BẢO TÁP SÔNG KIÊN (kỳ 1)
------------
CHƯƠNG I
Cạnh hai cánh cổng có song sắt nhọn
bên trên, được khép kín bằng một ống khóa to xù là cái tua gác. Trong tua ấy,
một người lính Cảnh sát đeo cấp hàm Hạ sĩ, mải mê xem một quyển sách giầy cộm, anh
xem hết trang này rồi lật sang trang khác, quên cả phận sự mà anh ta đang làm –
cái phận sự của người lính gác cổng. Nói cho đúng hơn, đó là phận sự của người
canh giữ Tù nhân, những người mà ông Tỉnh trưởng Thuận và ông Thiếu tá Trường,
Trưởng ty Cảnh sát ở tỉnh Kiên Giang này cho là Cộng sản.
Cái cổng ấy chẳng biết nó được dựng
lên từ bao giờ mà ngày ngày, người dân Thị xã đi qua đi lại, vẫn thấy hai cánh
cửa cứ im lìm khóa chặt. Có người nói, nó làm từ hồi ông Ngô Đình Diệm lên nắm
chính quyền, có người lại nói nó mới làm đây, lúc ông Thiệu lên làm Tổng thống.
Nhưng có người còn nói rỏ hơn: Những tấm sắt được hàn kín phần dưới cổng là
những tấm vĩ sắt lót sân bay dã chiến ở Rạch Sỏi hồi ông Diệm, đến thời ông
Thiệu, sân bay được tráng nhựa làm lại, nên ông Thuận, ông Trọng lấy số vĩ sắt
ấy về, chừa lại một ít để làm cổng cho Dinh Tỉnh trưởng và cái khám lớn này, số
còn lại hai ông bán hết cho bà chủ hiệu buôn Hiệp Phát ở cảng cá. Nghe đâu hai
ông kiếm được cả triệu bạc mà không mất đồng vốn nào.
Kể ra thì những nhận định và mọi lý
lẽ của bà con ở đây đều có căn cứ của nó. Bên trong hai cánh cổng ấy là cái khám
lớn. Không ai biết được nó xây dựng từ ngày tháng năm nào, chỉ khi những người
nông dân ở Xép Nhỏ ven sông Cái Lớn xứ Gò Quao, vì không chịu nổi sự bóc lột
thậm tệ của tên địa chủ Cả Ban, vào khoản năm 30 hay 31 gì đó, đã nổi dậy chém
chết hắn rồi bị bắt nhốt vào đây thì người ta mới hiểu đó là nhà khám. Cũng từ
đó đến nay, cái khám đã nhốt không biết bao nhiêu người bị chúng nó bắt. Có
người vào rồi bị đưa đi Chí Hòa, Côn Đảo hay Phú Quốc. Có người vào rồi bị đánh
đập, tra khảo chết luôn trong đó. Số người được tha ra thì ít, phần lớn đều
phải lo lót tiền bạc cho quan thầy cai ngục, thẩm vấn, để được gọi là “tội
nhẹ”, được “ân xá” cho về.
Cái khám lúc đầu nó nhỏ thôi, đến
khi ông Diệm nắm chính quyền, nó được mở rộng ra, có thể nhốt đến một ngàn
người. Từ đó, nó có cái tên “Khám Lớn”. Rồi đến thời ông Thiệu, nó lại được kéo
dài vào trong thêm năm gian nhà nữa và được bảo vệ bằng một vòng tường giầy cao
gần ba mét, đầu trên của tường gắn đầy
miễn chai bể cùng một hàng cọc sắt nhọn và được rải thêm một lớp dây thép gai
bùng nhùng, giống như những mớ Bòng bong (*) không còn lá vắt vẻo trên đọt cây
khô.
Cái cổng khám được sửa lại, nới rộng
và nâng thêm chiều cao để vừa cho một chiếc xe tải cỡ lớn chui qua lọt, hai
cánh của nó làm bằng khung sắt ống được hàn ghép kín cao khỏi đầu người bằng
những tấm vĩ sắt. Phía bên kia đối diện với tua gác, có một lối nhỏ vừa cho một
người đi qua, cũng có cánh làm bằng vĩ sắt. Còn cái tua gác phía bên này, nó
được thay mái tôl bằng một lớp Bê tông cốt thép và mở thêm ba lỗ Châu mai (**),
một lỗ chĩa vào nhà giam, hai lỗ kia hướng ra hai đầu đường của con lộ nằm vắt
ngang cổng khám.
Người Hạ sĩ ngồi trong tua gác ấy
vẫn hằng ngày có mặt, anh ta khoản ngoài hai mươi tuổi, con chủ hiệu buôn Hiệp
Phát. Bà Hiệp Phát tên thật là Nguyễn Thị Mùi gốc gác ở Xép Nhỏ Gò Quao. Lúc
xuân thời, bà Mùi vốn có nhan sắc, không ít bọn đàn ông con trai ve vãn tới
lui. Không chịu nổi sự tán tỉnh của họ, bà đã thầm lén ăn ở với một anh chàng
trung niên đã có vợ, sinh ra một thằng con trai và phải sống với đứa nhỏ trong
sự gièm pha của xóm làng . . .
Năm 1953, một tai họa ập đến với gia
đình bà Mùi và người dân Xép Nhỏ. Trong một trận càn, giặc Pháp cho máy bay đến
ném bom, Cha, Mẹ bà Mùi cùng một số người khác bị chết, trong đó có vợ ông Thi
– người mà bà ăn ở có đứa con. Mẹ con bà Mùi may mắn còn sống là nhờ các anh Bộ
đội Việt minh đã không ngại nguy hiểm, lao vào khu vực oanh kích đưa mẹ con bà
thoát khỏi vòng vây tử thần của bom giặc. Hành động dũng cảm ấy của các anh Bộ
đội, đã để lại trong bà một ấn tượng không thể nào quên.
Xóm làng đau thương, gia đình tang
tóc. Vợ ông Thi chết để lại cho ông một đứa con gái lên mười, bà Mùi bơ vơ với
thằng nhỏ vừa tròn tám tuổi. Cuộc sống của ông Thi, bà Mùi cùng nhiều gia đình
bị bom ở Xép Nhỏ vô cùng bi đát . . . Nhưng rồi cuối năm ấy, một dịp may mắn đã
đến với bà Mùi, ông Thi. Nhờ lòng tốt của hai vợ chồng người cùng xóm mà ông
Thi bà Mùi đã có cơ may thoát khỏi cảnh bế tắc và trở nên sung túc sau này. Vợ
chồng người cùng xóm ất là ông Lê Thanh Bình và bà Bùi Thị Kỷ. Bà Kỷ, người gốc
gác ở tận Ninh Bình miền Bắc, theo Cha Mẹ vào Nam từ những năm đầu của thập
niên ba mươi, lớn lên bà lấy ông Bình làm nghề đánh cá biển ở Rạch Giá.
Nghe tin Xép Nhỏ bị nạn, ông Bình
thu xếp công việc biển cả, bà Kỷ đi vận động quyên góp tiền của, gom góp mọi
thứ vật dụng không dùng đến trong nhà rồi cùng chồng về quê cứu giúp bà con.
Xót thương trước cảnh bi thảm của Mẹ con bà Mùi, ngoài số tiền và vật dụng đã
trao, bà Kỷ còn cho bà Mùi mượn thêm một khoản tiền khác để bà làm vốn mua bán
sinh sống. Ông Bình cũng thương tình ông Thi nên rủ ông ra Rạch Giá cùng ông đi
đánh cá. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, bà Mùi, ông Thi và bà con bị
nạn trong Xép vô cùng cảm kích đối với nghĩa cữ cao đẹp của vợ chồng bà Kỷ.
Nghe lời ông Bình, ông Thi quyết
định gởi đứa con gái cho chị ruột là bà Tám Đẻn, rồi ra Rạch Giá theo ông Bình
đi đánh cá để khuây khỏa nỗi đau riêng. Công việc biển cả dần dấn cũng quen,
nỗi đau xót nguôi bớt, làm lụng có tiền, ông Thi dành dụm gởi về cho chị, ít
khi ông về, lâu lâu chị ông mới dắt cháu ra thăm ông vài ngày rồi về.
Nhờ ông Bình tận tình chỉ vẽ, ông
Thi sớm nắm được cách phát hiện cá, phương pháp đánh bắt, kỷ thuật muối ướp cá
tươi v v. . . Tóm lại, ông Bình có khả
năng làm một thuyền trưởng tàu đánh bắt cá. Cũng nhờ ông Bình đứng ra bảo lãnh
nên ông Thi thuê được một chiếc tàu của một chủ hảng ghe lưới Lý Đại Thành giàu
có. Nhờ vào chiếc ghe thuê được, ông Thi làm ăn khá hơn, đời sống có phần dư
dả.
Ngày tháng trôi qua, bà Mùi phải
thui thủi quạnh quẽ với đứa con ở Xép Nhỏ. Không chịu nổi cảnh cô đơn, nên bà
thường ra thăm ông Thi, lúc thì hai Mẹ con, lúc thì đi cùng chị Tám Đẻn và đứa
con gái ông Thi. Lần lần rồi bà ra ở với ông Thi thật lâu mới về, còn ông Thi
lúc này cũng thấy không thể thiếu bà được, thế là hai ông bà ở luôn với nhau,
không cần phải cưới hỏi gì.
Căn phòng của ông bà ở trên tầng
thượng của ngôi nhà ba tầng được ông Lý Đại Thành cho thuê không thời hạn. Tiền
thuê cũng rẻ, ông bà ở với nhau đầm ấm hạnh phúc. Ông đi đánh lưới, bà ở nhà xẻ
khô mướn, mươi, mười lăm ngày ông về ở với bà vài hôm rồi lại ra khơi . . . Cứ
thế, năm tháng trôi đi và bà lại đẻ thêm một đứa con gái ngộ nghỉnh, nó giống
bà như tạc tượng vậy. Làm ăn khấm khá, bà Mùi dành dụm gom góp tiền mở cửa hiệu
bán tạp hóa, sau vài năm, bà chuyển sang kinh doanh chuyên bán phụ tùng thiết
bị máy móc lấy tên Hiệp Phát, bà bảo ông Thi đem con gái ra ở với bà vừa để
học, vừa giúp chăm sóc em. Bán buôn phát đạt, vợ chồng bà Mùi thôi không thuê
tàu của hảng mà mua tàu mới rồi mướn nhân công, thuê thợ máy cùng ông ra khơi
đánh bắt, lần lượt, ông bà lại đóng mới tàu cá và cho thuê . . . Cứ thế, gia
tài của ông bà phất lên như diều gặp gió.
Bà Mùi thôi không sinh con, lại được
Tím, đứa con riêng ông Thi giúp việc mọn, nên bà rảnh tay lo toan tính toán mọi
việc. Ông Thi cứ chuyến này về lại đi chuyến khác, chỉ có những ngày biển động
thì ông mới được ở nhà, hết động lại ra khơi. Thực ra bà Mùi đã trở thành người
chủ điều hành mọi công việc. Ông Thi cũng phục cái tài lanh lẹ, hoạt bát của
bà, ông rất an tâm giao cho bà quán xuyến toàn bộ công việc mua bán ở nhà, ông
chỉ chuyên lo đánh bắt cá mà thôi.
Nhạy cảm với cái mới, bà Mùi nắm bắt
ngay lối sống thực dụng được du nhập từ phương tây sang. Không phải ngẫu nhiên
mà bà quen biết thân thiện từ ông Thị trưởng, trưởng Ty đến ông Tỉnh trưởng
tỉnh Kiên Giang này. Đó là cả một quá trình giao tiếp luồn cuối, vuốt ve bằng
đồng tiền cộng với cái sắc đẹp hiếm có của bà khiến cho những ông quan to, quan
nhỏ phải mê mệt, đeo đuổi theo bà. Cũng nhờ cái biệt tài phỉnh nịnh ấy mà sự
giàu có của gia đình bà có bước nhảy vọt. Cái tên Hiệp Phát có lẽ phải xếp
nhất, nhì ở cái thị xã biển này. Chính con đường áp phe với những ông quan chức
có tầm cỡ như vậy kể từ khi Mỹ đổ của cho Chính quyền Sài Gòn nên cửa hiệu của
bà luôn luôn đầy ắp những máy móc, phụ tùng, dụng cụ mang nhản hiệu USA được chuyển
qua bằng con đường Quân sự. Vốn liếng dư dả, bà Mùi cho xây một tòa nhà ngay
cạnh hảng Lý Đại Thành, đối diện với Dinh Tỉnh trưởng, bên kia Sông Kiên.
Có tin đồn bà Mùi bắt bồ với ông
Thuận. Chẳng biết đúng hay không mà những khi chồng bà đi đánh bắt ngoài biển
thì trong này bà thường hay lui tới Dinh Tỉnh trưởng. Có lúc người ta thấy bà
ngồi chung xe du lịch với ông Thuận phóng vù vù trên đường về Sài Gòn. Ông Thi
cũng nghe bà con xầm xì chuyện bà đi lại với ông Tỉnh trưởng Thuận, ông cũng
thấy gay gay con mắt, nhưng vì tiền của do bà làm ra quá nhiều, cả gia tài
khổng lồ hiện tại của gia đình phần lớn đều do tài thao lược của bà mà có. Mặt
khác, ông ăn ở với bà chưa có hôn thú, hơn nửa bà luôn chăm sóc ông một cách ân
cần, biết nuôi nấng, dạy bảo các con, trong đó có cả con riêng của ông, nên ông
đành làm ngơ, chẳng nói chẳng rằng.
Đứa con trai mà bà Mùi ăn ở với ông
Thi sinh ra nay đã lớn, nó chính là người lính mang cấp hàm Hạ sĩ đang ngồi
trong tua gác kia. Tên Hận bà đặt cho nó thật đúng với nghĩa của chữ “hận”. Lúc
đẻ nó ra, chẳng ai thèm dòm ngó tới, ông Thi cũng sợ rồi xa lánh bà. Hận cuộc
đời, thế là bà đặt cho nó cái tên Hận để ghi nhớ mãi một thời lao đao lận đận
ấy. Bây giờ nó đã có bằng Tú tài, Mẹ nó sợ nó đi Quân dịch phải ra mặt trận nên
bà xin với ông Thuận cho nó vào Ty Cảnh sát, rồi bà dùng tiền lót tay cho Thiếu
tá Trường, thế là nó được mang cái lon Hạ sĩ
để ngày ngày, nó phải đến đây làm cái việc canh giữ tù nhân trong cái
khám lớn này.
(*) Một loại dây leo ở rừng U
Minh.
(**) Lỗ trống nhỏ để quan sát và bắn ra đối phương.
(còn nửa)
-----------------------------
Nhà xuất bản QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN in và
phát hành năm 2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét