Translate

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

GÓP Ý XÂY DỰNG HIẾN PHÁP


NỘI DUNG LỜI NÓI ĐẦU HIẾN PHÁP
-------------- 
            
           LS Đoàn Công Thiện
         (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Kiên Giang)
Trước hết, cần xem lại tính chất của lời nói đấu trong Hiến pháp. Nghiên cứu tất cả bốn hiến pháp đã ban hành, lời nói đầu đều có nội dung gần giống nhau ở chỗ: khái quát quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; xác định chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ; vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp về xây dựng nhà nước pháp quyền, về quyền  dân chủ của công dân và những nội dung cơ bản về xây dựng nền kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học v. v. . .
Thực chất nội dung lời nói đầu trong các Hiến pháp là tuyên ngôn pháp lý của Nhà nước (Hiến ngôn), nó không thuần túy như là lời nói đầu đối với các loại ấn phẩm xuất bản thông thường khác (sách). Nên chăng cần thay lời nói đầu bằng cụm từ Tuyên Ngôn cho sát với nội dung mà nó thể hiện.
Để đáp ứng các yêu cầu mà Ban soạn thảo đề ra, nhất là về mặt kỹ thuật và sự ổn định của Hiến pháp sau khi ban hành, tôi đề nghị viết lại nội dung lời nói đầu toàn văn như sau:
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đứng trước các cuộc xâm lược của kẻ thù ngoại bang, nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu, lập bao chiến công hiển hách. Những Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa . . . mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong quá trình đấu tranh anh dũng ấy, nhân dân ta đã hình thành nên một nền văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc: đoàn kết, nhân nghĩa, bao dung, kiên trung, bất khuất.
Với sự lao động cần cù sáng tạo, ý chí chiến đấu kiên cường, bằng xương máu của bao lớp tiền nhân, nhân dân ta đã xác lập nên hình thể đất nước Việt Nam như hôm nay. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái; từ Trường Sơn hùng vĩ, đến biển Đông bao La, dấu ấn chủ quyền dân tộc Việt Nam còn in đậm trong trang sử khai mở đất nước của cha ông ta.
Từ năm 1930 của thế kỷ hai mươi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến, giành lại độc lập dân tộc, dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), Nhà nước của giai cấp Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với tham vọng biến nước ta một lần nửa trở thành thuộc địa, những người cầm quyền đương thời của Pháp và Mỹ, lần lượt gây ra hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chưa từng có trên đất nước Việt Nam. Xong, với truyền thống yêu nước nồng nàn, bằng khát vọng độc lập tự do, được sự giúp đỡ quý báu của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhân dân ta một lòng theo Đảng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, một Tổng tiến công năm 1968 vang dội, một chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 toàn thắng, giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc.
Với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung; nhân dân Việt Nam  cùng với nhân dân Lào, Cam Phu Chia, làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc. Đứng trước nguy cơ diệt vong của nhân dân nước bạn, dân tộc Việt Nam không tiếc máu xương, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, đánh bại Tập đoàn phản động Khơ me đỏ, giúp nhân dân Cam Phu Chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Theo đường lối của Đảng, nhân dân ta đã và đang tiến hành công cuộc xây dựng nền kinh tế năng động, không ngừng tăng trưởng, đem lại những thành tựu to lớn, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, xã hội phát triển ổn định. Thực hiện đường lối đối ngoại chủ động và rộng mở, cùng phát triển hòa bình, vai trò và vị thế của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được cũng cố.
 Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng; kế thừa Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992; Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam về chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước đi lên theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; không ngừng cũng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đã đăng trên Cổng thông tin điện tử Liên đoàn luật sư Việt Nam
------------------------- 
TOÀN VĂN LỜI NÓI ĐẦU TRONG DỰ THẢO
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử .
Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét