Translate

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

TRÂN TRỌNG LỊCH SỬ . . . (Bài viết)



TRÂN TRỌNG LỊCH SỬ

LÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
----------------------
(Đã đăng trên báo Kiên Giang số 2443 ngày 28-05-2009)
                                                     Đoàn Công Thiện
Có lẽ trong mỗi chúng ta, không ai không hiểu được giá trị cuộc sống thanh bình hôm nay, nhân dân ta phải đỗi lấy bằng sự hy sinh của hằng triệu người Việt Nam yêu nước. Lá cờ Tổ quốc, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam được nhuộm đỏ bằng máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào ta qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Ai đã từng cầm súng đánh giặc, không ít lần chứng kiến đồng đội ngã xuống trên trận mạc như thế nào, hẳn đã từng ôm xác bạn mình trong tiếng gầm rú của đạn bom, và đã chứng kiến những cảnh tang thương của bao người dân trong cuộc chiến . . . Chúng ta nói điều này ra không nhằm khơi lại hận thù, khơi lại sự đau thương mất mát; mà để khẳng định cái vĩ đại nhất, cái thiêng liêng nhất, để ta cùng suy ngẫm khi cầm bút viết về chiến tranh, viết về cách mạng.
Trên mạng thông tin điện tử, trên một số ấn phẩm báo chí, không ít những trường hợp, vì lẽ này hay lẽ khác, họ (những tác giả bài viết) đã cố tình viết sai sự thật, đưa ra những luận điểm không khách quan, nhằm hướng đọc giả hiểu sai lịch sử cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta vừa qua.
Gần bốn mươi lăm năm qua, thời gian đủ để những ai chưa hiểu đúng về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta nhận ra chân lý. Ông Nguyễn Cao Kỳ, người được xem là chống “Cộng” quyết liệt nhất trước đây, nay phải thừa nhận rằng: “cuộc chiến tranh ở Việt Nam là của người Mỹ, chúng tôi chỉ là người lính đánh thuê”. Trên các phương tiện thông tin truyền thông ta thấy: những hành động chuộc lại lỗi lầm, chuộc lại tội ác, mang tính nhân văn cao đẹp của các Cựu chiến binh Mỹ như: Frederic Whitehurst, người làm sống lại Đặng Thùy Trâm thông qua nghĩa cử giữ gìn quyển nhật ký của chị một cách trân trọng trong suốt mấy mươi năm qua; Richard A. Luttrell cùng với bức ảnh “cha và con” thu được trong túi áo một người chiến sĩ giải phóng bị anh bắn chết, đã sang Việt Nam tìm gặp gia đình người chiến sĩ ấy xin tạ tội . . . và còn rất nhiều trường hợp điển hình khác đáng được trân trọng. Tất cả những cử chỉ đó, bản thân nó đã nói lên tính nhân văn cao cả giữa con người với con người; hơn nửa, nó chỉ cho mọi người thấy được cái phi nghĩa của cuộc chiến tranh tang thương mà chính quyền Mỹ gây ra cho dân tộc ta.
Chiến tranh là tội ác, chiến tranh là tang tóc đau thương. Không ở đâu xa, ngay trên mảnh đất Phú Quốc thân yêu của chúng ta, chứng tích man rợ nhất của chế độ ngụy quyền Sài Gòn còn đó; Cảnh tra tấn tù nhân bằng hình thức phơi nắng người tù trong cũi sắt kẽm gai, đóng đinh vào khớp chân, vào đầu người tù,  treo người tù  trên ngọn lửa, bỏ người tù vào thùng phuy nước đang sôi . . . để người tù chết dần trong sự đau đớn tột cùng về thể xác, thử hỏi trên thế giới này còn có hành động nào dã man hơn như thế?  Ông Thượng sĩ già đang sinh sống ở Phú Quốc và những người đã gây ra cái chết cho hằng ngàn tù nhân vẫn còn đâu đó, họ nghĩ gì khi trên 300 chiếc đinh còn nằm trong xương, trong sọ tù nhân? Họ nghĩ gì khi mỗi hố chôn có hơn 500 hài cốt lớp lớp chồng lên nhau? Mỗi cái chết của người tù Phú Quốc không chỉ nói lên sự tàn bạo của kẻ thù mà còn là những khúc ca hùng tráng, nói lên khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng.
Trên thế giới này, không nơi nào như ở Việt Nam, đi suốt chiều dài đất nước, đâu đâu chúng ta cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ, vào mỗi nghĩa trang, ta lại thấy vô số những ngôi mộ vô danh. Trên truyền hình, trên đài phát thanh, ngày ngày ta vẫn nghe những lời nhắn tìm người thân, nhắn tìm đồng đội, ta vẫn thường thấy bao hình ảnh của những nam nữ thanh niên đã ra đi trong cuộc chiến nay không trở về và cũng không tìm được nơi yên nghĩ cuối cùng của họ . . . 
Là người cầm bút, chúng ta cần phải vạch rõ những tội ác đã diễn ra trong quá khứ để cảnh báo mọi người, cảnh báo chiến tranh; viết để ca ngợi cái cao cả, cái trác tuyệt của người chiến sĩ các mạng đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh vừa qua để đem lại độc lập tự do cho nhân dân.
*
*    *
Chiến tranh đã đi qua, nó vẫn còn để lại trên thân thể đất nước và dân tộc Việt Nam những vết hằng sâu thương tích, chúng ta không được phép quên cái quá khứ bi hùng ấy, chúng ta phải có nghĩa vụ viết về nó với một thái độ chân thật và trân trọng nhất. Mọi sự hời hợt với quá khứ là có lỗi với lịch sử; xuyên tạc, chế diễu, thậm chí lăng mạ lịch sử là có tội với Nhân dân, có tội với vong linh của những người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yêu của chúng ta hôm nay.
-----------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét