Translate

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

NHỚ NGÀY BÁC MẤT (Thơ)

         
 

       Ngày ấy (04-09-1969), qua sóng phát thanh đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được tin Bác mất, một nỗi đau quá lớn đối với những người chiến sĩ giải phóng chúng tôi. Đến nay, hơn 40 năm trôi qua, cứ mỗi lần nhớ lại thời khắc ấy, tôi lại thấy nhói lên nỗi đau trong tim.

ĐCT xin ghi lại cảm xúc của mình qua những vần thơ sau đây:

-----------------

NHỚ NGÀY BÁC MẤT

    Đoàn Công Thiện
Một sáng tháng chín.
Đài báo tin Bác mất.
Cả đại đội khóc nhòa nước mắt.
Đồng Bới Lời (*)
Mưa rắc trắng
Một màu tang.
Cả cuộc đời cực khổ gian nan.
Bác dành trọn cho dân cho nước.
Đích thắng lợi, đến gần phía trước.
Bác đi rồi, đâu thấy được ngày vui.
Nỗi đau này, mãi mãi không nguôi.
Chúng con nguyện, không lùi mộ bước.
Đường đã vạch, quyết tiến lên phía trước.
Đập cho tan, lũ xâm lược hung tàn.
Nén đau thương, chúng con vào trận.
Cứ điểm Thứ Mười Một (**)
Cả Trung đoàn
Tiến quân ào ạt.
Bọn Lữ đoàn, tan tác phơi thây.
Pháo gục nòng.
Tàu sắt cháy, ngút trời mây (***)

Bác đi từ ấy đến nay.
Thời gian điểm
Một trăm bốn mươi ngàn ngày có lẻ.
Dẫu bao đổi thay dâu bể.
Lòng chúng con vẫn kề cận mãi bên người.
-------------------
(*) Địa danh thuộc xã Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Kiên Giang.
(**)Địa danh thị trấn huyện An Minh, Kiên Gang ngày nay.
(***) Trận tập kích cứ điểm Lữ đoàn A thủy quân lục chiến ngụy trong đêm 5 rang 6 tháng 11 năm 1969, giết và làm bị thương trên 600 quân, bắn cháy 10 tàu chiến, phá hủy 6 khẩu pháo.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

MỘT SỐ SUY NGHĨ . . . (Bài viết)


Thành lập Toà án khu vực ở cấp huyện thị là một trong những nội dung của Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Định hướng này mang tính mới, có ý nghĩa bảo đảm cho Toà án hoạt động một cách độc lập hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, nếu xét dưới nhiều khía cạnh khác, thì Toà khu vực cấp huyện thị theo mô hình mới có những hạn chế sau đây.

Một là: Cấp huyện thị là cấp xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án, là nơi các thẩm phán thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng tham gia tố tụng, nên rất dễ phát sinh ý thức tiêu cực tham nhũng, nếu tách ra thành từng khu vực, đồng nghĩa với việc thoát khỏi sự lãnh đạo của cấp uỷ, thoát ly sự giám sát của các tổ chức chính trị khác ở huyện thị, điều này sẽ dẫn đến lạm quyền và là kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh, phát triển.

Hai là: Nếu bình quân mỗi tỉnh thành lập từ ba đến bốn Toà, thì cả nước phải xây dựng trên dưới 200 trụ sở mới, cần một khoản tiền rất lớn, trong khi đó, các Toà huyện thị hiện nay cơ bản đã hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, ổn định về tổ chức và thuận lợi về vị trí và không gian hoạt động.

Ba là: Vì là mô hình mới nên cần phải sửa đổi nhiều Luật có liên quan; mặt khác, các thẩm phán phải hoạt động trong không gian địa lý rộng hơn, việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và những cơ quan có liên quan khác sẽ gặp khó khăn hơn.

Để tránh những hạn chế nói trên, không làm sáo trộn lớn đến tổ chức cũng như nội dung hoạt động tố tụng, nhưng vẫn bảo đảm được tính độc lập xét xử của Toà án, mô hình sau đây sẽ thoả mãn yêu cầu mà Nghị quyết đã đề ra.

Về mặt tổ chức Đảng, chuyển Chi bộ các Toà án cấp huyện thị về trực thuộc Đảng uỷ Toà án cấp tỉnh, đồng thời ở mỗi tỉnh, thành phố, thành lập một Đảng bộ, bao gồm các Chi bộ Toà án cấp huyện thị và Chi bộ các Toà chuyên trách ở Toà án tỉnh, Đảng bộ này trực thuộc Tỉnh uỷ, Thành uỷ (không trực thuộc Đảng uỷ các cơ quan cấp tỉnh như hiện nay).

Vì tổ chức Đảng chuyển về trực thuộc Đảng bộ Toà án cấp tỉnh, Chánh án cấp huyện thị không còn là cấp uỷ viên của địa phương, nên Toà án huyện thị không còn phụ thuộc vào sự lãnh đạo ở huyện thị, các trường hợp can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử cũng sẽ hạn chế, vì thế, việc xét xử của Toà án sẽ độc lập, các Thẩm phán sẽ vô tư hơn trong quá trình xét xử.


Việc tách Chi bộ Toà án ra khỏi huyện thị không có nghĩa thoát ly hoàn toàn với hệ thống chính trị ở huyện thị. Cấp uỷ huyện thị không thực hiện vai trò trực tiếp lãnh đạo nhưng vẫn có quyền giám sát đối với hoạt động của Toà án ở chừng mực nhất định (lập Qui chế riêng). Mặt khác, theo Luật mặt trận cũng như các qui phạm pháp luật khác, thì Mặt trận, có nhiệm vụ “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước” (điều 2 Luật mặt trận tổ quốc), do đó, dù Toà án có độc lập nhưng vẫn phải chịu sự giám sát của hệ thống chính trị ở huyện thị.

Là bộ phận trọng yếu trong hệ thống quyền lực Nhà nước (tư pháp), Tỉnh uỷ, Thành uỷ phải am hiểu và lãnh đạo sát hơn đối với hoạt động của Toà án; do đó, việc thành lập Đảng bộ ở Toà án cấp tỉnh và chuyển sang trực thuộc Tỉnh uỷ, Thành uỷ là một yêu cầu có tính khách quan trong tình hình hiện nay.

Ở cấp Trung ương. Theo Luật tổ chức Toà án nhân dân hiện hành thì TAND tối cao có Hội đồng thẩm phán, Toà Quân sự cấp cao, các Toà chuyên trách và các Toà phúc thẩm. Toà Quân sự cấp cao và các Toà chuyên trách đặt ở Hà Nội, các Toà phúc thẩm, đặt ở ba nơi: Hà Nội, Đà Nẳng và thành phố Hồ Chí Minh.

Do các Toà chuyên trách chỉ đặt tại Hà Nội, cấp Tối cao chỉ có Hội đồng thẩm phán, nên việc xem xét thẩm định án theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật có dấu hiệu sai phạm không được giải quyết triệt để. Đối với việc xét xử phúc thẩm cũng vậy; Vì mỗi Tòa đảm trách khu vực quá rộng, số lượng án phúc thẩm quá nhiều, nên việc xét xử luôn bị căng kéo. . . Thực trạng đó đòi hỏi phải thiết lập ở cấp Tối cao một mô hình tổ chức thích ứng, nhằm bảo đảm cho hoạt động xét xử của Toà án đạt hiệu quả tốt nhất.

Từ những lý do nêu trên, trong đề án cải cách tổ chức Toà án sắp tới, thiết nghĩ: nên thành lập Toà án cấp Tối cao ở từng khu vực (thay vì thành lập Toà khu vực ở cấp huyện thị). Toà khu vực ở cấp tối cao có thể lấy tên là: “Toà thượng thẩm TAND tối cao khu vực . . .”, các Toà này vừa có chức năng xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của cấp tỉnh trong khu vực bị kháng nghị, kháng cáo; vừa có chức năng xét xử lại (giám đốc hoặc tái thẩm) các bản án của cấp tỉnh (cũng trong khu vực) đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Để thực hiện chức năng trên, ở mỗi Toà khu vực có các Toà chuyên trách: Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Hành chính, Lao động v. v. . . Toà chuyên trách ngoài nhiệm vụ xét xử phúc thẩm đối với những vụ án sơ thẩm có kháng cáo kháng nghị, còn có nhiệm vụ thẩm định và đề xuất kháng nghị theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm đối với những vụ án đã có hiệu lực pháp luật mà cấp tỉnh đã xử. Ở mỗi Toà khu vực có một Uỷ ban thẩm phán mở rộng, bao gồm các thẩm phán chuyên trách và các thành viên mở rộng là Chánh án các tỉnh thành trong khu vực, do Phó chánh toà khu vực làm chủ tịch (Chánh toà khu vực sẽ cơ cấu là thành viên trong Hội đồng thẩm phán). Uỷ ban thẩm phán xét xử theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm, đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật của cấp tỉnh thành khi có quyết định kháng nghị. Sở dĩ đưa thành phần thẩm phán mỡ rộng là các Chánh án cấp tỉnh vào Uỷ ban thẩm phán là nhằm để bản án được xem xét lại một cách chặt chẽ và khách quan hơn.

Do cấu trúc Toà khu vực như trên, nên Toà án tối cao tại Hà Nội không cần có các Toà chuyên trách và các Toà phúc thẩm (Ngoại trừ Toà Quân sự cấp cao), mà chỉ lập một Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao gồm các Chánh Toà (có thể mở rộng đến Phó chánh toà) khu vực, do Chánh án TAND tối cao làm Chủ tịch. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có chức năng hướng dẫn xét xử và trực tiếp xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà khu vực hoặc các bản án giám đốc hoặc tái thẩm mà Toà khu vực đã xử, có quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKS ND tối cao.

Với mô hình nêu trên, Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao ngoài Chánh án, Phó chành án thường trực và Phó chánh án phụ trách Chánh Toà Quân sự Trung ương, cần cơ cấu các Chánh toà khu vực đều là Phó chánh án Toà án tối cao. Ở Văn phòng Toà tối cao, ngoài các bộ phận hành chính chuyên môn, cần Lập một cơ quan chuyên nghiên cứu làm tham mưu cho Chánh án chỉ đạo chung, thành viên cơ quan này phải là thẩm phán giỏi trên tất cả các lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Hành chính, Lao động v. v. . . và là thành viên trong Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Hoạt động của Toà khu vực nói riêng và của Toà tối cao nói chung, phải đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội và UB mặt trận tổ quốc Việt Nam. Việc giám sát này là nhằm bảo đảm cho hoạt động xét xử của Toà án tối cao được thực thi một cách khách quan và đúng đắn.

Về số lượng Toà khu vực, căn cứ số tỉnh thành hiện có (63) và vị thế địa lý của nước ta hiện nay, cả nước nên lập 06 đến 07 Toà khu vực (hoặc hơn), mỗi Toà đảm trách một số tỉnh, thành trên cơ sở vị trí thuận tiện về địa lý.

Với phương án thành lập Toà khu vực ở cấp Trung ương thay cho Toà khu vực ở huyện thị là có tính khả thi. Phương án này vừa Tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, mang tính mới, hợp lý, không phải sửa đổi nhiều luật (chủ yếu sửa đổi Luật tổ chức Toà án), không làm xáo trộn trình tự pháp lý tố tụng hiện hành.


HUỲNH THIỆN ĐOÀN

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

XA RỒI MỘT BẾN SÔNG QUÊ (Thơ)




Tác phẩm dự trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Cữu Long tháng 09-2011 do Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tổ chức tại Cần Thơ và đã đăng trong DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ VIỆT NAM số 201- tháng 10-2011

  XA RỒI MỘT BẾN SÔNG QUÊ
     -------------
Đoàn Công Thiện
Xa rồi một bến sông quê.
Thèm con sóng vỗ đến tê tái lòng.
“À ơi ! . .” đánh mất bên sông.
Để giờ da diết, ngóng trông giọng hò.
Tuổi thơ nương mẹ thân cò.
Đói cơm bụng chịu, con no mẹ mừng.
Thương con, vượt mấy đồng bưng.
Chén cơm, manh áo, tảo tần sớm trưa.
Bến sông bóng mẹ ngày xưa.
Dầm trong đẫm ướt giọt mưa phận nghèo.
Vắng cha mình mẹ gieo neo.
Sớm hôm lẽ bóng quạnh hiu tháng ngày.
Cha đi từ bến sông này.
Nhớ thương lòng mẹ đong đầy sông quê.
Cánh chim xa khuất triền đê.
Bỏ rơi lối cũ quên về bến sông.
Gió giông chèo chống giữa dòng.
Đắng cay mẹ gánh trong lòng đầy vơi.
. . . .
Giọng hò thu ấy “à ơi”!
Nghĩa nhân trả hết cho đời từ lâu.
Dấu xưa bóng mẹ còn đâu.
Để con vụng dại nông sâu bến đời.
Cần Thơ ngày 11-09-2011

TRÂN TRỌNG LỊCH SỬ . . . (Bài viết)



TRÂN TRỌNG LỊCH SỬ

LÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
----------------------
(Đã đăng trên báo Kiên Giang số 2443 ngày 28-05-2009)
                                                     Đoàn Công Thiện
Có lẽ trong mỗi chúng ta, không ai không hiểu được giá trị cuộc sống thanh bình hôm nay, nhân dân ta phải đỗi lấy bằng sự hy sinh của hằng triệu người Việt Nam yêu nước. Lá cờ Tổ quốc, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam được nhuộm đỏ bằng máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào ta qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Ai đã từng cầm súng đánh giặc, không ít lần chứng kiến đồng đội ngã xuống trên trận mạc như thế nào, hẳn đã từng ôm xác bạn mình trong tiếng gầm rú của đạn bom, và đã chứng kiến những cảnh tang thương của bao người dân trong cuộc chiến . . . Chúng ta nói điều này ra không nhằm khơi lại hận thù, khơi lại sự đau thương mất mát; mà để khẳng định cái vĩ đại nhất, cái thiêng liêng nhất, để ta cùng suy ngẫm khi cầm bút viết về chiến tranh, viết về cách mạng.
Trên mạng thông tin điện tử, trên một số ấn phẩm báo chí, không ít những trường hợp, vì lẽ này hay lẽ khác, họ (những tác giả bài viết) đã cố tình viết sai sự thật, đưa ra những luận điểm không khách quan, nhằm hướng đọc giả hiểu sai lịch sử cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta vừa qua.
Gần bốn mươi lăm năm qua, thời gian đủ để những ai chưa hiểu đúng về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta nhận ra chân lý. Ông Nguyễn Cao Kỳ, người được xem là chống “Cộng” quyết liệt nhất trước đây, nay phải thừa nhận rằng: “cuộc chiến tranh ở Việt Nam là của người Mỹ, chúng tôi chỉ là người lính đánh thuê”. Trên các phương tiện thông tin truyền thông ta thấy: những hành động chuộc lại lỗi lầm, chuộc lại tội ác, mang tính nhân văn cao đẹp của các Cựu chiến binh Mỹ như: Frederic Whitehurst, người làm sống lại Đặng Thùy Trâm thông qua nghĩa cử giữ gìn quyển nhật ký của chị một cách trân trọng trong suốt mấy mươi năm qua; Richard A. Luttrell cùng với bức ảnh “cha và con” thu được trong túi áo một người chiến sĩ giải phóng bị anh bắn chết, đã sang Việt Nam tìm gặp gia đình người chiến sĩ ấy xin tạ tội . . . và còn rất nhiều trường hợp điển hình khác đáng được trân trọng. Tất cả những cử chỉ đó, bản thân nó đã nói lên tính nhân văn cao cả giữa con người với con người; hơn nửa, nó chỉ cho mọi người thấy được cái phi nghĩa của cuộc chiến tranh tang thương mà chính quyền Mỹ gây ra cho dân tộc ta.
Chiến tranh là tội ác, chiến tranh là tang tóc đau thương. Không ở đâu xa, ngay trên mảnh đất Phú Quốc thân yêu của chúng ta, chứng tích man rợ nhất của chế độ ngụy quyền Sài Gòn còn đó; Cảnh tra tấn tù nhân bằng hình thức phơi nắng người tù trong cũi sắt kẽm gai, đóng đinh vào khớp chân, vào đầu người tù,  treo người tù  trên ngọn lửa, bỏ người tù vào thùng phuy nước đang sôi . . . để người tù chết dần trong sự đau đớn tột cùng về thể xác, thử hỏi trên thế giới này còn có hành động nào dã man hơn như thế?  Ông Thượng sĩ già đang sinh sống ở Phú Quốc và những người đã gây ra cái chết cho hằng ngàn tù nhân vẫn còn đâu đó, họ nghĩ gì khi trên 300 chiếc đinh còn nằm trong xương, trong sọ tù nhân? Họ nghĩ gì khi mỗi hố chôn có hơn 500 hài cốt lớp lớp chồng lên nhau? Mỗi cái chết của người tù Phú Quốc không chỉ nói lên sự tàn bạo của kẻ thù mà còn là những khúc ca hùng tráng, nói lên khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng.
Trên thế giới này, không nơi nào như ở Việt Nam, đi suốt chiều dài đất nước, đâu đâu chúng ta cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ, vào mỗi nghĩa trang, ta lại thấy vô số những ngôi mộ vô danh. Trên truyền hình, trên đài phát thanh, ngày ngày ta vẫn nghe những lời nhắn tìm người thân, nhắn tìm đồng đội, ta vẫn thường thấy bao hình ảnh của những nam nữ thanh niên đã ra đi trong cuộc chiến nay không trở về và cũng không tìm được nơi yên nghĩ cuối cùng của họ . . . 
Là người cầm bút, chúng ta cần phải vạch rõ những tội ác đã diễn ra trong quá khứ để cảnh báo mọi người, cảnh báo chiến tranh; viết để ca ngợi cái cao cả, cái trác tuyệt của người chiến sĩ các mạng đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh vừa qua để đem lại độc lập tự do cho nhân dân.
*
*    *
Chiến tranh đã đi qua, nó vẫn còn để lại trên thân thể đất nước và dân tộc Việt Nam những vết hằng sâu thương tích, chúng ta không được phép quên cái quá khứ bi hùng ấy, chúng ta phải có nghĩa vụ viết về nó với một thái độ chân thật và trân trọng nhất. Mọi sự hời hợt với quá khứ là có lỗi với lịch sử; xuyên tạc, chế diễu, thậm chí lăng mạ lịch sử là có tội với Nhân dân, có tội với vong linh của những người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yêu của chúng ta hôm nay.
-----------------------------

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

CHÂN DUNG NGƯỜI . . . (kÝ)



Chúng ta đang hc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chuyên đề "Phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương. . ." Thiên Tân giới thiệu bài viết dưới đây, các bạn cùng xem nhé

CHÂN DUNG NGƯỜI
CÁN BỘ CÔNG AN HƯU TRÍ
(Đã đăng trên Báo Kiên Giang số 1915 ngày 28-12-2005 với tiêu đề: “Huấn luyện viên đội đua thuyền nữ Kiên Giang vô địch SEA Games 22 – chuyện bây giờ mới kể”)
------------------- 
                                                Đoàn Công Thiện (*)
Phải mấy lần đi tìm, tôi mới gặp được ông. Sau khi cùng đội bơi thuyền nữ, đại diện cho Việt Nam dự SEA Games 23 từ Philippines trở về, ông lại tất bật cho việc đồng áng, vườn tược như bao người khác ở quê. Ông là Trung Tá Lê Văn Hữu, nguyên Ủy viên thường vụ huyện ủy, trưởng Công an huyện Gò Quao – Kiên Giang.
Như ngày nào, cái chân chất trong phong cách của người nông dân Nam bộ trong ông vẫn không thay đổi. Ở tuổi 70, ông vẫn xềnh xoàng với bộ đồ bạc thếch nắng gió đồng quê; Vẫn giọng cười hiền lành chân thật và cử chỉ thân thiện của tình đồng chí, đồng đội xưa; Ông tiếp tôi với tư cách chú cháu, chứ không phải như chủ với khách theo đúng nghĩa của nó. Nếu không phải là người đã từng quen biết hay công tác chung, khó có ai nhận biết ông lại là một cán bộ Công an có nhiều uy tín nhất ở Gò Quao trước đây cũng như hiện nay.
Ông được mọi người yêu kính, nể trọng bởi tính nghiêm minh nhưng đầy tình nhân ái. Với danh lợi ông không màng, tiền bạc cũng không lung lạc được ý chí đấu tranh. Ông sống và chiến đấu cho một mục tiêu cao cả: Giải phóng quê hương đất nước, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc thiếu thời, ông ở đợ chăn trâu. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, anh ông đi tập kết ra Bắc (ông Lê Hữu Ngộ, sau này về Nam chiến đấu và hy sinh trên chiến trường miền đông Nam bộ). Ở lại, ông cưới vợ và lo phụng dưỡng cha mẹ già, mong ngày đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ sum vầy. Thế nhưng chế độ tàn bạo của Mỹ Ngụy đã thôi thúc ông dấn thân vào con đường cách mạng như anh ông và bao người yêu nước khác.
Tháng 10 năm 1964, sau khi bàn bạc với gia đình, ông trốn vào vùng giải phóng, tham gia công tác ở cơ sở xã Định Hòa. Năm 1968, ông được kết nạp vào Đảng. Qua một năm phấn đấu, ông được công nhận là đảng viên chính thức cũng là lúc cấp trên cữ ông giữ cương vị Bí thư Chi bộ xã. Trong những năm ác liệt nhất ở địa phương, ông đã cùng với lực lượng Du kích thực hiện nhiều đợt diệt ác phá kềm, khiến kẽ địch ở đó phải khiếp sợ khi nghe đến tên ông. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông được rút về huyện làm Phó Công an, rồi lên Trưởng Công an Gò Quao (thuộc tỉnh Kiên Giang), cho đến ngày về hưu.
Vào thời bao cấp, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của Công an thiếu thốn mọi thứ. Mỗi lần có vụ án xảy ra phải đi mượn phương tiện của dân; Xuống địa bàn công tác, anh em phải đi nhờ xe máy của người khác; Không có xe, máy thì lội bộ; Có điểm phải đi mười, mười lăm cây số mới đến nơi . . . giá cả sinh hoạt lại đắt đỏ, lương bổng thấp, đời sống vô cùng khó khăn . . . cực khổ thiếu thốn là vậy, nhưng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị không một ai chùn bước, không có tai tiếng tiêu cực gian tham. Có được như vậy, bởi bên cạnh họ có ông – người thủ trưởng luôn gần gũi hòa đồng và thân thiết như cha anh trong gia đình, biết sẽ chia nỗi vất vã gian nan của anh em với tấm lòng yêu thương cao quý.
Đối với dân, ông hết lòng phục vụ. Ông luôn khuyên răn mọi người: “Phải gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, biết thông cảm những nỗi khổ cực của người lao động, không được nhũng nhiễu vòi vĩnh tiền bạc vật chất hay nhận tiền của đút lót của họ . . .” Lớp người đã từng cộng tác dưới quyền của ông, chắc khó có thể có ai quên được cái nền nếp, phong cách sinh hoạt nghiêm minh nhưng hết sức thân thiện, một lòng phục vụ vì Đảng vì dân mà ông đã gây dựng.
Hồi đó, ở Công an huyện Gò Quao có phong trào thể dục, thể thao rất mạnh. Trừ những anh em đi công tác, còn lại ở nhà, tất cả sáng phải tập thể dục, chiều hết giờ làm việc phải chơi các môn như bóng đá, bóng chuyền và nhiều môn khác. Có một sự kiện mà sau này đã trở thành câu chuyện truyền miệng, đó là việc thức tập thể dục. Mặc dù ông không bao giờ la rầy quát mắng với ai, nhưng hể nghe tiếng “dép chú Sáu” là ai cũng phải “vọt” ra khỏi mùng, sắp hàng răm rắp, không đợi đến tiếng kn báo thức.
Bọn tội phạm cũng rất nể phục bởi đức tính cao thượng của ông. Trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, ông thường nhắc nhở anh em: Mình phải biết lấy cái tốt, cái nhân ái để cảm hóa họ. Một khi họ nhận thức được lẽ phải, thấy được sai trái thì tự họ sẽ quy tà cải chánh. Phải lấy sự bao dung độ lượng đối xử với họ, vì họ cũng là con người như chính chúng ta, họ chỉ khác ta ở khía cạnh sai phạm mà thôi. Đấu tranh phòng chống cái ác, không chỉ tấn công bọn có hành vi phạm tội, mà còn phải biết loại bỏ những mầm mống, những nguyên nhân làn nẩy sinh cái ác.
Người viết bài này đã chứng kiến một chuyện rất hy hữu. Vào khoản giữa những năm 1980, 1990,          Bộ Công an có phá một vụ án phản động chính trị lớn. Trên địa bàn Gò Quao có một số đối tượng tham gia, trong đó có một người được chúng cữ làm cái chức gọi là “Quận trưởng” trong tổ chức phản động của chúng. Sau khi được gọi sang trụ sở, với thái độ rất tự nhiên giống như những người hàng xóm quen thuộc khi gặp nhau, ông đim tĩnh rót trà đưa cho ông ta và nói: Anh em tụi tôi mời anh sang đây chắc anh đã hiểu rồi, cái gì đã lỡ lầm mà biết cải sửa thì Nhà nước sẽ khoan hồng tha thứ. Anh đừng sợ, cứ khai báo thật thà, tụi tôi sẽ xem xét. Không cần phải giải thích dài dòng hay đầu lý gay gắt, ngay sau đó “ngài Quận trưởng” viết tờ nhận tội, khai báo rành mạch, giúp ta sớm hoàn thành việc lập hồ sơ các đối tượng đã tham gia vào tổ chức phản động nói trên ở Gò Quao.
Về hưu, ông tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội thiết thực, mà điển hình nhất là việc xây dựng phong trào thi đấu bơi thuyền truyền thống đạt nhiều thành tích xuất sắc, trong đó tiêu biểu nhất là đội nữ vận động viên của xã Định Hòa quê ông.
Trong không đầy năm năm (từ năm 2000 đến tháng 5 năm 2005), đội đua thuyền nữ do ông lãnh đạo và huấn luyện, đã 06 lần vô địch các cự ly trong thi đấu toàn Quốc vào các năm: Năm 2001 ở Kiên Giang, 1 vàng, 01 bạc; Năm 2002 ở Bình Thuận, 01 vàng, 01 bạc và 01 bạc phối hợp nam nữ; Năm 2004 ở Cà Mau, 02 vàng hai cự ly; Năm 2005 ở Bạc Liêu, 02 vàng hai cự ly. Ngoài ra, còn có 03 lần vô địch các cự lý trong thi đầu khu vực như: Tại Ninh Kiều Cần Thơ (ngày 7-8/05/2005), với 03 cự ly đạt 02 vàng và 01 bạc; Tại Sóc Trăng (năm 2000) đạt 01 Cúp vàng. Đặc biệt trong kỳ thi đầu quốc tế SEA Games 22 tại Hà Nội, đội đua thuyền truyền thống nữ của ông đã đem về niềm vinh dự lớn cho Quốc gia, với 01 vàng, 01 bạc, dẫn đầu trong tóp 04 nước có đội nữ tham dự thi đấu.
Để có được những thành công vẽ vang làm cho các nước có môn bơi thuyền truyền thống nữ trong khu vực, phải nể phục Việt Nam là cả một quá trình thầy trò, ông cháu (cá em xem ông như người ông ruột thịt trong gia đình), dầm sương dãi nắng, khổ công luyện tập, đổ ra biết bao mồ hôi và nước mắt (nước mắt vì cái tính vốn có của các cô gai), vượt qua chính mình để vươn tới đích vinh quang.
  Trong bài “Chuyện kỳ lạ của những nhà vô địch SEA Games” trên báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG (số 10194 ra ngày 9-11-2005), ông Trần Xuân Nghiêm, Giám đốc Sở TDTT tỉnh Kiên Giang nhận xét: “Đây là đội thuyền có một không hai ở Việt Nam, thậm chí thế giới với nhiều cái lạ không giống ai: 100% các em là người dân tộc Khmer, toàn đội ở duy nhất tại một xã vùng sâu Định Hòa, tất cả đều nghèo, đi cày đi cấy, không ai được đào tạo chuyên môn . . . bao nhiêu đó đã làm người ta sửng sốt và không ai tin họ là những tuyển thủ Quốc gia”
Đúng là như thế. Nhưng phía sau những cô gái Khmer chân quê nghèo túng ấy còn có ông, người cựu cán bộ Công an mà cái chất nhân ái được luyện rèn trong lò lửa đấu tranh cách mạng, đã tạc nên chân dung của ông, một hình mẫu rất đỗi thân thương đối với các em, là động lực tin thần tạo thêm sức mạnh cho các em làm nên chiến thắng trên đấu trường.
Bóng dáng của ông sẽ in đậm trên những dòng sông mà ông và các tuyển thủ nữ đã bơi qua trên những vùng miền của tổ Quốc, góp phần tô đậm thêm cho bức tranh lịch sử thể thao Việt Nam ở những năm đầu của thế kỹ 21 một mảng màu hanh vàng tươi sáng, màu của miền đồng bằng quê lúa được hòa quyện trong nhạc điệu của tiếng sóng nước phương Nam mãi mãi tỏa sáng, mãi mãi vang xa.

(*) Nguyên Huyện ủy viên, Phó Công an huyện Gò Quao – Kiên Giang
----------------------
Nhân vật nói trong bài viết: người ngồi ngoài cùng bên phải.

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

BẠN TÔI VÀ TÌNH DÒNG SÔNG HẬU (Giới thiệu tác phẩm 1)




BẠN TÔI VÀ TÌNH DÒNG SÔNG HẬU (kỳ 1)
------------
Chúng tôi chơi thân với nhau ngay từ những ngày đầu vào Bộ đội (1968). Phạm Tấn Sơn cũng rất mê thơ và anh đã cho ra mắt tập thơ 24 bài với tên gọi: TÌNH DÒNG SÔNG HẬU. Giới thiệu tập thơ, nhà văn Anh Động đã viết:
Có một bạn bảo rằng: “khi nào tôi viết ra thơ là tâm hồn có những mảnh vụn trôi nổi bồn chồn theo nhịp tim”. Xem chừng thơ Phạm Tấn Sơn viết ra cũng vào những lúc ấy.
Từ tình yêu cuộc đời, yêu trai gái, yêu bạn bè, yêu quê hương . . . anh đều có những cảm xúc rất chân thật, bộc bạch một cách rất dể thương và bao giờ cũng pha chút buồn buồn:
Hãy nhớ xem ta đã mất một cái gì?
À! Phải rồi tuổi trẻ đã qua đi.
Nghe như một cách nói nhẹ nhàng nhưng nó gói trọn nỗi niềm sâu kín. Và những khi trăn trở nhớ người yêu anh cứ thao thức, chép môi, lắc đầu âm thầm:
Đã vương rồi một mối tình sâu đậm.
Nên đêm nằm không ngủ được em ơi.
Tiếng kêu đơn phương mà xé lòng trong những đêm trường khắc khoải ấy thật chân thành làm sao! . .
Cả đến trong tình bạn bao năm xa vắng, gặp lại nhau, mừng nhau, chuyện trò nhau không hết, nhưng tâm hồn Phạm Tấn Sơn vẫn:
Đêm xuống ba thằng ngồi bên nhau.
Chuyện xưa nhắc lại thấy nôn nao.
Bao giờ tâm hồn anh cũng nhạy cảm với người, với cảnh, ký ức sống lại với bạn bè đếm Mắm, Đước rặng Dừa cũng “xôn xao” rạo rực. Mặc dù cái gì quá khứ nó vẫn là quá khứ, nhưng làm sao xóa nhòa được đối với anh:
Qua rồi tuổi nhớ tuổi thương.
Mà sao vẫn thấy còn vương nợ tình!
Những “mảnh vụn tâm hồn” Phạm Tấn Sơn, “mảnh” nào cũng rung động như vậy và nó cứ buồn buồn chảy vào mạch thơ của anh. Thơ Phạm Tấn Sơn thực chất là một loại thơ “tình”, bởi nó xuất phát từ độ rung chân tình trong lòng mình.
THIÊN TÂN giới thiệu cùng các bạn một số bài trong tập thơ nói trên của Phạm Tấn Sơn.
----------------------------- 

 Một góc Hồ Tây.


          CHUA XÓT
              -----------
Tôi ra Hà Nội đang mùa tết,              
Một khoảng trời xanh dưới cánh bay,
Hoa Đào rừng rực rung rinh nắng,
Chẳng rượu, chẳng bia nhưng vẫn say.

Một chiều cùng bạn đến Hồ Tây,
Một khoảng mênh mông sóng nước đầy,
Tạt vào quán nhậu bên Cầu Giấy,
Bất chợt giật mình, em ở đây?

Em là cô gái của miền Tây,
Ai khiến xuôi chi đến chốn này?
Bến “gái” mười hai, trong và đục.
Ngọt bùi, cay đắng có ai hay?

“. . . Mai về trong đó xin anh nhớ
Đường nói gặp em ở ngoài này . . .”
Gật đầu nhưng thấy lọng chua xót.
Chẳng khói mà sao khóe mắt cay.

Còn đâu hình bóng áo bà ba?
Này phấn này son, đã xóa nhòa.
E thẹn không còn trong giọng nói.
Tạm biệt chỉ một tiếng “boa”.

Vẫn những ánh đèn bên Hồ Tây.
Nhìn em tóc xõa phủ vai gầy.
Như thuyền không bến trôi vô định.
Giữa sóng bồng bềnh, giữa gió mây.     

Vẫn khoảng trời xanh dưới cánh nghiêng.
Mà sao lòng nặng nổi ưu phiền,
Chua xót cho em cô gái trẻ,
Bao giờ được cặp bến bờ riêng!
-----------
Nội Bài – Tân Sơn Nhất - 1995



CƠN SAY
-------------
Cảm ơn em đã xoa dịu lòng anh.
Làm sống lại trái tim thời trai trẻ.
Mây và núi, bức tranh ai vẽ?
Để muôn đời mãi mãi vấn vương nhau.

Cảm ơn đời cho anh gặp em.
Để xẻ chia ngọt bùi cay đắng.
Cuộc sống, tình người, mặt sông không phẳng lặng.
Mây bay đi mà núi vẫn đợi chờ.

Gặp em hôm nay, cứ ngỡ trong mơ.
Nụ hôn ngọt hơn vạn lần đường mật.
Đưa tay tìm em, nửa đêm tỉnh giấc.
Thật hay mơ? mà anh cứ thẫn thờ.

Cảm ơn đời đã xui anh gặp em.
Được đắm chìm trong hương thơm suối tóc.
Những phút giây trong vòng tay ngây ngất.
Tìm môi nhau, những nụ hôn đầu.

Gần hết cuộc đời ta mới gặp nhau.
Để gởi trao trăm điều suy nghĩ.
Hãy giữ tình mình trong trang nhật ký.
Một góc tâm hồn dành trọn cho nhau.

Từ hôm nay và mãi mãi mai sau.
Hình bóng em trong anh trọn vẹn.
Dù em chưa một lần hứa hẹn.
Nhưng ánh mắt em gởi trọn một lời thề.
-----------
Cần Thơ 18-03-2003




                                       Ngày ấy và bây giờ                          




VẪN THẤY
----------
Gặp em hơn nửa chừng xuân.
Mà sao vẫn thấy bâng khuâng trong lòng.
Lỡ rồi một chuyến sang sông.
Mà sao vẫn thấy trong lòng vấn vương.
Qua rồi tuổi nhớ tuổi thương.
Mà sao vẫn thấy còn vương nợ tình.
Ninh Kiều dạo bước một mình.
Mà sao vẫn thấy như mình với ta.
Gió đùa mặt nước xa xa.
Mà sao vẫn thấy như ta với mình.
-----------
Ninh Kiều 2000

 
(còn nửa)