Translate

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

BÀI VIẾT (góp ý Hiến pháp)

VẤN ĐỀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP CỦA VIỆN KIỂM SÁT
--------------------------- 
Luật sư Đoàn Công Thiện - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Kiên Giang
(VBF) - Lần đầu tiên Viện kiểm sát nhân dân được Hiến pháp 1959 xác định là một chủ thể độc lập đứng bên cạnh Tòa án nhân dân. Điều 105 Hiến pháp 1959 qui định chức năng của Viện kiểm sát, như sau:
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định.Đây được xem là chức năng kiểm sát chung củaViện kiểm sát nhân dân
Hiến pháp 1980, ngoài chức năng như Hiến pháp 1959, Viện kiểm sát đựơc tăng thêm thẩm quyền mới, đó là chức năng thực hành quyền công tố (điều 138). Hiến pháp 1992, chức năng kiểm sát chung vẫn giữ như các Hiến pháp trước đó nhưng đến năm 2002, Quốc hội ban hành Luật số 34/2002 ngày 02-04-2002, Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng những công tác sau đây:
Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp;Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự;Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân;Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.
Với những nội dung nêu trên cho thấy, chức năng kiểm sát chung không còn nửa, thay vào đó Viện kiểm sát nhân dân được giao kiểm sát tập trung vào quá trình điều tra và xét xử bên cạnh việc thực hiện thẩm quyền công tố.
Nội dung dự thảo Hiến pháp lần này, ngoài chức năng Công tố, Viện kiểm sát nhân dân vẫn được giao chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp(và có thể nội dung kiểm sát chung trong Luật số 34/2002 sẽ không thay đổi). Vấn đề cần bàn ở đây là chức năng kiểm sát hoạt động tư pháptiếp tục giao cho Viện kiểm sát nhân dân có còn hợp lý?
Nghiên cứu Luật tố tụng hình sự ta thấy có ba giai đoạn tố tụng tư pháp là: điều tra, truy tố, xét xử. Trong ba giai đoạn, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện độc lập giai đoạn truy tố. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn thực hiện nhiều hành vi tố tụng tư pháp khác như: Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, tự mình áp dụng hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn, ban hành Cáo trạng và luận tội bị cáo trước phiên tòa . . . Quá trình này cơ quan nào sẽ là chủ thể kiểm sát (hoặc giám sát) đối với Viện kiểm sát? Nếu cho rằng: Viện kiểm sát nhân dân tự kiểm sát quá trình hoạt động tố tụng tư pháp của mình, thì liệu rằng có khách quan hay không? đây là vấn đề cần phải xem xét đến tính hợp lý khi tiếp tục giao cho Viện kiểm sát nhân dân chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.
Với cơ chế hoạt động kiểm soát như hiện nay, chức năng kiểm sát thực chất là quá trình kiểm soát thực thi quyền lực, là một hình thức dùng quyền lực chế ước quyền lực, vì vậy không thể để một chủ thể vừa có chức năng quyền lực cưởng chế, vừa có chức năng kiểm soát, chế ước quyền lực trong cùng một sự kiện pháp lý trong quan hệ pháp luật. 
Mặt khác, với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có cả kiểm sát việc xét xử của Tòa án nhân dân, liệu rằng có gây áp lực, làm hạ thấp vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan độc lập xét xử, để bảo đảm sự công bằng, công minh trong phán quyết của Tòa án?
Với cơ sở lý luận nêu trên, Hiến pháp lần này không nên giao chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát nhân với tư cách Nhà nước, chỉ thực hiện duy nhất thẩm quyền Công tố còn chức năng kiểm sát tư pháp (hoặc là giám sát) giao cho cơ quan chuyên trách của Quốc hội thực hiện sẽ hợp lý hơn. Theo hướng này, Viện kiểm sát cần đổi tên lại là “Viện công tố nhà nước”, đồng thời tăng thẩm quyền điều tra cho Công tố viên thực hiện, cơ quan điều tra của Công an chỉ thực hiện điều tra ban đầu (toàn bộ việc hỏi cung, lấy lời khai các đương sự khác sau khi khởi tố bị can giao cho Công tố viên – sẽ bàn trong bài khác).
Nếu chức năng kiểm sát hoạt động tư phápđược giao lại cho cơ quan chuyên trách của Quốc hội, thì cơ quan chuyên trách này có thể gọi là: “Viện giám sát nhân dân” thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp,đồng thời bổ sung thêm chức năng giám sát các quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức của cơ quan hành chính nhà nước (đã kiến nghị trong bài trước). Ở trung ương, Viện này trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, ở địa phương, Viện này trực thuộc Hội đồng nhân dân.
Thiết nghĩ: Nếu Hiến pháp lần này, vấn đề kiểm sát hoạt động tư pháp được điều chỉnh cho một chủ thể khác thì Viện kiểm sát (hoặc Viện công tố) với chức năng công tố sẽ chuyên sâu và trách nhiệm của Công tố viên sẽ nâng cao hơn trong quá trình hoạt động tố tụng của mình.
-------------- 
Đã in trong Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét