Translate

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

BÉ NA (Ngọc Bích) TRÒN 3 TUỔI (Sự kiện)



Ở đồng bằng sông Cữu Long, tục ngữ có câu rằng: “Thương con một Táo, thương cháu một Giạ” (*). Câu tục ngữ ấy lấy đại lượng hình khối để phản ánh tình cảm của Ông, Bà đối với cháu, con trong tổ ấm gia đình. Cũng như câu: “thương con 1, thương cháu 10” để chỉ mức độ tình cảm mà Ông, Bà dành cho cháu. Đối với những ai đã là Ông, là Bà hẳn không thể không mang trong mình trạng thái tình cảm ấy.

Nhân dịp bé Na (Ngọc Bích) tròn 03 tuổi, Thiên Tân giới thiệu một số hình ảnh của cháu để các bạn cùng chia sẻ niềm vui với ĐCT.

-------------------------

(*) Một Táo tương đương 10 ký, một Giạ bằng 02 Táo. Táo là dụng cụ đong lúa của nông dân ở đồng bằng sông Cữu Long.








MỘT SỐ ẢNH ĐÁM THÔI NÔI


















 
 

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

BÀO CHỮA VÀ BẢO VỆ TRONG TTHS (Góp ý luật)

          Ngày 26, 27 tháng 12 (2013) vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo chương VII về Bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự và lấy ý kiến về tiêu chí tôn vinh Luật sư Việt Nam.
          Trong cơ cấu Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật TTHS lần này, Ban soạn thảo dành riêng một chương (chương VII) điều chỉnh các quan hệ bào chữa và bảo vệ quyền lợi trong quá trình tiến hành tố tụng. Ban soạn thảo đã giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam biện soạn chương này.
          Với tư cách là đại biểu được mời tham dự Hội thảo, trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm của quá trình làm công tác điều tra hình sự (8 năm), xét xử (9 năm) và bào chữa (10 năm), ĐCT có bài phát biểu và đã gởi văn bản góp ý chỉnh sửa Dự thảo cho LĐLS VN. Để các bạn (nhất là các Luật sư đồng nghiệp và những người công tác trong lĩnh vực pháp luật hình sự) có thêm những thông tin tham khảo, Thiên Tân đăng toàn văn văn bản góp ý chỉnh sửa nói trên.
CHƯƠNG VII
BÀO CHỮA VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO ĐƯƠNG SỰ

Điều…..Người bào chữa,
1. Người bào chữa có thể là: Luật sư; Trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác, do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị án hoặc người đại diện hợp pháp của những người này có văn bản yêu cầu, được cơ quan thụ lý vụ án cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng.
2.Trong những trường hợp sau đây, nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị án hoặc người đại diện hợp pháp của họ không yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan đang thụ lý vụ án gởi văn bản yêu cầu Đoàn luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử người bào chữa cho họ
a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự (có thể lấy khung hình phạt có mức cao nhất 15 năm đến tử hình);
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
         3. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người, nếu quyền và lợi ích hoặc hành vi của những người đó không đối lập hoặc xung đột nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người.
4. Những người sau đây không được bào chữa:
a) Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người có quan hệ ở hàng thừa kế thứ nhất hoặc thứ nhì (kể cả bên vợ hoặc bên chồng) với người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
b) Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch.
c) Người đang chấp hành hình phạt hoặc người đang bị tước, bị hạn chế quyền tự do cá nhân.

Điều…: Cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
1. Khi có văn bản của người yêu cầu ghi tại khỏan 1 hoặc giấy giới thiệu ghi tại khoản 2 điều….trên đây, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án trong vòng 24 giờ, phải cấp giấy chứng nhận người tham gia tố tụng cho người có tên trong văn bản yêu cầu. Giấy chứng nhận được cấp một lần, có giá trị theo thời gian yêu cầu ghi trong văn bản hoặc đến khi kết thúc vụ án.
2.Nếu người được yêu cầu thuộc một trong những trường hợp qui định tại khỏan 4 điều….trên đây, thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án ra văn bản thông báo lý do từ chối cấp giấy, gởi cho người có văn bản yêu cầu.
3. Người được bào chữa có quyền từ chối hoặc thay đổi người bào chữa. Việc từ chối hoặc thay đổi người bào chữa phải được lập biên bản có mặt, ký tên (hoặc dấu vân tay) của người bào chữa và người được bào chữa. Trong trường hợp này, người đã ký giấy chứng nhận người bào chữa thu hồi giấy và thông báo bằng văn bản cho người có yêu cầu.

Điều…: Trách nhiệm của người bào chữa  
1. Trực tiếp thu thập chứng cứ có liên quan đến việc bảo chữa và giao nộp chứng cứ đó cho cơ quan đang thụ lý vụ án hoặc yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ mà mình biết được. Việc giao nộp chứng cứ phải lập biên bản mô tả đặc điểm hiện trạng chứng cứ.
2. Đưa ra chứng cứ và nêu ý kiến phản biện để chứng minh người được bào chữa không phạm tội, phạm tội nhẹ hơn hoặc phạm tội nhưng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; giảm hoặc miễn trách nhiệm dân sự.
3. Trực tiếp tư vấn cho người được bào chữa những nội dung qui định của pháp luật có liên quan đến tội phạm; giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, để thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án.
4. Lập văn bản yêu cầu cơ quan thụ lý vụ án thay đổi biện pháp ngăn chặn theo hướng có lợi cho người được bào chữa đang bị giữ, bị giam khi những người này hội đủ các điều kiện pháp luật qui định.
5. Soạn thảo văn bản khiếu nại, tố cáo và văn bản yêu cầu khác; soạn thảo đơn kháng án, đơn xin ân giảm án tử hình cho người được bào chữa.
6. Thông báo, kiến nghị, khiếu nại hoặc tố cáo với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án hoặc với cơ quan có thẩm quyền khác, về những hành vi vi phạm thủ tục tố tụng và những sai phạm khác, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bào chữa, do người tiến hành tố tụng hoặc người khác thực hiện.
                                                                
Điều…: Quyền gặp, trao đổi thông tin và thực hiện trách nhiệm của người bào chữa với người bị giữ, bị giam.
1. Người bào chữa có quyền gặp, trao đổi thông tin với người mà mình có nghĩa vụ bào chữa đang bị giữ, bị giam để thực hiện trách nhiệm của người bào chữa qui định tại điều….trên đây. Số lần gặp người đựơc bào chữa và thời gian gặp trong giờ làm việc không bị hạn chế.
2. Người bào chữa được quyền sử dụng phương tiện ghi âm, ghi hình, ghi lại hình ảnh và nội dung cuộc gặp tại nơi làm việc với người bị  giữ, bị giam mà không bị ngăn cản.
3. Cơ quan quản lý người bị giữ, bị giam có nghĩa vụ bảo đảm địa điểm và tạo thuận lợi cho người bào chữa gặp người được bào chữa. Không ai được ngăn cản hoặc giám sát trực tiếp người bào chữa gặp người được bào chửa, nếu người bào chữa không vi phạm điều cấm qui định trong Luật này.

Điều…: Trình tự và thủ tục gặp người bị giữ, bị giam
1. Người bào chữa muốn gặp người bị giữ, bị giam mà mình có nghĩa vụ bào chữa phải có văn bản yêu cầu được gặp, kèm theo bản sao Giấy chứng nhận bào chữa, gởi thủ trưởng cơ quan quản lý người bị giữ, bị giam.
2. Ngay sau khi tiếp nhận văn bản yêu cầu, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan đang quản lý người bị giữ, bị giam phải cho dẩn giải người bị giữ, bị giam đến gặp người bào chữa tại địa điểm làm việc của cơ quan mình. Nếu hết giờ làm việc, thì hẹn đầu giờ buổi làm việc kế tiếp.

Điều…..Trình tự tham dự lấy lời khai người bị tạm giữ, tham dự hỏi cung bị can.
1. Trước khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can về hành vi phạm tội của họ, người tiến hành tố tụng phải thông báo bằng văn bản cho người bào chữa biết địa điểm và thời gian làm việc; Nếu đến giờ làm việc mà người bào chữa không có mặt tại địa điểm làm việc, thì người tiến hành tố tụng lập biên bản vắng mặt người bào chữa và tiến hành lấy lời khai, hỏi cung theo trình tự chung.
2. Trong trường hợp lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can có người bào chữa chỉ định mà người bào chửa vắng mặt, thì phải hoãn việc lấy lời khai, hỏi cung.
3. Người bào chữa có quyền hỏi người được bào chữa về những chi tiết mà người đó khai chưa rõ hoặc có mâu thuẫn; Hỏi về những vấn đề cần thu thập chứng cứ để chứng minh; Trao đổi những vấn đề khác có liên quan đến việc bào chữa.

Điều……..Trình tự bào chữa trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị án không nhận tội.
1. Ngay từ lần xét hỏi đầu tiên hoặc ở lần xét hỏi sau, nếu người bị tạm giữ, bị can không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thì tất cả các lần xét hỏi tiếp theo, đều phải có mặt người bào chữa, kể cả khi họ có nhận tội ở bất cứ lần nào sau này.
2. Đối với bị án bị Tòa án kết luận có tội, bản án có hiệu lực pháp luật nhưng họ vẫn kêu oan, người bào chữa nhân danh tư cách tham gia tố tụng (người bào chữa), gởi đơn kiến nghị đến cấp giám đốc thẩm, yêu cầu xét lại bản án; Cấp giám đốc phải xem xét hồ sơ và có văn bản trả lời cho người bào chữa. Trong trường hợp có kháng nghị xét lại bản án, người bào chữa được mời tham dự và phát biểu ý kiến, làm rõ những tình tiết minh oan cho bị án.

Điều………..người bảo vệ quyền lợi cho đương sự:
1. Người bảo vệ quyền lợi cho đương sự có thể là: Luật sư; Trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác, do người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghiã có liên trong vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người này, có văn bản yêu cầu, được cơ quan thụ lý vụ án cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng.
2. Một người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, có thể bảo vệ cho nhiều người nếu quyền và lợi ích của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền lợi cho đương sự có thể bảo vệ cho một người
3. Những người sau đây không được bảo vệ quyền lợi cho đương sự:
a) Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người có quan hệ ở hàng thừa kế thứ nhất hoặc thứ nhì (kể cả bên vợ hoặc bên chồng) với người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
b) Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch.
c) Người đang chấp hành hình phạt hoặc người đang bị tước, bị hạn chế quyền tự do cá nhân.

Điều…: Cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi.
1. Khi có văn bản của người yêu cầu ghi tại khỏan 1, điều….trên đây, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án trong vòng 24 giờ, phải cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, cho người có tên trong văn bản yêu cầu. Giấy chứng nhận được cấp một lần, có giá trị theo thời gian yêu cầu ghi trong văn bản hoặc đến khi kết thúc vụ án.
2.Nếu người được yêu cầu thuộc một trong những trường hợp qui định tại khỏan 3 điều….trên đây, thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án ra văn bản thông báo lý do từ chối cấp giấy, gởi cho người có văn bản yêu cầu.
3. Người được bảo vệ quyền lợi có quyền từ chối hoặc thay đổi người bảo vệ. Trong trường hợp này, người được bảo vệ hoặc người có văn bản yêu cầu bảo vệ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án phải thông báo cho người bảo vệ bằng văn bản và thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng đã cấp.

Điều…….Trách nhiệm của người bảo vệ quyền lợi của đương sự
1. Trực tiếp thu thập chứng cứ có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người được bảo vệ và giao nộp chứng cứ đó cho cơ quan đang thụ lý vụ án hoặc yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng mà mình biết được. Việc giao nộp chứng cứ phải lập biên bản mô tả đặc điểm hiện trạng chứng cứ.
2. Đưa ra chứng cứ và nêu ý kiến phản biện để chứng minh người được bảo vệ bị thiệt hại do tội phạm gây ra, căn cứ xác định mức độ thiệt hại và yêu cầu bồi thường; Đưa ra chứng cứ và nêu ý kiến chứng minh những trường hợp loại trừ, miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường.
2. Trực tiếp tư vấn cho người được bảo vệ những nội dung qui định của pháp luật có liên quan; giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án.
3. Thông báo, kiến nghị, khiếu nại hoặc tố cáo với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án hoặc với cơ quan có thẩm quyền khác, về những hành vi vi phạm thủ tục tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, do người tiến hành tố tụng hoặc người khác thực hiện.

Điều…: Quyền của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, được nhận các Quyết định và văn bản tố tụng.
1. Người tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ giao cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự các Quyết định và văn bản tố tụng khác đã ban hành, có liên quan đến người mà họ có nghĩa vụ bào chữa hoặc có nghĩa vụ bảo vệ trong vụ án.
          2. Thời gian và thủ tục giao nhận, thực hiện theo qui định trong luật này.

Điều…: Quyền và thủ tục đọc, ghi chép hoặc sao chụp hồ sơ vụ án của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
1. Sau khi có kết luận điều tra hoặc ở bất kỳ giai đoạn nào sau đó, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sư, có quyền yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án cho xem, đọc, ghi chép và sao chụp các tài liệu trong hồ sơ vụ án.
2. Trong trường hợp bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án giao cho người bào chữa.
3. Thủ tục đọc, ghi chép và sao chụp hồ sơ gồm: Văn bản yêu cầu sao chụp hồ sơ, kèm theo bản sao Giấy chứng nhận người tham gia tố tụng.
        4. Cơ quan quản lý hồ sơ phải tạo điệu kiện thuận lợi cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, tiếp cận và thực hiện việc đọc, ghi chép và sao chụp hồ sơ.

Điều……Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.
1. Tạo lập chứng cứ giả và nộp chứng cứ đó cho cơ quan tiến hành tố tụng; xúi dục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị án và các đương sự khác trong vụ án, khai báo gian dối, cung cấp chứng cứ giả;
2. Tiết lộ lời khai của người bị tạm giữ, bị can và những người tham gia tố tụng khác; cung cấp tài liệu sao chụp trong hồ sơ vụ án cho người khác, khi vụ án chưa được đưa ra xét xử công khai.Tiết lộ những tài liệu trong vụ án nằm trong danh mục bí mật Nhà nước;
3. Có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan và người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án;
4. Người bào chữa không thực hiện nghĩa vụ bào chữa mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp người được bào chữa từ chối người bào chữa.

Điều…..Xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.
1. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, vi phạm một hoặc nhiều nội dung qui định tại điều…. trên đây, thì bị cơ quan đang thụ lý vụ án, thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng và có thể bị xử lý hành chính theo qui định của pháp luật.
2. Trong trường hợp vi phạm gây hậu nghiêm trọng, có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xử lý theo pháp luật hình sự.
Điều . . . .  Miễn trừ trách nhiệm hình sự.
Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, trong quá trình tham gia tố tụng, có quyền không tố giác tội phạm và được miễn trừ trách nhiệm hình sự vtội này, nếu phát hiện người mà mình đang bào chữa hoặc đang bảo vệ, có hành vi phạm tội trước đó. 
-------------------------------------


Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ V (Sự kiện)

ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ V ĐOÀN LUẬT SƯ KIÊN GIANG

Qua một ngày họp trù bị và một buổi họp chính thức (19, 20 - 12 - 2013), Với tổng số Luật sư tham dự 34/34 thành viên, Đại hội đã thực hiện các nội dung sau đây:

Thảo luận và thông qua các Văn bản: Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ IV (2008 – 2013); Xây dựng phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (2013 - 2018); Bản tự phê của Ban chủ nhiệm Đoàn và Báo cáo của Hội đồng khen thưởng kỷ luật.

Đại hội đã bầu Ban chủ nhiệm với số lượng 05 thành viên gồm: Luật sư Đoàn Công Thiện, Luật sư Lưu Kim Quang, Luật sư Bùi Hồng Điệp, Luật sư Phạm Văn Cần, Luật sư Phạm Anh Vũ. Đại hội đã bầu Luật sư Đoàn Công Thiệm làm Chủ nhiệm, các Luật sư: Lưu Kim Quang, Bùi Hồng Điệp, Phạm Văn Cần và Phạm Anh Vũ làm Phó Chủ nhiệm.

Đại hội đã bầu Hội đồng khen thưởng kỷ luật với số lượng 05 thành viên gồm: Luật sư Nguyễn Văn Mích, Luật sư Trần Quang Ánh, Luật sư Dương Thị Hoa, Luật sư Thái Hoàng Long, Luật sư Tiêu Tường Thái. Hội đồng kỷ luật đã bầu Luật sư Nguyễn Văn Mích làm Chủ tịch, Luật sư Trần Quang Ánh và Luật sư Dương Thị Hoa làm Phó chủ tịch, Luật sư Thái Hoàng Long và Luật sư Tiêu Tường Thía làm ủy viên.

 Đại hội đã bầu Luật sư Phạm Văn Cần cùng với Luật sư Đoàn Công Thiện (là đại biểu đương nhiên) làm đại biểu đi dự dự Đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần thứ II tại Hà Nội.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết, 100% đại biểu, biểu quyết thống nhất.
 MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI V
------------------
Họp chuẩn bị cho Đại hội



Toàn cảnh Hội trường
 
 

 Trước khi khai mạc, Luật sư Phan Thông Anh, ủy viên thường vụ LĐLS VN, trao Kỹ niệm chương Luật sư VN cho LS Lưu Kim Quang và Luật sư Trần Đức Minh.

Các Luật sư phát biểu
   


 Ban Chủ nhiện Đoàn khóa V

Hội đồng khen thưởng kỷ luật khóa V
 -----------------
 MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV
------------- 
Đoàn chủ tịch

Đại diện lãnh đạo LĐLS VN, Bộ tư pháp và UBND tỉnh tham dự Đại hội


Đại biểu các cơ quan ban ngành


Luật sư Lê Thúc Anh Chủ tịch LĐLS VN phát biểu

Bà Nguyễn Hồng Cúc, Giám đốc sở Tư pháp phát biểu
Các Luật sư phát biểu




Ban Chủ nhiệm khóa IV của Đoàn

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

QUÊ XÉP (Thơ)

Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Xép Nhỏ, con sông lặng lẽ đưa nước lớn ròng theo chim Bìm bịp kêu quyện trong tiếng gió xạc xào của lá Dừa  nước, đêm ngày tấu lên âm hưởng của khúc nhạc đồng quê muôn thuỡ.  Nơi đó, Ngoại và Mẹ tôi đã chắt chiu từng giọt sữa hạt cơm, nuôi tôi lớn lên theo năm tháng . . . Rồi chiến tranh đến, đất Xép nhẫm gót giầy quân xâm lược, để lại Ngoại già Mẹ yếu bên dòng sông Xép nhỏ, tôi lên đường cầm súng, hòa mình trong Đoàn quân giải phóng quê hương . . . Trên những nẻo đường đánh giặc, tôi lại gặp biết bao bà Mẹ như chính Mẹ của mình, đã chăm chút cho chúng tôi những bửa cơm đạm bạc thời chiến, vá áo cho chúng tôi những đường chỉ nghĩa tình.

Cảm xúc từ hình tượng Ngoại Mẹ tôi và bao bà Mẹ mà tôi đã gặp, từ dòng sông Xép thân yêu, bài thơ Quê Xép ra đời. Bài thơ được in trên một số ấn phẩm, tên bài thơ được lấy làm tựa đề cho một tập thơ của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Mũi Cà Mau và Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang xuất bản năm 2005.

Thiên Tân xin giới thiệu đến các bạn.
(Sông Xép)
                            QUÊ XÉP                                              
        Đoàn Công Thiện      
 (Thương nhớ Ngoại, Mẹ tôi)

                          Sao anh không về thăm quê Xép?                
                          Vườn đã xanh, cây khép tán lâu rồi.
                          Vàm sông cạn, con đò cơi ngoài bãi.
                          Chim Bìm bịp kêu gọi nước dâng đầy.
                          Quê Xép mình, thời ấy chiến tranh.
                          Chất độc Mỹ hủy màu xanh của đất.
                          Đường ngang dọc, nhẩm gót giầy quân giặc.
                          Bom pháo cày tan nát xóm thôn.
                          Có những hôm lính đến xóm Cồn.
                          Chúng bắt mẹ về đồn tra xét.
                          Vì cái tội: mẹ đưa quân qua Xép.
                          Phải đút lót tiền, “Xếp” bót mới cho ra.
                          Nhớ hôm công đồn ở trên ngã ba.
                          Đêm thao thức, mẹ vào ra đâu ngủ được.
                          Thắng trận, các anh về không đủ mặt.
                          Lòng mẹ quặn đau như thắt, như vò.
                          Anh có về, hãy ghé qua Xép nhỏ.
                          Mẹ đi xa, cỏ đã xanh mồ.
                          Khói hương trầm mờ ô cửa sổ.
                          Ai ca điệu ru buồn, bài dạ cổ hoài lan.
                          Ngoài kia hoa cúc gọi xuân sang.
                          Nhà vắng mẹ, chẳng ai bàn việc tết.
                          Nhìn chuối chín, nhớ đòn bánh tét.
                          Lúc ở rừng, mẹ hong bếp chờ anh.
                          Điện chưa về, xóm nhỏ quạnh tanh.
                          Đêm tháng chạp rơi nhanh ngoài ngõ.
                          Cây Bần nhớ ai thu mình vò võ.
                          Đom đóm lập lòe, soi không tỏ đêm đông.
                          Xin nhắn cùng cùng ai từng qua vàm sông.
                          Con đò còn đó, bến sông trong.
                          Tháng năm dầu dãi cùng lữ khách.
                          Làm nhịp cầu son vạch giữa dòng.
             ---------------
 Rước dâu bằng võ Lãi trên sông Xép.