đưa kẻo kẹt; Nơi đó nó được sinh ra với cái tên Hận mà mãi đến sau này nó mới hiểu hết được ý nghĩa. Những hình ảnh lúc mờ lúc nhạt, lúc rõ ràng cứ nối đuôi nhau hiện ra trong ký ức: cái âm thanh gầm rú . . . đất tung lên. . . khói bụi mù mịt. . . nhà cháy, mẹ khóc. . . rồi có người bộ đội ôm súng chạy đến, xốc nó lên lưng, tay dắt mẹ nó chạy ra sau vườn. . .

Nó nhớ lại dượng Tám nó (chồng bà Tám), ông có khuôn mặt xương, nước da rám nắng, hay bịt khăn trên đầu. . . cứ mỗi lần nghỉ hè về quê, nó được ăn thịt heo rừng nướng ngon thiệt là ngon do dượng nó đi săn bắt đem về.  . . rồi dượng nó dẩn nó ra vườn bẻ dừa cho nó uống, bẻ khóm cho nó ăn, ăn đến chảy máu lưỡi mà vẫn thấy ngon. Nó lại nhớ đến anh Ba Hớn con dượng Tám, mỗi lần về hay dẫn nó đi hết vườn này đến vườn khác, kiếm bắt cho nó đủ thứ chim: cu xanh có, cu đất có, chìa vôi, chao chảo. . . cả những con chim hút mật bông dừa nhỏ xíu thiệt đẹp, cũng được anh Hớn bẫy cho nó, anh Hớn còn làm cho nó cái ống thụt có băng dài bằng một lóng trúc, đựng biết bao nhiêu là trái mây dóc, nó thục liên tù tì, nỗ như bắp rang, nghe đã lổ tai. . . thế mà giờ đây hai người không còn nữa. Nó cảm thấy đau nhói trong bụng, tức tức ở ngực, nghèn nghẹn ở cổ, dường như nó vừa đánh mất vật gì quý giá nhất trên đời này. Nó thầm hỏi: tại sao dượng Tám đi cày ngoài đồng mà bị mấy ổng bắn? nó biết rõ dượng Tám nó đâu có đi làm Việt cộng. Nó nhớ lại cái chết của anh Hớn mà dượng Tám đã kể cho nó nghe. Anh Hớn cũng đi lính như nó, nhưng không phải làm Cảnh sát, mà là lính Biệt động quân, đâu hồi năm 1961 hay 1962 gì đó, nó không nhớ rõ lắm, anh Hớn được lệnh càn vô Hòn Đất, hỗ trợ cho tên trung úy Xăm đóng bót, khi tấn công vào hang hòn, bị bên mấy ông Việt cộng bắn trả lớp chết lớp bị thương rồi sau đó trực thăng lại lấy đem thả xuống biển, xác anh Hớn nổi lên trôi dạt vô bờ được bà con vớt đem chôn.

Bây giờ Hận đã hiểu ra mặt trái của chính phủ quốc gia – cái chính phủ mà nó đang cầm súng phụng sự, cái chính phủ đã giết dượng Tám và đẩy anh Hớn đi vào cái chết.

Có tiến xe Hon đa ngoài đường, ánh đèn xe đột ngột chiếu vào mặt Hận chói lòa, nó bật đứng dậy. Những người trên xe chính là cha mẹ nó – ông Thi và bà Mùi.

- Hận đó hả con? – Mẹ nó hỏi.

- Má lại với ba hả? còn chị con đâu?

- Tím nó đi sau với con Hồng. Cô Tám mày đỡ chưa? – Vẫn tiếng mẹ Hận.

- Dạ, bớt rồi.

Ông Thi lên tiếng bảo:

- Con dẫn ba má vào thăm cô đi con!

Hận vác súng chui khỏi lô cốt bước ra, nó mở cái cổng nhỏ kế bên, ông Thi bà Mùi bước theo.

Trời đêm êm ắng, chỉ có tiếng súng đằng dinh tỉnh trưởng lâu lâu phá lên từng loạt đơn điệu. Đâu đó có tiếng nói lào của những người tù trao đổi với nhau. Trời thôi mưa từ chiều, gió cũng không còn thổi nửa, nhưng nước vẫn còn lênh láng trên sân khám. Mấy dãy nhà giam cửa khóa chặt, in bóng xuống sân nước. Hận mở cửa phòng thẩm vấn, ông bà Mùi bước vào. Bà Tám nằm co ro, đắp chiếc mền trùm kín cả đầu lẫn chân. Ông Thi bước đến dùng tay lay lay bà Tám:

- Chị Tám! Chị Tám!

Bà Tám khẽ cựa quậy, chiếc mền mở ra để lộ khuôn mặt nhăn nheo dưới ánh điện.

- Ai đó?

- Tôi đây, Chín Thi đây, vợ chồng tôi đến thăm chị. – Vẫn tiếng ông Thi.

- Sao tới bây giờ cậu mới lại, không để sáng đến luôn! – Bà Tám nói vẽ giận dỗi.

Bà Mùi phân trần:

- Sáng tôi qua dinh định đi Sài Gòn với ông tỉnh trưởng, hay tin biểu tình ông Thuận không đi, tôi quay về tới cầu chợ thấy xuồng ghe và người ta đông nghẹt, đi không được tôi quay lại ghé nhà người quen định ở một lát bớt người rồi về, nhưng người ngày càng đông thêm, không biết ở đâu mà họ kéo ra quá nhiều, đợi mãi đến chiều, sợ ông tôi ở nhà nóng lòng nên ráng chen mọi người mà đi, về tới nhà mới hay chi bị bắt. Tôi với ổng tính đến thăm chị liền, nhưng người đông quá không có cách nào qua cầu được, cho tới giờ này mới bớt, dọc đường tới đây, có nơi người ngủ cả ngoài mặt đường phải dắt xe.

Bà Tám tỏ vẻ bất bình:

- Chúng nó trút bom đạn, giết người thân mình, mà mợ thì la cà với tụi nó, vậy có coi được không?

Bà Mùi có lẽ đã nhận sự lạc lõng trong chuyện kể vừa rồi nên ngó lảng ra ngoài sân nhằm dấu đi sự ngượng nghịu của mình.

- Anh Tám chết như thế nào hả chị? – Ông Thi hỏi.

Bà Tám bắt đầu kể, giọng bà trầm hẳn xuống.

- Cậu coi, ổng có tội gì đâu, sáng ổng dắt trâu ra ruộng, cày được một lát thì trực thăng bay tới, ổng chạy không kịp, nó xà xuống bắn ổng. Nghe nói lúc đầu ổng giơ khăn lên, giơ hai tay lên mà nó cứ bắn, khi trúng đạn té xuống rồi nó còn bắn thêm, nó bắn luôn hai con trâu, mấy người phát cỏ gần đó chạy không kịp nó cũng bắn chết hết trơn. Không biết mắc mớ ông bà ông vải gì chúng mà bắn dữ vậy? tôi lấy xác ổng về, trời ơi đầu cổ, mình mẩy trúng đạn tùm lum!. . .

Giọng bà Tám lạc đi, bà kéo mền lau nước mắt rồi vừa khóc vừa nói:

- Trời ơi! Con cũng bị chúng nó quăng xuống biển, chồng cũng bị chết, tôi sống làm sao được nè trời!

Tiếng khóc của bà tám vang lên xao động cả không gian. Ông Thi, bà Mùi, thằng Hận não cả lòng, không còn cầm được nước mắt. Mấy cái nhà khám dường như cũng cảm nhận được cái âm hưởng thảm thiết trong tiếng khóc của bà Tám vọng ra nên chúng cũng im lìm trong bóng đêm lặng lẽ. Hận chịu không nổi, nó xách súng bước ra ngoài cổng.

Lại có xe Hon đa ngoài cổng, tiếng máy nhỏ dần rồi tắt mất. Một lúc sau, Tím và Hồng bước vào phòng mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn, nước uống, quần áo. . . Thấy bà Tám, đứa gọi bằng cô, đứa gọi bằng bác, chúng nó đồng thanh hỏi bà:

- Đỡ chưa cô Tám?

- Khỏe chưa bác tám?

Bà Tám hỉ mũi rồi lấy mền lau nước mắt, lau mũi đáp:

- Tao đỡ lắm rồi. Hồi nãy chị Hai nặn gió xông hơi, tao thấy khỏe hơn hồi chiều, chỉ có tức ngực sao chưa thấy hết. Hồng đó hả, mày gặp chị Hai chưa?

- Dạ con mới tới, con chưa gặp. – Hồng đáp.

- Hận đâu rồi? kêu bác Hai mày lại cho con Hồng nó thăm một lát đi! – Bà Tám biểu Hận.

Không thấy Hận trả lời, vợ ông Thi gọi tiếp:

- Hận ơi, con đâu rồi?

Có tiếng dạ ngoài cổng rồi Hận vào. Vẫn khẩu súng M 16 xách tay:

- Má kêu con hả?

- Ừ! Con vào kêu bác Hai ra cho con Hồng nó thăm, cho má thăm, đi đi con!

Hận tháo giầy bước xuống sân, bà Mùi ngó theo, mặt nước lung linh ánh điện, có mấy người tù châu đầu vào cửa trống nhìn ra, tiếng bước chân của Hận lõm bõm xa dần.

Ông Thi móc thuốc ra quẹt lửa châm hút rồi hỏi bà Tám:

- Chị chôn cất anh Tám ở đâu?

- Bà con lối xóm tiếp đem ổng ra nằm chung ở khu mả với ba má ở sau vườn.

Mọi người im lặng. Hồng nôn nóng nhìn ra ngoài cửa chờ đợi.

Má Hai với Hận lững thững bước đi trong nước. Thấy má, Hồng vụt chạy ra, cô ôm má cổ nghẹn lại không nói được, Hận cũng đứng lặng thinh. Trong nhà tù, mọi người chen nhau nhìn ra.

Hồng hỏi má:

- Sao má ra không cho con hay?

- Làm sao cho hay được.

- Nó có đánh má không?

- Có. Nó đánh lúc ẩu đả ở dinh. Tao thì bị ít, có bác Tám mày bị nhiều, bà chửi nó dữ, nên nó đánh đến bị ngất xỉu.

Hai mẹ con má bước vào phòng, Hận cũng bước theo, bà Mùi lên tiếng hỏi:

- Chị Hai! Khỏe không chị? Lâu gặp chị quá!

- Tao bị đánh muốn gảy răng còn khỏe gì. À! Cậu Chín có đến nữa hả?

- Tôi đến với vợ tôi. – Ông Thi đáp.

- Sao? Có tham gia đấu tranh với bà con không? – Má vừa hỏi vừa vỗ vai bà Mùi.

- Quen mặt với mấy chả nhẵn đi rồi, ra vô dinh hoài, ai lại đó kêu la như mấy bà được.

Má trề môi:

- Hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ tao cũng biết cả rồi.

Hồng khẽ nhéo vào má một cái. Hồng sợ má nói đụng chạm tới dì Mùi, còn má thì khác, ăn ngay nói thẳng, chẳng sợ ai. Hơn nửa, bà Mùi với má là chỗ thân tình, nên má chẳng sợ bà Mùi buồn phiền gì cả.

Ông Thi phân bua:

- Vợ tôi nó đi áp phe với mấy ổng, nên nó quen đó chị ơi! Tôi khuyên hoài nó có chịu thôi đâu.

Má khẻ cười rồi quay sang Hồng:

- Con có gặp thằng Chiến không? Tao lo cho nó quá! Không biết đêm nay nó ở đâu?

- Má cho nó đi chi vậy, rồi đêm nay nó ngủ với ai đây?- Hồng băn khoăn nhìn ra cửa.

- Không sao đâu, bà con ở xóm mình đi đông lắm, chắc nó ngủ với cô Mười hay vợ thằng Tư Nhờ chớ gì.

Trầm ngâm một lúc má tiếp:

- Mai con qua cổng dinh con kiếm thằng Chiến, bà con Gò Quao mình đều ở đó. Con gặp nó hay ai quen cũng được, con nói má nhắn chị em cứ yên tâm tiếp tục, trong này má sẽ có cách đối phó, đừng lo cho má, nhớ nghen! Con dặn nó bám theo cô Mười với vợ thằng Tư nghe con! – Má ngó ra sân nước giọng buồn buồn nói tiếp:

- Ở ngoài con ráng lo cho nó nghe con! Con mua bánh trái cho nó ăn, nếu có việc gì. . .

Má nói chưa dứt lời thì Hồng đã òa lên khóc xước mướt, phá tan cái không gian tĩnh mịch của khu khám. Cô gục đầu vào vai má nức nở, mọi người lại lặng đi.

Một lúc sau, má vuốt đầu Hồng nói:

- Con ráng học. Ở với dì Mùi phải lo tiếp giúp dì, đừng đi chơi nghe con! – Rồi má quay sang ông Thi:

- Tôi cảm ơn dì với cậu đã bao bọc con Hồng nhà tôi, nó ở với cậu với dì, có gì không phải, cậu dì dạy bảo nó dùm tôi.

Ông Thi chậm rải đáp:

- Chị đừng nói vậy, hồi bị nạn ở Xép, không có anh chị không biết bây giờ tụi tôi sống ra sao, tôi cho cháu ở nhờ để ăn học có thấm thía gì so với công lao anh chị đã giúp chúng tôi hồi trước.

Mọi người đang chuyện trò thì có tiếng kèn xe hơi vang lên ngoài đường cái. Một vệt sáng lọt qua cổng khám soi vào sân nước, một giọng nói cộc cằn từ ngoài cổng vọng vào:

- Thằng Hận đâu rồi? gác sách như vậy coi được không? Xe ai đậu đây? Đ má làm vậy đó hả?

Hận hốt hoảng:

- Bác Hai về khám lẹ đi! Chết con rồi.

Má Hai vội vã bước xuống sân nước. Hận bồng súng chạy ra, nhưng không kịp, tên thiếu tá Trường trưởng ty cảnh sát và tên thiếu úy Thẹo ban sáng cùng mấy tên lính áo rằn đã vào. Vẫn cái giọng cộc cằn của hắn:

- Ai cho phép mày cho người vào đây? Hả!

Trường giơ tay tát vào mặt Hận một bốp tay đổ lửa. Hận lảo đảo. Vẫn giọng thằng thiếu tá:

- Mày đồng lõa với bọn cộng sản hả? mày tổ chức cho chúng nó thông đồng với nhau phải không? Đồ chó chết! tao nhốt mày! Tao nhốt mày!

Tên thiếu tá nắm lấy ngực áo Hận giơ tay định cho nó mấy bạt tay nữa nhưng bà Mùi và ông Thi đã ra tới. Bà Mùi quắc mắt nhìn Trường:

- Có gì mà nóng nảy dữ vậy ông thiếu tá? - Trường buông Hận quay sang bà Mùi:

- Sao giờ này bà ở đây? Ai cho bà vào đây?

- Tôi tự vào được không? – Bà Mùi kênh kiệu trả lời.

- Bà có biết chỗ này là gì không? Cấm tất cả những người không phận sự không được vào, bà hiểu chưa? – Hắn gầm gừ với bà Mùi.

- Tôi hiểu. Nhưng tôi có phận sự đến thăm chị chồng tôi.

Tím và Hồng ra khỏi phòng. Má Hai không về khám mà quay lại đến bên tên thiếu tá:

Chúng tôi bị mấy ông bắt, bị đánh, có người bị bệnh, thân nhân gia đình chúng tôi đến thăm nom, đem cơm nước thuốc men, điều đó có gì trái pháp luật mà ông hành hạ con cháu tôi thế?

Trường quay sang má:

- Tôi chưa nói đến bà, chỗ của bà là ở phòng khám, bà muốn nói lát nửa lên phòng thẩm vấn rồi nói, bà muốn nói thứ gì cũng có.

Hắn có ý dọa má, nhưng má đâu có sợ. Cuộc đấu tranh của má là chính nghĩa, sức mạnh của bà con không cho phép chúng muốn làm gì thì làm, má tin chắc điều đó. Má ung dung đi về phòng khám, bóng má lung linh trong ánh điện theo từng bước chân trên sân nước.

Tên thiếu tá vẫn tức điên người. Hắn hiểu cuộc gặp gỡ giửa má với mọi người là chuyện bất lợi cho nghề nghiệp của hắn. Hắn nhận định: thế nào bên ngoài và bên trong cũng thông tin cho nhau, như vậy cuộc tìm kiếm, vây bắt người lãnh đạo cuộc biểu tình sẽ khó khăn, cuộc thẩm vấn sắp tới khó đạt được mục đích. . . nói tóm lại, là có thể bị thất bại trong ý đồ bẻ gảy cuộc biểu tình và như vậy, hắn sẽ bị thượng cấp khiển trách.

Hắn quay sang bà Mùi hỏi khó:

- Bà dắt mấy con nhỏ này vào đây làm liên lạc cho mấy con mẹ nổi loạn bị nhốt trong này phải không?

- Chúng nó là thân nhân, chúng nó đến thăm, còn có làm liên lạc hay không, điều đó các ông qui kết thế nào là tùy các ông, nhưng chẳng lẽ mấy bà già có chồng con bị các ông bắn giết này lại là cộng sản hả ông Trường?

Tôi đã nói nơi đây không phải là phận sự của bà, không phải là nơi để bà lý luận với tôi, bà khôn thì ra khỏi chỗ này ngay để chúng tôi thi hành công vụ, bà ở đó nói lăng nhăng tôi kêu lính nhốt bà bây giờ.

- Ông thiếu tá nói thiệt hay nói chơi vậy? ông tỉnh trưởng còn chưa nhốt được tôi, huống hồ chi ông. Cái lon thiếu tá, cái chức trưởng ty của ông chỉ dọa được mấy con mẹ khù khờ với mấy đứa con nít chứ làm gì được ai. Ông nên nhớ tôi không phải là con nít, cũng không phải như mấy con mẹ bán tôm cá khù khờ kia, ông nên biết điều một chút chớ ông thiếu tá.

Có lẽ hắn nhận ra rằng nếu cứ tranh cãi lý sự với bà Mùi cũng chẳng ăn thua gì. Bà ta có thế hơn hắn ở chỗ bà là người thân quen số một của ông Thuận, mà ông Thuận thì mê bà hơn mê tiền, thời gian cũng đang gấp rút, hắn còn phải moi cho được ở mấy người mà hắn cho là nổi loạn này lời khai về tung tích những người lãnh đạo cuộc biểu tình. Hắn đành dịu giọng:

- Thôi bà về giùm tôi, mai mốt ta nói chuyện sau, còn bây giờ tôi đang bận.

Bà Mùi quay sang chồng:

- Mình về đi ông.

Ông Thi đến bên thiếu tá ôn tồn:

- Thứ lỗi cho nhau nghe ông thiếu tá. Thấy ông đánh mắng con, vợ tôi nó nóng, nên có lời quá đáng, tôi xin lỗi, ông bỏ qua cho.

Nói xong, ông Thi bà Mùi đi ra cổng, Tím và Hồng cũng xách nón lẽo đẽo theo sau, nhưng tên thiếu tá đã ra hiệu cho tên Thẹo nãy giờ đứng ở cổng ngăn hai cô lại.

- Mời hai cô ở lại. – Tên thiếu úy ra lệnh.

- Chúng tôi có tội gì mà ở lại? – Tím phản đối.

Bà Mùi lật đật chạy lại:

- Ai bảo mày giữ người một cách vô cớ vậy? mày muốn gì? Muốn ở đây hay ra mặt trận? mấy đứa này là con cháu tao, con cháu của chủ hiệu Hiệp Phát, rõ chưa?

Bà Mùi cố gằn từng tiếng, thật to, thật rõ. Thằng Thẹo liếc nhìn thiếu tá Trường rối lại nhìn bà Mùi có vẻ tức tối lắm nhưng đành chịu. Hắn hiểu: ông Trường còn chẳng làm được, mình nhằm nhò gì.

- Thôi về tụi bây. – Bà Mùi xô Tím và Hồng đi.

Tiếng rú của hai chiếc xe Hon đa vang lên xa dần. Tên thiếu tá quay sang gọi Hận hạch hỏi:

- Ai cho mày kêu con mẹ đó lên đây?

- Má tôi lại, bả kêu lên cho bả thăm.

- Con nhỏ thấp người là đứa nào vậy?

- Con Hồng.

- Nó có bà con với mày không?

- Dạ nó là bạn học, không có bà con.

- Sao nó lại vào đây?

- Dạ. . . dạ. . . – Hận ngập ngừng.

- Mày chết! mày để nó vào đây liên lạc hả thằng chó? – Tên Trường gầm lên, nhào lại định nắm cổ áo Hận. Hận sụt lại.

- Dạ hổng phải đâu. Hồng là con bác Hai.

- Bác Hai nào? – Trường thét lên.

- Bà hồi nảy đó.

Trường chần chừ hồi lâu:

- Nó đến lâu chưa?

- Mới tới thì thì thiếu tá lại. – Hận đáp khéo.

- Mày thấy tụi nó có nói gì với nhau không?

- Không đâu. Tôi ở đây canh suốt ai dám nói gì được.

Trường có vẻ an tâm hỏi tiếp:

- Chị của ba mày là bà nào?

- Dạ cô Tám, cô ruột tôi đó.

- Thôi được, mày vào gọi cô mày lên phòng thẩm vấn làm việc!

- Cô tôi đang ở trong đó.

- Sao lại ở đó?

- Cô tôi bệnh nhiều lắm.

- Bệnh thì bệnh, cũng phải giam, mày để ở đó cô mày trốn rồi làm sao?

- Cô tôi không trốn đâu.

Mấy tên lính áo rằn lảng đi đâu bây giờ mới có mặt. Tên Trường bảo chúng nó ở đây phụ gác với Hận, rồi hắn cùng tên Thẹo đi đến phòng thẩm vấn. Hận cũng bước theo, thấy bà Tám nằm, thiêm thiếp trong chiếc mền, Trường bảo tên thiếu úy:

- Đâu mày lại coi sao? Nhắm nó ngồi nổi không?

Tên Thẹo dùng tay nắm chéo mền giật tung lên, nó lấy tay rờ vào mặt bà Tám. Bà Tám vẫn nằm nhắm nghiền đôi mắt, thờ khò khè. Thẹo quay lên:

- Nóng quá thiếu tá ơi, chắc nó ngồi không nổi đâu.

Tên thiếu tá quay lại Hận:

- Mầy đưa cô mày xuống phòng biệt giam, rồi dẫn con mẹ hồi nảy lên.

- Phòng ở dưới còn ướt nước làm sao cô tôi nằm được?

- Mặc kệ. Cứ nhốt cho cô mày biết thế nào là tù tội, cho bỏ cái thói nghe theo lời cộng sản ra đây làm loạn.

- Thiếu tá thông cảm, cô tôi già rồi, bệnh như vầy xuống đó chịu không nổi đâu!

- Tao kêu đem nhốt, nghe chưa! -  Trường nạt Hận.

Hận tựa súng vào tường, nó gom góp mền chiếu quần áo, một tay ôm một tay đỡ bà Tám lên lưng, lọm khọm cỏng bà. Bà Tám mắt vẫn nhắm nghiền, nói một cách căm uất:

- Các ông ác quá, giết cả chồng con tôi rồi giờ tính giết luôn cả tôi nửa. Trời ơi ngó xuống mà coi nè!

Hận để bà Tám ngồi tựa lưng vào tường cạnh cánh cửa có viết con số tám. Nó không đưa bà vào phòng giam mà để bà ở đây, rồi trải chiếc chiếu xuống nền xi măng còn ươt nước, cho bà nằm ở đó. Xong xuôi, nó sang phòng kế bên gọi má Hai ra, rồi dẫn má về phòng thẩm vấn giao cho thiếu tá Trường. Nó vác súng lững thững đi ra cổng, trở lại cái tua gác mà ngày ngày nó vẫn thường đứng gác. Trong lòng nó nóng rang như lửa đốt trước sự tàn nhẫn của tên thiếu tá đối với cô nó.

*

*   *

Trong phòng thẩm vấn, Trường lầm lừ nhìn má Hai. Đợi cho má ngồi vào chiếc ghế đặt đối diện với cái bàn chất đầy dụng cụ tra tấn, Trường mới lên tiếng. Giọng hắn có vẻ nghiêm trang nhưng cũng chứa đựng vẻ hách dịch:

- Bà là Bùi Thị Kỹ, đã nhiều lần đi biểu tình làm loạn. Bà có biết chúng tôi có đầy đủ hồ sơ về bà không?

Má Hai từ tốn đáp lại:

- Tôi ra đây nhiều lần, cái đó có. Còn các ông nói có đủ hồ sơ về tôi, tôi muốn biết đó là hồ sơ gì? Ngoài việc tôi và bà con ra đây yêu cầu các ông đừng ném bom, bắn pháo vào làng xóm, giết hại bà con chúng tôi, thì tôi không có làm gì khác hơn.

- Bà đã nhiều lần dẫn đầu nhiều cuộc biểu tình, cầm băng dán biểu ngữ chống đối chính phủ ở Gò Quao, ở Rạch Giá mấy năm nay. -  Trường dừng lại nhìn vào mặt má.

- Tôi có cầm băng khẩu hiệu phản đối chính phủ cho máy bay ném bom, cho bắn pháo vào xóm làng tôi, nhưng nếu tôi không cầm thì mọi người khác cũng cầm, việc đó tôi không có tội.

- Việc bà làm là có tội. Bởi vì bà dẫn đầu, là phần tử tích cực nhất, đã lôi kéo mọi người, từ đó mọi người theo bà gây ra sự rối loạn an ninh trật tự của thị xã. Hơn nữa, bà đã xâm phạm đến khu an toàn của dinh tỉnh trưởng, gây nguy cơ bạo động lật đổ chính quyền của chính phủ quốc gia.

Má phản đối:

- Ông kết tội tôi như vậy là không đúng. Thử hỏi: nếu các ông không giết người, chúng tôi ra đây làm gì? Còn nói chúng tôi xâm phạm đến khu an toàn? Vậy tôi hỏi ông, cái dinh tỉnh trưởng dựng lên để làm gì, nếu không phải là nơi tiếp xúc với dân chúng? Mặt khác, ông tỉnh trưởng có đích thân ra gặp chúng tôi để giải quyết những nguyện vọng của dân chúng đâu. Ông nói chúng tôi gây nguy cơ lật đổ chính quyền, thử hỏi những người đàn bà tay không yếu đuối như chúng tôi thì làm sao chống lại nổi với súng đạn của các ông, mà ông nói có nguy cơ bạo động?

Trước lời lẽ cứng rắn của má, tên Trường vô cùng tức tối, nhưng hắn cố giữ bình tĩnh để tìm ra mánh khóe hòng chinh phục má. Hắn rất muốn sử dụng ngay đến món sở trường là tra tấn nhục hình, nhưng hắn nghĩ chưa đến lúc. Hắn cũng biết người đàn bà này không phải là một con người tầm thường. Năm ngoái đã một lần hắn đối diện với má trong một đợt chống biểu tình; cũng đánh, cũng khảo, nhưng không ăn thua gì. Hắn đoán rằng: má có thể là một đảng viên, nhưng chắc không phải là người lãnh đạo cuộc biểu tình này. Hắn cho rằng: bạo lực không thể thắng đối với người Cộng sản, cho nên hắn cố kềm chế cái bản năng man rợ nổi lên khi thấy lý lẽ không thắng. Còn tên thiếu úy Thẹo ngồi trơ như tượng bên cặp hồ sơ trước mặt. Hình như nó không quan tâm đến cuộc hỏi cung của Trường, có lẽ nó đã thấm mệt vì cuộc ẩu đã với người biểu tình hồi sáng chăng? Cũng có thể nó buồn ngủ bởi mấy đêm nay nó phải hỏi cung liên tục mấy người tù mà Trường đã giao cho nó khai thác. Nó vốn là một tên khét tiếng tra khảo dã man nhất ở cái khám lớn này. Nói đến tên Thẹo ai cũng biết nó là một tên phách lối, kênh kiệu, cả đám đồng nghiệp của nó cũng chẳng ai ưa.

Thiếu tá Trường cứ đi lại chậm rãi trong phòng. Hắn cúi gầm, đưa ánh mắt thâm hiểm nhìn xuống nền xi măng, cứ như mọi thủ đoạn, mánh khóe nghề nghiệp của hắn đều nằm ở dưới, nên hắn cố lục lọi, tìm kiếm xem ở đó hiện lên món nào lợi hại nhất, để hắn sử dụng cho cuộc thẩm vấn này. Hắn dừng lại chống tay vào bàn:

- Này bà Kỹ? chồng bà đâu rồi?

- Chồng tôi  theo vợ bé rồi.

- Ông có thường về thăm bà không?

- Lâu lắm rồi không có về.

- Có gởi tiền cho bà không?

- Không có.

- Vậy bà sống bằng nghề gì?

- Làm ruộng.

- Chắc cuộc sống của bà nghèo lắm phải không?

- Tạm đủ ăn thôi.

- Bà có thích giàu sang nhiều tiền như bà Mùi không?

- Giàu sang thì ai lại chả thích, nhưng . . .

Trường cướp lời:

- Nhưng nếu điều kiện cho phép, bà có sẳn sàng hưởng không? bà thấy đó. Bà Mùi ở ngoài này sống sung túc, có xe, có nhà lầu, tiện nghi đầy đủ, ăn uống phủ phê.

- Ông muốn tôi ra ngoài này ở với các ông?

- Không! bà cứ ở trong đó, chúng tôi đảm bảo không bắn pháo, không ném bom vào nhà bà với điều kiện . . .

Đến lượt má cướp lời hắn:

- Tôi chỉ đồng ý việc các ông không ném bom, bắn pháo vào làng xóm quê hương vườn ruộng, không giết hại dân thường, còn điều kiện gì khác tôi không chấp nhận đâu.

Tới lượt Trường:

- Tôi nói chưa hết lời, bà đừng vội. Tôi muốn bà khai báo thật thà, chúng tôi sẽ thưởng tiền cho bà và thả ngay bà ra. Tiền thưởng sẽ tương đương với giá chiếc xe Hon đa của bà Mùi, nếu bà chỉ đúng tên nào lãnh đạo cuộc biểu tình này.

Má Hai trả lời ngay không chần chứ:

- Chúng tôi đi đây đều tự nguyện cả, không ai lảnh đạo chúng tôi. Quyền lợi mà chúng tôi yêu cầu các ông giải quyết là quyền lợi của chúng tôi, không phải của ai mà bảo họ lãnh đạo chúng tôi.

- Thế băng, khẩu hiệu, ai làm? – Hắn cáu gắt hỏi lại.

- Chúng tôi tự mua sắm, còn cắt dán thì nhờ mấy đứa nhỏ biết chữ ở xóm làm dùm.

- Bà nói láo! Mấy đứa nhỏ biết gì mà làm.

Hắn lao lại tát vào mặt má Hai thật mạnh. Má ngã xuống rồi gượng ngồi ngay lại. Máu răng chảy ra mằn mặn, má nhổ một bãi xuống nền xi măng lẫn lộn nước miếng lẫn máu.

- Sao? Bà khai không? Đứa nào lãnh đạo cuộc biểu tình?

- Tôi đã nói là chúng tôi đều tự nguyện đi, không ai bảo, không ai lãnh đạo chúng tôi cả.

- Bà nói quyền lợi của bà, nhưng trong đơn yêu cầu, không có người thân của bà bị chết, sao bà lại đi? Té ra bà là người lãnh đạo phải không?

- Ông thử nghĩ, bà con lối xóm với nhau, tôi có thể bỏ được không? và nếu như hôm nay tôi chưa có người thân bị các ông bắn giết thì chắc gì ngày mai sẽ không có? Là người Việt Nam với nhau ông cũng phải nghĩ ra điều đó chứ.

Tên thiếu tá a lên một tiếng kéo dài, rồi như con chó dữ, nó nhào lại một tay túm lấy tóc, tay còn lại tát lia lịa vào mặt, vào mũi má, máu từ miệng, mũi má chảy ra dính cả váo tay hắn, hắn xô ngửa má ra sau, má ngã chiếc ghế ngã theo. Hắn trở lại bàn để dụng cụ tra tấn, lấy chiếc khăn lau mấy vệt máu dính trên bàn tay của hắn, miệng càu nhàu:

- Đ má đồ cứng đầu! – Rồi hắn quay sang nhìn tên Thẹo đang gác hai tay gục đầu trên bàn, hét lớn:

- Thẹo! ngủ hả?

Thằng Thẹo giật mình ngóc dậy ngơ ngác. Trường bực tức nhăn nhó:

- Đ mẹ! làm việc như vậy sao? Mày lại lôi đầu nó ngồi dậy coi!

Tên thiếu úy rời ghế, ưỡn vai rồi bước lại chỗ má Hai. Nó nắm tay má kéo dậy, đỡ ghế để má ngồi lại ngay ngắn, hắn nói:

- Bộ bà cưỡng lại hả? để ổng đánh sặc máu vậy? khai đi bà nội! bà không khai thì mềm xương với ổng đó!

Má Hai đau lắm nhưng cố gắng ngồi. Má lặng lẽ nhìn vào cái bàn để dụng cụ tra khảo tù nhân, tên thiếu úy trở lại bàn, nó rút viết loáy hoáy ghi chép gì đó trên tờ giấy, rồi buôn ra mấy câu có vẽ chán ngấy:

- Khai đi bà! Trời khuya rồi, khai sớm, cho con người ta về ngủ.

Má Hai ngó thẳng vào mặt tên thiếu tá:

- Tôi đã nói, không có gì để tôi khai, bây giờ mấy ông tra khảo đến chết tôi cũng không có gì để khai.

Tên thiếu tá nghiến răng:

- Được, xem bà cứng đầu đến cở nào?

Hắn lệnh cho tên thiếu úy:

- Mày cho bả một cú điện thoại!

Thằng thiếu úy lại rời ghế một lần nửa, nó đến bàn để dụng cụ lấy hai sợi dây điện thoại có gắn hai kẹp ở đầu, kéo đến chỗ má Hai ngồi, nó kẹp vào hai ngón chân cái của má, rồi trở lại nó cầm tay quay chiếc điện thoại, nó quay nhẹ một cái. Má rung người choáng váng, nó bạnh càm đầy xương xẫu ra cười:

- Sao, bà già khai không?

Nó lại quay một cái nữa rồi ngừng, lại bạnh hàm ra hỏi:

- Sao, khai không?

Má nghiến răng, người má rung lên giận dữ, hai tay má nắm hai chiếc kẹp ra quăng thẳng vào mặt nó thét lớn:

- Quân dã man! Quân vô nhân đạo! Quân bán nước!

Tên thiếu tá vẫn ngồi trên ghế theo dõi, hắn ra lệnh:

- Lấy còng khóa tay nó lại!

Sau khi còng hai tay má ra sau, lần này Thẹo không kẹp vào đầu ngón chân mà kẹp vào hai dái tai của má, răng hai chiếc kẹp nghiến vào da thịt má đau như bị cắt, nhưng má cắn răng, đứng thẳng người lên nói lớn:

- Các ông tra tấn tôi vô ích. Cuộc đấu tranh của chúng tôi là chính đáng, đừng hòng buộc tội được tôi. Các ông làm gì thì cứ làm xem!

Vẻ mặt hừng hực lửa căm thù, má phóng thẳng ánh mắt vào mặt tên thiếu tá khiến nó không dám nhìn má mà ngó lảng sang một bên.

Tên thiếu úy nhấc cái máy điện thoại để xuống nền xi măng, dùng chân đạp giữ, nó nhấp nhấp mấy cái, má vẫn đứng thẳng, rồi đột ngột nó quay mạnh, quay nhanh và quay liên tục. Nó dùng hết sức lực quay, mồ hôi trong người nó vã ra  . . . má bị giật liên hồi, những luồn điện chạy vào người làm tê dại cả thân thể. Má ngã người ra sau, đầu đập vào tường, người má lăng ra nền xi măng ngất lịm.

Đêm ấy, mãi đến ba giờ sáng, chúng chẳng moi ở má được điều gì.

(Còn nữa)

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH. . . (Sự kiện)


Ngày 16 - 10 - 2013, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2013). Về dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện một số cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc ở Trung ương, đại diện một số tổ chức nước ngoài có liên quan, cùng toàn thể các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn Quốc. Buổi lễ được Đài truyền hình Quốc gia (VTV 1) truyền hình trực tiếp từ 8 giờ đến 9 giờ cùng ngày.
THIÊN TÂN giới thiệu diễn văn của Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đọc tại buổi lễ và một số hình ảnh để các bạn cùng xem. 

BÀI PHÁT BIỂU CỦA LUẬT SƯ LÊ THÚC ANH
Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và toàn thể các vị khách quý trong và ngoài nước,

          Thưa các luật sư đồng nghiệp,

Tại buổi lễ trọng thể này, chúng ta bày tỏ lòng thương tiếc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta rất tự hào vì trong đội ngũ luật sư đã có những đồng chí đã từng là Bộ đội Cụ Hồ dưới sự chỉ huy tài ba, thao lược của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

          Trong buổi lễ trọng thể hôm nay, chúng ta nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người rất quan tâm, chỉ đạo và có những quyết định quan trọng đến sự phát triển của đội ngũ luật sư Việt Nam, đặc biệt là từ khi thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam.

          Thưa Thủ tướng, các vị khách quý và các luật sư đồng nghiệp.

Hôm nay, trong không khí trang trọng của buổi Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống luật sư Việt Nam - Ngày 10 tháng 10 hàng năm, cho phép tôi thay mặt Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Hội đồng luật sư toàn quốc và Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam xin trân trọng gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể ỏ Trung ương và địa phương và toàn thể các vị khách quý trong và ngoài nước lời chào mừng và cảm ơn chân thành nhất của đội ngũ luật sư Việt Nam.

Cách đây 68 năm - Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể luật sư, khai sinh nghề luật sư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với giới luật sư Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần đặt nền móng cho nền tư pháp XHCN của dân, do dân, vì dân mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang phấn đấu xây dựng và hoàn thiện.

Nhìn lại quá trình lịch sử, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 10/10/1945 để ký Sắc lệnh về Tổ chức đoàn thể luật sư. Trước đó 16 năm, ngày 10/10/1929, thực dân Pháp đã tuyên án tử hình đối với Bác. Năm 1931, Bác bị bắt ở Hồng Kông, Luật sư Frank Loseby đã tích cực sử dụng các biện pháp pháp lý ngăn cản thành công việc thực dân Pháp can thiệp với nhà cầm quyền ở Hồng Kông đã trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam để họ thực hiện bản án tử hình đối với Bác. Nhờ có sự tận tâm giúp đỡ của Luật sư Frank Loseby, Bác đã tránh được án tử hình, tiếp tục lãnh đạo Đảng và nhân dân ta cứu đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của nghề luật sư trong sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội, chỉ 38 ngày sau khi đất nước giành được độc lập (10/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể luật sư. Cũng với nhận thức và tư tưởng đó, Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và các đạo luật về tố tụng đã được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ trong tố tụng, trong đó có việc tăng cường bảo đảm quyền bảo chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trước Toà án và các cơ quan tiến hành tố tụng. Tiếp theo đó, Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, Pháp lệnh luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006 (được  sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012) đã quy định cụ thể về luật sư và hành nghề luật sư phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước, khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của nghề luật sư, của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Từ ngày 10/10/1945 lịch sử đó, trải qua gần 70 năm, đội ngũ luật sư Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nghề luật sư trong xã hội, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều luật sư đã nêu cao tấm gương hy sinh quả cảm như Luật sư Thái Văn Lung đã anh dũng hy sinh trên chiến trường từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; các luật sư đã mang hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng một nền tư pháp dân chủ. trong sạch, vững mạnh. Giới luật sư Việt Nam sẽ mãi mãi tự hào và biết ơn đối với các luật sư tiền bối như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phan Văn Trường, Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Vũ Đình Hoè, Trần Công Tường, Trịnh Đình Thảo và nhiều luật sư tiêu biểu khác.

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong giai đoạn cách mạng mới, đội ngũ luật sư Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng, phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của nghề luật sư. Đặc biệt, những năm gần đây, đội ngũ lụât sư nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Với hơn 8000 luật sư chính thức, 3500 người tập sự hành nghề luật sư và trên 3000 tổ chức hành nghề luật sư đang sinh hoạt và hành nghề trong 63 Đoàn luật sư địa phương trên cả nước, hàng năm, đội ngũ luật sư nước ta đã cung cấp một số lượng lớn các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội, thông qua hoạt động tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, đội ngũ luật sư không những đã có những đóng góp tích cực cho công tác tư pháp nói chung, hoạt động xét xử nói riêng, mà còn là nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển các quan hệ kinh tế thị trường và hội nhập theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp.

Kính thưa quý vị,

Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập tháng 5/2009  đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; đã bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và duy trì, phát huy các chuẩn mực đạo đức của nghề luật sư; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư; đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ luật sư nước ta. Kết quả đó được Đảng, Nhà nước, nhân dân, giới luật sư đánh giá cao, bạn bè quốc tế mến mộ. Đạt được những kết quả như trên là nhờ có sự định hướng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua Sắc lệnh 46/SL, sự kế thừa và quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Tư pháp đã có công đào tạo và xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ chính quyền địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của các luật sư, các Đoàn luật sư dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Ước nguyện của đội ngũ luật sư Việt Nam mong muốn có một Ngày kỷ niệm truyền thống hàng năm như một dịp tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu; đồng thời là dịp để ôn lại và phát huy những truyền thống vẻ vang của nghề luật sư;  học hỏi các thế hệ đi trước; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng và Bác Hồ, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Từ đó, mỗi luật sư ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy vai trò của người luật sư trong thời kỳ đổi mới, luôn ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nguyện suốt đời đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.

Trước những thành công ngày hôm nay và tương lai phát triển của nghề luật sư, giới luật sư Việt Nam luôn ghi nhớ ngày 10/10/1945 là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời và trưởng thành của đội ngũ luật sư Việt Nam. Tự hào về Ngày truyền thống vẻ vang của mình, toàn thể luật sư Việt Nam chúng ta hãy đoàn kết, vững bước tiến lên.

Thay mặt Đảng Đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc, trong buổi lễ trang trọng này, tôi xin kính chúc đồng chí Thủ tướng, các đồng chí đại diện Ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các vị khách quý, các tổ chức và bạn bè quốc tế, cùng các luật sư đồng nghiệp dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn. 

 Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biếu tại buổi lễ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào các đại biểu dự lễ


 Luật sư Lê Thúc Anh trả lời phỏng vấn Đài truyền hình

68 Luật sư trẻ, tượng trưng 68 năm ngày Bác Hồ ký Sắc luật 46 công nhận Đoàn thể Luật sư hoạt động dưới chế độ mới: VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (Nay là CHXHCN Việt Nam). Trong ành đại diện thế hệ trẻ Luật sư Việt Nam phát biểu.

Biểu diển Hợp xướng do 68 Luật sư trẻ trình bày.

Một số tiết mục do Đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp của Nhà hát lớn Hà Nội trình bày



Một số tiết mục ca múa do chính các Luật sư của Đoàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ biểu diển. Tính nghệ thuật của những tiết mục này không thua kém các diển viên chuyên nghiệp biểu diển.






Trước Nhà hát lớn Hà Nội