Translate

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

NGHE GIỌT MƯA THU (Thơ)





NGHE GIỌT MƯA THU
------------------ 
Đêm lắng đọng, giọt thu rơi
Nhạc lòng ai gõ nhịp đôi khúc buồn
Nghe trong sâu thẳm mưa tuôn
Giọt yêu một thuở còn vương vấn tình
Nỗi niềm xin để lặng thinh
Cho con tim gõ riêng mình nhịp thương
                    Ngày 08-09-2014


ĐÊM THAO THỨC
--------------
Lâu lắm rồi sao cứ vấn vương
Đêm thao thức những mùa trăng khuyết
Như lưỡi hái cắt vào ký ức
Nỗi niềm đau ngày ấy chia xa
Đã bao lần trăng khuyết đi qua
Năm tháng trôi theo dòng dĩ vãng
Cho ta những đêm dài bình lặng
Một miền riêng, riêng cõi tâm tình
Cho mình ta, ta với một mình
Thắp ngọn nến tiễn tình đã chết
Bên hồ thu úa màu, cạn kiệt
Để hôm nay day dứt đến khôn cùng
                 14-09-2014.

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

ĐẠI HỘI CCB GƯƠNG MẪU (Ảnh sự kiện)

Được Chi hội CCB cữ dự Đại hội CCB gương mẫu của Hội CCB cơ quan tỉnh Kiên Giang, THIÊN TÂN giới thiệu một số hình ảnh các bạn xem.













Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

THĂM MỘ MẸ (Thơ)



             THĂM MỘ MẸ
                      --------
                          Đoàn Công Thiện
Tôi về thăm mộ mẹ tôi.
Chiều giăng giăng kín góc trời mưa rơi.
Dáng xưa bóng mẹ tôi ơi.
Rêu phong phủ kín, xa xôi một thời.
Đâu còn thấy mẹ dưới trời?
Bóng in ruộng nước, bời bời nắng trưa!
Thương con biết mấy cho vừa.
Cực bao nhiêu cực, vẫn chưa thỏa lòng.
Thân gầy chẳng ngại gió giông.
Cánh cò lặn lội bên dòng sông quê.
Nước lên lưng dốc triền đê.
Dâng đầy lòng mẹ chân quê thuở nào.
Sóng ru tình mẹ dạt dào.
Gieo vào ký ức đến nao nao lòng.
Biển trời nghĩa mẹ mênh mông.
Làm ngọn lửa ấm sưởi lòng đời con.
Thời gian trôi đi mỏi mòn
Mẹ về với nước, với non xa ngàn
Con nguyện giữ tấm lòng vàng.
Cho tình nghĩa mẹ vẹn toàn trong con.
Vu lan năm 2014

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

VUI BUỒN LUÔN CÓ MẶT NHAU (Sự kiện)

THIÊN TÂN đã có bài: BẠN TÔI VÀ TÌNH DÒNG SÔNG HẬU, giới thiệu khái quát tập thơ của Phạm Tấn Sơn, người bạn chí thân và là đồng đội của bao người lính Trung đoàn 1 U Minh cùng thời. Nay mẹ bạn đã ra đi theo quy luật sinh tồn của tạo hóa. Những người bạn, những đồng đội năm xưa một thời gắn bó bên nhau đã đến với anh theo nghĩa cữ của người lính. Thiên tân xin giới thiệu một số hình ảnh của những đồng đội đến từ Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. . . 
Từ trái qua: Đại tá Nguyễn Công Bình, Phạm Tấn Sơn (người mặc đồ tang), Chất.




Từ trái qua: Anh Phan Trung Kiên (Anh hùng lực lượng vũ trang - người đã được báo chí nói nhiều về sự kiện đưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị thương qua sông Cái Tàu vượt khỏi sự truy đuổi của đối phương trong chiến tranh), anh Nguyễn Minh Chiến (Cà Mau), Ẩn (Sóc Trăng)
Từ trái Qua: Dũng cùng các chị ở Cần Thơ thời kháng chiến.
Bên thân sinh Phạm Tấn Sơn
Đồng nghiệp với Sơn

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

HÃY LÊN TIẾNG (Thơ)

HÃY LÊN TIẾNG
                           Đoàn Công Thiện
Hãy lên tiếng hỡi con dân đất Việt
Bằng trái tim rực lửa giống Tiên rồng
Bằng ý chí ngàn năm giữ nước
Hùng khí hồn thiêng dân tộc của cha ông.

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Hãy lên tiếng nhân danh tổ Quốc
Bằng dũng khí Bạch Đằng, Hàm Tử, Đống Đa
Như Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi
Cho lịch sử muôn đời toả sáng trong ta.

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

SÔNG KIÊN MÙA HOA DẦU RỤNG (Thơ)

(Một góc sông Kiên)


                  SÔNG KIÊN (*)
            MÙA HOA DẦU RỤNG
                 ----------------------
                        Đoàn Công Thiện
Sao anh không về thăm con sông xưa
Nhìn hoa rụng đong đưa quay theo gió
Hàng phượng vĩ cháy trong chiều ráng đỏ
Những thân dầu rêu phủ đứng trầm tư

Ngày gặp anh năm ấy tháng Tư
Phượng cũng nở hoa dầu vào độ chín
Đường phố rộn bước chân người Lính
Các anh về hối hả những đoàn Quân

Nhánh phượng hồng dào dạt bâng khuâng
Thương cánh dầu bay dãi dầm nắng gió
Gieo mầm xanh thành sắc trời sắc cỏ
Cho sông Kiên cổ thụ mát bên dòng

Đã bao lần phượng vĩ nở bên sông
Là bấy nhiêu mùa hoa dầu chín rụng
Thành phố trẻ trung biển trời lồng lộng
Nhà vươn cao màu gạch mới tươi hồng

Tháng tư này phượng vẫn cháy bên sông
Dầu lại rụng tung cánh mềm trong gió
Trách tháng năm kéo dài bao cách trở
Để sông Kiên luôn thương nhớ đợi anh về.
----------------------

(*) Một con sông trong thành phố Rạch Giá Kiên Giang
Hoa Dầu



Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

CỨU SỐNG ĐỒNG ĐỘI (Bài viết)

 
(Nhân vật nói trong bài viết, người ngồi thứ ba từ trái qua ở hàng ghế đầu)
CỨU SỐNG ĐỒNG ĐỘI        

    Đoàn Công Thiện

       (Cựu Y tá Quân y Trung đoàn 1 – QK 9)

Trong chiến tranh, có nhiều chuyện nghe kể, khó có thể tin được đó là sự thật. Một trong những chuyện ấy là việc Y tá Nguyễn Công Bình, với một mũi lê súng Cạt – Bin, đã cứu sống đồng đội.

Vào khoản tháng 5 tháng 6 năm 1970, Tiểu đoàn 307 Trung đoàn 1 U Minh (Nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9), tiến hành trận đánh chi khu Ngang Gừa (nay là huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Sau khi trận đánh kết thúc, còn một thương binh chưa kịp đưa về tuyến sau, Y tá Bình được cấp trên phần công cùng Tám Tuấn (cũng là Y tá) chuyển đến đội phẫu thuật cách nơi đóng quân của Tiểu đoàn hơn 4 cây số.

Người đồng đội bị thương ấy tên Lê Văn Hóa, là chiến sĩ Quân khí của Tiểu đoàn. Anh bị một mãnh đạn M 79 ghim vào cổ, vết thương nhỏ, không ra máu, không có băng bó. Xuống xuồng, thấy bạn hút thuốc, Hóa cũng xin một điếu. Nghĩ là vết thương phần mềm, hơn nửa thấy Hóa đi đứng bình thường, biết bạn đã thức trắng trong đêm, bảo đảm súng đạn cho anh em chiến đầu, nên Bình không ngần ngại cho anh hút. Không ngờ điếu thuốc ấy lại trở thành tai họa cho Hóa.

Vừa hít được mấy hơi thuốc, Hóa có biểu hiện bị ngạt thở. Anh vật vã, lăn lộn trên xuồng. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, Bình biết ngay vết thương của Hóa đã thấu khí quản chứ không phải phần mềm như nhận định ban đầu. Trên tay không có bất cứ dụng cụ chuyên môn nào, chỉ còn cách bơi thật nhanh về đội phẫu thì họa may mới cứu được Hóa.

Đoạn đường còn lại phải mất hằng giờ đồng hồ, Bình và Tuấn bơi cật lực, mồ hôi vã ra, ở giửa xuồng Hóa vẫn oằn oại, anh nói những lời trăn trối với Bình và Tuấn. Một lúc sau, Hóa nằm yên, mặt tái nhợt, quần anh ước dầm nước tiểu. Tình thế rất nguy kịch, sự sống của Hóa chỉ còn trong chốc lác. Bất chợt, Bình nhìn thấy chiếc lưỡi lê súng Cạt – Bin nằm lăn lóc dưới khoan xuồng. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu Bình: “mở khí quản – chỉ có mở khí quản mới cứ sống Hóa, không còn cách nào khác”. Bình bảo Tuấn tiếp tục bơi, còn anh lấy chiếc lê lao lại nơi Hóa nằm. Lúc này toàn thân Hóa mềm nhũn, ngực căng phồng không còn co thắt được nửa. Bình đưa mũi lưỡi lê ngay yết hầu của Hóa cắm vào, một tiếng “sột” nhẹ, vết thương hé mở, hơi và máu từ cổ họng của Hóa tuông ra, anh moi những cục máu tụ còn vướng nơi cửa miệng vết mở rồi dùng ngón tay chèn giữ yên, tạo đường thở mới cho Hóa. Cứ thế, anh bảo Tuấn cố gắng bơi nhanh về đội phẫu.

Sau những động tác dứt khoát ấy, tình trạng ngưng thở của Hóa đã được khắc phục, anh bắt đầu thở nhẹ, da mặt tươi lại nhưng thể trạng thì rất yếu. Chỉ có một mình điều khiển, Tuấn cố gắng hết sức lực bơi, phải mất cả giờ anh mới đưa xuồng chở hai người tới đội phẫu. Hóa được đưa lên trạm và được giải phẫu cứu sống.

Chuyện cứu đồng đội thoát chết trong giây lát của Y tá Nguyễn Công Bình là vậy, nhưng không ngờ, vết mở khí quản hôm ấy đã để lại cho Hóa một di chứng không còn nói được bình thường như mọi người sau khi lành vết thương. Do vết mở đã làm tổn thương đến bộ phận phát âm trong thanh quản, tiếng nói của anh bị biến dạng không còn nghe được.

*

*     *

Ba mươi lăm năm trôi qua, chuyện đã đi vào quá khứ. Lê Văn Hóa, người đồng đội được Bình cứu sống ngày ấy đã hi sinh trong một tai nạn nghiệp vụ sau đó ít lâu. Y tá Nguyễn Công Bình năm nào giờ là Đại tá, đang giữ cương vị chỉ huy ở một đơn vị huấn luyện quân sự của Quân khu (*). Cứ mỗi dịp gặp lại đồng đội xưa, anh xót xa nhắc lại chuyện cũ và cảm thấy như mình có lỗi: Giá như lúc đó khéo hơn, biết lách lưỡi lê vào chỗ khác thì Hóa đâu có mất đi tiếng nói.

Âu đó cũng là chuyện bình thường của chiến tranh. Trong lúc thập tử nhất sinh của Hóa, yêu cầu cấp thiết nhất lúc bấy giờ là cứu sống đồng đội, thì việc gây ra sự cố ấy cũng là lẽ đương nhiên không thể tránh khỏi.

Hành động của Y tá Nguyễn Công Bình đã thể hiện bản lĩnh quyết đoán của người chiến sĩ Quân y và là một điều kỳ dịu hiếm có trong lịch sử cứu thương của ngành Quân y trong quân đội ta.

Qua mẫu truyện trên, cho chúng ta thấy được cái cao cả của người chiến sĩ Giải phóng trong cuộc chiến tranh vừa qua là hết lòng vì đồng đội.

(*) Ông là Chính ủy Trường quân sự Quân khu.

-------------------------------



Đã đăng trên báo Quân khu 9, kỳ 1 tháng 2 năm 2009 và trên Báo Kiên Giang.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

CÂY CÒNG (Thơ)

Tháng 03 (âm lịch) lại về. Cái nắng như thiêu như đốt, dội lên mọi vật, tưởng như không loài nào sống nổi. Vậy mà có những cây vẫn trụ hình sống mãi với thời gian.

Nếu như cây Xương rồng là hiện thân cho sức sống kỳ dịu ở nơi cát bõng nắng lửa, thì Cây Còng ở miền Tây nam bộ, cũng có thể được xem như biểu tượng của sức sống mãnh liệt trước mọi sự khắc nghiệt của tạo hóa thiên nhiên.

Con người ta cũng vậy. Với những ai có bản lĩnh kiên cường, thì họ đã và sẽ vươn mình đứng vững trong mọi nghịch cảnh, để giúp cho đời mãi mãi xanh tươi.

ĐCT xin giới thiệu bài thơ CÂY CÒNG để các bạn cùng thưởng thức và suy ngẫm.
 -------------------------- 
Nắng tháng ba
rát da bỏng lửa.
Thương cây còng
đứng giửa trời xanh.
Rể bám đất
hút mật nuôi cành.
Thân chắt lọc
nhựa xanh cho trái.
Trải bao mưa dầm nắng vãi.
Cây vẫn trụ hình
vững chãi trước phong ba.
Ảnh: Những cây Còng trên đường về rừng U Minh.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

BẢO TÁP SÔNG KIÊN (Tiểu thuyết)

(Tiếp theo kỳ IV)
--------
CHƯƠNG V
Hôm sau trời chưa sáng hẳn, Thiếu tá Trường đã đến nhà nghỉ của tỉnh trưởng Thuận. Nhà Thuận nằm phía sau dinh, trong khu soài rậm, phòng tiếp khách bày biện đủ thứ tiện nghi: Tủ kính, ti vi, ghế Salon nệm. . . trên tường treo đủ loại: Tranh họa, ảnh nữ khỏa thân, xác đồi mồi, kỳ đà ướp khô. . . Nổi bậc và trang trọng nhất là ảnh Nguyễn Văn Thiệu và đức mẹ Maria, được đặt ở ngay mặt chính diện trong phòng khách. Những thứ trong phòng này, trừ bức chân dung Tổng thống Thiệu và ảnh Mria, còn lại hầu hết là quà tặng in nhan nhản dấu “kính biếu”, “kính tặng” của chủ hiệu buôn này, nhà hát kia, công ty nọ. . . Tóm lại, toàn những thứ của các nhà giàu có nhất ở Rạch Giá này biếu không để được lòng ông tỉnh trưởng. Bộ ghế Salon có nệm để tiếp khách đóng bằng gỗ cẫm lai một cách cầu kỳ này, là của chủ hiệu buôn Hiệp Phát biếu tặng. Bà Mùi mở đầu cuộc giao du với ông quan to nhất tỉnh bằng một bộ ghế đắt giá như vậy cho nên không bao lâu, bà dể dàng trở thành người thân thiết nhất với ông Thuận, khiến cho thiếu tá Trường quyền lực uy nghiêm đến thế cũng phải vị nể bà. Còn ông tỉnh trưởng Thuận, thì mê muội săn đuổi bà không phải vì bộ ghế đắt tiền kia, mà là cái sắc đẹp rất quyến rũ của bà.
Khoát áo linh mục, ông ta vào Nam năm 1954, lúc Pháp chưa thất thủ Điện Biên. Hắn làm gián điệp cho Pháp núp dưới danh nghĩa Cha cố. Sau khi hiệp định đình chiến được ký kết, Pháp về nước, hắn nắm đuôi Ngô Đình Diệm, tôn thờ chủ mới, vào xứ Rạch Giá, được Diệm và quan thầy Mỹ phong cho cái chức tỉnh trưởng, thế là như diều gặp gió, hắn ra sức tác oai tác quái, điên cuồng chống phá chách mạng, đàn áp khủng bố nhân dân, hết qui khu lập ấp chiến lược, đến xua quân càn quét, ném bom bắn pháo, rải chất độc vào vùng giải phóng, hòng lung lạc ý chí bám đất giữ làng của nông dân. Hắn tăng cường kèm kẹp vùng đựơc gọi là “tự do” và ra sức đàn áp các cuộc nổi dậy đấu tranh của quần chúng nhân dân bằng mọi thủ đoạn. Dưới quyền hắn, còn có nhiều tay chân khét tiếng gian ác mà điển hình là tên thiếu tá Trường, trưởng ty cảnh sát này.
Trường là tên hung dữ bậc nhất ở tỉnh Kiên Giang. Cha hắn tên Cả Ban, một địa chủ tàn ác, thâm độc ở xứ Gò Quao bị nông dân nổi dậy chém chết vào năm 1930, mẹ hắn cũng lâm bệnh chết luôn sau đó vài năm, còn lại, hắn cùng người anh phải sống bơ vơ nơi đầu đường xó chợ. Diệm lên nắm quyền, hai anh em hắn vào lính. Anh hắn, Lâm Quang Phong, sau cái lần bị chém chết hụt ở Tắc Cậu hai năm sau đó cũng bị tử trận, từ đó hắn nung nấu mối hận phục thù. Hắn cho rằng: Cha và anh hắn chết là do Việt cộng gây ra, hắn xăm trên ngực hắn hai chữ “sát cộng” và luôn luôn hành động hung bạo của một kẻ báo thù. Bắt bớ, khảo tra, bắn giết không gớm tay, vì thế hắn được cấp trên tin cậy và trở nên một con người mẫu mực chống cộng của chính thể quốc gia. Hắn được du học sang Mỹ, được chủ Mỹ dạy cho cái nghề đàn áp, kềm kẹp nhân dân, khi về nước, hắn được quan thầy gắn cho cái lon thiếu tá để làm cái chức trưởng ty Cảnh sát của cái tỉnh lẻ này.
Trong đợt chống biểu tình lần này, Trường được tỉnh trưởng Thuận giao cho nhiệm vụ hết sức trọng đại: Là phải tìm cho ra tổ chức chỉ  huy cuộc biểu tình, bắt cho được người cầm đầu, nhằm dập tắc cuộc biểu tình.
*
*   *
Trong buồng ngũ, tỉnh trưởng Thuận vẫn chưa thức. Ngoài phòng khách, Trường đi đi, lại lại cố cho thời gian trôi đi. Phía ngoài cổng dinh, người biểu tình vẫn đông đặc, lớp còn đang ngũ, lớp đã thức, mùng mền chiếu gối, vải nhựa, đủ màu, đủ sắc, lộn xộn, tứ tung. Xuồng ghe, cái đã kéo lên lộ, cái còn dưới nước, kín sông, chật đường. . . Chỉ có điều tất cả đều im lặng, một sự im lặng nặng nề và bí ẩn.
Mấy chục tên lính áo rằn vẫn đi lại trong cổng, tay cầm súng lăm le, mặt chúng bơ phờ, hốc hác qua mấy đêm mất ngủ. Hai chiếc xe phun nước nằm im như hai con quái vật đang ngủ trước sân dinh.
Trường không thể chờ được lâu hơn nữa, hắn bước lại gần buồn gỏ cửa. Trong buồng có tiếng vong ra ồm ồm:
- Ai đó?
- Tôi đây. Thiếu tá Trường đây.
- Có việc gì mà đến giờ này? Vẫn giọng ồm ồm ban nãy.
- Ông thức dậy, tôi báo cáo công việc. Giờ này mà ông còn ngũ được sao?
Một lúc sau, cánh cửa mở. Một thân hình béo phị, tóc hớt cua lớm đớm bạc, mặc bộ đồ ngủ, lung thụng bước ra. Mặt Thuận chưa tỉnh ngủ, hai cặp mắt còn tum húp đờ đẫng.
- À! Ông thiếu tá đến sớm thế?
- Công việc cấp bách lắm, tôi phải sang đây xin chỉ thị của ông.
Thuận lại lếch thếch trở vào buồng, hắn nói vọng ra:
- Mời thiếu tá ngồi đợi tôi một tý.
Khoản mười phút sau, Thuận trở ra. Trông hắn chỉnh tề trong chiếc áo trắng ngắn tay, quần đen ủi ly thẳng tấp. Hắn đến ngồi đối diện với Trường.
- Sao? Công việc lấy khẩu cung mấy con mụ ấy thế nào? Có kết quả gì chưa?
- Thưa tỉnh trưởng, suốt đêm qua tôi đã áp dụng mọi biện pháp, kể cả việc dùng tâm lý, dụ dỗ mua chuộc, nhưng không ăn thua gì.
- Gay đấy! Cứ để tình trạng này kéo dài là nguy hại lắm, bọn nhà báo lại làm rum ben lên cho mà xem. À mà kế hoạch bảo vệ hai ngài cố vấn ông thi hành đến đâu rồi?
- Tôi cho hai ngài cố vấn nghĩ ở nhà riêng của tôi, có lực lượng canh phòng cẩn mật, bảo đảm an toàn, thưa ngài.
- Bây giờ ông cho mời hai ngài cố vấn đến đây ta làm việc một tí, công việc hệ trọng này cần phải tham kiến mấy ông ấy mới có thể sáng ra được.
Trường rời khỏi bộ Salon, đến cái máy điện thoại đặt trên bàn, phía dưới bức chân dung Thiệu, nhấn ông nghe:
- A lô! . . a lô! . . Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp: - Thẹo phải không? Mày lấy chiếc Mersedes của tao đến nhà tao rước hai ông cố vấn sang đây làm việc ngay, chú ý, phải cải trang cẩn thận, không để bất cứ người nào biết, có chuyện gì xảy ra mày phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nghe rõ chưa?
Trường gậc đầu mấy cái, cứ như người nói trong máy đang đứng trước mặt hắn. Hắn gác tay nghe, trở về ngồi lại chỗ cũ, móc gói thuốc rút một điếu, bất quẹt đốt. Hắn rít một hơi thật sâu, phun ra một quần khói trắng đặc sệt rồi ngả người ra ghế, mắt lim dim. Một lúc sau hắn nói:
- Thưa tỉnh trưởng, tình hình này tôi e tụi nó mở chiến dịch lớn. Theo như tin tức tình báo nắm đựơc thì có bảy quận tham gia, nếu tính cả dân thị xã này xuống đường nữa thì số lượng khoảng từ mười lăm đến hai mươi ngàn người. Như vậy, qui mô cuộc biểu tình này thụôc cấp tỉnh, không phải như ban đầu ta nhận định là cuộc đấu tranh thuần túy, nó có thể kéo dài mười, mười lăm ngày chứ không ít.
- Dựa trên cơ sở nào mà thiếu tá cho là qui mô cuộc biểu tình đến cấp tỉnh? Và những dấu hiệu gì để ông nhận định thời gian kéo dài như vậy?
Trường gõ gõ điếu thuốc vào cái gạc tàn rồi ngước lên chậm rãi phân tích:
- Nghiên cứu các bản kiến nghị của chúng cho thấy: Nội dung yêu sách đều giống nhau. Ở đâu cũng đòi chấm dứt ném bom, bắn pháo, đói bồi thường nhân mạng, đòi Mỹ về nước, đòi thống nhất hai miền Nam Bắc. Cách bố trí cũng hết sức tinh vi. Mẹ kiếp!. . .Mọi lần nó mới rục rịch ở trỏng ta đã  biết, vậy mà lần này, cùng một lúc, chúng bò tới lỗ mũi mình mới ngửi thấy, thử hỏi không có sự điều phối chặt chẽ thì làm sao có rự trùng hợp kỳ lạ như vậy? Việc tụi nó đem mọi thư soong nồi gạo mắm, cũng đủ cho ta thất ý định trụ lại của chúng, không phải năm ba ngày như mọi khi. Về số lượng, nếu so sánh với các đợt trước thì lần này không đông hơn bao nhiêu, nhưng chắc chắn về chất thì găy gắt, quyết liệt hơn nhiều. Tôi tin rằng cấp chỉ huy cuộc biểu tình lần này phải là tỉnh ủy viên.
Đang đăm chiêu nhìn vào tấm bản đồ chi chít những ký hiệu, Thuận quay phắt lại nhìn Trường:
- Sao? Ông nói có cấp tỉnh ủy viên chỉ huy cuộc biểu tình này à? Thế thì bằng mọi cách, tóm cho được!
Thuận đưa bàn tay lên chém vào không gian, lặp lại một cách kiên quyết:
- Phải tóm, tóm cho bằng được chúng nó!
- Thưa ngài, tôi chỉ mới nhận định dựa trên những dấu hiệu đã có thôi chứ chưa hẳn là đúng.
- Không! Ông nói rất có lý. Dứt khoát bọn đầu sỏ phải là cở tỉnh ủy viên. Đây không phải là một cuộc đấu tranh thuần túy, ông nhận định có tính Lô gíc đấy. Ông thử nghĩ xem, trong lúc chúng ta đang gấp rút hoàn tất kế hoạch có ý nghĩa chiến lược, dự định thực thi trong toàn cõi Việt Nam, có sự phối hợp của không quân Hoa Kỳ đánh phá Bắc Việt, một kế hoạch tấn công triệt để vào bọn Cộng sản nhằm mở rộng vùng tự do, vậy mà chúng chủ động đánh trước ta. Hồi đêm hôm, tôi nhận được điện thoại của văn phòng phủ tổng thống, thông báo Việt cộng đã mở chiến dịch lớn, cả chính trị lẫn quân sự. Hôm qua ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long an, Trà Vinh cùng nhiều tỉnh miền Trung, dân chúng đã xuống đường biểu tình. Tại Sài Gòn, lực lượng sinh viên tràn đến bao vây dinh Độc Lập, giương khẩu hiệu công khai đòi lật đổ tổng thống, đòi Mỹ về nước. Về quân sự, chúng tập kích mười sáu căn cứ rải rác trên khắp bốn vùng chiến thuật. Một sân bay ở Huế cũng bị pháo kích, làm cháy mất tám máy bay, Tổng thống ra lệnh cho các tỉnh, các quân khu chuyển sang kế hoạch phòng thủ, quyết tâm giữ vững vùng tư do và tìm mọi cách dập tắt các cuộc biểu tình.
Thuận ngừng nói, lấy bình nước rót một ly uống cạn, rồi hắn đưa tay chỉ về tấm bản đồ to tướng trên tường, lộ vẻ bi quan:
- Ông thấy đấy: Vùng Việt cộng thì ngày càng phình to ra, còn vùng của ta thì ngày một teo dần lại, đã có bao nhiêu chiến dịch, bao nhiêu kế hoạch, rút cuộc vẫn không xoay chuyển đựơc tình thế. Cứ cái đà này, hai năm nữa có thể tiêu!. . . Tiêu hết!. . .
Thuận bực dọc đứng dậy, bước đến bên tấm bản đồ. Hắn xem lại xem nơi nào còn, nơi nào mất. . . Có lẽ hắn vẫn còn hy vọng, hy vọng ở những nơi nào đó còn có thể giữ được, dù đó là sự hy vọng mong manh.
Tấm bản đồ quân sự tỷ lệ 1/25.000, to sừng sững trên tường kia, dầy đặc những dấu gạch chéo bằng mực đen trên những ô có kẻ cờ ba sọc. Nó đánh dấu những vị trí đồn bót trên địa phận của tỉnh bị mất. Mảng màu xanh nhạt chiếm hầu như toàn bộ phía nam sông Cái Lớn và từng vùng rộng lớn ở phía bắc. Mảng màu xanh ấy cũng trải rộng lên các vùng khác, từ Hà Tiên qua Hòn Đất cho đến Châu Thành, Rạch Giá. Nó hòa quyện với màu lam của biển, màu thẫm của núi rừng, khiến cho cái trung tâm của tỉnh lỵ này trở nên đơn độc . . . Nhìn những vị trí lẽ loi còn lại trên tấm bản đồ, lòng Thuận cảm thấy buồn nản. Phải chăng đó là dấu hiệu báo trước sự diệt vong của một chế độ mà ông ta hết lòng phụng sự? Cái gì sẽ đến với hắn, nếu điều ấy xảy ra? Tiền của . . . danh vọng . . . hắn càng nghĩ càng thêm chán chường.
Mãi suy tư điều gì đó, bây giời Trường mới trở lại câu chuyện. Trường đặt câu hỏi với Thuận:
- Thế còn quân lực Hoa Kỳ? Chẳng lẽ sức mạnh như vậy họ làm ngơ được à?
Thuận chậm rãi trở lại bộ ghế:
- Mấy sư đoàn tinh nhuệ của Mỹ nằm chết dí ở căn cứ, chẳng làm được gì. Mà thực chất cũng không thể làm gì được, bởi vì phương thức tác chiến của họ theo lối tổng lực tấn công, cái đó chỉ áp dụng và phát huy hiệu quả khi đối phương thực hiện chiến tranh chính qui, có mặt trận hẳn hoi, còn đối với loại chiến tranh du kích của Việt cộng, thì chỉ có hốt rác đem về chứ làm đựơc tích sự gì. Lính tráng thì to xác, chậm chạp như bò, dễ làm mồi cho chúng tỉa. Mới qua năm trước, năm sau đã bị đối phương đánh phủ đầu. Mấy trận ở Núi Thành, Bình Giã, Ba Gia, họ bị tổn thất đậm, chỉ có đám chủ lực của ta thì còn làm ăn khá, nhưng lần này lại bị động hoàn toàn. Hành quân phong tỏa nơi này chưa xong, thì nơi khác bị tấn công, lại phải điều quân cứu viện phong tỏa, cứ quay như đèn cù. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào đám không quân . . .
Thuận có vẻ phấn chấn trở lại, hắn nói giống như một nhà diễn thuyết:
- Lực lượng này oanh kích có hiệu quả, đánh trúng căn cứ của chúng, đồng thời cũng uy hiếp được khá nhiều dân ra vùng tự do. Song cũng không thể tránh khỏi tổn thất. Ở Bắc Việt thì khỏi phải nói rồi, ngay ở tỉnh ta cách đây mấy ngày thôi, một chiếc F 105 đi ném mục tiêu ở địa phận Vĩnh Thuận bị trúng đạn du kích, cắm đầu xuống ruộng cách chi khu Gò Quao về phía đông chỉ có hai ngàn mét, may mà phi công kịp bung dù lái về được chi khu.
Thuận lại rời ghế, lê cái thân béo phị đến bên tấm bản đồ rồi quay lại:
- Ở địa phận của ta, từ đầu tháng đến nay có gần một trăm phi vụ oanh kích và tám phi vụ khai hoang. Có lẽ nay mai sẽ tiến hành tiếp các phi vụ khai hoang còn lại.
Thuận đưa bàn tay úp một số điểm trên tấm bản đồ nói tiếp:
- Ta sẽ dứt điểm làm trống tuyến sông Cái Lớn, tạo thuận lợi cho giang đoàn 108 hoạt động tạo hành lang nối liền tỉnh lỵ với các chi khu còn lại, đuổi bọn chúng về rừng U Minh.
Thuận định nói tiếp chợt cánh cửa phòng sau bật mở, thiếu úy Thẹo mặc bộ thường phục, đầu đội nón nỉ xám, mắt đeo kính đen bước vào. Theo sau hắn là hai tên cố vấn Mỹ, đều mặc Com lê thắt cà vạt, khép nép đi vô, trông chúng giống như hai con rùa đang lũi trốn khi có tiến động. Có lẽ, trên chặn đường từ nhà Trường đến đây, chúng đã nhìn thấy người biểu tình la hét ầm ĩ, chứng kiến cái khí thế sôi sục của hằng vạn con người đang bao vây dinh tỉnh trưởng, nên cái vẻ oai phong đã biến mất, nhường chỗ cho sự sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt của chúng.
Ngoài kia, âm thanh hổn độn tiếng người biểu tình, tiếng sóng biển qua cửa mở vọng vào phòng. Nỗi lo lắng lộ rõ trên hai gương mặt của Thuận và Trường.
Thẹo! – Thiếu tá Trường gọi: - Mày ra ngoài dinh nhắc nhở hai trung đội cảnh sát dã chiến phải canh giữ nghiêm nhặt, không cho ai leo lách qua cổng, đứa nào leo rào cứ đập chết mẹ hết, còn mày về phòng trực đợi tao.
Chờ Thẹo đi khỏi, Trường mới đến đóng cửa khóa chốt, căn phòng trở lại trạng thái yên tĩnh như ban nãy. Sau khi ngồi vào vị trí của mình, Trường bắt đầu báo cáo với hai tên cố vấn.
Thưa hai ngài cố vấn, tôi xin báo sơ lược diễn biến tình hình và nhận định của tôi về cuộc biểu tình như thế này: Lực lượng tham gia ước chừng mười lăm đến hai mươi ngàn người, gồm bảy quận và một thị xã. Nội dung chúng yêu cầu là ngừng ném bom ở nông thôn, bồi thường thiệt hại người và tài sản và đòi . . . Trường hơi ngập ngừng rồi tiếp: - Chúng đòi người Mỹ về nước, đòi thống nhất Bắc Nam.
John – Tên cố vấn có bộ râu quai nón ngắt lời Trường. Giọng hắn lơ lớ nửa Bắc nửa Nam:
- Thôi! Thôi! Ông nên tập trung vào vấn đề cốt yếu của sự việc, còn các thứ yêu sách ấy chúng tôi đã rõ rồi. Không phải chỉ có ở đây, mà hầu hết ở cả Nam phần này: Sài Gòn, Đà Nẳng, Huế, Cần Thơ. . . ở đâu bọn chúng cũng đều có yêu sách như vậy cả, ông khỏi phải nói nội dung ấy ra đây cho mất thời gian.
Lời tên cố vấn nói có vẻ đỉnh đạc, không giống như dáng bộ của hắn lúc mới vào. Có lẽ trong căn phòng yên tĩnh được cách biệt với thế giới bên ngoài, nên hắn đã hoàn hồn. Hắn nói tiếp:
- Ông cho biết ý đồ của Vi Ci (Việt cộng) có lật đỗ chính quyền không? Kế hoạch phòng thủ bảo vệ thế nào? Diễn biến sắp tới ra sao? Sau cùng là kế hoạch giải tỏa của ông và kết quả đạt được?
Trước những câu hỏi bất ngờ của tên cô vấn, thiếu tá Trường hơi lúng túng. Hắn chậm rãi lấy gói thuốc rút một điếu châm lửa đốt. Hắn vừa hút vừa suy nghĩ. . . Cuối cùng Trường cũng tìm ra được câu trả lời:
- Thưa ngài! Việc lật đỗ chính quyền thì tôi khẳng định không bao giờ có, vì đối với đám đàn bà tay không này, chúng không thể làm được việc đó. Bọn Cộng sản cũng thừa biết rằng nếu có đem quân chủ lực đến cũng chưa chắc chiếm đựơc dinh tỉnh này trước một lực lượng khá hùng mạnh của ta. Còn việc bố trí lực lượng? Thưa ngài! Tôi đã điều hai trung đội cảnh sát dã chiến đến bảo vệ dinh, ông tỉnh trưởng cũng ra lệnh đặt đại đội thiết giáp bên tiểu khu trong tình trạng cơ động chiến đấu cao và chỉ thị cho tiểu đoàn biệt động Báo đen sẳn sàng ứng cứu khi cần thiết. Về tình hình diễn biến sắp tới? Theo tôi nhận định thì chúng nó có khả năng kéo dài từ mười ngày trở lên, còn kế hoạch giải tỏa cuộc biểu tình, tôi đã bắt được tám tên nhưng thuộc tay em, những tên này chỉ cầm đầu một vài nhóm nhỏ, không phải bọn chỉ huy. Tôi cũng đã cho mạng lưới mật báo viên, cả nhân viên phòng nhì, trà trộn vào dân biểu tình để phát giác bọn đầu sỏ.
John quay sang Thuận:
- Phủ Tổng thống có thông tin gì cho ông không?
Nghe tên cố vấn hỏi hắn người lên đáp ngay:
- Thưa ngài có ạ!
Thuận bước tới bàn làm việc, rút ngăn kéo, lấy ra một tờ giấy dày đặc chữ, trao cho tên cố vấn, hắn nói tiếp:
- Đêm hôm văn phòng phủ Tổng thống có điện cho tôi, tình hình gay đấy. Có thể trong bức điện này, sứ quán Hoa Kỳ cũng báo cáo cho các ông biết tình hình ấy.
John xem bức điện, nét mặt hắn lộ vẻ lo lắng. Xem xong, hắn trao cho tên đồng sự của hắn rồi quay sang Trường:
- Tôi đặt giả thiết thế này: Nếu bọn biểu tình tràn vào thì ông xử lý ra sao?
- Thưa ngài bắn ạ. – Hắn đáp ngay.
Thuận quay lại nhìn Trường định nói điều gì, nhưng tên cố vấn lại đặt câu hỏi thứ hai:
- Ông thử xem, mấy chục tên cảnh sát với những khẩu súng tiểu liên cỡ 5,6 ly của các ông, có khả năng chống lại với hàng chục ngàn người nếu cùng một lúc, chúng tấn công vào dinh?
- Thưa ngài! Chúng ta chỉ cần bắn chết hoặc bị thương một vài tên là bọn chúng thoái chí không dám tiến vào đâu.
Tên cố vấn nghiêm giọng:
- Ông chủ quan duy lý một cách khờ dại lắm thiếu tá ạ! Là một sĩ quan được đào tạo tại Hoa Kỳ hẳn ông đã biết người Mỹ chúng tôi rất thực tế. Mấy năm nay, bọn thầy tu ở Huế, bọn sinh viên ở Sài Gòn, bọn nông dân ngu dốt ở đồng bằng sông Cữu Long, chúng vẫn liên tục xuống đường, bất chấp sự đàn áp thông thường của cảnh sát các ông. Và mới năm rồi, ông đã báo với tôi ở đâu nhỉ? À! ở sông Cái Lớn, ông đã ngồi trên trực thăng dùng đại liên bắn chặn một đoàn biểu tình, nhưng họ vẫn cứ tiến đấy sao? . . Tôi muốn nói rằng đối với bọn dân thân Cộng, khi mà lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị Cộng sản thuần hóa biến họ thành những con chiên ngoan đạo, thì chỉ có cái chết ghê rợn và khủng khiếp nhất, mới có thể hạ gục được ý chí chống đối của chúng.
Dường như lời nói của John đã đụng chạm đến một khía cạnh nào đó có tính hệ trọng, nên Thuận lên tiếng tham gia. Hắn hỏi lại:
- Nghĩa là ông dự định dùng biện pháp đẫm máu?
- Có thể là như vậy. – John đáp.
- Không! Tôi không tán thành biện pháp đó. Các ngài nhớ rằng ở đây là bộ mặt của Chính phủ Quốc gia chúng tôi. Tôi đồng ý với các ngài là ta thực hiện phương sách ấy ở nơi khác. Có thể ở quận lỵ chẳn hạn, còn ở dây tuyệt nhiên không. -  Thuận tỏ vẻ dứt khoát.
Adam (tên cố vấn thứ hai) để bức điện hắn xem nảy giờ lên bàn, ngẩng đầu lên nhìn Thuận rồi tham gia tranh luận:
- Ông Thuận này. Những dấu hiệu của năm 1960 sắp tái hiện lại rồi đấy (ý nói cuộc đồng khởi của ta). Ông còn nhớ bài học của Bến Tre năm ấy không? Lúc đầu bọn Vi Ci cũng trương băng biểu tình giống như những cuộc biểu tình ở bên nước Mỹ chúng tôi, nhưng sau đó chúng dùng lực lượng võ trang thừa cơ cướp liền mấy quận, các ông trở tay không kịp. Thực tế đó là do thói chủ quan của người Việt các ông, chúng tôi không muốn thực tế ấy tái diễn một lần nửa ở đây hay ở bất cứ nơi đâu, nếu như người Mỹ chúng tôi vẫn còn có mặt tại Việt Nam.
Căn phòng trở nên lặng lẽ, không ai nói thêm lời nào, mỗi người hình như đang đeo đuổi ý nghĩ nào đó. Riêng Thuận, gương mặt tỏ vẻ ưu tư lầm lì, có lẽ hắn chưa thể chấp nhận phương án mà hai ngài cố vấn đưa ra. Có thể hắn lo ngại cho số phận của hắn trước sự suy sụp ngày càng nhanh của cái chính thể mà hắn đang phụng thờ. Hắn nghĩ đến cái ngày người Mỹ cuốn cờ về nước, chính quyền lọt vào tay Cộng sản . . .
- Ông Thuận này! – Tên Adam tiếp: - Nếu sự thực diễn ra như giả thiết của ông John thì không còn cách nào khác thế đâu ông ạ. Chúng ta phải biết cứng rắn một khi cần thiết, chúng ta muốn bảo vệ chính quyền và bảo vệ sinh mạng của chúng ta, thì thượng sách là bạo lực. Nếu Cộng sản dùng bạo lực để lật đổ chúng ta thì chúng ta phải biết dùng bạo lực của sắt thép chống lại sự lật đổ ấy. Điều đó không có gì là tàn bạo cả, nó như là sự tất yếu, giống như qui luật bảo tồn sự sống của sinh vật vậy.
- Nhưng tôi sẽ có cách khác tốt hơn.
- Ông thử trình bày cách của ông xem sao? – Vẫn tên Adam.
Thuận nói chậm rãi, nét mặt vẫn chưa hết sự ưu tư.
- Trong trường hợp mà ngài John đặt ra, tôi sẽ giải quyết bằng phương pháp hòa hoãn. Tôi sẽ mời đại diện của họ vào dinh để thương thảo như các lần trước chúng tôi vẫn làm. Ta sẽ ký kết một số yêu sách của họ, thế là êm ngay chứ gì.
Trường rướn người tới xen vào:
- Nhưng hôm qua ta đã bắt đi tám người của họ cũng bằng cách đó, liệu họ có tin ta nửa không?
John lại đặt câu hỏi với Thuận:
- Nếu trường hợp họ không cử đại diện mà kéo vào thì sao?
Suy nghĩ một lúc lâu, Thuận nhìn lên bức ảnh đức mẹ Mria. Dường như hắn tin ở đó có sự che chở cho hắn khi phải làm một việc gì đó hệ trọng. Hắn quay sang John nói, giọng có vẻ hơi yếu đuối:
- Nếu họ không cử đại diện vào đây thị tôi ra vậy.
John đập mạnh bàn tay xuống thành ghế rồi đứng dậy vừa đi vừa nói:
- Ông điên rồi sao? Ông cho rằng trong những người phụ nữ ấy không có người biết bắn súng lục à? Thật là điên dại! Bọn Vi Ci không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt những người nổi tiếng chống Cộng như ông đâu nhé.
Tên John vẫn đi lại trong phòng. Hắn nghiêm giọng:
- Không có thời gian để tranh luận nửa, ông điều một lực lượng có hỏa lực mạnh đến đây ngay và thực hiện phương án ấy, nếu dự đoán của tôi xảy ra, đồng thời bằng mọi cách, phải giải tán cho được cuộc biểu tình càng sớm càng tốt.
Một giờ sau, hai chiếc xe bọc thép, một đại đội biệt động quân, được điều đến dinh tỉnh trưởng trực chiến.
(Còn nửa)