Translate

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

BỬU SƠN KỲ HƯƠNG SÓC TRĂNG

       Bửu Sơn Kỳ Hương còn gọi là chùa Đất Sét, bởi các hình tượng trong chùa được làm bằng đất không nung khá độc đáo. Ngoài ra trong chùa còn có những cột đèn cầy rất to, cò thể cháy đến hằng trăm năm. Chùa là một địa điểm tham quan rất lý thú.
(Những bức ảnh chụp ngày 22-08-2017)




  


 





 



 

KÊNH MIỄU HỘI

        Năm 1973, Đại đội DKZ 75 (C7), của Trung đoàn 1 U Minh QK9 về đóng tại kênh Miễu Hội (Kênh Ngang Phụng Hiệp Hậu Giang ngày nay). Có một sự kiện mà đến bây giờ Thiên Tân vẫn nhớ mãi. Đó là chuyện ăn cắp gạo cho dân. 
       Truyện thế này:
      Năm đó Đại đội chúng tôi về đóng quân ở đây. Lúc đó có một gia đình người Khơ Me, ông tên Suỗl rất đông con, ngày ngày thấy vợ chồng ông cùng các con đi đào củ bông sùng về lột ra nấu chào với gạo ăn. Thấy vậy anh Nguyễn (là Trung đội trưởng) rủ Thiên Tân ăn cắp gạo ở Văn phòng Đại đội đem đi cho. Lợi dụng lúc các cán bộ Đại đội đi vắng, Thiên Tân với anh Nguyễn sớt nửa bao gạo đưa xuống xuồng đem đến cho ông. Nhận bao gạo mà ông khóc ròng và hết lời cảm ơn chúng tôi. Lúc đó chúng tôi cảm thấy rất thương ông. Sau đó không lâu chúng tôi chuyển địa bàn hoạt động và không có dịp nào trở lại nơi ấy.
      Ngày 22 tháng 08 (2017) vừa qua, Thiên Tân trở lại nơi này. Sau 44 năm, Miễu Hội không còn là con kinh đào, vừa hẹp, vừa cạn mà đã được nạo vét rộng và sâu hơn xưa rất nhiều. Ông Suỗl đã chết từ rất lâu, con ông cũng đã lớn và nghe nói vẫn còn nghèo. Những người dân khác, người còn người mất... 
      Có một người con gái lúc chúng tôi đóng quân nay cũng đã 61 tuổi. Cô ấy cũng chỉ nhớ có một đơn vị pháo đóng ở Miễu Hội và cô cũng đã từng quen nhưng bây giờ quá lâu, cô không còn nhớ được ai.....
      Chiến tranh đã đưa chúng tôi đến nơi này, dù thời gian rất ngắn, nhưng đã để lại tình thương cảm của những người chiến Giải Phóng Quân chúng tôi vơi dân bởi không chỉ là "cá với nước" mà bởi họ đã không ngại bom đạn chết chóc bán trụ cùng đội bom đạn với Bộ đội. 
     Anh Nguyễn đã hy sinh trong một trận đánh sau đó ít lâu, giờ trở lại Miễu Hội, Thiên Tân cảm thấy bồi hồi xúc động đến nao lòng.
      Thiên Tân ghi lại đôi dòng này, để lưu lại một kỷ niệm của một thời kháng chiến.
----------------------------------
(Những bức ảnh chụp khu vực kinh Miễu Hội và kinh xáng Kinh Ngang thuộc huyện Phụng Hiệp Hậu Giang ngày 22-08-2017)






Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

TRẠI RẮN ĐỒNG TÂM (1)

        
         Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), có thể được xem là một tổ hợp sinh cảnh rất phong phú và là nơi tham quan lý thú. Ngoài các loài rắn, nơi đây còn có rất nhiều các loài động vật lông vũ, động vật có vú và các loài bò sát khác.

Động vất có vú: heo rừng, khỉ, cừu, hưu






Chim cò





(Các ảnh chụp ngày 16-08-2017)





Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

ĐẤT QUÊ (Thơ)



ĐẤT QUÊ
                        -----------                          
                           Đoàn Công Thiện
Người quê nay vẫn thế thôi
Đẫm trong lớp áo mồ hôi tuôn tràn
Đất quê xơ xác khô cằn
Gọi bàn tay cuốc nhọc nhằn sáng trưa
Khói buồn trong gió lưa thưa
Nhuộm quê mờ mịt nắng mưa trên đồng
Bao đời vẫn một long đong
Củ khoai hạt lúa ước mong vơi đầy
Chai sần rát bỏng bàn tay
Góp gom lam lũ chua cay phận người
Gian lao khổ cực quen rồi
Trăm năm vẫn vậy quê tôi đắng lòng.
-------------
Xép Ba Tàu tháng 8 năm 2017








Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

BỨC THƯ TỪ CHIẾN TRƯỜNG CAMPHUCHIA


       Các bạn thân mến.

      Chiến tranh chống xâm lược Mỹ kết thúc, những người lính đồng bằng sông Cữu Long, mà cụ thể là Trung đoàn 1 U Minh QK 9, lại tiếp tục làm cuộc viễn chinh chống quân Pôl Pốt cứu Nhân dân Camphuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. 
      Thời bấy giờ, việc liên lạc với nhau giữa mọi người, nhất là những người lính, bạn chiến đấu chủ yêu bằng thư viết thông qua đường Bưu chính. ĐCT và Phạm Tấn Sơn cùng nhiều đồng đội, bạn chiến đấu khác cũng bằng cách ấy để duy trì quan hệ với nhau.
      Hôm nay còn 2 năm nữa là tròn 40 năm của một bức thư, mà ĐCT còn giữ được. Xin đăng để các bạn cùng xem và hiểu thêm về tình bạn, tình đồng đội chúng tôi, trong những năm gian khổ ác liệt của Chiến tranh.
(Ảnh dưới: ĐCT và tác giả bức thư lúc còn ở Bộ đội)

Kam pông Sa pư
Thiện thân.
Ở bên này tao nhận được của mày hai lá thơ, nhưng không có chuyến về nước, nên hôm nay tao mới viết thơ cho mày được. Mày có mong không? chắc là mày sợ cho tao lắm phải không Thiện?
Thiện à! Mày bảo tao viết thơ kể cho mày nghe về những nơi tao đi qua và những gì tao đã thấy phải không? Tao không biết nói gì đây cho mày bây giờ, vì tao đã đi rất nhiều nơi, mà nơi nào tao cũng muốn kể, từ Soài - Riêng, Tà - keo đến Ph - Nông - Pênh, từ Com - Pong - Chi Năng đến Pác - Tam - Păng, từ dòng Tông - Lê - Sáp xuôi về biển Hồ…Những nơi này tao đã đi đến và nơi nào cũng mang một nét riêng. Chỉ riêng thủ đô Ph – Nông - Pênh thôi thì kể cũng mệt rồi…Thôi hẹn lại khi nào ta gặp nhau thì tao sẽ kể nhé.
Ngoại má và vợ mày có khỏe không? riêng mày đã hồi phục chưa? Đi nằm viện hết bao lâu? Cuộc sống gia đình hiện giờ chắc là ổn rồi phải không? vì tao tin mày có khả năng trong việc tính toán làm ăn . Viết thơ cho tao mày cứ viết về địa chỉ cũ Thiện nhé.
Riêng tao thì vẫn khỏe, nhưng rất cực ở xứ người, gia đình thì không rõ ra sao? Đấu nó đã có con (một đứa con gái rất xinh), hiện nay nó đã về công tác ở Sư đoàn, không còn ở chung với tao nữa, bạn bè thì có đứa còn người mất, số cũ trạng tao với mày thì chết 6,7 đứa…còn thằng Tám (*) thì nghe nói gia đình có lên ở trong nước, hồi nó hy sinh con Hạnh có Viết thư cho gia đình, còn tao thì không biết địa chỉ gia đình nó. Con Hạnh bây giờ học văn hóa tại thị xã Sóc Trăng với chế Tư Khởi, địa chỉ Trường bổ túc văn hóa Công nông tỉnh Hậu Giang nhé, nếu rảnh mày viết thư cho nó.
Cho tao kính lời thăm Ngoại, Má và vợ mày. Mày hôn con mày dùm tao nhé! Chúc mày vui khỏe, công tác tiến bộ, mọi ước mơ đều đạt như ý
(*) Tám là người đồng đội thân với ĐCT và Phạm Tấn Sơn. Nghe nói hy sinh lúc tấn công giải phóng Camphuchia ngày thừ hai (2-01-1979) tại biên giới Tịnh Biên An Giang.
                                                                                                                                                 Tạm dừng
                                           Xiết tay mày thật chặt
                                                        Tao

                                          Ký tên (Phạm Tấn sơn)

 Tác giã bức thu người đứng hàng sau bên phải ảnh trên và người đeo kính trong ảnh dưới.

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

CÔNG TRÌNH TƯỞNG NIỆM CHÂU VĂN LIÊM

khu tưởng niệm nhà cách mạng Châu Văn Liêm, Bí thư An Nam Cộng sản Đảng, tại quận Ô Môn (hoặc Thới Lai) thành phố Cần Thơ
(ảnh chụp ngày 26-07-2017)






Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

TRẬN ĐÁNH NGÃ CẠY BA HUÂN

     
Ảnh trên và các ảnh sau dưới đây là cánh đồng Ba Huân Ngã Cạy (thuộc xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), nơi cách nay 51 năm, vào ngày 26 và đêm 27 tháng 10 năm 1966, đã diễn ra một trận đánh gây tổn thất rất lớn cho phía đối phương do Trung đoàn 1 U Minh QK9 thực hiện.

      Trong trận này ta đã bắn rơi tại chỗ 12 chiếc trực thăng, bắn bị thương 10 chiếc khác, diệt và làm bị thương gần 700 lính bộ binh, gây thiệt hại nặng cho Trung đoàn 33, sư đòan 21 quân lực VNCH.

     Một trong những người tham gia trận đánh ấy là anh Nguyễn Văn Cữu, là xã thủ 12, 7 ly (người thứ 2 từ phải qua).

      Rất tiếc nơi đây không có công trình nào của ngành văn hóa đề lưu dấu cho thế hệ mai sau.
-------------------
(Số liệu lấy trong cuốn lịch trung đoàn bộ binh 1 sư 330 QK9 do NXB QĐND ấn hành năm 2013.)




MỘT SỰ CỐ PHẪU THUẬT


Tôi và anh Út Ruột (người chụp chung trong ảnh) đã có thời gian công tác ở Bệnh xá Trung đoàn 1 U Minh QK9. Anh là Y sĩ còn tôi là Y tá. Có một sư kiện cách nay đã 45 năm  mà tôi và anh là người trong cuộc. 
Thiên Tân đăng bài viết kể lại câu truyện để các bạn xem nhé.
Vào năm 1972,  lúc Bệnh xá Trung đoàn đóng quân tại Kinh Ngang (xã Phương Bình huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang ngày nay) có tiếp nhận một chiến sĩ bị thương, mãnh đạn còn nằm trong bắp chân, anh Út Ruột và tôi được phân công giải quyết vết thương cho người chiến sĩ ấy. Khi anh Út dùng dao rạch sâu vào bắp chân không may chạm đứt động mạch, máu bắn ra thành tia, chúng tôi dùng gạc chèn vào vết mổ nhưng máu vẫn thấm gạc trào ra ngoài, không sao ngăn được… anh bảo tôi chạy vào cầu cứu Bác sĩ Vũ Phong Hàn (sau này ông làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn).
Khi Bác sĩ đến, biết chúng tôi phạm lỗi  kỹ thuật, ông rất bực la rầy chúng tôi, sau đó ông nhận dụng cụ (là chiếc bel móc) ông lần tay vào vết mổ, một lúc sau ông cũng khắc phục kẹp được mạch máu bị đứt, ngăn được chảy máu và vết thương cũng được ông giải phẫu xong ngay sau đó.
Sự kiện ấy không gây nguy hiểm đến tính mạng của người chiến sĩ bị thương, nhưng chúng tôi cảm thấy hối hận, vì đã để sơ xuất mà lẽ ra không nên có. 
Nay nghĩ lại thời điểm bấy giờ, những Y sĩ, Y tá chúng tôi được đào tạo cấp tốc, nhằm phục vụ cho chiến đấu, năng lực chuyên môn thấp kém, thì việc để sảy ra sai sót trong phẫu thuật cũng là chuyện thường tình.
Cho đến tận hôm nay, sự kiện ấy đã trở thành một kỹ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm người Y tá Quân y thời chiến đối với tôi.
   

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

TIỄN BIỆT ĐOÀN HỮU HẬU

Hậu đi về cõi vô cùng
Bỏ lại khoản trống riêng chung nhạt nhòa
Thôi thì một kiếp cũng qua
Nén hương thương cảm nghe xa xót lòng 
Một đời lang bạt đục trong
Đắng cay ngọt mặn long đong một thời 
Nghiệp văn chưa trọn phận đời
Câu thương câu nhớ đầy vơi vẫn còn
Trót vương nặng gánh lòng son
Điệu vần dang dỡ mỏi mòn tứ thơ
Những hoài bảo những ước mơ
Gởi theo trăng gió bây giờ trắng tay
Ngoài kia lất phất mưa bay
Đôi dòng tiễn bạn mà cay mắt buồn
------------
Ngày cuối tang lễ Hậu 21-07-2017
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

BỨC THƯ NGƯỜI LÍNH

      Tình bạn, tình đồng đội, được hình thành và thử thách từ những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, là vô cùng cao quí, nó vẫn như chất son hồng tươi, thắm đượm nghĩa tình giữa những người mặc áo lính với nhau không bao giờ phai nhạt          
        Thiên Tân Xin giới thiệu bức thư của người bạn, người đồng đội viết cách nay trên 35 năm, mà một thời chúng tôi đã sống bên nhau. Anh Phạm Hồng Lợi, Trung tướng, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu QĐND VN
(Tác giả bức thư người ngồi bìa bên trái trong ảnh)

   Hà Nội
 27/4/1981                                       
Thiện !
       Tình cờ biết được Thiện đang công tác tại huyện nhà Gò Quao, mình rất mừng và thư cho Thiện ngay. Xin chúc mừng sức khỏe Thiện và gia đình.
Thiện ! hơn chục năm trôi qua, biết bao sự thay đổi của đất nước đang hằng ngày diễn ra, thế mà bọn mình chưa có dịp nào gặp lại nhau. Ngỡ rằng sau chiến tranh, ngoài những người bạn ngã xuống không có diễm phúc nhìn thấy ngày hòa bình, thì những đứa còn sống sót hẳn sẽ gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc tụng nhau và bắt tay xây dựng hạnh phúc, làm lại những gì đã bị mất mát… nhưng sự đời thật không đơn giản, niềm vui chưa tròn thì chiến tranh lại sảy ra và kéo dài. Tuy là hòa bình nhưng không được trọn vẹn, nguyện vọng của chúng mình chưa được thực hiện  thì lại tiếp tục đổ máu và kết quả là cho đến nay chúng mình chưa gặp lại nhau….. thôi thì đành chấp nhận  gặp nhau trên những trang thư, để an ủi nhau cùng tiếp tục công việc của mình.
Để nối lại thời gian xa nhau, mình tạm liên hệ nhau bằng thư từ nhé….
Trước hết Thiện cho mình biết về tình hình của Thiện và điều không thể thiếu được là về Phục (Ngô Văn Phục). Chắc Thiện biết về Phục nhiều, thậm chí còn gặp Phục nhiều lần chứ ?...cứ kể, kể nhiều cho mình nghe rồi sau đó mình sẽ kể về mình cho Thiện, và nếu gặp Phục hoặc bằng cách nào đó cho Phục hay để thư từ trao đổi với mình.
Bè bạn không còn mấy đứa…đừng để tủi lòng những thằng bạn đã ngã xuống, mình tìm cách liên hệ với nhau nhé ! Mình hiện đang học ở Học viện Quân sự cấp cao (Hà Nội), kể từ ngày nay thì còn hơn một năm nữa sẽ ra trường (vẫn tiếp tục cái nghề binh nghiệp).
Thế thôi nhé, sơ bộ vài hàng cho Thiện. Sẽ trao đổi tiếp theo khi nhận được thư Thiện.
Tạm biệt Thiện, chúc Thiện và gia đình hạnh phúc. Rất mong tin

Phạm Hồng Lợi
(Ảnh dưới từ phải sang: Ngô Văn Phục, Võ Văn Phấn, Trung tướng Phạm Hồng Lợi,  ĐCT, một người đồng đội không nhớ tên và anh Tư Đức)


Thư của tác giả