Translate

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

EM GÁI QUÂN TRANG NGÀY ẤY (Thơ)


               EM GÁI QUÂN TRANG NGÀY ẤY
                                                                        ---------------------

                        
                
                            Đoàn Công Thiện
   Thân tặng Lâm Kim Hoa và các cựu nữ chiến sĩ
Quân trang thuộc Trung đoàn I – U Minh QK9


Tôi lại về thăm bạn.
Đường Cần - Thơ mưa bụi trắng nắng vừa tan.
Gặp em từ Vĩnh - Long sang.
Vẫn dáng hao gầy của những ngày kháng chiến.
Thời gian đi biền biệt
Em về quê chồng, anh đâu biết để tìm thăm.
Nhớ những tháng năm đánh Mỹ.
Em vào Trung đoàn làm chiến sĩ Quân trang.
Cũng súng đạn, vai vác, lưng mang.
Cùng bộ đội sẵn sàng đánh địch.
Rồi bao bận hành quân vào chiến dịch.
Vượt lộ, băng đồng, đêm mờ mịt sương rơi.
Cả một thời bom nổ đạn rơi.
Trong gian khổ vẫn sáng ngời ý chí.
Vì các anh, máy em reo bền bỉ.
Cho thẳng hàng mũi chỉ đường kim.
Trong tấm áo xanh hay cánh mũ mềm.
Đều thắm đượm tình em gái nhỏ.
Và có cả sắc hồng tươi đỏ.
Màu của máu và lửa thuở gian nguy.
Tháng năm dù đã qua đi.
Nay gặp lại mái đầu tuy điểm bạc.
Tình đồng chí không hề phai nhạt.
Vẫn sáng trong như hạt pha lê.

Chiều bảng lảng mây bay về viễn xứ.
Dưới chân cầu, con sóng cứ lao xao.
Tiễn em đi mà lòng tôi nao nao.
Tình đồng đội ngọt ngào bao kỷ niệm.
-----------------


Đã in trong tập thơ THĂM LẠI TRUNG ĐOÀN
nhà xuất bản Phương Đông và Hội Văn Nghệ Kiên Giang-2005


         

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

CẢM ĐỘNG NGÀY 27-07 (Ký)



CẢM ĐỘNG NGÀY 27-07
-----------

Hôm nay, 27-07-2013, xem tập phim Biệt động Sài Gòn, nhiều sự kiện cảm động quá. Một hộp sọ được tìm thấy trong tòa Đại sứ Mỹ khi giải phóng - có thông tin là chiến sĩ Biệt động Đoàn Văn Nhẹ, hy sinh bị địch cắt đầu sau đó chúng lấy làm vật đựng viết trên bàn làm việc (Một kiểu “văn hóa” của cái ác), nhưng tiếc thay khi giám định AND lại không phải là anh. Một cựu nữ Biệt động ba lần bị địch bắt và bị tra tấn dã man (đánh đập nhục hình; dùng con Lương cho chui vào âm đạo; tẩm dầu đốt chân tay v. v. . . ), nhưng ba lần chị đều chiến thắng, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, không khai báo điều gì có hại cho tổ chức. Một bà mẹ phải gởi con còn nhỏ dại cho cơ sở nuôi dưỡng để vào thành làm biệt động. Còn bao liệt sĩ đã ngã xuống chưa được ghi công bởi do đặc thù của loại hình hoạt động Biệt động, mà người chỉ huy và tổ chức không thể biết được tên tuổi, thân nhân, quê quán . . .
Một câu nói đậm chất chân quê của một nhân vật nữ trong phim: “khi nào đánh hết tụi Mỹ rồi về” giống như những câu nói của bao người nông dân: “cấy xong thửa ruộng mới thôi”. Đơn giản chỉ là một câu nói, nhưng nó hàm chứa  lý tưởng lớn lao của một thế hệ không tiếc máu xương, không vì danh lợi, đã đứng lên cầm súng đánh giặc, giải phóng quê hương, thống nhất tổ quốc.
Hồi tưởng lại những năm tháng cam go của chiến tranh, ta cảm nhận được khát vọng giải phóng, khát vọng hòa bình, luôn cháy bỏng trong mỗi người dân Việt. Đối với người chiến sĩ giải phóng, khát vọng ấy luôn là động lực thúc đẩy để họ vượt qua cái chết, vượt qua lao tù, không phân biệt thiệt hơn và cũng không bao giờ nghĩ đến hưởng thụ, chỉ có một mục tiêu duy nhất: giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, chấp nhận và sẵn sàng hy sinh dưới bom đạn của kẻ thù.
Hôm nay trong cảnh thanh bình của đất nước, ta cảm nhận được sức sống vươn lên của dân tộc, điều tiếc nuối cho người còn sống hôm nay là còn bao người đã ngã xuống nhưng chưa được vinh danh, ta cũng rất đau lòng hơn với những gì đã thấy, đã nghe bởi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, tư tưởng” lợi dụng chức quyền, làm giàu bất chính, gây mất niềm tin với mọi người. Mong rằng thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, hãy nhớ ngày này (27-07), ngày của đau thương mất mát, nhưng vô cùng hùng tráng của thế hệ đã đi qua chiến tranh, mà hành sử cho phải đạo: “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây”.



Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

LỠ LÀNG (Thơ)



              LỠ LÀNG

Đoàn Công Thiện

Thương em một lần đi lạc lối.
Đường không đến được bến bờ vui.
Sông buồn con nước lặng trôi.
Thân em như cánh hoa rơi giữa dòng.

Đò một chuyến lỡ làng duyên phận.
Gánh xuân đời một bận sang sông.
Trắng trong số kiếp hoa Hồng.
Đem trao tặng hết giờ không còn gì.

Tình chợt đến rồi đi đi mãi.
Lửa ái ân nồng cháy hôm nào.
Giờ như một giấc chiêm bao.
Tỉnh ra mới thấy lòng nao nao lòng.

Đời cô quạnh phòng không bóng chiếc.
Tháng năm dài biền biệt cánh chim.
Trách người lòng dạ bạc đen.
Mãi theo trăng gió rồi quên lối về.

Lời nguyện ước non thề biển hẹn.
Một thời yêu không vẹn chữ tình.
Bóng kia nay đã xa hình.
Đêm về vò võ một mình với đêm.

Tuổi xuân rơi bên thềm nắng xế.
Bóng thời gian kế cận chiều thu.
Đường đời vắng tiếng tình ru.
Bước chân hẫng hụt về đâu bây giờ.

Lối không đến bến bờ hạnh phúc.
Bởi lòng người lắm lúc dối gian.
Thôi thì chịu cảnh bẽ bàng.
Đắng cay một bận sang ngang không thành.
---------------
Đã đăng trong tạp chí Chiêu Anh Các

BERLIN - MÙA THU VÀNG (Ký sự ảnh 1)



BERLIN - MÙA THU VÀNG (1)

                                 Nhân chuyến công tác tại Berlin tháng 11 năm 2010.


           Khi hoàng đạo mặt trời dịch chuyển về phía nam bán cầu thì không khí từ phương bắc tràn về bao phủ một màu vàng óng ánh trên mỗi vòm cây cổ thụ và gieo cái lạnh hanh hao bao trùm lên thành phố Berlin thơ mộng của nước Đức.
          Với tôi, đây là lần thứ hai trong đời được ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ dịu của phong cảnh. Lần thứ nhất vào năm 1966, máy bay Mỹ rải chất hóa học diệt cỏ ở quê tôi. Trước khi trút lá, những vườn cây xanh thẩm bổng biến thành một tấm thảm vàng rực bao phủ cả một vùng rộng lớn trên tuyến sống Cái lớn thuộc huyện Gò Quao (Kiên Giang).
          Màu vàng ấy đã đi vào ký ức tuổi thơ và đeo bám với tôi trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt. Hôm nay, sau 45 năm, tôi lại được chiêm ngưỡng cái màu vàng tuyệt dịu ấy, nhưng nó không còn là màu của sự hủy diệt, mà là màu của sức sống hòa bình đang ngự trị trên một quốc gia giàu có ở cực bắc xa xôi này. Trong tôi hôm nay cũng không còn ám ảnh cái màu chết chóc tang thương của những năm bom gầm đạn rú; màu vàng ấy đã khơi dậy một niềm tin của tình hữu nghị giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên trái đất này.





















Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

VÙNG NƯỚC XOÁY Ơ NGÃ BA SÔNG (Truyện ngắn)


VÙNG NƯỚC XOÁY Ở NGÃ BA SÔNG

------------------

                                        Truyện ngắn của: Đoàn Công Thiện
I
Chiếc tàu khách ghé bến. Trước mắt chị Hạnh, một trung niên mù trạc tuổi ba mươi, mặc đồ Bộ đội, đầu trần, tay cầm chiếc gậy tre theo sau bé gái; anh chậm chạp dò dẫm từng bước xuống tàu. Chuyến cuối năm đông khách, các băng ghế đã chật, người trung niên và bé gái đành chọn một chỗ trống dưới sàn tàu.
Hình ảnh ấy gợi lại trong chị một cảm xúc mạnh mẻ, bởi lẽ: anh Hạnh - chồng chị, cũng là Bộ đội. Nhưng với người trung niên này vẫn có cái may mắn hơn anh là còn được sống, còn anh! . . . chị Hạnh thấy cổ mình nghẹn lại, nước mắt muốn trào ra và tự nhiên, chị nhận thấy người trung niên này có gì đó gần gũi thân thương. Chị bồng con đứng lên bước đến chỗ anh:
- Chú lên chỗ chị ngồi, dưới này dơ bẩn lắm, với lại người ta lên xuống chú ngồi không yên đâu, cứ lên chỗ chị, chị ra sau lái tàu.
- Cảm ơn chị, em ngồi được mà, không sao đâu.
Người trung niên hướng cặp mắt đờ đẫn về phía chị Hạnh, miệng nở nụ cười làm cho nét mặt của anh rạng rỡ, sinh động. Chị Hạnh hết lời khuyên, nhưng anh khăng khăng từ chối.
Bây giờ Hồng mới thực sự chú ý đến người trung niên, không phải vì thái độ khiêm nhường của anh mà ở người mù này, có những nét quen quen, rất giống một người con trai cách đây mười năm hồng đã gặp và đã để dạ yêu thương. Mười năm, với đời con người thời gian ấy không đáng là bao, nhưng với một tình yêu, thì quả là quá dài, nó làm héo hắt tâm hồn lẫn thể chất của Hồng, - nếu người mù này đúng là anh ấy thì đau đớn biết chừng nào. Cái gì đã gây nên những vết sẹo và đôi mắt đờ đẫn kia? Chiến tranh chăng? Hồng vốn căm ghét nó vô cùng. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống cha và anh của Hồng, tim Hồng quặn thắt, đau xót! Hồng cố xua đi, cố mong rằng người trung niên mù trước mặt kia đừng là anh ấy.
Con tàu lướt sóng xuôi dòng trên sông Cái Lớn. Nắng đã lên cao, ánh sáng rực rở soi xuống mặt sông. Những mãn lục bình nở đầy hoa tím nhạt, vun vút lướt qua tàu, ngã ba sông hiện lên, vùng xoáy nước quyện tròn, những đám lục bình quấn quít bên nhau chung quanh vòng xoáy, rồi tản mác trôi đi làm sống lại trong Hồng một kỹ niệm không thể nào quên tại ngã ba sông Cái Lớn này.
II
Sau khi cha bị bom chết ở quê, Hồng cùng má với chị Hạnh (chị dâu của Hồng) dọn nhà ra chợ Vị Thanh sinh sống. Do ở vùng giặc tạm chiếm nên Hồng, má và chị rất ít được tin anh Hạnh, sắp hết năm 1974, đã hơn một năm rồi mà tin tức về anh vẫn im bặt; đến nay, anh Hạnh vẫn chưa hề biết mặt đứa con trai đầu lòng của mình ra sao, Hồng, chị Ba và má luôn thấp thỏm, lo lắng. Hồng và chị muốn bay đi, lao vào nơi có tiếng súng để tìm anh, chị Hạnh chỉ ao ước được trao đứa bé cho anh, được trông thấy anh hôn lên đôi má bầu bĩnh của nó, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của chị. Nhưng, trên mãnh đất miền tây Nam bộ bao la sông nước này, đâu đâu cũng là chiến trường, đâu đâu cũng nghe tiếng súng, biết anh ở đâu mà tìm . . .
*
*   *
Thế rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến. Anh Hạnh đã nhờ một bà Má ở vùng đóng quân đem thư ra liên hệ với gia đình. Được tin, má, chị Hạnh và Hồng mừng vui vô kể, Hồng lấy thơ vào buồng xé ra xem. Những dòng chữ nhỏ quen thuộc của anh Ba gởi chung cho má, chị và Hồng cứ trôi vào lòng cô đằm thắm, ngọt ngào một cách lạ lùng, Hồng đọc đi đọc lại ở đoạn: “chuyến này em đi với chị em để gặp cậu ấy, anh tin là em sẽ bằng lòng ngay, không bao giờ anh chọn cho đứa em gái của anh người chồng dỏm đâu”. Hồng áp bức thư lên ngực, mường tượng người con trai xa lạ mà anh Ba đã nhiều lần viết thư giới thiệu cho cô. Hồng chưa biết người ấy ra sao, nhưng cô hiểu và tin ở anh, tuy chưa hứa với anh điều ưng thuận, nhưng Hồng cũng mong muốn được một lần gặp mặt.
*
*    *
Vậy là trưa hôm sau, Hồng mua thịt, gà, trà, bánh cùng chị Hạnh và bé Vọng (tên con chị Hạnh) xuống tàu. Theo sự chỉ dẫn của anh Ba viết trong thư, họ đã đến ngã ba sông Cái Lớn, nơi có vùng nước xoáy ngày đêm chảy xiết. Người đón chị Hạnh và Hồng không phải anh Ba mà là một thanh niên mặc thường phục, tóc uốn quăn một cách tự nhiên được hớt ngắn, gương mặt sáng, trán rộng, sống mũi cao, da trắng mịn, dưới cằm chếch về bên phải có một nốt ruồi son; anh tiếp chị Hạnh và Hồng hơi rụt rè. Có lẽ chị Hạnh đoán được người con trai này là người mà chồng chị viết trong thư nên chủ động làm thân:
- Em giúp chị xách chùm thịt và cặp gà đi, anh Ba đâu sao không đi với em?
- Anh Ba đang mổ cho thương binh, anh kêu em ở đây đón chị, mổ xong anh ra.
Trên đường đi, Hồng cảm thấy rùng mình khi nhìn mấy hố pháo sâu hoắm, đất còn mới, lá chưa khô, mùi thuốc đạn còn nồng nặc. Trong vườn, một căn nhà lá nhỏ đơn sơ mới dựng, đó là nhà má Năm, người đã ra liên hệ với chị Hạnh và Hồng. Trong nhà không có buồng, chính giữa là cái hầm tránh pháo to, kiên cố, cửa hầm quay vào phía trong, nơi có kê một cái chõng nhỏ cũ, bên ngoài cặp hai bên vách là hai bộ vạt đóng bằng thanh cây cau còn mới lót dưới đất.
Từ chái bếp bên hông nhà, má Năm bước ra tươi cười, những nếp nhăn trên mặt má khẽ lay động:
- Mấy con ra đó hả? thằng cu bụ bẩm dữ ha! Thằng Ba nó cưng cho mà coi!
Má vói tay bồng bé Vọng ôm vào lòng, miệng vẫn luôn tươi cười nhìn chị Hạnh và Hồng. Người thanh niên để cặp gà ngoài hè rồi bước vào giới thiệu:
- Chị Ba, đây là má Năm.
Chị Hạnh nắm tay má nở nụ cười thay cho lời chào. Má Năm bảo người thanh niên: - Tuấn xách đồ để lên vạt cho chị con đi. Rồi má quay sang Hồng:
- Con Hồng phải hông? Cha! thoa son, thoa phấn đẹp dữ há!
Hồng bẽn lẽn nhìn má:
- Hôm má đem thư anh Ba ra, con có lỗi không hỏi má điều gì.
- Ối lỗi phải gì, tao lẫn quẩn ở đó cho mày hỏi đặng vô “bót” hả, thôi tụi bây đi rửa mặt đi, nước ở lu bên hè đó, để tao vô coi nồi nước, tao làm con vịt đãi tụi bây.
Chị Hạnh nói với Hồng:
- Em vao phụ với mà đi, ừ mà bắt con gà làm thêm.
Dưới bếp, tiếng má vọng lên:
- Đừng có làm nửa, để đem vô cho tụi nó, con vịt má làm mấy mẹ con mình ăn không hết đâu.
*
*   *
Mãi đến chiều hôm ấy, Hồng mới biết được người mà anh Ba giới thiệu là Tuấn. Hồng hiểu được qua những lời nói đầy ý tứ của anh Ba và cử chỉ không tự nhiên của Tuấn. Hồng cảm thất ngượng ngùng quá, bữa cơm chiều Hồng chỉ ăn có hai chén, còn Tuấn cũng thôi sớm.
Cơm nước xong, anh Ba kêu Tuấn và Hồng đến bên:
Một lát hai đứa chèo xuồng vô trong trại, đem mấy con gà, mấy gói trà, bánh, thuốc này cho anh em, Tuấn nói với Hùng là mai anh về, nếu đêm nay có thương binh thì Hùng và anh em giải quyết, khi về lấy mùng chiếu của anh và của em đem ra đây ngủ, nhà má không có mùng đâu.
Má Năm xen vào:
- Má mới về, nhà bị bom cháy mới làm lại, thiếu thốn vậy đó, đêm nay má để giường cho vợ chồng tụi bây, tao đến nhà đằng kia ngủ, còn hai đứa này ngủ ở hai bộ vạc ngoài, hơi xa miệng hầm một chút nhưng không sao, gần tới giờ pháo bắn thì vào hầm trước, ở đây nó bắn thành qui luật rồi, thường thì bảy giờ một đợt, mười giờ một đợt.
Chị Hạnh nhìn má:
- Thôi má cứ ngủ ở nhà đi, vợ chồng con ngủ dưới đất không sao đâu.
- Đâu có được, lâu lâu tụi bây gặp nhau tao đâu có để tụi bây ngủ như vậy được.
Anh Ba quay sang Tuấn với Hồng:
- Thôi hai đứa đi đi.
Tuấn xách cặp gà đi trước, Hồng xách cái giỏ đựng mọi thứ đi sau, chị Hạnh mỉm cười, nụ cười có ngụ ý khiến Hồng bẽn lẽn bước nhanh ra cửa.
Má Năm nói với theo:
- Hai đứa về trước bảy giờ, pháo nó thường bắn chỗ ngã ba lắm đó.
Gần hết chặn đường đến trạm phẫu thuật của đơn vị mà hai người không nói được với nhau lời nào. Tuấn hiểu chuyến đi này anh Ba có ý sắp xếp cho mình, Tuấn quan sát và thầm nghĩ: Hồng, cô gái ngồi trước kia, thùy mị, dịu dàng. . . Hồng duyên dáng quá, liệu có chịu làm vợ mình không? . . .
Chiếc xuồng vẫn lướt nhanh xuôi theo dòng nước. Phía trước, nơi ngã ba sông hiện lên một vùng nước xoáy, gieo vào không gian tiếng réo rắc như vẫy gọi, như chào mời, những đám lục bình quần tụ xoay quanh vùng xoáy rồi lại tản mác trôi đi . . .
*
*   *
Tuấn đột ngột cho mũi xuồng quẹo vào một con rạch nhỏ, hai bên um tùm đủ loại cây lá. Hồng hoảng hốt quay lại và bắt gặp cái nhìn triều mến của Tuấn, cô lãng đi. Có cái gì đó dâng lên trong lòng không nói được thành lời, cô thu người áp hai tay vào ngực. Một cảm xúc khó tả cứ lớn dần trong cô, Hồng lại liếc nhìn Tuấn và cũng bắt gặp sự triều mến trong ánh mắt của anh.
Sau một lúc len lỏi trong con rạch, Tuấn ép xuồng vào bờ, cặm chèo rồi bước đến bên Hồng:
- Lên bờ đi Hồng.
Tiếng nói thật nhẹ và trong có sức thuyết phục kỳ lạ, khiến Hồng chỉ biết tuân theo, cô bước lên, Tuấn xách cặp gà và cái giỏ xách mà Hồng để lại nhảy lên rồi nhanh nhẹn len theo lối mòn đi vào trong. Cặp gà đập cánh la inh ỏi. Hồng lần lối mòn theo hướng kêu của tiếng gà đi theo Tuấn. Trong các lán trại được làm dấu kín dưới vòm cây, mọi người ùa ra, các anh thương binh, người băng đầu, người băng chân, người chống tó . . . người cười, người nói, cả khu rừng âm vang vui nhộn.
Hồng bỡ ngỡ trước sự thay đổi đột ngột này. Mới lúc nãy, vắng lặng, âm u, vậy mà bây giờ nhộn nhịp một cách lạ lùng. Cái lạ mắt nhất đối với Hồng chính là những anh thương binh, họ tươi vui và hồn nhiên như chẳng có thương tích gì trên người cả. Họ rất khác xa bọn lính ngụy bị thương mà Hồng thường gặp. Chúng nhăn nhó quạu quọ, chửi bới, tục tĩu.
Xong việc, Tuấn lại chống xuồng theo con rạch ra sông. Mặc dù trong Hồng, cái cảm giác ngại ngùng đối với Tuấn vẫn còn, nhưng cô đã bạo dạn hơn ban nãy. Hồng thỏ thẻ với Tuấn:
- Bộ đội các anh vui thật.
- Hồng có thích Bộ đội không?
- Hông!
Cô liếc mắt nhìn Tuấn mỉm cười, có vẻ như muốn trêu chọc anh.
- Anh Ba nhớ má, nhớ chị Hạnh, nhớ Hồng, ảnh thường tâm sự với anh . . .
Tuấn hơi ngập ngừng rồi tiếp:
- Ảnh ước sao sau này có một người em rễ là Bộ đội.
Hồng không nói gì, cô đăm chiêu nhìn ra hướng mũi xuồng. Sông Cái Lớn lại hiện lên, nơi ngã ba sông, dòng xoáy nước vẫn còn quần tụ những đám lục bình đầy hoa tìm nhạt.
- Chỗ đó đẹp quá hả anh? – Hồng chỉ tay ra giữa ngã ba sông hỏi Tuấn.
- Chỗ đó là nơi giáp mối của hai dòng sông đổ ra, nước hai con sông chảy mạnh gặp nhau, quyện lấy nhau tạo thành vòng xoáy.
Hồng miên man suy tư về dòng nước kỳ lạ đó. Cô nhận ra cái điều lý thú của nó và mường tượng: phải chăng, đó là điểm hội ngộ của người con trai với người con gái đang mang khát vọng yêu đương, họ đến với nhau và trở thành đôi uyên ương thủy chung mãi mãi.
- Mình ra ngoài đó Hồng nhé? Trời còn sớm mà!
Hồng không đáp. Cô mãi suy nghĩ về một điều không rõ ràng, cứ lởn vởn trong cô.
Tuấn cho xuồng hướng ra ngã ba sông, chiếc xuồng lao vào vòng xoáy rồi dừng lại và quay tròn chầm chậm. Cụm lục bình xao động, các nhánh hoa rung rinh, Hồng với tay hái một cánh hoa, theo thói quên, cô đưa lên mũi ngửi. Một mùi hương thoang thoảng nhẹ lan tỏa trong cô. Hồng cảm thấy thú vị với mùi hương, với sự thanh bình hiếm hoi đang hiện hữu chung quanh.
Tuấn gợi chuyện:
- Phong cảnh ở đây thanh thản quá, giá như đừng có tụi Mỹ Ngụy, đừng có chiến tranh chắc đẹp lắm phải không Hồng?
- Không có chiến tranh làm sao em biết được anh.
Hồng nhìn Tuấn mĩm cười, nét mặt toát lên một vẽ hồn nhiên, Tuấn bồi hồi cảm động, tim đập rộn lên. Câu chuyện lại rơi vào im lặng. Một phút trôi qua, Tuấn lựa lời:
- Tuấn hỏi Hồng điều này nhé?
Hồng ngước lên, mắt long lanh:
- Anh hỏi điều gì?
- Hồng có chịu làm vợ Bộ đội không?
Hồng im lặng, Tuấn lại hỏi:
- Sao, Hồng chịu không?
- Thôi đi, anh đừng nói chuyện đó, kỳ lắm!
- Kỳ gì, ở đây có hai đứa mà!
- Nói chuyện khác đi anh, đừng nói chuyện đó nửa!
- Như vậy Hồng không thích Bộ đội?
Hồng có vẽ giận dỗi:
- Hổng thích mà người ta đi đây!
. . .
*
*   *
Một trái pháo rồi hai trái, xè xè bay tới nổ chát chúa trên bờ. Cái không gian đang tĩnh lặng bị phá tung lên, Hồng quýnh quáng bịt hai tai, mấy mảnh đạn rơi lụp bụp xuống mặt sông. Một mảnh có lẽ to, rớt xuống cạnh xuồng bắn nước tung tóe, Tuấn lao lại ôm Hồng nằm xuống. Lại mấy trái nửa, xé gió bay đến. Lần này đạn nổ gần hơn, ngay sát mé sông, cách hai người không xa. Tuấn vẫn nằm đấy, che thân cho Hồng.
Phào nổ một lúc rồi ngưng. Không gian trở lại tĩnh lặng. Hồng ngồi dậy, vén mái tóc đang phũ xuống mặt hất ra sau. Tuấn hỏi:
- Hồng sợ không?
- Không.
- Sao run giữ vậy?
- Đâu có.
Hồng cố trấn tĩnh nhưng mỗi thớ thịt, mỗi sợi cơ như có luồng điện chạy qua, cứ run lên bần bật.
- Hồng run thiệt mà?
- Tại anh đó.
- Anh làm gì?
- Anh buông em ra đi?
Tuấn không ôm Hồng nửa mà lại tìm bàn tay của cô đưa lên hôn thật sâu.
- Em chưa hiểu anh chút nào hết, anh kể về anh và gia đình cho em nghe đi!
- Ừ! rồi anh sẽ kể.
. . . . .
*
*   *
Con nước ròng thôi không chảy nửa, vùng nước xoáy cũng lặng im không còn réo rắc như ban nãy. Những đám lục bình lảng tránh ra xa như muốn nhường lại cái không gian vắng lặng này cho hai người tâm sự. Con trăng mười bốn vẫn rọi ánh sáng hư ảo xuống dòng sông như để chứng kiến mối tình đầy thơ mộng của hai người. Chiếc xuồng theo chiều gió trôi dạt vào bờ tự lúc nào. Hồng và Tuấn đắm chìm trong cảm xúc đê mê của buổi đầu gần gũi. Bao lời hẹn ước, những hoài bão tương lai, hai người trao cho nhau tưởng như không bao giờ vơi cạn . . . Bổng từ trên cao, tiếng xé gió của đạn pháo hướng đúng khu vực mé sông, nơi Hồng và Tuấn lao xuống. Ánh chớp lóe lên, nóng rang cả người, mùi khói khét nghẹt. Lại mấy cột nước nửa bắn lên, hất úp cả xuồng, Hồng chơi vơi trong nước, Tuấn lao lại một vệt trăng trắng, anh nâng Hồng lên lưng, lội vào bờ, anh sờ lên mặt, lên ngực, lên lưng xem cô có thương tích gì không, Hồng thở hổn hển, cô ôm chặt lấy Tuấn và khóc, toàn thân cô run lên không sao kềm chế được.
Đối với Tuấn, chuyện cận kế với cái chết anh đã quá quen, nhưng với Hồng, có lẽ đây là lần đầu tiên cô gặp phải. Nghe tiếng khóc của Hồng, Tuấn cảm thấy như lửa cháy trong lòng. Anh vỗ về:
- Thôi, không sao đâu, nín đi đừng khóc nửa em!
Tuấn cố an ủi động viên, nhưng Hồng vẫn ôm chặt lấy anh khóc nức nở.
III
Nắng đỗ về chiều. Trên chặng đường dài, bé Vọng và bé gái đi với người trung niên mù đã làm quen tự lúc nào, trong câu chuyện ngây ngô không có đầu, chẳng có đuôi của chúng, Hồng biết người cha bé gái (người trung niên mù) trước đây đi Bộ đội đánh giặc bị thương, còn người trung niên mù cũng chỉ biết người hồi sáng nhường chỗ cho mình đã có chồng hy sinh ngoài mặt trận.
Tàu sắp cặp bến, mọi người chuẩn bị lên bờ.
- Hồng! – Người trung niên mù cất tiếng gọi.
Hồng giật mình quay lại nhìn chằm chằm vào anh, cô nín thở. Con bé gái thôi không nói chuyện với bạn, nó len lỏi đi qua mọi người về bên anh.
- Ba gọi con hả?
- Ừ, chuẩn bị đi con?
Hồng thở phào, rồi cùng chị Hạnh theo mọi người lên bến. Chờ cho anh trung niên dò dẫm theo sau con bé có tên Hồng đi qua, Hồng mới kéo tay chị Hạnh nói nhỏ:
- Chị Ba, người mù đó sao giống anh Tuấn quá.
- Tuấn nào?
- Chị quên rồi sao? Anh Tuấn ở chung với anh Ba đó!
- Ờ chị nhớ rồi, liệu phải chú ấy không?
- Giọng nói, mái tóc, gương mặt, cử chỉ đều giống lắm! cũng có mục ruồi son ở dưới càm phải.
- Vậy thì lẹ lên, theo chú ấy. Nếu đúng thì hay lắm, dẫu sao với em cũng tình xưa nghĩa cũ!
- Nhưng nếu đúng thì ảnh cũng đã có con.
- Thôi được, cứ để chị.
- Chị đừng kêu tên em.
Chị Hạnh dắt bé Vọng, Hồng xách giỏ đi lại mấy chiếc xe lôi chờ sẵn, người trung niên mù cùng bé gái đã ngồi trên một chiếc đang lăn bánh, Hồng và chị Hạnh lên một chiếc khác rồi bảo người đạp xe chạy theo chiếc có anh trung niên mù. Xe chạy nhanh, phố xá vụt qua, chạy một lúc xe chở người trung niên mù dừng lại trước một khách sạn, Hồng và chị Hạnh cũng xuống xe, bé Vọng lại được gặp bạn, nó chạy đến nắm tay cùng con bé, nhảy chân cò trên nền gạch. Hạnh ghé vào tai Hồng:
- Đúng là chú ấy giống Tuấn.
- Hạnh đi vội vào phòng quản lý móc tiền thuê luôn hai phòng.
Cô nhân viên khách sạn yêu cầu mọi người đưa giấy chứng minh nhân dân. Người trung niên mù hỏi lại:
- Chú không có giấy chứng minh, chỉ có thẻ thương binh, có được không cháu?
- Dạ được. - Cô nhân viên đáp.
Anh lấy bóp mở ra lần tay vào ngăn, móc một sắp giấy tờ tiền bạc lẫn lộn. Hai đứa bé chạy giởn xô vào người anh, làm rơi cả bóp lẫn giấy tờ tiền bạc. Chị Hạnh lườm bé Vọng rồi gom các thứ rơi rớt, trao lại cho anh và nói:
- Chú bỏ qua cho cháu, nó lỡ,  để chị giúp đưa giấy cho cô quản lý.
Cầm tấm thẻ trên tay chị lật qua lật lại, trong thẻ ghi tên Nguyễn Thanh Hùng cùng với tấm ảnh nhỏ dán ở góc. Sau khi trao cho cô nhân viên, chị Hạnh lại nhìn anh thương binh phân vân tự hỏi: - Trong tấm ảnh nhỏ thì giống Tuấn rồi, chỉ khác là đôi mắt mù và những vết sẹo . . . Nhưng sao chú lại là Hùng? . . hay là? . .
Biết được người thương binh mù có cái tên Hùng này cũng đi thăm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ, chị Hạnh đều bao bọc hết cho anh từ ăn uống đến tiền xe, tiền phòng. Trời chiều, chị Hạnh gọi hai xe Hon Đa chở đi cho nhanh. Đến nghĩa trang, Hồng, chị Hạnh và bé Vọng đi thẳng vào trong khu mộ, còn người thương binh và bé gái quẹo sang bên phải đến khu nhà quản trang. Một lúc sau anh trở ra, một nhân viên quản trang đưa anh đến rồi chỉ tay về chỗ mấy chị em của Hồng đang ngồi:
- Chú đến chỗ mấy người đang làm cỏ đó.
Nghe tiếng người, Hồng ngước lên nhìn. Bé gái nắm tay anh trung niên mù lúp xúp chạy vô, đến nơi, anh nhận ra người đồng hành với mình cũng có mặt ở đây.
- Ủa! chị thăm mộ ai đây?
Chị Hạnh lau nước mắt, giọng nghẹn lại:
- Chị thăm cha bé Vọng, còn chú tìm mộ ai?
Anh không đáp mà hỏi tiếp:
- Chồng chị, anh Ba ở trạm phẫu thuật tiền phương của Quân khu phải không?
- Đúng rồi, anh Ba Hạnh đó.
- Chị Ba, em là Tuấn nè! Mười mấy năm rồi em không ngờ . . . Tuấn xúc động không nói được, anh nắm tay chị, hai tay xiết chặt thay cho lời. Hồng đứng lên, tim cô đập rộn lên, cô nhìn anh từ đầu đến chân. Chị Hạnh tiếp:
- Sao em lại ghi tên Hùng trong giấy? chị cũng thấy giống em lắm, chị muốn nhìn nhưng gấp quá định tối về hỏi em.
Chị Hạnh quay lại định nói gì với Hồng nhưng lại thôi. Tuấn đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn chị giải thích:
- Hùng là tên khai sinh của em. Ở đội phẫu cũng có một anh khác tên Hùng, nên mấy ảnh đặt cho em tên Tuấn để phân biệt. Ôi lâu quá mới gặp chị, má khỏe không chị? ờ mà chị đi với ai vậy?
Chị Hạnh quay lại, thấy Hồng che miệng khoát tay ra hiệu, chị quay sang Tuấn:
- Chị đi với con Cúc, em chị.
- Còn Hồng?
- Nó vẫn khỏe.
Tuấn vẫn xiết tay chị Hạnh, mặt anh hớn hở tưởng như đã nhìn thấy từng sợi tóc của chị. Bé Hồng đến bên bé Vọng, chúng xúm nhau nhổ từng cọng cỏ trên mộ.
- Em bị thương hồi nào? Em có biết anh Ba em hy sinh ra sao không?
- Chuyện dài lắm chị ạ!
Trong ký ức của Tuấn, hình ảnh anh Ba cùng bao đồng đội ngày xưa, từng chi tiết trận đánh hôm nào, lại hiện lên trong anh một cách rỏ ràng như nó đã diễn ra cách nay đúng mười năm, cũng vào ngày này năm ấy.
IV
Hôm đó, sau một đêm thức trắng giải phẫu các chiến sĩ bị thương trong trận tập kích đồn, anh Hạnh lại tiếp nhận một ca mới do Bộ đội đi qua gởi lại. Người bị thương là một phụ nữ đang có mang, tóc nhuộm màu hung vàng quăn queo dính đây sình đất. Vết thương do mảnh đạn làm thũng một lỗ khá to trên bắp đùi trái đã được băng chặt. Trách nhiệm của người lương y không cho phép anh tìm hiểu đó là ai và vì sao bị thương. Không nề mệt nhọc, anh tiếp tục vào bàn phẫu thuật, phụ mổ với anh là Tuấn, khi ca mổ sắp bắt đầu thì người phụ nữ trở dạ, vậy là anh phải thực hiện công việc hộ sinh trước khi giải phẫu vết thương.
Công việc hộ sinh cũng suông sẻ, một lúc sau đứa bé gái chào đời. Nghe tiếng khóc oe oe của hài nhi, vẽ mặt xanh tái của người sản phụ rạng lên. Làm xong những khâu cuối cùng của việc hộ sinh, anh Ba quay sang mổ vết thương cho sản phụ. Cuộc phẫu thuật gần xong thì từ xa có tiếng máy bay trinh sát rè rè vọng tới, anh Hạnh ra lệnh:
- “Đầm già” (*) đó, ngụy trang kỹ lại!
Mọi người chạy ra bẻ nhánh cây quăng lên mái tăng dã chiến rồi đến chỗ đậu xuồng đạp cho chìm, nhưng chiếc máy bay trinh sát đã trờ tới rất thấp. Có lẽ nó phát hiện được địa điểm của đội phẫu thuật nên cất lên cao, mở vòng rộng rồi tắt máy cắm xuống. Anh Hạnh, Tuấn cùng cô y tá nhanh chóng khiêng chị phụ nữ để xuống đất chưa kịp lao ra khỏi bàn mỗ thì một trái pháo lao xuống nỗ cách đầu chị phụ nữ không đầy một mét, khói tỏa ra mù mịt, anh Hạnh lảo đảo ngã xuống đất. Tuấn lao đến xốc anh lên, một mảnh pháo cắm vào lưng, máu và bọt trào ra xối xả. Tuấn hốt hoảng la lên:
- Mấy anh ơi anh Ba bị thương rồi! anh Hùng ơi đem băng lại nhanh lên!
Mọi người chạy đến vây lấy chỗ Tuấn và anh Ba. Người cỡi áo, người tháo băng, băng cho anh. Cùng lúc ấy, từ phía sau vườn, tiếng súng bộ binh vang lên, đạn bay vèo vèo, Hùng vừa băng vừa nói với mọi người:
- Tụi bây ra trước đi, băng anh Ba xong tao ra, giá nào cũng không cho nó vô đây.
Anh em đội phẫu sách súng chạy ra sau vườn. Mấy cô y tá cũng vọt theo nhưng anh Hùng ngăn lại không cho ra. Tuấn nhìn Hùng:
- Để anh Ba em lo cho, anh lấy súng của em ra với mấy ảnh đi!
Đạn vẫn vãi vào khu vực đội phẫu, cây lá rơi lả tả. Hùng bước đến chỗ người sản phụ đang nằm bất động. Trên đầu chị, một vết thương to ngay trán, máu đọng thành vũng trên mặt đất. Anh vào trong lấy súng khom người chạy ra hướng súng đang nỗ.
Anh em Đội phẫu đã bắn trả nhưng súng địch lại bắn dữ hơn. Bốn khẩu pháo từ một cứ điểm xa rót qua, đạn nổ tới tấp, cây cối ngã la liệt. Tuấn cùng mấy cô y tá đã đưa được anh Ba vào hầm tránh pháo. Căn hầm chao động dữ dội sau mỗi loạt đạn nổ. Một lúc sau anh Ba tỉnh lại, ngước lên nhìn chung quanh thều thào hỏi:
Anh em đâu hết rồi? có ai có sao không?
Tuấn đáp:
- Mấy anh ra công sự chiến đấu hết rồi, lính nó vô đó, anh thấy trong người thế nào?
Anh Ba lắc nhẹ rồi tiếp:
- Chị phụ nữ và cháu bé đâu?
- Chị ấy chết rồi.
Tuấn nhìn ra bàn mổ, phát hiện đứa bé đang động đậy, nhân lúc pháo ngưng bắn, anh chạy ra khom người bồng đứa bé đưa về hầm. Pháo lại bắn, đứa bé khóc oe oe, tiếng khóc của nó chìm trong sự gầm thét của đạn pháo.
Đột nhiên pháo ngưng, chỉ còn lại tiếng súng bắn nhau giữa anh em đội phẫu với bọn lính sau vườn thưa thớt. Anh Ba lại thều thào:
- Pháo ngưng coi chừng nó bọc hậu, cho thương binh xuống mé sông ém đi Tuấn!
Tuấn ra khỏi hầm, sắp xếp cho anh em thương binh di tản xuống biền lá dưới mé sông theo chỉ thị của anh Ba rồi giao đứa bé cho một cô y tá đi sau cùng. Tuấn quay lại vào hầm định cõng anh Ba nhưng anh lắc đầu nói đứt quãng:
- Em cũng đi đi, để anh ở đây, vết thương như thế này anh không sống được đâu, máu ra nhiều quá! Em thay anh nuôi má, an ủi chị Ba, ráng chung thủy . . với . . .
Anh nói chưa hết câu thì máu trong miệng trào ra. Bị ngạt thở, anh ôm ngực lăn lộn. Tuấn ôm anh, nước mắt ứa ra chảy dài xuống má. Tuấn nghĩ bụng: - Không! mình không thể bỏ anh được. Anh còn sống mình phải ở lại . . .
Tuấn bước ra ngoài đến các lán trại. Mặt đất bị pháo nổ  xới tung, cây cối gảy đổ ngổn ngang. Các căn nhà dã chiến cái bị sập, cái nghiêng ngã xiêu vẹo. Tuấn chui vào tìm lựu đạn và lấy khẩu súng ngắn của anh Ba đem về hầm. Vẫn tiếng súng thưa thớt ngoài đầu vườn, mấy viên đạn bay veo véo trên đọt cây. Tuấn căng mắt, căng tai nghe ngóng động tĩnh. Từ đám sậy nơi đậu xuồng có tiếng người xì xào. Tuấn cảnh giác ghìm súng bò lại gần. Trước mắt anh, một tên lính mặc đồ rằn xuất hiện với cặp mắt láo liêng tìm kiếm. Tuấn ép sát người vào một thân cây dừa vừa bị pháo bắn gảy giương súng ngắm vào ngực tên lính bóp cò. Một tiếng nổ đanh, gọn vang lên, tên lính buôn súng ôm ngực té xấp. – Lấy súng! Một ý  nghĩ thoáng nhanh, anh bò tới rút chốt lựu đạn ném mạnh ra phía sau tên lính. Một bựn khói cùng với tiếng nổ lớn phát ra. Nhanh như sóc, Tuấn lao đến chỗ tên lính, chụp lấy khẩu tiểu liên lia mấy loạt vào đám sậy phía sau rồi gỡ luôn túi đạn trên người của nó, anh nằm xuống lăn sang một rãnh mương gác súng bắn hết số đạn còn trong băng. Súng địch phía đám sậy bắn lại xối xả, những bặp dừa nước trúng đạn xé ra trắng toát. Tuấn lại giương súng bắn tiếp và ném trái lựu đạn thứ hai rồi bò về nơi cây dừa gảy ban nãy nấp ở đó. Một lúc sau không còn nghe tiếng động, Tuấn nhón người hướng mặt về phía tên lính đang nằm, bất ngờ, một viên đạn từ một hướng khác cắm đúng thái dương, Tuấn gục xuống, bất động.
V
. . . . .
- Chuyện anh Ba hy sinh, em bị thương là như vậy, giá như hôm đó đừng có người phụ nữ ấy, chắc gì anh Ba bị trúng mãnh pháo và chắc gì em bị thương.
Giọng Tuấn vẫn trong trẻo như ngày nào, nó len vào từng sợi cơ trong trái tim đang thổn thức của Hồng. Chị Hạnh lấy khăn lau nước mắt. Hồng không còn đủ sức đứng được nữa, cô quỵ xuống, ôm góc mộ anh Ba gục vào đó.
Một lúc lâu sau Tuấn nói tiếp:
- Lành vết thương, khi ra viện cũng là ngày miền Nam được giải phóng. Về đơn vị nghe mấy anh kể lại: Hôm đó sau khi em trúng đạn thì các anh cũng vào kịp và nổ súng, tụi lính bỏ chạy, mấy anh đưa em vào hầm mới gặp anh Ba nhưng ảnh đã tắt thở rồi.
Hồng không còn chịu nổi nửa, cô khóc bậc thành tiếng, thổn thức, nức nở, bé Vọng thấy mẹ và cô khóc cũng khóc theo, cả không gian chìm trong nổi buồn vô tận. Tuấn cũng nghẹn ngào, anh lắng nghe tiếng khóc của Cúc (anh tin như vậy) và nhớ lại tiếng khóc của người yêu trên ngã ba sông Cái Lớn hơn mười năm về trước, cũng thổn thức, cũng nức nở!
Trời tối không còn xe ôm, chị Hạnh, Tuấn và Hồng cùng hai bé phải lên xe lôi đi về thị xã. Trên đường, chỉ có Tuấn và chị Hạnh nói chuyện với nhau, Hồng vẫn lặng thinh. Một lúc sau chị Hạnh hỏi:
- Em có vợ hồi nào vậy?
- Em chưa có vợ chị à!
- Em dấu chị phải không? Không có vợ sao lại có con?
- À! Em quên kể. Đứa bé mà anh Ba sanh cho người phụ nữ hôm ấy là bé Hồng đó. Sau khi tụi lính rút khỏi, chôn cất anh Ba và mẹ nó xong, đơn vị đem nhờ má năm nuôi, chị còn nhớ má Năm không? Má nhận em làm con, em ở với má từ đó đến giờ và em cũng xem con bé ấy như là con của em, má kể nuôi nó cực lắm, sửa mua đâu có đủ, má phải dùng nước cơm hòa với đường cho nó uống, lúc em về nó còm cỏi gầy gò chứ đâu được như bây giờ, chính tên Hồng em đặt cho nó đó.
- Em đặt như vậy có nghĩa là . . .
Chị Hạnh bỏ lững câu nói. Hồng ôm chị gục mặt vào vai, nước mắt cô thấm xuống lưng chị ướt đẫm. Từ chiều đến giờ, Hồng khóc mãi chưa lúc nào dứt. Khóc cho cái chết của anh Ba, khóc cho sự mất mát quá lớn của Tuấn . . .
Tuấn an ủi:
- Cúc đừng khóc nửa! chiến tranh mà em, đâu chỉ có riêng mình, còn hằng triệu người khác, có người còn bị tổn thất to lớn hơn mình nhiều.
Chị Hạnh lại hỏi Tuấn:
- Sao em không nhờ má Năm đưa ra thăm má, thăm chị và Hồng?
- Em cũng muốn lắm, nhưng thân em mù lòa thế này, gặp em Hồng đau đớn em càng khổ tâm hơn.
Chiếc xe đã đưa mọi người về đến khách sạn. Hồng tung cửa lao lên giường ôm mặt khóc như điên như dại, chị Hạnh đến bên vỗ về:
- Thôi đừng khóc nửa em! Có khóc mấy cũng không làm sáng lại đôi mắt của Tuấn và anh Ba em cũng không sống lại được đâu. Bây giờ em đã rõ về Tuấn rồi đó, thật tội nghiệp cho chú ấy quá!
Hồng ngồi dậy. Sau một lúc chần chừ, cô đứng lên đi ra cửa đến phòng của Tuấn, cô mở cửa lao đến quỳ xuống ôm lấy chân anh nói trong tiếng nấc:
- Anh Tuấn! anh tha lỗi cho em! Em là Hồng đây! Hồng của anh đây!
Tuấn bàng hoàng đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn xuống, anh khom người đỡ Hồng đứng lên:
- Hồng đây sao?
- Anh tha lỗi cho em! Em khổ tâm lắm mà!
Tuấn ôm cô sờ soạn. Giống như ngày nào, anh sờ lên mặt, lên tóc, lên ngực, lên lưng . . . như để xem cô có còn nguyên vẹn không. Hồng cũng ôm Tuấn, cô hôn lên mặt, lên trán, lên ngực anh một cách mãnh liệt, cô thì thầm với anh:
- Em vẫn còn nguyên vẹn! em vẫn còn trong trắng! em vẫn xứng đáng làm vợ của anh!
- Không được đâu em! Em đừng tự mình gánh lấy nỗi đau lòng và khổ cực bởi người chồng mù lòa như anh! Hôm nay và như thế này là anh mãn nguyện lắm rồi!
- Không! Nhất định em phải là vợ của anh! Em sẽ vui mà!
*
*   *
Chiếc quạt trên trần căn phòng buông vòng quay vun vút, lùa những luồng khí mát rượi tỏa xuống như để làm dịu đi nỗi day dứt bám lấy tâm hồn hai người suốt hơn mười năm xa cách.
(*) Loại máy bay trinh sát của địch.
-----------------------
Đã đăng trên Báo văn nghệ Kiên Giang và trong tuyển tập Truyện và ký Kiên Giang.