Translate

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

MỘT TRẬN ĐÁNH Ở U MINH

Ảnh trên: Những người đã tham gia trận đánh. Trong đó có anh Phạm Hồng Lợi (Người ngồi đầu bên trái) sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng (hiên anh đã nghỉ hưu sống ở Cần Thơ)
MỘT TRẬN ĐÁNH Ở U MINH (*)
--------------
                                                          Đoàn Công Thiện
Cách nay 49 năm, vào đêm 5 rạng 6 tháng 11 năm 1969, tại thị trấn Thứ Mười Một thuộc huyện An Minh Kiên Giang ngày nay, đã diễn ra một trận tập kích váo Quân đối phương của Quân Giải Phóng miền Tây Nam bộ.
Thứ Mười Một là nơi Quân đối phương đặt Sở Chỉ huy Lữ đoàn B Thủy Quân Lục Chiến, thuộc lực lượng tinh nhuệ cấp Trung ương, được tăng cường từ Sài Gòn xuống vùng 4 Chiến thuật, nhằm thực hiện chiến dịch “Nhổ Cỏ U Minh” (Theo cách gọi của đối phương). Tại thời điểm diễn ra trận đánh,  ở căn cứ này có khoản trên dưới 700 quân, gần 10 tàu chiến (có 1 Tiểu pháo hạm) và 6 khẩu pháo (có 1 khẩu 155 ly). Đây là nơi có mật độ quân tương đối đông, phương tiện chiến tranh tập trung.
Đơn vị chúng tôi (Đại đội cao xạ 12 ly 7 Tiểu đoàn 2311 QK9), được cấp trên điều động phối thuộc cho Trung đoàn 1 U Minh tham gia trận đánh này.
Đối với những người Chiến sĩ chúng tôi, khát vọng giải phóng quê hương, giải phóng đất nước như một ngọn lửa luôn âm ỉ cháy và bùng lên mãnh liệt khi cơ hội đến. Chính vì vậy, khi biết mình được trực tiếp tham gia trận đánh, ai cũng náo nức, hâm hở với một tâm trạng lạ thường. Không ai bảo ai, mỗi người đều lo phần việc của mình, tất cả đều sẵn sàng với một quyết tâm chiến thắng.
Khoản 5 giờ chiều chúng tôi có lệnh xuất phát. Con đường hành quân vượt qua bao làng xóm xơ xác, tiêu điều bới bom pháo của đối phương trút xuống; Những ngôi nhà hoang vắng, không chủ nằm dọc theo bờ kênh . . . gợi lên trong chúng tôi một nỗi đau day dứt . . .
Trời xẩm tối, chúng tôi đến ngã tư Rọ Ghe, rồi quẹo lên ngọn kênh. Rừng U Minh mịt mù trong đêm tối; Sao trời nhấp nháy, ánh sáng yếu ớt hắt xuống không soi rõ đường hành quân; Xuồng sau bám theo xuồng trước, cứ thế lần trong lung cạn mà đi. Khoản 24 giờ chúng tôi đến ngoại vi căn cứ đối phương, đơn vị chia nhau về vị trí đã định. Tôi là Y tá, được phân công đi theo Khẩu đội có nhiệm vụ iễm trợ cho Pháo DKZ bắn trực xạ vào mục tiêu đối phương.
Mươn cạn, xuồng phải nhích dần, vào sâu bên trong chừng 200m, chúng tôi lên bờ đào Công sự phòng không. Lúc này một đơn vị của Tiểu đoàn 307 cũng bỏ xuồng lên bộ đi vào trong. Đào xong công sự, chúng tôi chuyển súng đạn lên vác bộ bán theo Trinh sát vào tiếp cận mục tiêu.
Sắp đến vị trí đặt súng thì bất ngờ, có hai tiếng nổ lớn phát ra từ bên kia sông xáng, hướng của Trung đoàn 2 đảm nhận, tiếp theo là mấy loạt tiều liên nổ vang, Pháo sáng của đối phương bắn lên cháy sáng rực, một lúc sau tiếng máy tàu ầm ầm phát ra cùng với tiếng người la ó nhốn nháo trong căn cứ.
Lộ là cái chắc, tôi nghĩ như vây. Chúng tôi khẩn trương tiếp cận vị trí đặt súng. Đến nơi chúng tôi đã thấy các anh Pháo DKZ đang lắp súng ngay trên nhà sàn của Dân bỏ trống và tháo vách lá để tránh cháy nhà khi bắn. Khẩu 12 ly 8 của chúng tôi cũng được anh em lắp đặt ngay trên mặt lộ, cách khẩu DKZ chừng 10 mét. Nơi chúng tôi đặt súng chỉ cách mục tiêu khoản 150m. Dưới ánh pháo sáng, chiếc Tiểu pháo hạm trắng toát, to xù, đậu choáng một khoản sông rộng, phía trên cắm hai là cờ ủ rủ không lay động (Cờ Mỹ và Cờ chính quyền Sài Gòn). Đạn đã lên nòng, tầm ngắm được cố định, tất cả chúng tôi hồi hộp chờ lệnh phát hỏa.
Một lúc sau có thông tin cho hay ta bị lộ, anh em Bộ binh đang tìm cách tiếp cận Sở Chỉ huy đối phương. Trong chiến thuật đánh tập kích, yếu tố bí mật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Có thể nói, nó quyết định cho thành bại của trận đánh, nếu bị lộ thì khả năng thất bại và thương vong nhiều có thể sảy ra, nên chúng tôi ai cũng rất lo lắng .. .
Đến khoản hơn 2 giờ, từ phía sau cứ điểm (nơi đặt Sở Chỉ huy Trung đoàn 1 U Minh), một phát pháo hiệu màu đỏ vọt lên, lập tức các loại hỏa lực của ta, đồng loạt dội vào căn cứ đối phương trên hai bờ sông. Tiếng nổ của Binh khí hổn độn, dồn dập, không còn nghe được gì khác. Khẩu DKZ bắn ngay một quả trúng chiếc Tiểu pháo hạm, anh em reo lên rồi lắp đạn bắn tiếp. Khẩu 12 ly 8 của chúng tôi cũng nhả từng điểm xạ ngắn, những chùm đạn cắm vào tàu đối phương  vọt lên đỏ lừ . . . Cứ thế cả hai bên (DKZ và 12 ly 8) thi nhau bắn vào các mục tiêu trên sông.
Trong căn cứ của đối phương, súng tiểu liên AK, Thủ pháo, P40, P41 nổ không ngớt, ánh chớp liên tục lóe lên, súng phun lửa phóng ra những chùm lửa sáng xanh phủ lên cá nhà dã chiến, trùm lên Tàu . . . Bên kia sông, Trung đoàn 2 cũng đang phát triển đánh trên toàn tuyến, hỏa lực dội vào khu vực Pháo binh nổ dữ dội. Từ Cả Bát, Pháo của đối phương bắt đầu bắn chi viện, đạn pháo nổ khu vực Chỉ huy sở của Trung đoàn, nhưng được một lúc rồi ngưng (sau này mới biết cụm pháo đó bị Pháo của D 2311 bắn trúng).
Bị hỏa lực của ta khống chế áp đảo, chúng chỉ sử dụng được 1 khẩu 12 ly 7 và súng M 79 dây bắn lại, nhưng chỉ trong chốc lát thì bị khẩu DKZ bắn trúng vô hiệu, chỉ còn tiếng súng bộ binh và lựu đạn nổ bên trong căn cứ. Trận đánh diễn ra chừng 40 phút thì tiến súng thưa dần, chúng ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Lúc này, có hai chiếc trực thăng từ Cần thơ bay xuống quần đảo được vài vòng, bị súng phòng không của ta bắn lên, chúng tắt đèn rồi bay đi mất.
Trời sáng dần, chúng tôi được lệnh rút về căn cứ. Trên đường rút Quân, máy bay của đối phương cũng kịp thời bay đến, quần đảo gần sát đọt Tràm, bắn loạn xạ xuống rừng, những loạt đạn đại liên cực nhanh tuông xuống chung quanh chúng tôi nước văng lên tung tóe, nhưng chúng tôi không bị phát hiện . . . Khoản 10 giờ chúng tôi về đến nơi trú quân an toàn. 
Phải nói rằng con đường tiếp cận và rút lui được các Trinh sát chọn rất độc đáo ở chỗ: Đường hành quân của Bộ đội là con Lung nước len lõi trong rừng tràm dày đặc, không có tên trên bản đồ, khiếng đối phương không thể đoán ra được đường rút của ta, mặc dù Bộ đội đi vào ban ngày, với hằng trăm con người cùng phương tiện.
Con đường ấy đã góp phần làm nên chiến thắng trong trận đánh này.
---------------------------
(*) Bài viết đã đăng trên Báo Kiên Giang số 1185 ngày 01-11-1999, được chỉnh sửa lại cho phù hợp với tư liệu lịch sử và thời gian đang bài hôm nay.
(Các ảnh dưới chụp trong cuốn Lịch sử Trung đoàn 1 U Minh, viết về trận đánh)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét