Ngày 16 - 10 - 2013, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2013). Về dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện một số cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc ở Trung ương, đại diện một số tổ chức nước ngoài có liên quan, cùng toàn thể các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn Quốc. Buổi lễ được Đài truyền hình Quốc gia (VTV 1) truyền hình trực tiếp từ 8 giờ đến 9 giờ cùng ngày.
THIÊN TÂN giới thiệu diễn văn của Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đọc tại buổi lễ và một số hình ảnh để các bạn cùng xem.
BÀI PHÁT BIỂU CỦA LUẬT SƯ LÊ THÚC ANH
Kính thưa đồng chí Nguyễn
Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí Lãnh
đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và toàn thể các vị khách quý
trong và ngoài nước,
Thưa các luật sư đồng nghiệp,
Tại buổi lễ trọng thể này,
chúng ta bày tỏ lòng thương tiếc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò
xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam,
chúng ta rất tự hào vì trong đội ngũ luật sư đã có những đồng chí đã từng là Bộ
đội Cụ Hồ dưới sự chỉ huy tài ba, thao lược của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ
Nguyên Giáp.
Trong buổi lễ trọng thể hôm nay, chúng ta nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, người rất quan tâm, chỉ đạo và có những quyết định quan
trọng đến sự phát triển của đội ngũ luật sư Việt Nam, đặc biệt là từ khi thành
lập Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Thưa Thủ tướng, các vị khách quý và các luật sư đồng nghiệp.
Hôm nay, trong không khí
trang trọng của buổi Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận
Ngày truyền thống luật sư Việt Nam - Ngày 10 tháng 10 hàng năm, cho phép tôi
thay mặt Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Hội đồng luật sư toàn quốc và Lãnh đạo Liên
đoàn Luật sư Việt Nam xin trân trọng gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà
nước; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể ỏ Trung ương và địa
phương và toàn thể các vị khách quý trong và ngoài nước lời chào mừng và cảm ơn
chân thành nhất của đội ngũ luật sư Việt Nam.
Cách đây 68 năm - Ngày 10
tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn
thể luật sư, khai sinh nghề luật sư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là
nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng không chỉ đối với giới luật sư Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng góp
phần đặt nền móng cho nền tư pháp XHCN của dân, do dân, vì dân mà Đảng và Nhà
nước ta đã và đang phấn đấu xây dựng và hoàn thiện.
Nhìn lại quá trình lịch sử,
không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 10/10/1945 để ký Sắc
lệnh về Tổ chức đoàn thể luật sư. Trước đó 16 năm, ngày 10/10/1929, thực dân
Pháp đã tuyên án tử hình đối với Bác. Năm 1931, Bác bị bắt ở Hồng Kông, Luật sư
Frank Loseby đã tích cực sử dụng các biện pháp pháp lý ngăn cản thành công việc
thực dân Pháp can thiệp với nhà cầm quyền ở Hồng Kông đã trục xuất Nguyễn Ái
Quốc về Việt Nam để họ thực hiện bản án tử hình đối với Bác. Nhờ có sự tận tâm
giúp đỡ của Luật sư Frank Loseby, Bác đã tránh được án tử hình, tiếp tục lãnh
đạo Đảng và nhân dân ta cứu đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Nhận
thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của nghề luật sư trong sứ mệnh bảo vệ
công lý, công bằng xã hội, chỉ 38 ngày sau khi đất nước giành được độc lập
(10/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể
luật sư. Cũng với nhận thức và tư tưởng đó, Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980,
1992 và các đạo luật về tố tụng đã được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ trong
tố tụng, trong đó có việc tăng cường bảo đảm quyền bảo chữa, bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trước Toà án và các cơ quan tiến hành
tố tụng. Tiếp theo đó, Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, Pháp lệnh luật sư
năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012) đã quy định cụ thể về luật
sư và hành nghề luật sư phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn xây dựng và phát
triển của đất nước, khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của nghề luật sư,
của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong phát
triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Từ ngày 10/10/1945 lịch sử
đó, trải qua gần 70 năm, đội ngũ luật sư Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử
thách, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để ngày càng khẳng
định vai trò, vị trí của nghề luật sư trong xã hội, góp phần xứng đáng cho sự
nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều
luật sư đã nêu cao tấm gương hy sinh quả cảm như Luật sư Thái Văn Lung đã anh
dũng hy sinh trên chiến trường từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; các
luật sư đã mang hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết góp phần xứng đáng vào thắng
lợi chung của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng một nền tư pháp dân
chủ. trong sạch, vững mạnh. Giới luật sư Việt Nam sẽ mãi mãi tự hào và biết ơn
đối với các luật sư tiền bối như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phan Văn Trường, Phan
Anh, Phạm Văn Bạch, Vũ Đình Hoè, Trần Công Tường, Trịnh Đình Thảo và nhiều luật
sư tiêu biểu khác.
Phát huy truyền thống tốt
đẹp đó, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong giai đoạn cách mạng
mới, đội ngũ luật sư Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng, phấn đấu thực hiện tốt
sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của nghề luật sư. Đặc biệt, những năm gần đây,
đội ngũ lụât sư nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.
Với hơn 8000 luật sư chính thức, 3500 người tập sự hành nghề luật sư và trên
3000 tổ chức hành nghề luật sư đang sinh hoạt và hành nghề trong 63 Đoàn luật
sư địa phương trên cả nước, hàng năm, đội ngũ luật sư nước ta đã cung cấp một
số lượng lớn các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội, thông qua hoạt động tham
gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, đội ngũ
luật sư không những đã có những đóng góp tích cực cho công tác tư pháp nói
chung, hoạt động xét xử nói riêng, mà còn là nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển
các quan hệ kinh tế thị trường và hội nhập theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc
tranh tụng tại phiên toà, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ
trọng tâm của cải cách tư pháp.
Kính thưa quý vị,
Liên đoàn luật sư Việt Nam
được thành lập tháng 5/2009 đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà
chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; đã bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn và duy trì, phát huy các chuẩn mực đạo đức của nghề luật sư; thực
hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư; đánh dấu sự
trưởng thành vượt bậc của đội ngũ luật sư nước ta. Kết quả đó được Đảng, Nhà
nước, nhân dân, giới luật sư đánh giá cao, bạn bè quốc tế mến mộ. Đạt được
những kết quả như trên là nhờ có sự định hướng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh thể hiện qua Sắc lệnh 46/SL, sự kế thừa và quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ
trợ của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ở Trung ương, đặc
biệt là Bộ Tư pháp đã có công đào tạo và xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam, sự
quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ chính quyền địa phương và sự nỗ lực phấn đấu
của các luật sư, các Đoàn luật sư dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đoàn
Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Ước nguyện của đội ngũ luật
sư Việt Nam mong muốn có một Ngày kỷ niệm truyền thống hàng năm như một dịp
tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu; đồng thời là dịp để ôn lại và phát huy những truyền
thống vẻ vang của nghề luật sư; học hỏi các thế hệ đi trước; củng cố và
tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng và Bác
Hồ, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của giới luật sư trong sự
nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN,
bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần phát triển kinh tế của đất nước.
Từ đó, mỗi luật sư ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn,
đạo đức nghề nghiệp, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc; tiếp tục phát huy vai trò của người luật sư trong thời kỳ đổi mới, luôn
ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nguyện suốt đời
đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.
Trước những thành công ngày
hôm nay và tương lai phát triển của nghề luật sư, giới luật sư Việt Nam luôn ghi nhớ ngày 10/10/1945 là mốc son lịch
sử đánh dấu sự ra đời và trưởng thành của đội ngũ luật sư Việt Nam.
Tự hào về Ngày truyền thống vẻ vang của mình, toàn thể luật sư Việt Nam chúng
ta hãy đoàn kết, vững bước tiến lên.
Thay mặt Đảng Đoàn Liên đoàn
luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc, trong buổi lễ
trang trọng này, tôi xin kính chúc đồng chí Thủ tướng, các đồng chí đại diện
Ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các vị khách quý, các tổ chức và bạn bè
quốc tế, cùng các luật sư đồng nghiệp dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biếu tại buổi lễ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào các đại biểu dự lễ
Luật sư Lê Thúc Anh trả lời phỏng vấn Đài truyền hình
68 Luật sư trẻ, tượng trưng 68 năm ngày Bác Hồ ký Sắc luật 46 công nhận Đoàn thể Luật sư hoạt động dưới chế độ mới: VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (Nay là CHXHCN Việt Nam). Trong ành đại diện thế hệ trẻ Luật sư Việt Nam phát biểu.
Biểu diển Hợp xướng do 68 Luật sư trẻ trình bày.
Một số tiết mục do Đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp của Nhà hát lớn Hà Nội trình bày
Một số tiết mục ca múa do chính các Luật sư của Đoàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ biểu diển. Tính nghệ thuật của những tiết mục này không thua kém các diển viên chuyên nghiệp biểu diển.
Trước Nhà hát lớn Hà Nội