Translate

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

GIẾT NGƯỜI HAY CỐ Ý. . .


GIẾT NGƯỜI HAY CỐ Ý
GÂY THƯƠNG TÍCH DẪN ĐẾN CHẾT NGƯỜI
----------------
Có một sự kiện pháp lý khá "thú vị", xin viết lưu lại và để các bạn xem nhé.

Tôi nhận bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại người dân tộc Khơ Me trong một vụ án hình sự. Tóm tắt nội dung vụ án  như sau:
Danh Đức (*), người cùng xóm với bị hại Danh Hiền (*). Vào tối ngày 09-07-2017, hai người uống rựu chung và phát sinh mâu thuẫn, sau đó ra về. Tại trước cửa nhà Danh Đức, Danh Hiền có lới thách thức, bị Danh Đức đánh vào mặt. Sau khi bỏ đi một đoạn, Danh Hiền quay lại dùng chân đạp vào cửa nhà Danh Đức rồi về. Danh Đức đi ra cửa sau nhà, lấy một khúc tre khô chạy ra đón đường, khi Danh Hiền đi đến, Danh Đức dùng tay cầm khúc tre đánh thẳng vào đầu rồi bỏ chạy; Danh Hiền cũng đi về nhà vào mùng ngủ. Ngày hôm sau không thấy Danh Hiền thức, gia đình vào xem thì phát hiện Danh Hiền bị hôn mê, nên đưa đi bệnh viện cấp cứu đến ngày 11 (sau 3 ngày) thì tử vong.
Kết luận giám định pháp y xác định: Nguyên nhân nạn nhân bị chết là do tác động với lực mạnh của vật tày cứng làm nứt sọ gây chấn thương não tử vong. Cáo trạng Viện kiểm sát truy tố bị cáo Danh Đức về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi bộ sung 2009). Tại phiên tòa, Công tố viên vẫn giữ nguyên tội danh nhưng áp dụng khoản 4 điều 134 Bộ luật hình sự 2015 và đề nghị xử bị cáo mức án từ 5 đến 6 năm tù giam.
Với tư cách bảo vệ cho phía bị hại, đồng thời góp phần làm rõ tính pháp lý trong hành vi của bị cáo, tôi đã chứng minh hành vi của Danh Đức phải được xem xét về tội giết người thuộc trường hợp cố ý gián tiếp với tình tiết định khung tăng nặng là “có tính chất côn đồ” và mức án tối thiểu cũng phải 12 năm, kể cả trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẩn đến chết người.
Điều "thú vị" ở chỗ, thay vì dùng luận cứ bảo vệ quan điểm của mình, Công tố viên tranh luận, lại nghiêng về bào chữa mà lẽ ra phải để cho người bào chữa của bị cáo trình bày (vụ án có Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo).
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ xét xử, chuyển trả hồ sơ để VKS xem xét về hành vi giết người. Nhưng tiếc rằng sau một ngày trả hồ sơ, VKS tiếp tục chuyển trở lại cho Tòa án và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Đức về tội cố ý gây thương tích.
Theo thông báo của Tòa án thì sáng ngày 23-08-2018, phiên tòa sơ thẩm lần hai tiếp tục xét xử, nhưng trước đó vài ngày, tôi được cháu thư ký thông báo phiên tòa sẽ hoãn. Để tìm hiểu lý do hoãn, tôi đến Tòa án và được Thẩm phán cho biết, VKS đã rút lại hồ sơ chuyển về tỉnh, có khả năng sẽ truy tố bị cáo Danh Đức tội giết người.

Giết người hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người sau này sẽ rõ, nhưng việc VKS rút lại hồ sơ cũng là một điều đáng hoan nghênh, nó nói lên sự cầu thị và trách nhiệm trước công lý.
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.
-----------------------------------
Viết tại Rạch Giá tối ngày 25-08-2018
    

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT TRONG GANG TẤC (Kỳ cuối)


SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT TRONG GANG TẤC
(Kỳ cuối)
------------------
                                                Hồi ký: Đoàn Công Thiện
Đêm xuống, chúng tôi lặng lẻ hành quân. Do không thể tìm được cán bộ chính quyền, chú 8 Trung (Đại đội phó được chú 5 Đáng giao chỉ huy Đại đội thay khi chú bị thương)  quyết định chở tử thi chú 5 Hạnh theo để đến địa điểm mới sẽ giao lại cho địa phương chôn cất.
Nước ròng, các con rạch đều cạn, xuồng chúng tôi đi rất chậm chạp, khi đến nơi thì mặt trời đã lên, tiếng động cơ máy bay âm vang dội lại, báo hiệu một ngày căng thẳng sắp diễn ra.
Trong lúc chúng tôi còn đang chống xuồng dưới con rạch cạn thì có tiếng trực thăng rất thấp bay đến, lệnh của Chỉ huy truyền xuống: - Bỏ xuồng, nhanh chóng lên bờ ra vườn tìm công sự chuẩn bị chiến đấu. Tôi cùng mây anh chung xuồng chỉ kịp lấy súng và bao đạn vọt lên. Khi chúng tôi ra đến đầu vườn thì gặp Bộ đội đã dàn đội hình theo tuyến công sự, hỏi ra mới biết đó là Tiểu đoàn 307 từ lộ Vòng Cung mới vừa ra. Không còn công sự, nhóm chúng tôi có chừng 7, 8 người phải di chuyển về phía cuối đội hình Tiểu đoàn làm nhiệm vụ chốt giữ.
Trực thăng quần đảo ngay khu vực phía dưới con rạch nơi chúng tôi vừa thoát ra, súng đại liên trên máy bay nổ từng loạt và chúng bắt đầu phóng pháo. Có lẽ chúng phát hiện được xuồng của chúng tôi và có thể đơn vị chúng tôi còn có người ở đó . . .
Nhóm chúng tôi chạy về tuyến cúp đầu được một đoạn thì chiếc “Cán gáo”(*) bay sát đọt cây bất ngờ trờ tới; phát hiện chúng tôi nó dừng lại cách phía trên chứng 10 thước, nhìn rõ tên lính ngồi trên chiếc “Cán gáo” chỉ xuống chỗ tôi, tôi chưa kịp phóng xuống công sự thì đại liên cực nhanh trên chiếc “Cán gáo” bắn xối sã, đất bắn tung tué văng vào người tôi rát rạt, khẩu CKC của tôi bị trúng một viên đạn làm gảy chiếc lê (khẩu AK của tôi hôm trước bị gãy nên tôi sử dụng khẩu CKC của “Cá Lẹp” bị thương để lại). Cùng lúc đó, một anh ở đơn vị súng phun lửa (sau đó mới biết), từ phía sau tôi lao lên nhảy xuống công sự, tôi cũng nhảy theo, khi chui vào được hầm, thì anh ấy nói: - Đồng chí ơi tôi bị thương rồi. Tôi lần xem thì trên lưng anh ấy bị 2, 3 vết đạn nhưng không nặng. Vì anh chạy trong tư thế đứng, chúng bắn từ trên cắm xuống cũng theo cùng phương đứng, nên đạn găm xuyên phần mềm trên lưng.
Phát hiện chúng tôi vào hầm, chúng tập trung bắn phá nắp công sự, các loạt đại liên cực nhanh cứ nhè nắp Công sự chúng bắn tới tấp, tưởng như đạn xuyên thấu xuống chúng tôi, nhưng cũng nhờ nắp công sự được đắp kiên cố nên chúng tôi được an toàn. Trong lúc chiếc “Cán gáo” đang vây hai chúng tôi thì anh Hiếu (trong nhóm của chúng tôi), từ đâu chạy đến vừa tới miệng công sự thì bị một viên đạn vào cổ chân, anh té xuống công sự hai tay ôn chân đưa lên, bàn chân bị gãy lặc lìa thật rùng rợn.
Một tình huống cực kỳ nguy cấp, ngoài khẩu súng và bao đạn, tôi không có bất kỳ dụng cụ cứu thương nào trong tay, chỉ còn cách hạn chế tối đa việc chảy máu bằng cách để anh ngã ngửa vào thành công sự, tôi phụ anh đưa chân bị thương lên khỏi mặt nước, bóp phía bên trên chỗ gãy, vừa để hạn chế máu ra vừa để vết thương không bị ngâm trong nước, cứ thế mà chịu. May là viên đạn không làm đứt động mạch, chứ nếu đứt thì có thể nguy hiểm đến tính mạng của anh.
Phía bên trên, chiếc “Cán gáo” vẫn vãi đạn đại liên cực nhanh vào khu vực công sự của chúng tôi, rồi chúng quăng trái khói cho “Cá lẹp” (**) phóng pháo. Những trái pháo cỡ 90 ly tuôn xuống từng chập, công sự chao đảo sau mỗi loạt pháo phóng. “Cá lẹp” thôi phóng pháo đến lượt phản lực lao xuống bắn đạn 20 lý vào khu vực chúng tôi. Lúc đầu cứ tưởng chúng ném bom nhưng không thấy bom nổ mà chỉ có đạn 20 ly nổ, có lẽ chúng đã ném bom ở đâu đó nên không còn bom.
       Một lúc sau chúng bay đi hết, chúng tôi đưa anh Hiếu lên trên nền đất nằm tạm. Được tin có hai người bị thương, các anh Quân y Tiểu đoàn đến tiếp nhận, còn tôi và những anh còn lại tiếp tục di chuyển về nơi chốt giữ.
Có thể bạn đọc đặt câu hỏi, tại sao có súng mà không bắn trả lại? Trong chiến đấu, quyết định nổ súng hay không là từ chỉ huy, khi chưa có lệnh thì chiến sĩ không được bắn. Chính vì vậy mà Bộ đội bị "Cán gáo" bắn chết rất nhiều. Sau này cấp trên mới có lệnh cho phép Bộ đội được tự động nổ súng bắn trả nếu bị "Cán gáo" phát hiện.
Nhóm chúng tôi cũng có phần may mắn hơn anh em khác ở chỗ, vị trí chốt giữ của chúng tôi không đụng độ với lính Mỹ, bộ binh của chúng tập trung đánh vào đội hình của Tiểu đoàn 307, cách chỗ chúng tôi khá xa; Ngoài lần bị bắn lúc sáng, còn lại cả ngày hôm đó, khu vực chốt giữ của chúng tôi không bị máy bay oanh kích hoặc bị pháo bắn.
Mấy ngày sau, khi Đại đội về tập họp, tôi mới biết, tại Bòng Bọng hôm đó, anh Hồng (người cùng tôi khiên “Cá Lẹp” bị thương hôm trước) và anh Diệu ở Trung đội 2 đã hy sinh, cùng mấy anh nữa bị thương. Chiếc xuồng chở tử thi chú 5 Hạnh cũng bị trực thăng phóng pháo trúng, xác chú nằm dưới rạch.
Màn đêm buông xuống phủ trùm lên trận tuyến, nhưng trên bầu trời vẫn vang dậy tiếng động cơ phản lực gầm rú. Pháo sáng dù, từng chùm từ máy bay thả xuống soi rõ cả ngọn cỏ cành cây, một không gian chết chóc vẫn còn hiện hữu trên con rạch có cái tên Bồng Bọng này . . .
Nhóm chúng tôi được lệnh rời vị trí, đi bộ về lại Án Khám, cái nơi mà tôi và đồng đội của tôi, đã phải gồng mình gánh chịu những loạt pháo bầy hôm trước. 
(*) (**) Tên Bộ đội gọi hai loại máy bay trực thăng của lực lượng không quân, chỉ trang bị cho quân Mỹ (Quân Sài Gòn không có loại này). 
-------------
Viết tại Rạch Giá tối ngày 19-08-2018.      

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

HỒI ỨC NHÀ NÔNG

 Thử làm lại một nhà nông
Cũng trông như thể lão ông làm vườn
Khóm mùa khoe sắc bên mương
Gió heo heo thổi nghe vương vấn lòng
Đã từng lam lũ với đồng
Đói no cái thuở long đong phận nghèo
Hạt cơm trộn lẫn gieo neo
Mà sao vẫn thấy trong veo cuộc đời
Ngày xưa xưa lắm xa rồi
Bây giờ còn lại trong tôi một thời
------------
Xép nhỏ Gò Quao trưa ngày 11-08-2018






Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT CHỈ TRONG GANG TẤC (Kỳ 2)

SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT CHỈ TRONG GANG TẤC
(Kỳ 2)
                                                                        Hồi ký: Đoàn Công Thiện
Chiều hôm đó, sau khi đưa được “Cá Lẹp” ra khỏi trận địa an toàn, trong lúc anh Hồng đi tìm bộ phận Thanh niên xung phong (hoặc Dân công hỏa tuyến), để chuyển thương binh cho họ đưa về đội phẫu thuật, tôi đứng nhìn về hướng Đại đội.
Một cảnh tượng thật rùng rợn khi hai chiếc phản lực vẫn lồng lộn trút bom và bắn phá xuống khu vực. Phản lực bay đi thì chiếc trinh sát vẫn tiếp tục quần đảo điều chỉnh cho pháo bắn; Những loạt pháo hằng chục trái rót xuống trận địa không ngớt; hết pháo đến trực thăng thi nhau phóng những trái đạn Rocket xuống trận địa; Rồi tiếng súng bộ binh lại rộ lên từng hồi, liên tục . . .
Tôi hiểu các chú, các anh còn ở lại, phải căng mình quần nhau với chúng, chắc rằng thương vong sẽ còn tiếp tục . . . Có cái gì đó nghèn nghẹn trong tôi khi nghĩ lại câu nói của Đại đội trưởng: “Phản lực đến chắc chắn chúng  sẽ ném bom, nhanh chóng cho mấy đứa nhỏ và các đồng chí thương binh ra tuyến sau. . .” Câu nói ấy không chỉ nói lên trách nhiệm của người chỉ huy, mà còn là một tấm lòng thương yêu người lính, là sự bảo toàn mạng sống cho chúng tôi, những “đứa nhỏ” mới chân ước chân ráo bước vào Quân ngũ . . . Tại nơi tôi đang đứng đây, cách trận địa không xa (độ chừng năm, sáu trăm thước), nhưng với chúng tôi là an toàn gần như tuyệt đối, còn các đồng đội chúng tôi ở lại, đã phải chấp nhận đương đầu với thương vong chết chóc trong làn bom pháo của phía đối phương.
Sau khi giao “Cá Lẹp” cho lực lượng làm nhiệm vụ tải thương (Thanh niên xung phong hoặc Dân công hỏa tuyến), ba anh em chúng tôi quay lại trận địa. Trời chiều, tiếng súng bộ binh, tiếng pháo nổ cùng với tiếng vọng của động cơ máy bay chìm dần trong bóng hoàng hôn bảng lãng, chỉ còn lại một không gian lặng lẻ đến lạnh người. 
      Sau gần một ngày căng thẳng, cơn đói cồn cào trong bụng, dù thân thể mệt rã rời, chúng tôi vẫn cố gắng vừa đi vừa chạy về với đơn vị. Tới trận địa, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt chúng tôi. Toàn bộ mặt đất khu vực tuyến công sự phòng ngự đã bị bom pháo cày nát, hố đạn pháo nham nhỡ ken dày, có chỗ chồng lên nhau phủ khắp từ ngoài ruộng vào trong vườn. Đám mạ mới lên trước công sự của tôi, gần như bị nát vụn bới hố pháo. Các cây xoài, cấy mít; Các liếp chuối xanh um rậm rạp đã bị mảnh pháo phạt ngang gãy la liệt nằm ngổn ngang trên mặt đất . . .
Ba chúng tôi, mạnh ai nấy về Trung đội của mình. Tôi vừa về tới thì gặp ngay anh 4 Nam (Trung đội phó), anh cho biết trong Trung đội không có ai hy sinh hoặc bị thương (ngoài “Cá Lẹp”), nhưng Chính trị viên Đại đội (chú 5 Hạnh) đã hy sinh và nhiều người ở Văn phòng Đại đội bị thương, do bắn nhau với lính bộ binh. Chúng tôi gấp rút chuẩn bị hành quân rời trận địa chuyển về khu vực Bòng Bọng ngay trong đêm.
Nếu ai đã từng tham chiến với quân chủ lực của đối phương, sẽ hiểu sự tàn khốc do hỏa lực tấn công của các binh khí mà chúng sử dụng. Trong phương thức tác chiến chiến thuật của quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng có công thức: “Hỏa lực Mỷ cộng Bộ binh ngụy” trong giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” (cách ta gọi) để nói lên ý nghĩa cực kỳ quan trọng của hỏa lực mà đối phương sử dụng khi đụng độ với Bộ đội ta.
Ở Án Khám, trong trận này không chỉ có “Hỏa lực Mỷ” mà ngay cả lực lượng giao chiến với chúng tôi cũng là lính Mỷ chính gốc (không có người Việt), vì vậy mức độ tàn phá của các loại binh khi mà chúng sử dụng để chống lại chúng tôi là vô cùng to lớn. Chỉ trong không gian chiều dài đội hình đóng quân của chúng tôi chừng 300m, mà phải hứng chịu khoản 8 quả bom (do 2 chiếc F 105 ném xuống), trên dưới 1.000 quả pháo và xuyên suốt trận đánh lúc nào cũng có 2 chiếc trực thăng tấn công, phóng Rocket và bắn đại liên xuống trận địa.
Nhờ có công sự đào âm xuống mặt đất nên mức độ thương vong do bị bom pháo của địch gây ra rất thấp (chỉ có Chính trị viên bị pháo trực thăng phóng trúng công sự hy sinh và “Cá Lẹp” bị thương, còn các trường hợp khác đều do trúng đạn bộ binh), nhưng hầu như các khẩu súng để trên mặt đất đều bị trúng đạn. Nếu tôi nhớ không lầm thì hai Trung đội có 2 khẩu trung liên RPD đều bị hỏng do mãnh pháo, một khẩu 12,8 ly chôn dưới đất cũng bị pháo moi văng lên. Sau này tôi có tham gia nhiều trận đánh khác nhưng chưa có trận nào mà mật độ bom pháo nhiều như trận đụng độ này.
Dù phía đối phương sử dụng cơ số hỏa lực lớn như vậy, nhưng anh em trong Đại đội chúng tôi vẫn giữ vững trận địa theo mệnh lệnh của Đại đội trưởng (*). Phía lính Mỷ tổ chức nhiều đợt tấn công nhằm chiếm công sự nhưng chúng đều thất bại và bị tổn thất khoản trên dưới 30 tên vừa chết chết vừa bị thương. (còn nữa)
(*) Chú 5 Đáng Đại đội trưởng, sau này đã hy sinh khi về làm Tiểu đoàn phó D 2311.
Viết tại Rạch Giá ngày 02-08-2018
----------------------
Ảnh đầu: Với Ngô Minh Phục và khấu súng cao xạ 12,8 ly, chụp lúc về thăm lại Đại đội ở Chi Lăng.
Hai ảnh dưới: Các CCB chung Đại đội thời đánh Mỷ.