Translate

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

CẢM THỨC SÔNG CHIẾU

----------
Sông chiều lắng đọng hồn thơ.
Mênh mông mây nước xa mờ trùng khơi.
Thèm nghe giọng Mẹ ru hời.
Tuổi thơ một thuở xa rồi còn đâu.
Trải qua bao bận bể dâu.
Mẹ về cõi vắng đã lâu lắm rồi.
Nhớ quê nghe dạ bồi hồi.
Vẫn sông nước, vẫn mây trời mù xa...
--------- 
(Rạch Giá ngày 04-05-2020)



TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG 3

---------------------
     69. Trong hoạt động tư pháp, người tiến hành tố tụng định kiến với Luật sư, thì công lý luôn bị méo mó, oan sai tất yếu sẽ xảy ra (Rạch Giá ngày 25-07-2020)
---------------------
     68. Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chỉ đạt được hiệu quả thực sự khi các đại biểu (Trừ trường hợp bắt buộc), không đồng thời là thành viên của các cơ quan hành pháp và tư pháp. (Rạch Giá ngày 24-07-2020)
---------------------
     67. Bạn thử so sánh phong cách ứng xử của Công chức Nhà nước và nhân viên siêu thị khi tiếp xúc với người dân xem ai hơn ai? (Rạch Giá ngày 22-07-2020)
---------------------
     66. Sao vạch trên cầu vai của các Tướng, Tá trong thời chiến được nhuộm máu của bao người lính. Gắn bó với đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình là đạo lý của các Tướng Tá ây. (Rạch Giá ngày 20-07-2020) 
---------------------
     65. Không nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vì nó là quả bom nguyên tử cài sẵn, nếu chiến tranh nổ ra, những trái tên lửa hành trình của đối phương sẽ kích nổ gây hủy diệt khủng khiếp. (Rạch Giá ngày 19-07-2020)
---------------------
     64. Là Luật sư tranh tụng, anh có tài giỏi đến đâu khi người ta phán quyết theo giá trị đồng tiền thì lời biện luận của anh cũng trở nên vô nghĩa. (Rách Giá ngày 17-07-2020)
---------------------
     63. Công trình sáng tạo của bạn có làm lợi cho xã hội bao nhiêu đi nữa, nếu rơi vào tay bọn lợi ích nhóm mà không có lợi (hoặc ảnh hưởng bất lợi) thì chúng cũng ném vào sọt rác. (Rạch Giá ngày 13-07-2020)
---------------------
     62. Anh "đau xót" khi nhìn quan tham vào "lò"(*) chứng tỏ anh không có dũng khí chống tham nhũng, anh nên tránh ra cho người khác làm. (*) ám chỉ chủ trương chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ xướng. (Rạch Giá ngày 12-07-2020)
---------------------
     61. Đừng cưỡng ép người khác theo  ý chí của mình khi họ không muốn (Rạch Giá ngày 12-07-2020)
---------------------
     60. Trong xã hội ta không thiếu người Tài và Đức, điều cốt lõi là họ có được phát hiện và trọng dụng hay không? (Rạch Giá ngày 11-07-2020)
---------------------
     59. Niềm tin với Đảng trong Nhân dân được tô thắm bằng máu của thế hệ Hồ Chí Minh đã bị bôi đen bởi bọn cơ hội lộng quyền và tham nhũng. (Rạch Giá ngày 11-07-2020)
---------------------
     58. Tại thời điểm hiện nay, ai phản đối sự có mặt của Mỹ ở biển Đông, nếu họ không thân với Trung Quốc thì cũng là thằng ngu ngốc. (Rạch Giá ngày 10-07-2020)
---------------------
     57. Giáo sư Tiến sĩ chỉ là danh xưng vô nghĩa, nếu anh không tạo được những sản phẩm trí tuệ hữu ích, phục vụ cho đời sống xã hội. (Rạch Giá ngày 10-07-2020)
---------------------
     56. Buông bỏ cái mà bạn đang có, kể cả mối quan hệ thân thiết, nếu nó đã, đang và sẽ gây rắc rối cuộc sống của bạn, là cách tốt nhất để giữ an toàn cho bạn (Rạch Giá ngày 09-07-2020)
---------------------
     55. Bí quyết của người lãnh đạo: Sống chân tình, luôn vị tha không định kiến và đối xử hết lòng với thuộc cấp . . . Bạn sẽ nhận được những điều tốt đẹp lúc đương nhiệm hoặc lúc về đời thường (Rạch Giá ngày 08-07-2020).
---------------------
     54. Quan sát trong xã hội ta thấy: Có những kẻ chuyên lấy danh tiếng và công lao người khác để đánh bóng tên tuổi mình (Rạch Giá ngày 08-07-2020)
---------------------
     53. Trước cái ác, cái xấu, cái lạc hậu, nếu ta không có thái độ phản kháng lại, vô tình ta người đồng lõa với những kẻ đã gây ra nó (Rạch Giá ngày 07-07-2020)
---------------------
     52. Có thể nhận biết nền dân chủ của một chế độ chính trị tốt hay xấu thông qua cách ứng xử của Chính quyền với giới Luật sư. Điển hình như Mỹ và Trung Quốc. (Rạch Giá ngày 07-07-2020)
---------------------
     51. Nếu một Chính quyền thực sự vì Dân thì Chính quyền đó phải đáp ứng kịp thời những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của Dân. (Rạch Giá ngày 07-07-2020)
---------------------
     50. Phải chăng giá trị vật chất tỷ lệ nghịch với giá trị đạo đức? Khi nghèo thì giàu tình cảm, lúc giàu thì thiếu đức? (Rạch Giá ngày 05-07-2020)
---------------------
     49. Luật pháp ở nước ta luôn thanh đổi. Có ba vấn đề đặt ra: Do xã hội phát triển nhanh, Luật trở nên lỗi thời? Năng lực soạn thảo yếu kém? Bị lợi ích nhóm chi phối? (Rạch Giá ngày 01-07-2020)
---------------------
     48. Bá khuyên: "Cái gì có lợi cho Dân thì cố gắng làm, cái gì có hại cho Dân thì hết sức tránh". Xây dựng pháp luật nên theo định hướng này để yên Dân (Rạch Giá ngày 30-06-2020) 
---------------------
     47. Nếu dự thảo sửa đổi luật pháp là rắc rối tốn kém thêm cho Dân thì cần suy nghĩ đến yếu tố "lợi ích nhóm" trong đó có hay không? (Rạch Giá ngày 30-06-2020)
---------------------
     46. Hiệu quả trong trận chiến chống tham nhũng không cao là do thanh gươm pháp lý không sắc bén, người dùng gươm chưa đủ bản lĩnh (Rạch Giá ngày 30-06-2020) 
---------------------
     45. Trong cuộc sống, khi tiếp cận với nhiều người ta thấy cái tốt xấu của họ khác nhau, bạn hãy rút ra những điều bổ ích cho mình hơn là có lời khen chê họ (Rạch Giá ngày 28-06-2020)
---------------------
     44. Uy tín của Đảng và Nhà nước, chỉ có được khi đảng viên và cán bộ liêm khiết, hết lòng phục vụ nhân dân, loại trừ được sai phạm tham nhũng (Rạch Giá ngày 27-06-2020)
---------------------
     43. Trong tình yêu, tình bạn và tình đồng nghiệp, không có chỗ cho những kẻ có đầu óc lừa dối, nham hiểm cùng đồng hành (Rạch Giá ngày 26-06-2020)
---------------------
     42. Luôn luôn tỉnh táo nhận biết thái độ của người khác đối với mình để có cách ứng xử lại cho thích hợp (Rạch Giá ngày 24-06-2020)
---------------------
     41. Một bộ máy quyền lực Nhà nước mà dung nạp những người kém tài hoặc không có đạo đức làm cán bộ công chức thì chỉ có gây hại cho Dân (Rạch Giá ngày 17-06-2020)
---------------------
     40. Nhân cách của một người được thể hiện qua trình độ và phương pháp ứng xử của người với thế giới khách quan (Rạch Giá ngày 17-06-2020)
---------------------
     39. Nếu chúng ta làm đúng làm tốt, thì không có bất cứ một thế lực phản động thù địch nào có thể lôi kéo được Nhân chống lại Nhà nước (Rạch Giá ngày 14-06-2020) 
---------------------
     38. Không tiếp thu cái hay, cái tốt người ta gọi là bảo thủ, nó kéo theo sự trì trệ lỗi thời rất nguy hại cho xã hội (Rạch Giá ngày 12-06-2020)
---------------------
     37. Bị án trong tù là nhóm người yếu thế, Luật THAPT không qui định cho họ được nhờ L sư là khiếm khuyết về bảo vệ quyền con người (Rạch Giá ngày 12-06-2020)
---------------------
     36. Mất niềm tin là mất tất cả. Trong kháng chiến, niềm tin đã kết thành sức mạnh, là động lực của mọi thắng lợi (Rạch Giá ngày 10-06-2020).
                       ---------------------
     35. Dù ai đó có nghe hay không, thì tiếng nói của giới Luật sư, giới Nhà báo vẫn mang tầm cao trí tuệ, lương tâm và trách nhiệm xã hội (Rạch Giá ngày 08-06-2020)
---------------------
     34. Thời bao cấp tuy nghèo nhưng thấm đẫm nhân nghĩa, không có tham nhũng, không có băng nhóm xã hội đen lộng hành, tội phạm và tranh chấp dân sự ít xảy ra (Rạch Giá ngày 07-06-2020)
---------------------
     33. Hành động ứng xử của nhân viên công quyền có tác động tốt hoặc xấu đối với Nhân dân. Nhân viên nào có thái độ tiêu cực thì chính họ là kẻ nội phản (Rạch Giá ngày 06-06-2020)
---------------------
     32. Khi mạng điện tử chiếm lĩnh gần như tuyệt đối không gian thông tin, thì sự thật sẽ bị phơi bày, mọi mưu đồ che dấu bưng bít đề vô nghĩa (Rạch Giá ngày 06-06-2020)
----------------------
     31. Ai xem những người trí thức có quan điểm phản biện nhằm chống lại cái tiêu cực lạc hậu là phần tử đối lập thì chính họ là kẻ phản động (Rạch Giá ngày 05-06-2020)
---------------------
     30. Với trình độ dân trí hiện nay, mạng thông tin điện tử là phương tiện hữu hiệu góp phần tích cực chống lại cái ác cái xấu trong xã hội (Rạch Giá ngày 03-06-2020)
---------------------
     29. Khi người ta đi lên trên con đường được trải thảm bằng quyền và tiền, thì họ không có lòng trắc ẩn trước số phận cay đắng của người khác (Rạch Giá ngày 31-05-2020)
---------------------
     28. Trong kháng chiến, người Dân luôn ủng hộ và không bao giờ chửi cán bộ cách mạng, còn bây giờ....hai hiện tượng trái ngược nhau chúng ta cần suy ngẫm (Rạch Giá 30-05-2020)
---------------------
     27. Oan sai trong tố tụng, không chỉ làm mất niềm tin trong Nhân dân, mà còn giúp cho bọn phản động có cớ chống lại Đảng và Nhà nước (Rạch Giá ngày 30-05-2020)
---------------------
     26. Để củng cố niềm tin công lý, Đảng cần phải có biện pháp cải cách cơ quan tố tụng, chấm dứt tình trạng oan sai chết người như vừa qua (Rạch Giá ngày 30-05-2020)
---------------------
     25. Án oan và những cái chết xảy ra ở Tòa án cho thấy: Công lý không còn an toàn, có phải do người tiến hành tố tụng bất tài vô đạo đức hay vì một lẽ nào khác? (Rạch Giá ngày 30-05-2020)
---------------------
     24. Lời nói cuối cùng của bị cáo Lương Hữu Phước: "Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nên tư pháp tỉnh ....(BP)thì cũng đáng lắm chứ" Và điều đó đã xảy ra sau khi bị cáo bị tuyên án 3 năm tù giam.
---------------------
     23. Nếu chỉ có đồng tiền mới làm rung động trái tim người mà bạn yêu mến, thì bạn nên sớm chấm dứt để không phải ân hận về sau này (Rạch Giá ngày 29-05-2020)
---------------------
     22. Cần loại khỏi hệ thống chính trị hoặc xác nhập những cơ quan không còn ý nghĩa thiết thực với xã hội để bộ máy công hoạt động có hiệu quả hơn (Rạch Giá ngày 29-05-2020)
---------------------
     21. Khi mọi người căm ghét đối tượng nào đó mà anh lại tỏ ra thân thiện với chúng, thì anh sẽ gánh lấy sự xa lánh của mọi người (Rạch Giá ngày 21-05-2020)
---------------------
     20. Ba biện pháp quản lý, giám sát cán bộ: Kiểm tra chất lượng công vụ; Thanh tra tài sản; Lấy phiếu tín nhiệm (Rạch Giá ngày 21-05-2020)
---------------------
     19. Nếu không cải cách triệt để về Tổ chức và Nhân sự trong hệ thống chính trị, thì không thể loại trừ được tham nhũng tiêu cự hiện này (Rạch Giá ngày 21-05-2020) 
---------------------
     18. Quyền lực Nhà nước nếu trao nhầm cho những kẻ bất tài hoặc vô đạo đức, sẽ tìm ẩn nguy cơ thảm họa cho xã hội mà Nhà nước đó quản lý (Rạch Giá ngày 20-05-2020)
---------------------
     17. Tinh tế trong ứng xử, lịch lãm trong giao tiếp, chuẩn mực lúc phát ngôn, nhã nhặn khi tranh luận, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh, là những tố chất cần có đối với người Luật sư (Rạch Giá ngày 18-05-2020)
---------------------
     16. Người đứng đầu cơ quan đơn vị liêm khiết, trong sạch và nghiêm minh thì cán bộ dưới quyền không rơi vào hố tham nhũng (Rạch Giá ngày 18-05-2020)
---------------------
     15. Một khi các cơ quan tiến hành tố tụng còn xem nhẹ vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng, thì nguy cơ án oan sai vẫn còn xảy ra. (Rạch Giá ngày 16-05-2020)
---------------------
     14. Sự lợi hại của những nhà Tình báo chiến lược là họ biết kích động lèo lái Chính quyền hành xử có lợi cho phía đối phương. Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn là những điển hình (Rạch Giá ngày 14-05-2020)
---------------------
    13. Khi người lãnh đạo không có tư duy Dân chủ, thì các cấp bên dưới vi phạm Dân quyền là điều dễ hiểu (Rạch Giá ngày 13-05-2020).
---------------------
    12. Người nào quen lối sống gian xão, trước sau gì họ cũng gánh lấy tai họa vào thân. Đó là quy luật nhân quả của cuộc sống (Rạch Giá ngày 13-05-2020)
---------------------
     11. Đồng tiền làm tha hóa con người, tha hóa quyền lực; Một thực trạng khó bị triệt tiêu nếu không có người có đủ bản lĩnh lãnh đạo (Rạch Giá ngày 11-05-2020)
---------------------
     10. Đồng tiền làm tha hóa con người, tha hóa quyền lực; Một thực trạng khó bị triệt tiêu nếu không có những người có đủ bản lĩnh lãnh đạo (Rạch Giá ngày 11-5-2020)
---------------------
     09. Chỉ cần một lần nhận của đút lót, anh sẽ không thoát khỏi sự kềm tỏa của kẻ xấu và khó cưỡng lại lòng tham bởi giá trị của nó (Rạch Giá ngày 7-5-2020)
---------------------
     08. Quan liêu trong xét xử, công lý sẽ bị "Lệch pha", là hiểm họa của oan sai, làm phai nhạt niềm tin xã hội vào sự công bằng của chế độ (Rạch Giá ngày 6-5-2020)
---------------------
     07. Là lãnh đạo mà phát ngôn không chuẩn mực, bạn có thể gánh lấy tai họa, nếu đụng chạm đến những vấn đề hệ trong của xã hội (Rạch Giá ngày 6-5-2020)
---------------------
     06. Nếu không luôn tự răn lấy mình, bạn sẽ trở thành kẻ xấu bởi sự cám dỗ của vật chất tiền bạc (Rạch Giá ngày 05-05-2020)
---------------------
     05. Không ít người có một quá khứ tốt đẹp, nhưng khi có quyền lực trong tay lại bị tha hóa biến chất thành kẻ xấu (Rạch Giá ngày 5-5-2020)
---------------------
     04. Luật pháp là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc. Quy phạm pháp luật không sát hợp với cuộc sống đời sống xã hội, chẳng những cuộc sống không tốt đẹp hơn, mà có thể còn làm cho quan hệ xã hội rối ren phức tạp trong những lĩnh vực nhất định (Rạch Giá ngày 04-05-2020). 
-------------------
     03. Dù thời chiến hay thời bình, những người Lính - Bộ Đội Cụ Hồ chỉ có một lòng sống chết vì Dân vì Nu7o72c (Rạch Giá ngày 01-05-2020)
---------------------
     02. Nếu vì cái "Tôi" mà những người trong bộ máy công quyền không làm hết trách nhiệm của mình đối với Dân là họ đã phản bội lại giá trị lịch sử của Dân tộc (Rạch Giá ngày 01-05-2020)
---------------------
     01. Chỉ có 2 tháng mà số người Mỹ chết vì nhiễm Vi rút Vũ Hán tương đương với số lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Hơn 58 ngàn. (Rạch Giá 29-04-2020).

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

THÁNG TƯ VỀ VỚI LÀNG NGHỀ VĨNH THUẬN


 THÁNG TƯ VỀ VỚI
LÀNG NGHỀ VĨNH THUẬN
------------------
                                                                Bài và ảnh:
                                             Đoàn Công Thiện – Trương Vũ
Chúng tôi về thăm làng nghề Vĩnh Thuận, một vùng quê của miệt rừng U Minh giữa lúc giao thời, dưới cái nắng oi bức của tiết trời sắp bắt đầu những cơn mưa mùa hạ.
Thực tế làng nghề mà chúng tôi tìm đến, chính là ấp Vĩnh Trinh của xã Vĩnh Thuận (thuộc huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang), nhưng vì địa danh Vĩnh Thuận đã đi vào lịch sử kháng chiến, nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang ra đời; Một vùng chiến trường khốc liệt nhất đã in đậm dấu ấn không phai mờ của các thế hệ chiến sĩ cách mạng từng đi qua nơi đây, nên chúng tôi quyết định lấy tên Vĩnh Thuận trong cấu thành  tựa đề bài viết này.
Bốn mươi lăm năm trôi qua, Vĩnh Thuận đã thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng không thể hình dung ra được; Một địa danh tiếp giáp với rừng U Minh, khu căn cứ địa kháng chiến có mật độ bom đạn ác liệt nhất trong chiến tranh; Một vùng quê mà mỗi tên đất, tên sông, đều gắn liền với những chiến công hiển hách…
Những con đường liên ấp, liên xã phẳng lì bê tông rộng mở, nhộn nhịp người xe qua lại; Những ngôi nhà kiên cố khang trang đẹp đẻ nhiều màu sắc làm sáng rực cả xóm quê; Tiếng loa âm thanh bài ca vọng cỗ đâu đó vang lên, xen với tiếng xuồng máy trên sông, lẫn tiếng người cười nói râm rang trên đường sau buổi làm đồng về … Quan cảnh ấy đã gieo vào tâm thức chúng tôi một cảm xúc nao nao dâng trào đến tận đáy lòng.
Có bao người đã ngã xuống để có được ngày 30 tháng Tư yên bình cho quê hương xứ sở này? Có bao nhiêu mồ hôi công sức đổ ra, để có và duy trì một làng nghề trù phú hôm nay?  Đó là những điều trăn trở mà chúng tôi phải đi tìm lời giải đáp.
Cháu Lâm Vũ Hải, một cán bộ trẻ của Ban tuyên giáo huyện ủy Vĩnh Thuận, được lãnh đạo phân công đưa chúng tôi về thăm làng nghề. Với lòng nhiệt tình và thái độ năng nổ, cháu gọi điện liên tục đến các anh có trách nhiệm ở xã, bố trí cho chúng tôi xuống tận nơi, gặp người thật, việc thật để thu thập thông tin.
Người đầu tiên tiếp chúng tôi là anh Châu Hoàng Liệt, một Nông dân có tay nghề cao làm Tổ trưởng Tổ Hợp tác đan đát của ấp Vĩnh Trinh.
Với phong cách của người Nông dân Nam bộ: Thân tình, mộc mạc, chất phát,  anh khoe ngay những phần thưởng mà cơ quan chính quyền các cấp đã tặng cho hộ gia đình của anh và cho tổ hợp tác, về thành tích duy trì sản xuất sản phẩm Cần xé, một loại dụng cụ được làm ra từ cây tre cây trúc, dùng để chứa đựng hàng hóa (*). Trả lời câu hỏi tại sao chỉ duy nhất có mặt hàng Cần xé mà không sản xuất các loại dụng cụ khác? Anh bộc bạch trả lời:
Từ khi sanh ra đến giờ nối tiếp nghề cha mẹ để lại, tôi chỉ đan Cần xé thôi, ở đây mọi người cũng làm duy nhất chiếc Cần xé, còn Thúng, Rỗ hay vật dụng khác thì không ai làm.
Có lẽ vì chiếc Cần xé là dụng cụ chứa đựng phổ dụng nhất, chưa có sản phẩm nào thay thế tốt hơn, nên nó vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Chúng tôi nghĩ như vậy.
Nói về cách thức hoạt động của Tổ hợp tác, anh Liệt cho biết:
Anh tự bỏ vốn mua nguyên liệu tre trúc giao cho các tổ viên, sau đó từng tổ viên tự đan hình thành sản phẩm thô ban đầu giao lại cho anh, tiển công trả cho mỗi sản phẩm theo giá thỏa thuận; Tiếp theo, anh và các thành viên trong gia đình, thực hiện khâu hoàn thiện sản phảm và hợp đồng bán lại cho thương lái . . . cứ như vậy, tổ hợp tác của anh nhiều năm nay làm ăn  luôn có hiệu quả, mỗi tổ viên thu mỗi tháng ba đến bốn triệu đồng.
Để có tư liệu hình ảnh cho bài viết, theo yêu cầu của chúng tôi, Vợ chồng anh Lê Văn Bul, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Trinh thao tác khâu hình thành chiếc Cần xé thô ban đầu và vợ chồng anh Châu Hoàng Liệt thực hiện khâu hoàn thiện sản phẩm. Với những bàn tay khéo léo, tài hoa, chỉ trong chốc lát, các anh chị đã cho ra những chiếc Cần xé thanh thoát, cứng chắc và dung dị mang nét đặc trưng của một loại sản phẩm riêng có của làng nghề ở xứ đồng bằng sông Cửu Long không thể lẫn vào đâu được.
Người thứ hai mà chúng tôi tiếp xúc là anh Đặng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận.
Cũng với cái chất Nông dân nhiệt tình năng nổ, anh dùng xe máy đưa chúng tôi đến xem tận nơi một số hộ gia đình trong khu vực làng nghề. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có nguyên liệu tre, trúc cùng với những sản phảm dở dang để trong nhà. Nói về quá trình hình thành và tồn tại làng nghề, anh tóm tắt như sau:
Nghề đan Cần xé có từ trong chiến tranh rất lâu. Những năm sau giải phóng bà con vẫn tiếp tục và đó là nghề chính. Hồi trước vùng này cây trúc và cây tre trồng rất nhiều, nhà nào cũng có, nhưng sau này do Chính quyền có chủ trương phát triễn nông nghiệp bền vững, hệ thống thủy lợi hình thành, nước ngọt mặn được điều chỉnh, đất được cải tạo rửa phèn . . . Theo qui hoạch, vùng này thực hiện canh tác theo mô hình tôm lúa xen canh, nên nghề đan Cần xé không còn là nghề chính của bà con nơi đây. Tuy nhiên, vì là nghề truyền thống nên Đảng bộ luôn có chủ trương duy trì và vận động bà con bám giữ để nghề không bị mai một. Vì vậy mà nghề đan Cần xé vẫn còn tồn tại cho đến hôm này, được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cầp Bằng chứng nhận vào ngày 16 tháng 06 năm 2017.
Cung cấp thông tin về sự hy  sinh mất mát trong chiến tranh của địa phương, anh Khoa cho biết:
Toàn xã có hơn hai trăm gia đình chính sách, trong đó có hơn 250 Liệt sỉ; Xã có 53 bà mẹ Việt Nam anh hùng, giờ chỉ còn lại 2 mẹ. Trong số 53 mẹ, có bà đã hy sinh đến 5 người thân trong gia đình. Xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng vào năm 1994.
Tiếp xúc với một cán bộ lão thành cách mạng (xin được không nêu tên), anh từng hoạt động ở vùng này trong chiến tranh khá lâu, anh hiểu rất rõ làng nghề. Theo anh thì làng nghề ra đời vào khoản thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Do thời điểm đó không có hàng hóa công nghiệp tràn ngập thị trường như bây giờ, tất cả đồ gia dụng đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên như: Tre, Trúc, cây Sậy, cây lá Dừa nước v.v… cho nên những sản phẩm đan bằng nguyên liệu tự nhiên rất phổ biến.
Ở làng nghề này, trong thời kỳ đánh Mỹ, đã có lúc bà con tập trung từng chiến dịch đan sọt bằng cây Sậy, để đựng đất xây đập chặn kênh xáng Chắc Băng, nhằm không cho tàu chiến của giặc, tiến công vào vùng giải phóng do ta làm chủ.  Khi chiến tranh bom đạn ác liệt, nhiều gia đình phải chuyển về vùng giặc tạm chiếm sinh sống nhưng vẫn giữ nghề; Những người bám trụ ở lại tham gia du kích, cùng với Bộ đội tổ chức đánh địch càn quét.
Vì Vĩnh Thuận là địa bàn cực kỳ quan trọng có ý nghĩa chiến lược, nơi địch dùng làm bàn đạp tấn công đánh phá vào U Minh, nên chúng sử dụng mọi phương tiện chiến tranh đánh vào vùng giải phóng, ta thì quyết giữ không cho địch thực hiện ý đồ lấn chiếm; Nhiều trận chiến diển ra quyết liệt, trong đó có chiến dịch tấn công đồn trú và đánh quân nhảy dù (**) tiếp diện, diễn ra trên địa bàn Vĩnh Thuận, do Bộ đội chủ lực kết hợp với Du kích địa phương, tiến hành liên tục nhiều ngày, tiêu diệt nhiều quân địch, có cả cố vấn Mỹ, bắn cháy nhiều máy bay, thu nhiều vũ khí, đánh bại ý đồ chiếm đóng Vĩnh Thuận lúc bấy giờ của địch (***).
Từ làng nghề về trụ sở huyện, chúng tôi được đồng chí Võ Thanh Xuân, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp đón. Nói về định hướng làng nghề trong tương lai,  đồng chí cho biết:
Phương hướng hoạt động sắp tới của Đảng bộ, Huyện ủy sẽ đưa ra thảo luận tại đại hội lần thứ XII sắp tới, Đảng bộ tập trung lãnh đạo kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng v. v. . . trong đó có nội dung bảo đảm những chinh sách hợp lý để làng nghề truyền thống Vĩnh Trinh luôn tồn tại với sản phẩm Cần xé có từ lâu đời mãi mãi là một sản phẩm đặc trưng của nghề đan đát ở đồng bằng sông Cữu Long.
Vâng chúng tôi tin như vậy, bởi lẽ: Một khi cái nghiệp của nghề đã ăn sâu bám rễ vào tìm thức và trở thành thói quen điêu luyện trong bàn tay của con người  thì không thể nào họ dể dàng từ bỏ được. Đó, như là một chân lý thực tiễn của cuộc sống, mà người Nông dân miền Tây Nam bộ từ xưa đến nay vẫn là như vậy.
Trời chiều, rời khỏi làng nghề, xe chúng tôi bon bon trên con lộ bê tông thẳng tắp. Ven bên đường, những rặng dừa xanh nghiêng mình in bóng xuống kênh Chắc Băng hiền hòa xuôi dòng đổ ra sông lớn mà lòng chúng tôi rộn lên bao niềm vui của những ngày tháng Tư lịch sử trên vùng đất anh hùng thấm đẫm truyền thống cách mạng của quê hương Vĩnh Thuận thân yêu này.    
                     Vĩnh Thuận những ngày tháng 04 – 2020
(*) Dung lượng của chiếc Cần xé, tùy theo chủng loại, mỗi chiếc có thể chứa từ 40 ký đến 60 ký hàng hóa.
(**) Là một hình thức chiến thuật tiến công bộ binh từ trên cao. Mỗi tên lính ngoài vũ khí còn được trang bị một chiếc dù, khi lao ra khỏi máy bay chiếc dù bung ra giữ thăng bằng và từ từ rơi xuống. Lính từ trên cao bắn xuống mục tiêu cho đến khi tiếp cận được mặt đất. 
(***) Tư liệu trong cuốn Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 (Nhà xuất bản QĐND 2005). Trong chiến dịch 7 ngày đêm vào tháng 4 năm 1964, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 quân, trong đó có 2 cố vấn Mỹ; Bắn cháy 10 máy bay chiến đấu các loại; Thu trên 200 súng và hằng trăm chiếc dù; Diệt gọn 1 Tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 2 Tiểu đoàn lính dù khác.  
 




Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

MỘT GÓC QUÊ XƯA


Ta về thăm lại quê xưa.
Vàng hoe sắc nắng bóng Dừa nghiêng chao.
Rẫy vườn vẫn cứ bạc màu.
Nắng hong hong nắng nát nhàu đồng xa.
Cái thời cơ cực đã qua.
Mồ hôi vắt kiệt nhạt nhòa áo nâu.
Đất phèn trắng ruộng nông sâu.
Bàn tay chai sạn rát đầu mưa tuôn.
Nỗi nghèo trộn lẫn vui buồn.
Tháng năm đeo mãi không buông phận người.
Đói no bám đất bám trời.
Gieo neo bao bận một thời đắng cay.
Quê xưa một góc còn đây.
Nghe như tiếng vọng tháng ngày xa xăm
-----------
Xép Ba Tàu ngày 05-04-2020 








Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

CHIỀU THOẠI SƠN

Gòn sai neo trái bên hồ
Trời thôi hong nắng bóng xô nghiêng chiều
Núi xa lặng gió đìu hiu
Nghe lòng thắm sắc xanh chiều Thoại Sơn
(Thoại Sơn An Giang tháng 2-2020)





Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

CHIỀU SÔNG QUÊ

 Sông quê in bóng chiều rơi.
Lặng lờ sông vắng buồn trôi xuôi dòng.
Nghe như xao xác nỗi lòng.
Thương con nước chảy tận cùng ngàn năm
(Gò Quao ngày 17-03-2020)



Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

KÊNH XÁNG CHẮC BĂNG VĨNH THUẬN KIÊN GAING

          Kênh xáng Chắc Băng, con kênh đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; Nơi hình thành Chi bộ Đảng đấu tiên của tỉnh Kiên Giang; Nơi tiễn đưa những người con ưu tú của miền Tây Nam bộ tập kết ra Bắc sau hiệp Gieneve năm 1954; Nơi diễn ra chiến dịch "đánh đồn diệt diện" với những trận đánh ác liệt của Bộ đội ta với quân VNCH trong 7 ngày đêm của Trung đoàn 1 U Minh anh hùng, đã tiêu diệt hơn 600 tên địch (có 2 Cố vấn Mỹ), bắn cháy 10 máy bay, thu trên 200 súng các loại.....