Translate

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

CHIA THỪA KẾ ĐẤT ĐÚNG HAY SAI ?



LUẬN CỨ BẢO VỆ
-------------
(Tên người, tên địa phương, đã thay đổi)

Trong vụ tranh chấp này, cả hai cấp Tòa án đều xác định tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và quyết định chia thừa kế theo yêu cầu của Nguyên đơn. Mời các bạn xem bài bảo vệ của ĐCT sau đây để tham khảo.
------------------------------------------
1. Về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
Theo lời trình bày của các đương sự, phần đất mà phía Nguyên đơn có yêu cầu chia thừa kế, có nguồn gốc của bà Hồng Lỉnh, là mẹ của ôn Lý Tòng và là bà nội của Lý Y, Lý Binh (là Nguyên đơn) và Lý Phan (là Bị đơn).  Phần đất này trước năm 1975, ông Lý Kỉnh, con bà Hồng Lỉnh và là bác của Nguyên đơn và Bị đơn, người quản lý trông coi, trồng các loại cây trên đất, sau đó chuyển giao lại cho ông Lý Phan với giá 6 chỉ vàng 24 k.
Quá trình sử dụng đất, có nhiều người biết, trong đó, ông Trần Văn Khánh là người cư trú tại địa phương, trình bày trong Biên bản ghi lời khai nhân chứng ngày 30-03-2018 BL 288 (767)  xác định: Đất đang tranh chấp là của bà nội ông Phan chết đề lại. Phần đất trên núi ông Phan mua lại của cha bà Lý Thị Xinh là ông Lý Kỉnh, phía dưới là bà nội và cha ông Phan ở cho đến khi chết. Bà Lý Y chạy giặc ông Phan ở lại trông coi đất.
Đặt biệt trong Biên bản ghi lời khai ngày 30-05-2018, BL 289 (769), bà Lý Thị Xinh, là con ông Lý Kỉnh khai: Phần đất tranh chấp là của bà nội. Khi cón sống bà nội ở với bà Lý Y trên đất, đến khi chạy giặc khơ me, bà nội chết, bà Y bỏ đi thì ông Phan về coi sóc đất. Trước năm 1975, cha tôi có tới lui coi sóc đất và trồng trọt, đến khi bà Y chạy giặc cha tôi là người trông giữ đất, sau đó ông Phan về đòi lại đất nên cha tôi trả lại vào khoản năm 1990, ông Phan đưa cho cha tôi 6 chì vàng tiền khai phá và canh giữ đất dùm. Trước đó ông Phan không có trồng gì, khoản năm 2000, ông Phan mới trồng xoài trên đất trả vàng và đất ông bà nội ở trên đất hiện nay.
Lời khai của bà Xinh, ông Khánh là phù hợp với chứng cứ khác tại BL 197, Tờ thỏa thuận viết tay ngày 10-08-1996 (685), có nội dung thỏa thuận ông Phan trả cho ông bà Lý Kỉnh  6 chỉ vàng tiền cây trồng trên đất cha ông đã chết, có hai người làm chứng và xác nhận của Ban nhân dân ấp (685).
Quá trình sử dụng nêu trên cho thấy, quyền sử dụng đất của bà Hồng Lỉnh được chuyển giao sang cho ông Lý Kỉnh, sau đó ông Kỉnh chuyển giao lại cho ông Lý Phan bằng 6 chỉ vàng 24k (Giá này phù hợp với giá đất lúc bấy giờ), chứ không có chuyển giao cho ông Lý Tòng (là cha của Nguyên đơn và Bị đơn) mặc dù trong Biên bản họp gia tộc và các đương sự có lúc khai là của cha mẹ, bởi ông Tòng chết vào năm 1977, lúc này bà Hồng Lỉnh còn sống, đến năm 1979 bà Lỉnh mới chết.
Nguốn chứng cứ khác nữa, đó là BL 115, Biên bản họp gia tộc ngày 12-07-2001, trong đó ghi rõ “Bốn anh em trong gia tộc bàn bạn dẫn đến thống nhất giao cho Lý Phan được thừa hưởng, quản lý và sử dụng” “Nếu sau này bốn anh em trong gia tộc cần một nền nhà để ở thì anh Phan có trách nhiệm chỉ nền em ở nhưng không được sang tên và làm thủ tục theo yêu cầu, chỉ được ở”. Biên bàn có chữ viết nội dung xác nhận của ông LST trưởng khu phố (624). BL 313, Tờ ưng thuận cho mượn đất cất nhà viết tay, lập ngày 16-03-2005, ông Phan cho bà Lý Y mượn phần đất cất nhà ở, ngang 6m dài 20m, diện tích 669,3m2 trong thửa116. Thời gian mượn 10 năm. Lý do Y không có nơi cất nhà. Giấy có xác nhận của khu phố ngày 22-03-2005 (784).
Bà Lý Y thừa nhận có lập hai van bản trên tại BL 308, Biên bản hòa giải tại Tòa án ngày 8-6-2018 thể hiện như sau: “Cha tôi mất năm 1977, bà nội chết năm 1979, không có ai đế lại di chúc. Năm 1982 tôi về ở trên đất, đến năm  1986-1987 dọn về ven biển ở, giao giấy tờ cho ông Phan cất giữ. Năm 2004 tôi về ở lại trên đất, được ông Phan cho cất nhà ở nhưng chưa chia đất. ”. “Giấy họp gia tộc chúng tôi có ký tên nhưng không hề biết ông Phan kê khai đất và chỉ cho ông Phan quản lý chứ không cho đứng tên, ông Phan có hứa chia lại cho các em”. Ông Lý Bình trình bày: Tôi có ở trên đất từ năm 1975 đến 1977 về KL ở. Đến năm 2013 tôi về tiếp tục ở và yêu cầu chia đất nhưng ông Phan  không đồng ý”. (775-776)
Mặc dù bà Xinh khai cha bà chuyển giao cho anh em ông Lý Phan nhưng thực chất, ông Phan là người xuất vàng trả cho cha bà Xinh; Bà Lý Y và ông Lý Bình đều sống ở nơi khác, người trực tiếp canh tác liên tục trên đất là ông Lý Phan từ năm 1977 (Theo Nguyên đơn thì từ 1984) đến nay (trừ phần đất ông Lý Phan cho hai Nguyên đơn có nhà ở).
2. Về quan hệ tranh chấp và áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm.
Án sơ thẩm xác định: Quan hệ trong vụ này là “Tranh chấp phân chia di sản thừa kế” và áp dụng khỏan 4, điều 36 Pháp lệnh thừa kế số 44-LCT/HĐNN ngày 30-08-1990 của Hội Đồng Nhà Nước; Điều 623 Bộ Luật Dân Sự 2015, để tính thời hiệu thừa kế và chấp nhận yêu cầu của các Nguyên đơn, chia thừa kế theo pháp luật Cho bà Lý Y 2.037m2, ông Lý Bình 1.873,4m2, ông Lý Phan 2.584,4m2 và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Phan, mà không căn cứ vào qui định pháp luật về đất đai và những qui định pháp luật dân sư khác là chưa đúng, dẫn đến sai phạm trong việc áp dụng pháp luật, gây thiệt về quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho phía Bị đơn.  
Tô xin dẫn chứng những qui định của pháp luật có liên quan sau đây.
Tại thời điểm bà Hồng Lỉnh và ông Lý Tòng chết, Luật đất đai năm 1987 đang có hiệu lực, không có chế định thừa kế quyền sử dụng đất, mà chỉ qui định: “Người được thừa kế nhà ở hoặc người chưa có chỗ ở, khi được người khác chuyển nhượng nhà để ở, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, thì được quyền sử dụng đất ở có ngôi nhà đó.” (điều 17). Theo qui đính này, thì Pháp lệnh thừa kế số số 44-LCT/HĐNN ngày 30-08-1990 chỉ có ý nghĩa giải quyết tranh chấp thừa kế đối với bất động sản là nhà ở gắn với đất có nhà, chứ không thể áp dụng cho việc thừa kế quyền sử dụng đất mà không có nhà trên đó. . . Chỉ đến khi Luật đất đai năm 1993 được Quốc hội khóa IX, thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 14-07-1993 (có hiệu lực từ ngày 15-10-1993), thì chế định thừa kế quyền sử dụng đất mới được đưa vào luật, thể hiện tại khoản 2 điều 3; Khoản 1, khoản 3 điều 76. Như vậy quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất chỉ có giá trị pháp lý và được áp dụng kế từ ngày 15 -10-1993 trở về sau. Cấp sơ thẩm áp dụng quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất để giải quyết cho trường hợp này là trái qui định pháp luật. Điều 263 qui định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với Bất động sản chỉ áp dụng cho nhà ở và các công trình xây dựng cố định khác chứ không thể áp dụng cho quyền sử dụng đất nếu đất đó không có công trình cố định.
3. Vấn đề hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luật đất đai 1987, qui định thì: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý”. “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này” (điều 1); “Đất vườn được tính vào đất làm kinh tế gia đình xã viên hoặc đất giao cho nông dân còn sản xuất cá thể, phần còn lại người có vườn vẫn được tiếp tục sử dụng để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.Nhà nước có chính sách khuyến khích và bảo vệ lợi ích của mọi tổ chức và cá nhân thâm canh, tăng sản lượng cây trồng trên đất vườn, sử dụng đất trống, đồi núi trọc để lập vườn theo quy hoạch” (điều 31) (Luật này còn qui định người sử dụng đất mà không sử dụng trong 6 tháng liền sẽ bị thu hồi nếu không có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. (khoản 5 điều 14).
Với những qui định trên đây, việc UBND huyện HT (nay là thành phố HT), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy bìa xanh) cho ông Lý Phan vào năm 1990 là đúng với Luật đất đai năm 1987. Do ông Phan là người trực tiếp quản lý và liên tục sử dụng canh tác trồng các loại cây, lập vườn trên đất; Ông Phan cũng là người được UBND huyện HT công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp vào năm 1990, nên năm 2004, ông được UBND thị xã HT đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), là phù hợp qui định của pháp luật tại thời điểm này. Phía Nguyên đơn biết nhưng không phản đối, khiếu nại hoặc khởi kiện việc ông Phan làm và được cấp giấy chứng nhận mới, chứng tỏ phía Nguyên đơn mặc nhiên thừa nhận ông Phan làm chủ quyền sử dụng trên đất (Thể hiện tại BL 01 (531) trong đơn khởi kiện), thì không có lý do gì yêu cầu hủy giấy chứng nhận của ông Phan. Cấp sơ thẩm hủy Giấy chứng nhận mà UBND thị xã HT đã cấp cho ông Phan là sai qui định của pháp luật đất đai.
4. Kết luận và đề xuất.
Ông Lý Phan quản lý và sử dụng đất từ năm 1977 (hoặc từ năm 1984 theo trình bày của Nguyên đơn) đến năm 2015, phía Nguyên đơn mời có yêu cầu giải quyết tranh chấp.  Giả định nếu ông Phan không được cấp Giấy chứng nhận, thì ông cũng đã chiếm hữu sử dụng công khai, ngay tình, liên tục trên 30 năm, thỏa mảng điều kiện trở thành chủ sở hữu đồi với bất động sản được qui định tại điều 236 Bộ luật dân sự 2015.
Từ những căn cứ nêu trên, tôi cho rằng đơn kháng cáo của Bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến vụ kiện, yêu cầu bác toàn bộ nội dung khởi kiện của Nguyên đơn là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.
Tuy nhiên tại phiên tòa hôm này, ông Lý Phan và người đại diện theo ủy quyền của các người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan, đồng ý chia cho phía Nguyên đơn mỗi người một phần đất ở với diện tích 10mx30m, mà không lấy lại giá trị đất, là hợp với đạo lý tình anh em, đề nghị Tòa án ghi nhận và buộc Bị đơn có nghĩa vụ tách giấy chứng nhận cho phía Nguyên đơn theo qui định của pháp luật.
(Luận cứ bảo vệ này đã trình bày tại phiên Tòa phúc thẩm ngày 31-05-2019. Bản án phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm).

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

KHU MỘ THÂN TỘC

      Trong khu mộ này, có nhiều người thân trong gia đình chúng tôi (là người dân thường) bị giết hại do pháo binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Quân Ngụy) gây ra chỉ cách ngày hòa bình chưa đầy 04 tháng.. 













Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO DÂN TRÍ


BÀI TRẢ LỜI BÁO DÂN TRÍ
--------------
                                                                  Luật sư Đoàn Công Thiện (*)
1). PV: Khi tiếp nhận hồ sơ bảo vệ quyền lợi cho cô Lê Thị Mỹ Chi – Thủ quĩ Trung tâm giáo dục thường xuyên tình Kiên Giang, luật sư nhận định như thế nào về vụ việc này?
Trả lời:
Trước khi nhận trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cô Lê Thị Mỹ Chi, tôi có tìm hiểu và được biết: Cô Mỹ Chi là người có đơn gởi cơ quan chức năng, phản ảnh những tiêu cực của Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang, yêu cầu thanh tra làm rõ xử lý theo qui định. Sau khi thanh tra, cơ quan chức năng kết luận Ban giám đốc Trung tâm và Kế toán đã có hành vi sai phạm để ngoài sổ sách và chi sai nguyên tắc gần 700 trăm triệu đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, Giám đốc được giải quyết cho nghĩ hưu, điều chuyển công tác đối với kế toán. Riêng cô Mỹ Chi thì bị buộc thôi việc, đây là điều không bình thường.
Từ những thông tin nắm được, điều mà tôi quan tâm là: Cô Lê Thị Mỹ Chi có bị trù dập hay không, bởi cô là người phát hiện và tố cáo tiêu cực? Nếu cô Chi có vi phạm, thì mức độ vi phạm đến đâu? Việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với cô có phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm, có đúng với qui định của pháp luật hay không?
2) PV: Theo luật sư, kết luận số 18 có đủ cơ sở pháp lí để Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang ra quyết định thi hành kỷ luật buộc thôi việc cô Lê Thị Mỹ Chi? Luật sư có thể lí giải như thế nào về số tiền 70 triệu đồng mà ngành chức năng cho rằng cô Mỹ Chi không nhập làm mất?
Trả lời:
Nếu nói về cơ sở pháp lý, thì cả hai kết luận (KL18 và KL 60) của Sở tài chính Kiên Giang, đều là những căn cứ pháp lý về hình thức, để xem xét trách nhiệm cá nhân của những người có sai phạm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trong đó có cô Lê Thị Mỹ Chi.
Riêng về nội dung, hai kết luận xác định đối với số tiền rút ở kho bạc, cô Chi không nhập quĩ và làm mất quĩ với tổng số tiền 70.609.258 đồng, nhưng không làm rõ không nhập quĩ bao nhiều và mất bao nhiêu, là chưa rành mạch; Do đó, Quyết định của Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Kiên Giang, thi hành kỷ luật buộc thôi việc cô Lê Thị Mỹ Chi là chưa thỏa đáng, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất: Đối chiếu với quĩ tiền mặt tại thời điểm sau khi cô Chi rút tiền ở kho bạc, trong sổ quĩ phần chi thường xuyên cho cơ quan luôn bị âm, trong đó số âm cao nhất hơn 80 triệu. Như vậy, số tiền chi âm chính là số tiền ở kho bạc rút về không nhập quĩ. Số tiền này, không có chứng cứ nào xác định cô Chi sử dụng cho cá nhân cô.
Thứ hai: Việc cô Lê Thị Mỹ Chi, không thực hiện ghi nhập vào sổ quĩ là do Kế toán không ra phiếu thu, chứ không phải do cô Chi tự ý không nhập vào sổ quĩ.  Đây là lỗi của Kế toán, chứ không phải lỗi của Thủ quĩ. Cô chi chỉ có lỗi mất tiến mặt 609.258 đồng khi kiểm tra, lỗi này là không đáng kể, không đến mức phải bị buộc thôi việc.
3) PV: Qua các văn bản (02 bản án và quyết định buộc Cô Mỹ Chi thôi việc) ngành chức năng Kiên Giang căn cứ vào kết luận miệng của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Ngọc Sương, thể hiện qua cuộc họp (mà sau này trích văn bản số 04) phòng chống tham nhũng vào ngày 2/3/2010 chỉ đạo “buộc cô Mỹ Chi bồi thường số tiền 70 triệu đồng và cho nghỉ việc”. Chỉ đạo này có cơ sở pháp lý để Sở GD-ĐT Kiên Giang làm căn cứ buộc cô Chi nghỉ việc?
Trả lời:
Việc chỉ đạo miệng của Chủ tịch UBND tỉnh (tại thời điểm lúc giải quyết) như Phóng viên đặt vấn đề, theo tôi: Có thể là do báo cáo kết luận thanh tra không rõ như tôi trả lời ở trên, nên Chủ tịch mới đưa ra ý kiến chỉ đạo như vậy. Dù đó là ý kiến nhân danh Chủ tịch tỉnh, nhưng không phải là căn cứ pháp lý để cơ quan dưới quyền ra quyết định kỷ luật cô Chi, kể cả việc bồi thường thiệt hại; Căn cứ pháp lý phải là kết luận thanh tra, có cơ sở khách quan của cơ quan chức năng, chỉ ra được hành vi sai phạm của cô Chi theo qui định của pháp luật.
4) PV: Luật sư có ý kiến gì về việc kêu oan của cô Lê Thị Mỹ Chi?
Trả lời:
Tôi cho rằng cô Lê Thị Mỹ Chi kêu oan là có căn cứ.
Thứ nhất: Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Kiên Giang ra quyết định buộc thôi việc cô Mỹ Chi dựa theo Kết luận số 18 của Sở Tài Chính là chưa khách quan. Trong kết luận này không thể hiện cô Chi có hành vi sử dụng số tiền 70 triệu vào mục đích cá nhân; Việc cô Chi không ghi vào sổ quĩ là do Kế toán không ra phiếu thu, lỗi đó không thể buộc cô Chi gánh chịu.
Thứ hai: Nếu xác định cô Chi làm mất quĩ  609.258 đồng (kể cả lỗi không ghi vào sổ quĩ), những lỗi đó chưa đến mức phải buộc cô Chi thôi việc; Trong khi lãnh đạo và Kế toán có hành vi, vi phạm tài chính nghiêm trọng hơn rất nhiều, nhưng không ai bị buộc thôi việc.
5) PV: Theo Luật sư, hai cấp Tòa án ở Kiên Giang bác đơn khởi kiện của cô Lê Thị Mỹ Chi có khách quan hay không?
Trả lời:
Trong quá trình tiến hành tố tụng, giữa Tòa án và Viện kiểm sát, có hai quan điểm khác nhau. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát tình (Quyết định số 01/QĐKNPT-LĐ ngày 03-12-2014) cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng Luật lao động và Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết đơn khởi kiện của cô Chi là sai, nên yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, nhưng cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm căn cứ Nghị định 35/2005 ngày 17-03-2005 của Chính phủ là đúng, không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, giữ y bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của cô Chi.
Vấn đề nêu tôi xin được làm rõ khía cạnh pháp lý, kể cả lĩnh vực hành chính lẫn lĩnh vực lao động, để bạn đọc xem xét.
Về lĩnh vực hành chính:
Thời điểm ban hành quyết định kỷ luật cô Chi (ngày 01-11-2010), là thời điểm Luật cán bộ công chức đang có hiệu luật pháp luật (Luật số 22/2008/QH12 ngày 13-11-2008). Tại điều 80 qui định: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ khi cán bộ, công chức có hành vi, vi phạm cho đến ngày xử lý; Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa không quá 4 tháng, kể từ khi phát hiện cho đến khi ra quyết định xử lý. Nếu cho rằng hành vi không nhập quĩ và mất tiền nói trên của cô Chi là sai phạm cần phải xử lý, thì hành vi đó sảy ra từ tháng 11 năm 2006 đến thời điểm xử lý kỷ luật (tháng 11-2010) đã quá 24 tháng; Thời hạn kể ngày 01-04-2010 (ngày ban hành kết luận số 18 được xem là ngày phát hiện sai phạm) đến ngày ban hành quyết định kỷ luật (ngày 01-11-2010) là quá 04 tháng. . . Như vậy, thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật đối với hành vi sai phạm của cô Chi đều vượt quá thời gian qui định của điều luật, như đã viện dẫn trên đây.
Bản án phúc thẩm số 01/2015/LĐ-PT ngày 28-05-2015 của TAND tỉnh Kiên Giang, áp dụng một số điều khoản của Luật Viên chức số 52/2010/QH12, ngày 15-11-2010, nhưng cũng không xem xét áp dụng điều 53 qui định thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức là chưa khách quan, vì nội dung điều 53 qui định thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức sai phạm tương tự như điều 80 Luật cán bộ công chức nêu trên.
Về lĩnh vực lao động:
Theo qui định tại điều 85, Bộ luật lao động 1994 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, năm 2006), thì người lao động chỉ bị sa thải trong các trường hợp sau:
a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;
c) Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Nếu xem xét dưới góc độ lao động, thì sai phạm của cô Chi cũng không thuộc trường hợp phải bị sa thải.
6) PV: Luật sư có ý kiến gì về việc xử lý kỷ luật cô Lê Thị Mỹ Chi?
Trả lời:
Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng. Cô Lê Thị Mỹ Chi có đơn tố giác tiêu cực tham nhũng và qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện lãnh đạo và kế toán trong cơ quan sai phạm nghiêm trọng, nhưng hình thức xử lý lại nhẹ hơn cô là không công bằng và làm thui chột nhân tố tích cức trong công tác phòng chống tham nhũng.
Theo tôi được biết, TAND tối cao đã nhận được đơn yêu cầu giám đốc thẩm của cô Lê Thị Mỹ Chi; Vì vậy, tôi đề nghị TAND tối cao sớm xem xét hủy toàn bộ hai bản án sơ và phúc thẩm trong vụ kiên nói trên, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cô Chi theo qui định của pháp luật.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

VÙNG ĐẤT MANG TÊN MẸ






 



KỶ NIỆM XƯA Ở KÊNH Ô MÔI

MỘT KỶ NIỆM Ở KÊNH Ô MÔI
--------------------
Ngày ấy chúng tôi còn trẻ lắm, tôi 17 tuổi còn Ngô Minh Phục, bạn tôi 18. Chúng tôi công tác ở đội bảo vệ (trước gọi là đội “phòng thủ”) thuộc Văn phòng huyện ủy Gò Quao (Kiên Giang), cơ quan đóng bên sông Nhà Ngang, một nhánh của sông Cái Lớn rẻ từ ngã Ba Tàu về Ba Đình, Vĩnh Thuận…
Đâu năm 1968, có một Đại đội phòng không của Quân khu 9 về đóng quân ngay cơ quan, chúng tôi làm quen với các anh và ngõ ý muốn theo đơn vị. Có lẽ do chúng tôi đang công tác, nên các anh không dám nhận, nhưng khi đơn vị sắp chuyển sang chỗ khác, các anh mới chỉ địa điểm Kênh Ô Môi, nơi đơn vị sẽ đến đóng quân, như là sự thỏa thuận ngầm: Nếu chúng tôi đi Bộ đội thì đến đó gặp, các anh sẽ nhận.
Vậy là tối hôm đó (mùng 4 rạng mùng 5 tháng 3 năm 1968), đợi mọi người ngủ say, chúng tôi bí mật xếp mùng, quân áo, cho vào ba lô, trốn cơ quan đi. Trong cơ quan chúng tôi chỉ cho một mình chị Chín Liên biết chúng tôi đi Bộ đội (Chị Chín Liên là người ở chung cơ quan chúng tôi rất cảm mến). Đêm ấy, chị Chín ra ngoài bờ vườn (Cơ quan đóng ờ trong vườn), chị ôm hai chúng khóc rất nhiều.
Vậy là từ nữa đêm hôm ấy, chúng tôi rời khỏi cơ quan. Cuộc hành trình ngót 6 tiếng đồng hồ đi bộ, trời sáng chúng tôi mới tới được ngang kênh Ô Môi. Nhờ một người dân dùng xuồng đưa sang bên kia sông, chúng tôi gặp được đơn vị và các anh chấp nhận cho chúng tôi vào Đại đội.
Khu vực kênh Ô Môi trước đây bạt ngàn rừng tràm, nhẩm dấu tích heo rừng hoang dã sinh sống. Cặp ven sông, tuy có nhà dân nhưng có lẽ do sợ bom đạn của giặc, nên người dân đã bỏ đi nơi khác, các căn nhà để trống.
Kênh Ô Môi hôm nay (xem ảnh), bao trùm lên một sức sống mới, tuy chưa trù phú nhưng cũng hình thành nên một diện mạo của Nông Thôn Mới với Điện - Đường giăng phủ khắp mọi nơi.
         Mới đó mà đã sắp tròn 50 năm, ngày tôi vào Bộ đội tại con kênh Ô Môi này.
(Những bức ảnh chụp ngày 14-04-2019)





 

  
  



------------------ 
Những ảnh dưới: Ngã Ba Đình



Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

THĂM TRẬN ĐỊA XƯA

Ta về thăm trận địa xưa
Thời gian phủ bóng nắng mưa nhạt nhòa
Ánh vàng nhuộm chín đồng xa
Gió xào xạc gió như là tiếng đau
Đồng đội tôi nằm nơi đâu
Khuất trong hương lúa sắc màu của quê
Chuyện xưa giờ lại quay về
Mấy mươi năm vẫn thấy tê tái lòng
Nhớ đêm hôm ấy mùa đông
Lẫn trong tiếng sùng nghe lòng nhói đau
Mây bước chân chỉ cách nhau
Bạn nằm ở đó nghìn thu xa vời
Pháo gầm đạn nổ tơi bời
Xác thân người lính chơi vơi ven đồn
Máu xương bạn đã thắm hồng
Cho nay mùa vụ vàng đồng lúa tươi
..............
Ấm no sung túc ai ơi
Đừng quên người lính một thời hi sinh.
(Rạch Giá ngày 06-04-2019)
------------- 
     Những bức ảnh chụp tại vị trí đồn Phũ Thuật (kinh Xáng Bộ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), nơi khẩu đội DKZ của chúng tôi cùng Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 1 U Minh Qk9), tiến hành trận đánh không thành công, dẫn đến 17 người hi sinh vào một đêm mùa đông cuối năm 1973.

 
  

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

ĐÊM BUỒN


Đêm về buồn lắm ai ơi!
Phố yên như thể biển khơi lặng thầm
Hồn nghe vọng khúc nhạc trầm
Vẳng trong thao thức âm âm tiếng lòng
(Rạch Giá ngày 12-03-2019) 

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG

(Ảnh chụp trước đền thờ bà Nguyễn Thị Định ở Bến Tre)
--------------------------
     50. Nếu lúc còn tại chức, anh không ăn hối lộ, thì về đời thường, đừng mong anh đút lót (21-09-2019)
--------------------------
      49. Đến thời điểm này, ai xem Trung Quốc là bạn, kẻ đó nếu không là tay sai của Bắc Kinh thì cũng là thằng ngu xuẩn (20-09-2019)
--------------------------
     48. Thời nào cũng có kẽ bán nước cầu vinh, nếu không phát hiện và loại trừ, sẽ là mối nguy cho Dân tộc. (16-09-2019)
--------------------------
     47. Chiến lược chống Việt Nam của Bắc Kinh là toàn diện, thâm hiểm bà triệt để: Xâm lấn thực địa, cài nội gián, bẫy kinh tế, đầu độc giết người...(12-09-2019)
--------------------------
     46. Quan hệ với kẻ xấu, dù đối thủ có nhượng bộ đến đâu, ta vẫn phải tăng cường sức mạnh. Đó là cách tốt nhất, để phòng tránh chúng trong tương lai.(Rạch Giá ngày 7-9-2019)
--------------------------
     45. Nếu anh im lặng trước cái ác mà không giải thích vì sao, thì người ta nghĩ anh là kẻ đồng lõa với cái ác. (Rạch Giá ngày 6-9-2019)
--------------------------
     44. Liên minh với nước khác để chống lại sự đe dọa của kẻ mạnh là yêu cầu khách của nước yếu thế, tại không? (Rạch Giá ngày 6-9-2019)
--------------------------
     43. Im lặng trước sự hung hăng của kẻ gây hấn nếu không phải vì đồng lõa, thì đó là kế sách có chủ đích trong quan hệ với đối phương. (Rạch Giá ngày 4-9-2019)
--------------------------
     42. Kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, là biện pháp cũng cố giá trị pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông (Rạch Giá ngày 4-9-2019).
--------------------------
     41. Chất lượng hàng hóa là niềm tin của khách hàng, là uy tín của Doanh nghiệp (Rạch Giá ngày 03-09-2019)
--------------------------
      40. Anh chỉ trở thành Thủ lĩnh thật sự của Quần chúng khi cuộc sống của anh minh bạch và anh luôn luôn phụng sự họ (Rạch Giá ngày 26-08-2019)
--------------------------
     39. Quyền lực bị tha hóa, nội bộ chính quyền chia rẻ, xã hội rối loạn . . . là nguy cơ tiêu vong của thể chế chính trị mà nó đang tồn tại. (Rạch Giá ngày 25-08-2019)
--------------------------
    38. Liên kết với kẻ thù của kẻ thù, là phương sách hữu hiệu nhất, để tạo sức mạnh chống lại kẻ thù. (Rạch Giá ngày 24-08-2019)
--------------------------
      37. Những gì mà Trung Quốc ứng xử với Việt Nam từ sau  ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay cho thấy: Xu hướng "thoát Trung" là mệnh lệnh của yêu cầu lịch sử đặt ra. (Rạch Giá ngày 23-08-2019) 
---------------------------
     36. Người phê phán kẻ xấu không hẳn là người tốt, nhưng  nếu ai đó chê trách người tốt, chắc chắn họ là kẻ xấu (Rạch Giá ngày 09-08-2019) 
--------------------------
     35. Là cán bộ, anh tận tụy phục vụ Dân, Dân tạc lòng ghi dạ; Anh hành xử ác, Dân mãi mãi căm hờn. Đó là điều tất yếu ở đời. (Rạch Giá ngày 8-08-2019)
--------------------------
     34. Cái thật của sự thật; Cái thật của giã dối trên không gian mạng phong phú và đa dạng hơn nhiều so với quan hệ truyền thống (Rạch Giá ngày 29-07-2019)
-----------------------
     33. Người Cán bộ tốt, luôn luôn nghĩ về quá khứ đau thương của Dân tộc để làm tròn trách nhiệm và không bao giờ vụ lợi cho mình hay gia đình dòng họ mình (Rạch Giá 27-07-2019)
------------------------
      32. Pháp trị bằng uy quyền. Đức trị bằng Nhân tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh thu phục được lòng Dân bởi Nhân tâm, đó là Đức trị (Rạch Giá ngày 26-07-2019)
-----------------------
      31. Nhiều người thân thiện với bạn bất cứ trong hoàn cảnh nào, nhưng cũng lắm kẻ xa lành quay lưng khi bạn không còn chức, hoặc lúc họ có quyền thế, đó là bọn xu nịnh cơ hội. (Rạch Giá ngày 20-07-2019)
-----------------------
   30. Tiền rất cần cho cuộc sống, nhưng đừng vì nó mà đánh đổi tất cả; Hãy đến với đồng tiền bằng con đường thẳng ngay chân chính. (Rạch Giá ngày 15-06-2019)
--------------------------
      29. Hãy mặc định thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày để không bị lỗi khi tuổi về già sau này (Rạch Giá ngày 09-06-2019)
--------------------------
     28. Luôn luôn học tập và tiếp thu cái tốt đẹp chung quanh ta là phương thức hữu hiệu nhất để hoàn thiện bản thân minh (Rạch Giá ngày 09-06-2019).
--------------------------
     27. Khi nhóm lợi ích định vị được quyền lực, chúng sẽ thao túng bằng định chế pháp lý để trục lợi. Đó là nguy cơ lớn nhất của đất nước (Rạch Giá ngày 29-05-2019).
--------------------------
     26. Những người thích lừa dối người khác, sớm muộn gì rồi cũng sẽ ăn quả "đắng" (Rạch Giá ngày 28-05-2019)
--------------------------
     25. Lịch sử đã chứng minh: Điều gì hợp lòng Dân, Dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ; Cái gì phản động hại Dân, họ kiên quyết đầu tranh chống lại đến cùng (Rạch Giá ngày 25-05-2019). 
--------------------------
     24. Gần gũi thân thiện với người tốt, bạn học được điều hay lẽ phải; Giao du với kẻ xấu, bạn có nguy cơ gánh lấy tai họa vào thân (Rạch Giá ngày 21-05-2019)
--------------------------
    23. Người không có ý thức tự trọng sẽ không biết hối hận khi nhận ra lỗi lầm sai trái của mình (Rạch Giá ngày 20-05-2019).
--------------------------
     22. Uy tính của Đảng và Nhà nước, bắt nguồn từ đảng viên và cán bộ; Nếu họ nhũng nhiễu, hối lộ, tham ô, không hành động vì Dân . . . thì chính họ là kẻ phá hoại Đảng và Nhà nước chứ không ai khác (Rạch Giá ngày 19-05-2019).
-------------------------
     21. Muốn làm người "Tử tế", hãy nhìn về quá khứ, soi gương cha ông, là cách tốt nhất để hoàn thiện minh.(Rạch Giá ngày 17-05-2019)
---------------------------
     20. Những người có đầu óc bảo thủ, không bao giờ họ muốn nghe những ý kiến của người khác trái chiều với họ (Rạch Giá ngày 16-05-2019).
--------------------------
    19. Quan liêu là mãnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát sinh, tồn tại và phát triển; Lãnh đạo không sâu, không sát là điều kiện để cấp dưới lộng quyền (Rạch Giá ngày 13-05-2019).
---------------------------
      18. Nhà nước là một thiết chế quyền lực để bảo đảm công bằng trong xã hội, đòi hỏi nhân viên công vụ phải thật sự có tâm và có tầm, thì Nhà nước mới hoàn thành sư mạng lịch sử của minh. (Rạch Giá ngày 09-05-2019)
--------------------------
      17. Tổng số tiền trợ cấp kháng chiến cho một CCB, không bằng giá trị một chai rượu người ta đặt trên bàn tiệc lợi ích nhóm. (Ngày 01-05-2019)
--------------------------------
    16. Chỉ có thể loại trừ Tham nhũng Quan liêu, bằng cuộc thanh lọc cán bộ triệt để và cơ cấu lại hệ thống chính trị hợp lý. (Rạch Giá ngày 27-04-2019)
---------------------
      15. Lòng tin là nền tảng chính trị. Đảng chỉ có thể thiết lập lâu đài bền vững khi tạo được lòng tin trong Nhân dân, thông qua phẩm chất trong sáng và hành động tận tụy với Dân của đảng viên (Phước Long Bạc Liêu ngày 10-04-2019).
------------------------
     14. Ghen, ghét, giận, hờn, buồn, chán . . . là những trạng thái tâm lý tiêu cực; Nếu tránh được, bạn sẽ thấy tâm hồn mình thanh thản vô cùng (Rạch Giá ngày 3-04-2019).
----------------------
      13. Ta nên sống chân tình với mọi người, nhưng phải tỉnh táo phân biệt người tốt kẻ xấu, để ứng xử cho thích hợp (Rạch Giá ngày 02-04-201).
----------------------
     12. Ý tưởng như bào thai đã định hình. Nếu biết nuôi dưỡng chăm sóc, nó sẽ cho ra đời một sản phẩm sang tạo hoàn mỹ (Rạch Giá ngày 01-04-2019).
---------------------
       11. Chính quyền mà không chuyên chính, thì cái xấu, cái ác vẫn tồn tại, lòng Dân bất an và niềm tin của mọi người vào Nhà nước bị phai nhạt. (Rạch Giá ngày 30-03-2019)
-------------------
     10. Chữ "Ân" ai đó đừng quên - Chữ "Tình" càng phải giữ bền mai sau - Không vì tiền thấp bạc cao - Mà đem nhân nghĩa ném vào hư vô. (Rạch Giá tối 25-03-2019)
-----------------
       9. Ở đời, Điều gì mình không ưa thích, thì đừng bắt người khác phải gành chịu. (24-03-2019)
----------------------
      8. Những người lính đã đi qua chiến tranh, kể cả từ hai phía, sẽ không có một ai muốn bước lại lần thứ hai.
(Trả lời câu hỏi của một người bạn trên FB 18-03-2019)
-------------------------
     7. Ở nơi nào còn có Quan tham ngự trị  trên quyền lực, thì nơi đó xã hội luôn bất an. (20-03-2019)
----------------------------------
       6. Trong một lần đàm đạo, một người bạn đã đưa ra câu nói thế này: "Tiền là phương tiện của người thông minh, là mục đích của thằng ngu xuẩn" (17-03-2019)
---------------------------------
      5. Thẩm phán như Cha Mẹ với con Dân. Thẩm phán chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh của minh khi có được nhân cách tốt và một trí tuệ hoàn hảo. (18-03-2019)
----------------------
       4. Người cao thượng, luôn thể hiện cái tốt bằng những việc tốt của mình. Kẻ thấp hèn, thường lấy cái xấu của người khác để cho rằng mình tốt.(18-03-2019)
------------------
     3. Nếu bạn đến với Luật sư, bạn sẽ nhận được lời khuyên bổ ích, giúp tránh rủi ro khi tham gia vào các giao dịch trong xã hội.(18-03-2019)
------------------       
    2. Những người hay nói xấu người khác trước mặt bạn, sẽ có ngày họ nói xấu bạn trước mặt người khác. (14-03-2019)
-------------------
      1. Nếu nhận thấy người mà bạn quan tâm có dâu hiệu không còn thân thiện, cách tốt nhất: Ngừng mọi giao tiếp để không làm phiền họ. (16-03-2019)

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

THÀNH PHỐ LONG XUYÊN

      Từ tầng 9 nhà khách UBND tỉnh An Giang, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi quan sát thành phố Long Xuyên bên dòng sông Hậu, chìm đắm trong ánh bình ban sáng hay lúc nóng bỏng nắng trưa. . .
(Những Clip ghi ngày 9-3-2019)



Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH

DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH, MỘT LOẠI HÌNH VĂN HÓA PHI VẬT THỂ, ĐÃ ĐƯỢC TỔ CHỨC VĂN HÓA LIÊN HIỆP QUỐC (UNECO) CÔNG NHẬN LÀ MỘT DI SẢN VĂN HÓA NHÂN LOẠI.
(Những Clip Thiên Tân ghi tại khách sạn Hoàng Gia Bắc Ninh trong kỳ họp Hội đồng Luật sư toàn Quốc lần thứ V nhiệm kỳ I tháng 08 năm 2010)