Translate

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

ĐÊM LA - THÀNH (Góc ảnh đẹp)

ĐÊM LA - THÀNH

Nhà E, trong khu Nhà khách Chính phủ - Hà Nội.
(Hai bức ảnh ĐCT chụp trong một lần họp Hội đồng LS toàn quốc)

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

GÓP Ý XÂY DỰNG HIẾN PHÁP


NỘI DUNG LỜI NÓI ĐẦU HIẾN PHÁP
-------------- 
            
           LS Đoàn Công Thiện
         (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Kiên Giang)
Trước hết, cần xem lại tính chất của lời nói đấu trong Hiến pháp. Nghiên cứu tất cả bốn hiến pháp đã ban hành, lời nói đầu đều có nội dung gần giống nhau ở chỗ: khái quát quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; xác định chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ; vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp về xây dựng nhà nước pháp quyền, về quyền  dân chủ của công dân và những nội dung cơ bản về xây dựng nền kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học v. v. . .
Thực chất nội dung lời nói đầu trong các Hiến pháp là tuyên ngôn pháp lý của Nhà nước (Hiến ngôn), nó không thuần túy như là lời nói đầu đối với các loại ấn phẩm xuất bản thông thường khác (sách). Nên chăng cần thay lời nói đầu bằng cụm từ Tuyên Ngôn cho sát với nội dung mà nó thể hiện.
Để đáp ứng các yêu cầu mà Ban soạn thảo đề ra, nhất là về mặt kỹ thuật và sự ổn định của Hiến pháp sau khi ban hành, tôi đề nghị viết lại nội dung lời nói đầu toàn văn như sau:
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đứng trước các cuộc xâm lược của kẻ thù ngoại bang, nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu, lập bao chiến công hiển hách. Những Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa . . . mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong quá trình đấu tranh anh dũng ấy, nhân dân ta đã hình thành nên một nền văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc: đoàn kết, nhân nghĩa, bao dung, kiên trung, bất khuất.
Với sự lao động cần cù sáng tạo, ý chí chiến đấu kiên cường, bằng xương máu của bao lớp tiền nhân, nhân dân ta đã xác lập nên hình thể đất nước Việt Nam như hôm nay. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái; từ Trường Sơn hùng vĩ, đến biển Đông bao La, dấu ấn chủ quyền dân tộc Việt Nam còn in đậm trong trang sử khai mở đất nước của cha ông ta.
Từ năm 1930 của thế kỷ hai mươi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến, giành lại độc lập dân tộc, dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), Nhà nước của giai cấp Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với tham vọng biến nước ta một lần nửa trở thành thuộc địa, những người cầm quyền đương thời của Pháp và Mỹ, lần lượt gây ra hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chưa từng có trên đất nước Việt Nam. Xong, với truyền thống yêu nước nồng nàn, bằng khát vọng độc lập tự do, được sự giúp đỡ quý báu của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhân dân ta một lòng theo Đảng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, một Tổng tiến công năm 1968 vang dội, một chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 toàn thắng, giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc.
Với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung; nhân dân Việt Nam  cùng với nhân dân Lào, Cam Phu Chia, làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc. Đứng trước nguy cơ diệt vong của nhân dân nước bạn, dân tộc Việt Nam không tiếc máu xương, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh bại Tập đoàn phản động Khơ me đỏ, giúp nhân dân Cam Phu Chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Theo đường lối của Đảng, nhân dân ta đã và đang tiến hành công cuộc xây dựng nền kinh tế năng động, không ngừng tăng trưởng, đem lại những thành tựu to lớn, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, xã hội phát triển ổn định. Thực hiện đường lối đối ngoại chủ động và rộng mở, cùng phát triển hòa bình, vai trò và vị thế của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được cũng cố.
 Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng; kế thừa Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992; Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam về chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước đi lên theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; không ngừng cũng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đã đăng trên Cổng thông tin điện tử Liên đoàn luật sư Việt Nam
------------------------- 
TOÀN VĂN LỜI NÓI ĐẦU TRONG DỰ THẢO
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử .
Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

HÒN ME (Ký sự ảnh)


HÒN ME
Trên đỉnh Hòn Me (thuộc huyện Hòn Đất Kiên Giang), ngoài tháp Truyền hình phát sóng cho cả khu vực vịnh Thái Lan, còn là nơi trưng bày một số hình ảnh và hiện vật của Bộ đội, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ Ngụy, tạo nên một khu tham quan du lịch lý thú.
Ngày 19 tháng 02 năm 2011, Đài truyền hình Kiên Giang cùng với Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân làm lễ TRAO TẶNG ĐÁ CHỦ QUYỀN VÀ CÂY BÀN TRÁI VUÔNG QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA cho Kiên Giang, một buổi lễ có ý nghĩa sâu sắc.
---------------
Một số hình ảnh và Clip, Thiên Tân giới thiệu cùng các bạn 














  

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

CHÙM THƠ



CHÙM THƠ (1)

                 Đoàn Công Thiện

LÃNG DU

Em vô tình chạm phải trái tim tôi.
Điều thầm kín đâu dễ ai dám ngỏ.
Vườn trái mộng vẫn tươi nguyên sắc cỏ.
Chút lãng du đánh thức tuổi xuân hồi.
-------------

          ĐÀO CHÍN

                         Trái Đào chín mộng ở trên cây.
                         Óng ả căng tròn dáng hây hây.
                         Đưa tay định hái tôi còn ngại.
                         Nào ngĐào lại rụng vào tay.  
 -------------


KHÔNG ĐỀ

Thị trấn chiều thương trong mắt ai?
Sao nghe nỗi nhớ cứ đầy vơi.
Chuông buồn ai thả vào trong gió?
Có bóng người đi khuất no rồi.
-------------- 



Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

BẢO TÁP SÔNG KIÊN (Tiểu thuyết kỳ 1)



BẢO TÁP SÔNG KIÊN (kỳ 1)
------------

CHƯƠNG I

Cạnh hai cánh cổng có song sắt nhọn bên trên, được khép kín bằng một ống khóa to xù là cái tua gác. Trong tua ấy, một người lính Cảnh sát đeo cấp hàm Hạ sĩ, mải mê xem một quyển sách giầy cộm, anh xem hết trang này rồi lật sang trang khác, quên cả phận sự mà anh ta đang làm – cái phận sự của người lính gác cổng. Nói cho đúng hơn, đó là phận sự của người canh giữ Tù nhân, những người mà ông Tỉnh trưởng Thuận và ông Thiếu tá Trường, Trưởng ty Cảnh sát ở tỉnh Kiên Giang này cho là Cộng sản.
Cái cổng ấy chẳng biết nó được dựng lên từ bao giờ mà ngày ngày, người dân Thị xã đi qua đi lại, vẫn thấy hai cánh cửa cứ im lìm khóa chặt. Có người nói, nó làm từ hồi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, có người lại nói nó mới làm đây, lúc ông Thiệu lên làm Tổng thống. Nhưng có người còn nói rỏ hơn: Những tấm sắt được hàn kín phần dưới cổng là những tấm vĩ sắt lót sân bay dã chiến ở Rạch Sỏi hồi ông Diệm, đến thời ông Thiệu, sân bay được tráng nhựa làm lại, nên ông Thuận, ông Trọng lấy số vĩ sắt ấy về, chừa lại một ít để làm cổng cho Dinh Tỉnh trưởng và cái khám lớn này, số còn lại hai ông bán hết cho bà chủ hiệu buôn Hiệp Phát ở cảng cá. Nghe đâu hai ông kiếm được cả triệu bạc mà không mất đồng vốn nào.
Kể ra thì những nhận định và mọi lý lẽ của bà con ở đây đều có căn cứ của nó. Bên trong hai cánh cổng ấy là cái khám lớn. Không ai biết được nó xây dựng từ ngày tháng năm nào, chỉ khi những người nông dân ở Xép Nhỏ ven sông Cái Lớn xứ Gò Quao, vì không chịu nổi sự bóc lột thậm tệ của tên địa chủ Cả Ban, vào khoản năm 30 hay 31 gì đó, đã nổi dậy chém chết hắn rồi bị bắt nhốt vào đây thì người ta mới hiểu đó là nhà khám. Cũng từ đó đến nay, cái khám đã nhốt không biết bao nhiêu người bị chúng nó bắt. Có người vào rồi bị đưa đi Chí Hòa, Côn Đảo hay Phú Quốc. Có người vào rồi bị đánh đập, tra khảo chết luôn trong đó. Số người được tha ra thì ít, phần lớn đều phải lo lót tiền bạc cho quan thầy cai ngục, thẩm vấn, để được gọi là “tội nhẹ”, được “ân xá” cho về.
Cái khám lúc đầu nó nhỏ thôi, đến khi ông Diệm nắm chính quyền, nó được mở rộng ra, có thể nhốt đến một ngàn người. Từ đó, nó có cái tên “Khám Lớn”. Rồi đến thời ông Thiệu, nó lại được kéo dài vào trong thêm năm gian nhà nữa và được bảo vệ bằng một vòng tường giầy cao gần ba mét, đầu  trên của tường gắn đầy miễn chai bể cùng một hàng cọc sắt nhọn và được rải thêm một lớp dây thép gai bùng nhùng, giống như những mớ Bòng bong (*) không còn lá vắt vẻo trên đọt cây khô.
Cái cổng khám được sửa lại, nới rộng và nâng thêm chiều cao để vừa cho một chiếc xe tải cỡ lớn chui qua lọt, hai cánh của nó làm bằng khung sắt ống được hàn ghép kín cao khỏi đầu người bằng những tấm vĩ sắt. Phía bên kia đối diện với tua gác, có một lối nhỏ vừa cho một người đi qua, cũng có cánh làm bằng vĩ sắt. Còn cái tua gác phía bên này, nó được thay mái tôl bằng một lớp Bê tông cốt thép và mở thêm ba lỗ Châu mai (**), một lỗ chĩa vào nhà giam, hai lỗ kia hướng ra hai đầu đường của con lộ nằm vắt ngang cổng khám.
Người Hạ sĩ ngồi trong tua gác ấy vẫn hằng ngày có mặt, anh ta khoản ngoài hai mươi tuổi, con chủ hiệu buôn Hiệp Phát. Bà Hiệp Phát tên thật là Nguyễn Thị Mùi gốc gác ở Xép Nhỏ Gò Quao. Lúc xuân thời, bà Mùi vốn có nhan sắc, không ít bọn đàn ông con trai ve vãn tới lui. Không chịu nổi sự tán tỉnh của họ, bà đã thầm lén ăn ở với một anh chàng trung niên đã có vợ, sinh ra một thằng con trai và phải sống với đứa nhỏ trong sự gièm pha của xóm làng . . .
Năm 1953, một tai họa ập đến với gia đình bà Mùi và người dân Xép Nhỏ. Trong một trận càn, giặc Pháp cho máy bay đến ném bom, Cha, Mẹ bà Mùi cùng một số người khác bị chết, trong đó có vợ ông Thi – người mà bà ăn ở có đứa con. Mẹ con bà Mùi may mắn còn sống là nhờ các anh Bộ đội Việt minh đã không ngại nguy hiểm, lao vào khu vực oanh kích đưa mẹ con bà thoát khỏi vòng vây tử thần của bom giặc. Hành động dũng cảm ấy của các anh Bộ đội, đã để lại trong bà một ấn tượng không thể nào quên.
Xóm làng đau thương, gia đình tang tóc. Vợ ông Thi chết để lại cho ông một đứa con gái lên mười, bà Mùi bơ vơ với thằng nhỏ vừa tròn tám tuổi. Cuộc sống của ông Thi, bà Mùi cùng nhiều gia đình bị bom ở Xép Nhỏ vô cùng bi đát . . . Nhưng rồi cuối năm ấy, một dịp may mắn đã đến với bà Mùi, ông Thi. Nhờ lòng tốt của hai vợ chồng người cùng xóm mà ông Thi bà Mùi đã có cơ may thoát khỏi cảnh bế tắc và trở nên sung túc sau này. Vợ chồng người cùng xóm ất là ông Lê Thanh Bình và bà Bùi Thị Kỷ. Bà Kỷ, người gốc gác ở tận Ninh Bình miền Bắc, theo Cha Mẹ vào Nam từ những năm đầu của thập niên ba mươi, lớn lên bà lấy ông Bình làm nghề đánh cá biển ở Rạch Giá.
Nghe tin Xép Nhỏ bị nạn, ông Bình thu xếp công việc biển cả, bà Kỷ đi vận động quyên góp tiền của, gom góp mọi thứ vật dụng không dùng đến trong nhà rồi cùng chồng về quê cứu giúp bà con. Xót thương trước cảnh bi thảm của Mẹ con bà Mùi, ngoài số tiền và vật dụng đã trao, bà Kỷ còn cho bà Mùi mượn thêm một khoản tiền khác để bà làm vốn mua bán sinh sống. Ông Bình cũng thương tình ông Thi nên rủ ông ra Rạch Giá cùng ông đi đánh cá. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, bà Mùi, ông Thi và bà con bị nạn trong Xép vô cùng cảm kích đối với nghĩa cữ cao đẹp của vợ chồng bà Kỷ.
Nghe lời ông Bình, ông Thi quyết định gởi đứa con gái cho chị ruột là bà Tám Đẻn, rồi ra Rạch Giá theo ông Bình đi đánh cá để khuây khỏa nỗi đau riêng. Công việc biển cả dần dấn cũng quen, nỗi đau xót nguôi bớt, làm lụng có tiền, ông Thi dành dụm gởi về cho chị, ít khi ông về, lâu lâu chị ông mới dắt cháu ra thăm ông vài ngày rồi về.
Nhờ ông Bình tận tình chỉ vẽ, ông Thi sớm nắm được cách phát hiện cá, phương pháp đánh bắt, kỷ thuật muối ướp cá tươi  v v. . . Tóm lại, ông Bình có khả năng làm một thuyền trưởng tàu đánh bắt cá. Cũng nhờ ông Bình đứng ra bảo lãnh nên ông Thi thuê được một chiếc tàu của một chủ hảng ghe lưới Lý Đại Thành giàu có. Nhờ vào chiếc ghe thuê được, ông Thi làm ăn khá hơn, đời sống có phần dư dả.
Ngày tháng trôi qua, bà Mùi phải thui thủi quạnh quẽ với đứa con ở Xép Nhỏ. Không chịu nổi cảnh cô đơn, nên bà thường ra thăm ông Thi, lúc thì hai Mẹ con, lúc thì đi cùng chị Tám Đẻn và đứa con gái ông Thi. Lần lần rồi bà ra ở với ông Thi thật lâu mới về, còn ông Thi lúc này cũng thấy không thể thiếu bà được, thế là hai ông bà ở luôn với nhau, không cần phải cưới hỏi gì.
Căn phòng của ông bà ở trên tầng thượng của ngôi nhà ba tầng được ông Lý Đại Thành cho thuê không thời hạn. Tiền thuê cũng rẻ, ông bà ở với nhau đầm ấm hạnh phúc. Ông đi đánh lưới, bà ở nhà xẻ khô mướn, mươi, mười lăm ngày ông về ở với bà vài hôm rồi lại ra khơi . . . Cứ thế, năm tháng trôi đi và bà lại đẻ thêm một đứa con gái ngộ nghỉnh, nó giống bà như tạc tượng vậy. Làm ăn khấm khá, bà Mùi dành dụm gom góp tiền mở cửa hiệu bán tạp hóa, sau vài năm, bà chuyển sang kinh doanh chuyên bán phụ tùng thiết bị máy móc lấy tên Hiệp Phát, bà bảo ông Thi đem con gái ra ở với bà vừa để học, vừa giúp chăm sóc em. Bán buôn phát đạt, vợ chồng bà Mùi thôi không thuê tàu của hảng mà mua tàu mới rồi mướn nhân công, thuê thợ máy cùng ông ra khơi đánh bắt, lần lượt, ông bà lại đóng mới tàu cá và cho thuê . . . Cứ thế, gia tài của ông bà phất lên như diều gặp gió.
Bà Mùi thôi không sinh con, lại được Tím, đứa con riêng ông Thi giúp việc mọn, nên bà rảnh tay lo toan tính toán mọi việc. Ông Thi cứ chuyến này về lại đi chuyến khác, chỉ có những ngày biển động thì ông mới được ở nhà, hết động lại ra khơi. Thực ra bà Mùi đã trở thành người chủ điều hành mọi công việc. Ông Thi cũng phục cái tài lanh lẹ, hoạt bát của bà, ông rất an tâm giao cho bà quán xuyến toàn bộ công việc mua bán ở nhà, ông chỉ chuyên lo đánh bắt cá mà thôi.
Nhạy cảm với cái mới, bà Mùi nắm bắt ngay lối sống thực dụng được du nhập từ phương tây sang. Không phải ngẫu nhiên mà bà quen biết thân thiện từ ông Thị trưởng, trưởng Ty đến ông Tỉnh trưởng tỉnh Kiên Giang này. Đó là cả một quá trình giao tiếp luồn cuối, vuốt ve bằng đồng tiền cộng với cái sắc đẹp hiếm có của bà khiến cho những ông quan to, quan nhỏ phải mê mệt, đeo đuổi theo bà. Cũng nhờ cái biệt tài phỉnh nịnh ấy mà sự giàu có của gia đình bà có bước nhảy vọt. Cái tên Hiệp Phát có lẽ phải xếp nhất, nhì ở cái thị xã biển này. Chính con đường áp phe với những ông quan chức có tầm cỡ như vậy kể từ khi Mỹ đổ của cho Chính quyền Sài Gòn nên cửa hiệu của bà luôn luôn đầy ắp những máy móc, phụ tùng, dụng cụ mang nhản hiệu USA được chuyển qua bằng con đường Quân sự. Vốn liếng dư dả, bà Mùi cho xây một tòa nhà ngay cạnh hảng Lý Đại Thành, đối diện với Dinh Tỉnh trưởng, bên kia Sông Kiên.
Có tin đồn bà Mùi bắt bồ với ông Thuận. Chẳng biết đúng hay không mà những khi chồng bà đi đánh bắt ngoài biển thì trong này bà thường hay lui tới Dinh Tỉnh trưởng. Có lúc người ta thấy bà ngồi chung xe du lịch với ông Thuận phóng vù vù trên đường về Sài Gòn. Ông Thi cũng nghe bà con xầm xì chuyện bà đi lại với ông Tỉnh trưởng Thuận, ông cũng thấy gay gay con mắt, nhưng vì tiền của do bà làm ra quá nhiều, cả gia tài khổng lồ hiện tại của gia đình phần lớn đều do tài thao lược của bà mà có. Mặt khác, ông ăn ở với bà chưa có hôn thú, hơn nửa bà luôn chăm sóc ông một cách ân cần, biết nuôi nấng, dạy bảo các con, trong đó có cả con riêng của ông, nên ông đành làm ngơ, chẳng nói chẳng rằng.
 
Đứa con trai mà bà Mùi ăn ở với ông Thi sinh ra nay đã lớn, nó chính là người lính mang cấp hàm Hạ sĩ đang ngồi trong tua gác kia. Tên Hận bà đặt cho nó thật đúng với nghĩa của chữ “hận”. Lúc đẻ nó ra, chẳng ai thèm dòm ngó tới, ông Thi cũng sợ rồi xa lánh bà. Hận cuộc đời, thế là bà đặt cho nó cái tên Hận để ghi nhớ mãi một thời lao đao lận đận ấy. Bây giờ nó đã có bằng Tú tài, Mẹ nó sợ nó đi Quân dịch phải ra mặt trận nên bà xin với ông Thuận cho nó vào Ty Cảnh sát, rồi bà dùng tiền lót tay cho Thiếu tá Trường, thế là nó được mang cái lon Hạ sĩ  để ngày ngày, nó phải đến đây làm cái việc canh giữ tù nhân trong cái khám lớn này.
(*)  Một loại dây leo ở rừng U Minh.
     (**)  Lỗ trống nhỏ để quan sát và bắn ra đối phương.

(còn nửa)
-----------------------------

Nhà xuất bản QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN in và phát hành năm 2001


Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

THĂM THỦ TRƯỞNG XƯA (Thơ)

THĂM THỦ TRƯỞNG XƯA

                                           Đoàn Công Thiện
                               Kính tặng Bác sĩ Trần Thiện Thu.
                        Nguyên Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 1 QK9

Chúng tôi về thăm thủ trưởng xưa.
Đường Đồng Tháp, lũ về trắng đất.
Nhà thủ trưởng, sâu trong hẻm khuất.
Sỏi đá gập ghềnh, rạo rực bước chân.
Về đời thường sau cuộc chiến tranh.
Tuổi bảy mươi, vẫn sáng trong chất lính.
Như những tấm Huân chương lấp lánh.
Tạc bao chiến tích trên tường.

Đồng Tháp chiều, nặng hạt mưa tuôn.
Gợi tôi nhớ thời binh lửa ấy.
Dẫu chết sống cận kề là vậy.
Vẫn bên nhau –  đồng đội, thày trò (*).
Vượt bao thử thách cam go.
Ta vững bước trên đường giải phóng.
Để hôm nay bóng cờ lồng lộng.
Tung bay trong nắng tự do.
-----------  
Đã in trong tập thơ THĂM LẠI TRUNG ĐOÀN
nhà xuất bản Phương Đông và Hội Văn Nghệ Kiên Giang-2005
(*) Nhân vật trong bài thơ là người đeo Ca vạt trong ảnh trên và đeo kính ảnh dưới. Ông còn là thầy của tác giả bài thơ này

 MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC CỰU CHIẾN SĨ QUÂN Y TRUNG ĐOÀN 1 U MINH QUÂN KHU 9







Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

BERLIN - MÙA THU VÀNG (Ký sự ảnh 2)


BERLIN - MÙA THU VÀNG (2)

Khi hoàng đạo mặt trời dịch chuyển về phía nam bán cầu thì không khí từ phương bắc tràn về bao phủ một màu vàng óng ánh trên mỗi vòm cây cổ thụ và gieo cái lạnh hanh hao bao trùm lên thành phố Berlin thơ mộng của nước Đức.
          Với tôi, đây là lần thứ hai trong đời được ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ dịu của phong cảnh. Lần thứ nhất vào năm 1966, máy bay Mỹ rải chất hóa học diệt cỏ ở quê tôi. Trước khi trút lá, những vườn cây xanh thẩm bổng biến thành một tấm thảm vàng rực bao phủ cả một vùng rộng lớn trên tuyến sống Cái lớn thuộc huyện Gò Quao (Kiên Giang).
          Màu vàng ấy đã đi vào ký ức tuổi thơ và đeo bám với tôi trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt. Hôm nay, sau 45 năm, tôi lại được chiêm ngưỡng cái màu vàng tuyệt dịu ấy, nhưng nó không còn là màu của sự hủy diệt, mà là màu của sức sống hòa bình đang ngự trị trên một quốc gia giàu có ở cực bắc xa xôi này. Trong tôi hôm nay cũng không còn ám ảnh cái màu chết chóc tang thương của những năm bom gầm đạn rú; màu vàng ấy đã khơi dậy một niềm tin của tình hữu nghị giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên trái đất này.
-----------------------------
Nhân chuyến công tác tại Berlin tháng 11 năm 2010. 




GIAO THÔNG THUẬN TIỆN VÀ TRẬT TỰ 
--------------- 
"Khóa lại cho chắc ăn"


Xe Buýt 2 tầng


 Xe điện trên mặt đất và trên cao


Ga xe điện ngầm







Đường hàng không nhôn nhịp








Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

BÀI VIẾT (góp ý Hiến pháp)

VẤN ĐỀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP CỦA VIỆN KIỂM SÁT
--------------------------- 
Luật sư Đoàn Công Thiện - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Kiên Giang
(VBF) - Lần đầu tiên Viện kiểm sát nhân dân được Hiến pháp 1959 xác định là một chủ thể độc lập đứng bên cạnh Tòa án nhân dân. Điều 105 Hiến pháp 1959 qui định chức năng của Viện kiểm sát, như sau:
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định.Đây được xem là chức năng kiểm sát chung củaViện kiểm sát nhân dân
Hiến pháp 1980, ngoài chức năng như Hiến pháp 1959, Viện kiểm sát đựơc tăng thêm thẩm quyền mới, đó là chức năng thực hành quyền công tố (điều 138). Hiến pháp 1992, chức năng kiểm sát chung vẫn giữ như các Hiến pháp trước đó nhưng đến năm 2002, Quốc hội ban hành Luật số 34/2002 ngày 02-04-2002, Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng những công tác sau đây:
Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp;Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự;Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân;Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.
Với những nội dung nêu trên cho thấy, chức năng kiểm sát chung không còn nửa, thay vào đó Viện kiểm sát nhân dân được giao kiểm sát tập trung vào quá trình điều tra và xét xử bên cạnh việc thực hiện thẩm quyền công tố.
Nội dung dự thảo Hiến pháp lần này, ngoài chức năng Công tố, Viện kiểm sát nhân dân vẫn được giao chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp(và có thể nội dung kiểm sát chung trong Luật số 34/2002 sẽ không thay đổi). Vấn đề cần bàn ở đây là chức năng kiểm sát hoạt động tư pháptiếp tục giao cho Viện kiểm sát nhân dân có còn hợp lý?
Nghiên cứu Luật tố tụng hình sự ta thấy có ba giai đoạn tố tụng tư pháp là: điều tra, truy tố, xét xử. Trong ba giai đoạn, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện độc lập giai đoạn truy tố. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn thực hiện nhiều hành vi tố tụng tư pháp khác như: Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, tự mình áp dụng hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn, ban hành Cáo trạng và luận tội bị cáo trước phiên tòa . . . Quá trình này cơ quan nào sẽ là chủ thể kiểm sát (hoặc giám sát) đối với Viện kiểm sát? Nếu cho rằng: Viện kiểm sát nhân dân tự kiểm sát quá trình hoạt động tố tụng tư pháp của mình, thì liệu rằng có khách quan hay không? đây là vấn đề cần phải xem xét đến tính hợp lý khi tiếp tục giao cho Viện kiểm sát nhân dân chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.
Với cơ chế hoạt động kiểm soát như hiện nay, chức năng kiểm sát thực chất là quá trình kiểm soát thực thi quyền lực, là một hình thức dùng quyền lực chế ước quyền lực, vì vậy không thể để một chủ thể vừa có chức năng quyền lực cưởng chế, vừa có chức năng kiểm soát, chế ước quyền lực trong cùng một sự kiện pháp lý trong quan hệ pháp luật. 
Mặt khác, với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có cả kiểm sát việc xét xử của Tòa án nhân dân, liệu rằng có gây áp lực, làm hạ thấp vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan độc lập xét xử, để bảo đảm sự công bằng, công minh trong phán quyết của Tòa án?
Với cơ sở lý luận nêu trên, Hiến pháp lần này không nên giao chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát nhân với tư cách Nhà nước, chỉ thực hiện duy nhất thẩm quyền Công tố còn chức năng kiểm sát tư pháp (hoặc là giám sát) giao cho cơ quan chuyên trách của Quốc hội thực hiện sẽ hợp lý hơn. Theo hướng này, Viện kiểm sát cần đổi tên lại là “Viện công tố nhà nước”, đồng thời tăng thẩm quyền điều tra cho Công tố viên thực hiện, cơ quan điều tra của Công an chỉ thực hiện điều tra ban đầu (toàn bộ việc hỏi cung, lấy lời khai các đương sự khác sau khi khởi tố bị can giao cho Công tố viên – sẽ bàn trong bài khác).
Nếu chức năng kiểm sát hoạt động tư phápđược giao lại cho cơ quan chuyên trách của Quốc hội, thì cơ quan chuyên trách này có thể gọi là: “Viện giám sát nhân dân” thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp,đồng thời bổ sung thêm chức năng giám sát các quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức của cơ quan hành chính nhà nước (đã kiến nghị trong bài trước). Ở trung ương, Viện này trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, ở địa phương, Viện này trực thuộc Hội đồng nhân dân.
Thiết nghĩ: Nếu Hiến pháp lần này, vấn đề kiểm sát hoạt động tư pháp được điều chỉnh cho một chủ thể khác thì Viện kiểm sát (hoặc Viện công tố) với chức năng công tố sẽ chuyên sâu và trách nhiệm của Công tố viên sẽ nâng cao hơn trong quá trình hoạt động tố tụng của mình.
-------------- 
Đã in trong Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn luật sư Việt Nam.