Giá trị chân lý không phải lúc nào cũng được sáng tỏ khi mà: Vì lẽ này hay lẽ khác, người ta cố tình bưng bít, bóp méo sự thật, làm cho người trong cuộc phải khổ sở bởi những người có chức năng trong hoạt động tư pháp, thiếu tâm và tầm. ĐCT đã đeo đuổi một vụ án có dấu hiệu oan sai hơn 4 năm, đã qua 3 lần xét xử (trong đó cấp phúc thẩm đã hủy một lần), nhưng vụ án vẫn chưa kết thúc, bởi cấp sơ thẩm lần hai Tòa vẫn kết tội Bị cáo.
Thiên Tân giới thiệu toàn văn Luận cứ bào chữa của ĐCT, xin mời các bạn nghiên cứu, nhất là các đồng nghiệp.
Chú ý: Tên địa phương và tên Bị cáo đã được thay đổi.
----------------------
LUẬN CỨ BÀO CHỮA
(Sơ thẩm lần 2)
----------
Nghiên cứu các hồ sơ tài liệu mà cơ quan điều
tra bổ sung sau khi bản án sơ thầm xét xử lần trước bị cấp phúc
thẩm hủy, tôi nhận thấy không có chứng cứ gì mới hơn, rõ ràng hơn,
để chứng minh Danh Pha là người gây thương tích cho Phạm Văn Da, mà Cáo
trạng đã qui kết buộc tội. Ngược lại, trong những chứng cứ ấy còn
bộc lộ hằng loạt những mâu thuẫn, cho thấy có một số nhân chứng đã
cố tình khai báo gian dối, nhằm mục đích buộc Danh Pha phải chịu
trách nhiệm trong vụ án này.
Điều mà chúng ta muốn đạt được, phải là kết quả
của giá trị chân lý được chứng minh bằng những chứng cứ sát thực chỉ ra được
người thực hiện hành vi phạm tội một cách đúng đắn, nhằm bảo đảm xử lý đúng
người đúng tội, không làm oan người ngay tình.
Với ý nghĩa đó, trước phiên Tòa hôm nay, tôi xin
trình bày Luận cứ cùa mình để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị cáo Danh
Pha vô tội với nội dung như sau:
Cáo trạng mô tả: “Danh
Pha lao tới dùng tay đánh mạnh
trúng vào vùng mặt của Da một cái làm Da té úp mặt xuống nền đất
nơi có nhiều gạch ống bị vỡ và bị ngất đi”. Sự mô tả này
chỉ mang tính suy đoán, chứ không phải là một mệnh đề khẳng định.
Nếu suy đoán rằng do Pha đánh Da té xuống bị mãnh vỡ của gạch cắt
đứt thì không khách quan bởi lẽ:
Thứ nhất: Biên bản hiện trường do Công an huyện
Trung Nhất lập lúc 7 giờ 30 sáng ngày 16 tháng 02 năm 2015 (sáng hôm sau đêm sảy ra vụ án) xác định: “Tại
hai hiện trường vụ cố ý gây thương tích không phát hiện đồ vật, tài
liệu gì có liên quan vụ án”. Những mãnh vỡ nói trong Cáo
trạng chỉ dựa vào lời khai của một số người trình bày sau này,
không có vật cụ thể nào được thu thập có vết máu và tương thích
với vết thương trên mặt của Da (lời khai các người thấy có mãnh vở
của gạch cũng không thấy có mảnh nào có vết máu).
Thứ hai: Xét về cơ học. Nếu Da có té trúng
vào mãnh vở của gạch thì không đủ lực gây ra vết cắt gọn, đứt cả
xương sụn ở mi trên và mi dưới của mắt, bởi mãnh vỡ không cố định,
không đủ lực tựa làm trụ (phân tích).
Thứ ba: Nếu Pha đánh trúng mặt, tức đánh từ
phía trước, thì theo chiều thuận, Da phải ngả ngửa ra phía sau chứ
không thể té úp mặt xuống đất (Phân tích)
Thứ tư: Nếu Pha dùng tay đánh mạnh vào mặt của
Da đến mức làm cho Da té, thì chắc chắn trên mặt của Da sẽ để lại vết bầm do tụ máu dưới da, thế nhưng trong bệnh án không có ghi
nhận điều này (phân tích).
Thứ năm: Một loạt các lời khai của Bị hại,
Nhân chứng không thống nhất với nhau và mâu thuẫn ngay chính của từng
người. Ví du:
Về Pha đánh Da: Trong các Biên bản ghi lời khai,
Phạm Văn Da khai đang đứng thì bị Pha nhào lại đánh thẳng vào mặt,
nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-10-2016, Da lại khai: “Lúc
đó Bị cáo Pha đánh nhau với Tha, tôi can ngăn thì bị bị cáo Pha quơ tay
đánh trúng mặt tôi một cái, tôi không biết trong tay Bị cáo có cầm
vật gì không, vì trời tối không có đèn.”. Nếu Pha có đánh
thật thì tại sao lại có hai trạng thái đánh khác nhau trong lời khai
của Da?
Năm vấn đề trên đây cho thấy, Cáo trạng của
Viện Kiểm Sát huyện Trung Nhất qui kết Danh Pha là người gây thương
tích cho Phạm Văn Da là không có cơ sở khách quan.
Bị cáo Danh Pha có phải là thủ phạm gây ra vết thương
cho Phạm Văn Da hay không, tôi làm rõ những tình tiết sau đây để Hội đồng xét
xử có cơ sở xem xét.
Theo Hồ sơ bệnh án của Phạm Văn Da do Bệnh viện đa
khoa trung ương Cần Thơ cung cấp, trong tất cả các trang xác định nguyên nhân
vết thương đều ghi bị chém. Cụ thể tại bút lục 76 (321), bản vẽ thể hiện là một
đường đứt hình thẳng chéo ngang mắt và mặt sau bút lục này ghi rõ “vết
thương do dao chém”. Tại bút lục 73 cũng ghi rõ: “Bệnh nhân khai bị người khác chém vỡ nhản
cầu” (Lưu ý bệnh nhân khai)
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã nhiều
lần trưng cầu giám định pháp y ở hai cơ quan là Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên
Giang và Phân viện Pháp y TP HCM, cả hai cơ quan này đều kết luận vật gây
thương tích cho nạn nhân Phạm Văn Da “là vật sắc” (bén), đồng thời trong
bút lụt 153, Giám định viên Ngô Minh Trang, thuộc Trung tâm giám định pháp y
Kiên Giang cũng trình bày nội dung giám định là khách quan và khẳng định: vết
thương của Phạm Văn Da do vật sắc gây nên.
Tại phiên Tòa Phạm Văn Da khai: “bị cáo vô tình quơ tay ngang trúng vào mắt dẫn đến gây thương tích”.
Nếu phân tích về cơ chế gây ra vết thương, thì cái quơ tay ấy và giã định Bị
cáo có đánh thẳng vào mặt của Da đi nửa, cũng không thể gây ra vết thương như
Bệnh án và kết luận giám định đã mô tả mà tôi đã phân tích ở trên.
Chỉ riêng hai nguồn chứng cứ mang tính khoa học mà
tôi diện dẫn và phân tích trên đây, cũng đủ căn cứ xác định bị cáo Danh
Pha không thể là thủ phạm gây ra vết thương cho Phạm Văn Da.
Vấn đề tiếp theo cần phải xem xét đến, đó là sự việc
xung đột đánh nhau tại đâu và Phạm Phol La đem dao đến hiện trường duy nhất có
một lần như La đã trình bày hay là hai lần?
Căn cứ lời khai của Bị hại và các nhân chứng cho
thấy: Có hai lần xung đột đánh nhau ở hai vị trí khác nhau và hai lần Phạm Phol
La đem dao đến hiện trường. Điều này thể hiện ngay trong Sơ đồ hiện trường có
hai vị trí đánh nhau, một vị trí cách nhà Phạm Văn Da vế phía nhà của Phạm Phol
La 35m và một vị trí sát nhà của Da về phìa nhà của ông Danh Nhung.
Theo lời khai của ông Danh Chọn tại bút lục số 95, 96
và bút lục số 120, 130 cũng như trong
phần xét hỏi tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 27-10-2016, cho thấy Phạm Phol La
có hai lần đem dao đến hiện trường. Lần thứ nhất La lấy dao trong nhà của Da bị mọi người giật lại, sau đó La quay về nhà của mình lấy tiếp con dao thứ hai chạy đến đòi chém Danh
Tuấn và đã chém đại vào chỗ đám đông người, nhưng không biết trúng ai. Lời khai
của ông Danh Chọn xác định có hai lần Phol la mang dao đến hiện trường là có căn
cứ, phù hợp với chính lời khai của Phạm Phol La và bị hại Phạm Văn Da cũng như
nhiều lời khai khác.
Tại mặt sau bút lục 200, trong Biên bản ghi lời khai
ngày 05-05-2015, Phạm Phol La khai: “Trong
lúc nóng giận và có rượu, tôi mới chạy vào nhà Phạm Văn Da lấy một cây
dao làm cỏ định chém Danh Tuấn, Danh Ét (Đanh Pha), tôi
chạy ra thì anh Phạm Văn Da giật lấy cây dao và đẩy tôi về”. Tại mặt
sau bút lục 197, trong Biên bản ghi lời khai ngày 02-03-2015, Phạm Văn Da khai:
“Tôi
chạy ra can ngăn, tôi thấy trong tay em tôi có cầm một con dao và tôi lấy con
dao giục xuống ruộng… Đây
là lần thứ nhất Phạm Phol La lấy dao đã bị Da giật quăn xuống ruộng.
Tại mặt sau bút lục 98, trong Biên bản ghi lời khai
ngày 06-08-2015, Phạm Phol La khai: “Khi được can ra tôi mới chạy về nhà lấy
cây dao (nhà tôi cách nhà anh Da khoản 10 mét) quay trở lại khi đến phía sau
nhà của anh Da thì tôi bị anh Tha và ông Danh Nhung (Danh Nhung là
cha vợ của anh Da) đè tôi giật lấy cây dao và ném bỏ xuống ruộng”.
Trong phần xét hỏi tại phiên Tòa sơ thẩm ngày
27-10-2016, ông Danh Nhung trình bày: khi nghe la nên ông chạy lại thì thấy
Pạm Phol La đang cầm dao, sợ Phol La chém người nên ông cùng Phạm Văn Tha khống
chế Phol La lấy dao, sau đó vào nhà thì thấy Phạm Văn Da bị thương đang nằm
trên giường. Lời khai này phù hợp với lời khai của ông trước đó có ở mặt sau
bút lục 89, trong Biên bản ghi lời khai ngày 30-09-2015 và phù hợp với lời khai
của Phol La như tôi đã trích dẫn ở trên.
Tại mặt sau bút lục 121, trong Biên bản ghi lời khai
ngày 01-10-2015, Thị Thơm khai: “Tôi đang ở trong nhà của cha tôi khoản 21
giờ ngày 15-02-2015, thì tôi nghe chị tôi, vợ anh Phạm Văn Da la lên và nói
chồng tôi bị chém lòi mắt rồi sao không ai đưa đi bệnh viện. Khi nghe vậy nên
tôi mới chạy từ nhà tôi qua nhà của anh Phạm Văn Da, tôi thấy cha tôi và anh
Phạm Văn Tha (Tha là anh của Da và La) đang đè Phạm Phol La xuống
đất lấy dao, lúc này tôi mới đi vào nhà của anh Da thì thấy anh Da đang nằm
trên giường nhà trước của Da, mắt bị thương ra nhiều máu…”.
Qua các lời khai nhân chứng và của chính Phạm Phol La
đã thể hiện có hai lần lấy dao, một lần tại nhà của Phạm Văn Da, bị Da lấy
quăn xuống ruộng và sau đó tiếp tục chạy về nhà của mình lấy dao mang lại hiện
trường. Cáo trạng cũng như Luận tội mà Kiểm sát viên trình bày đã không chứng
minh vấn đề này và đây là một khiếm khuyết làm thay đổi bản chất của vụ án dẫn
đến khả năng xử lý không đúng người thực hiện hành vi phạm tội.
Vấn đề đặt ra, thủ phạm gây ra vết thương cho Phạm
Văn Da là ai?
Theo phương pháp suy đoán lô gic, chỉ có thể Phạm
Phol La là người thực hiện hành vi gây thương tích cho Phạm Văn Da, do chém
nhầm chứ không thể ai khác, và càng không thể do Danh Pha Pha gây ra, bởi các
lẽ sau đây:
Thứ nhất: Mô tả trong bệnh án và Kết luận giám định
mang tính khoa học, mà đã là khoa học thì giá trị chân lý là tuyệt đối.
Thứ hai: Lời tự nhận của bệnh nhân Phạm Văn Da trong
Bệnh án: bị người khác chém, lời khai của nhân chứng Thị Thơm nghe vợ
của Da la: chồng tôi bị chém lòi mắt rồi sao không ai đưa đi bệnh viện và
nhân chứng Danh Chọn đã nhìn thấy La chém vào đám đông người.
Thứ ba: Thời điểm ông Danh Nhung và Phạm Văn Tha tước
đoạt dao của Phol la sau khi Phạm Văn Da đã bị thương.
Từ những căn cứ phân tích trên đây, tôi đề nghị Hội
đồng xét xử tuyên bố bị cáo Danh Pha không phạm tôi Cố ý gây thương tích.
Đồng thời tôi đề nghị Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, ra Quyết định khởi tố Phạm
Phol La, tiến hành điều tra đưa ra xét xử theo qui định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ Luận cứ bào chữa cho Bị cáo
Danh Pha, tôi rất mong Hội đồng xét xử xem xét.