Translate

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

MỘT HÀNH VI HÀNH CHÍNH BỊ KIỆN


LUẬN CỨ BẢO VỆ
-------------
Vụ án đã kéo dài từ khi phát sinh tranh chấp cho đến nay trên 20 năm (1998-2020), mà lẽ ra, đương sự không phải tiếp tục khởi kiện lần thứ hai ra Tòa án, nếu như Chủ tịch UBND huyện Y, thực hiện đúng theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của hai cấp Tòa án.
Tôi cho rằng: Chính vì Chủ tịch UBND huyện Y giải quyết tranh chấp QSD đất sai nội dung và sau đó lại không thi hành bản án của Tòa án là nguyên nhân làm cho vụ việc kéo dài một cách không đáng có, để phía Nguyên đơn phải đeo đuổi vụ việc ròng rã suốt 20 năm qua, với những thiệt hại vô cùng to lớn cả vật chất lẫn tinh thần.
Để làm rõ nội dung vụ kiện, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho phía Nguyên đơn, tôi xin trình một số vấn đầy sau đây:
1. Những căn cứ khởi kiện.
Căn cứ thẩm quyền giải quyết tranh chấp:
Tại thời điểm phát sinh tranh chấp trước đây, Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2003 và hiện nay là Luật đất đai 2013 đều qui định: Tranh chấp đất giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau mà đất không có Giấy CN QSD (hoặc không có giấy tờ pháp lý khác) thì Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết (Riêng Luật đất đai 2013, đương sự có quyền lựa chọn UBND hoặc Tòa án giải quyết lần đầu).
Đối với vụ tranh chấp này, Chủ tịch UBND huyện Y đã thụ lý và ra quyết định số 4421 ngày 06-12-2010, bác yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất của ông Phạm Văn Thường, nhưng đã bị hai cấp Tòa án xử hủy. Vì quyết định số 4421 bị hủy, nên quan hệ tranh chấp QSD đất giữa ông Phạm Văn Thường với ông Lê Văn Suôl và bà Hồ Thị Năm chưa được giải quyết bằng một quyết định pháp lý, vẫn thuộc trách nhiệm giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Y.
Căn cứ Bản án có hiệu lực pháp luật:
Tại bản án số 06//2016/HCST ngày 24/05/2016, TAND huyện Y đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, tuyên hủy Quyết định số 4421/QĐ-UBND, ngày 06/12/2010 của Chủ tịch UBND huyện Y, sau đó Chủ tịch UBND huyện Y kháng cáo. Tại bản án số 28/2016/ HCPT, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên bác nội dung kháng cáo của Chủ tịch UBND huyện Y, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 06/2016/HCST ngày 24/05/2016 của TAND huyện Y.
Trong bản án phúc thẩm số 28/2016, TAND tỉnh Kiên Giang còn kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 2378/QĐ-UBND, ngày 6/12/2010 và kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Y giải quyết lại việc tranh chấp đất theo hướng công nhận cho ông Phạm Văn Thường được sử dụng phần diện tích đang tranh chấp (4.892m2).
Sau khi bản án có hiệu lực, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định hủy bỏ Quyết định giải quyết khiếu nại số 2378/QĐ-UBND, ngày 6/12/2010; Ngày 12-06-2017, Chánh án TAND huyện Y ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-THAHC đưa bản án ra thi hành và Chi cục thi hành án huyện Y cũng đã ra Thông báo 546 cho UBND huyện tự nguyện thi hành án….
Theo Luật định, bản án sơ thẩm số 06/2016/HCST ngày 24/05/2016 hiện đang có hiệu lực, bắt buộc Chủ tịch UBND huyện Y phải thi hành.
2. Về tính pháp lý của Thông báo số 1170/TB-UBND ngày 28-08-2018.
Như ở trên tôi đã phân tích. Sự việc tranh chấp QSD đất giữa ông Phạm Văn Thường với ông Lê Văn Suôl và bà Hồ Thị Năm chưa được giải quyết bằng một quyết định pháp lý, đương nhiên vụ việc vẫn phải Chủ tịch UBND huyện Y tiếp tục giải quyết.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Phạm Văn Thường đã nhiều lần làm đơn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Y thi hành bản án; Những đơn này không phải là đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất mới phát sinh, do đó việc Chủ tịch UBND huyện Y ban hành Thông báo số 1170/TB-UBND ngày 28-08-2018, cho rằng “Không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Y là không đúng theo trình tự giải quyết tranh chấp đất và không đúng theo nội dung bản án đã tuyên.
Mặt khác, trong Thông báo số 1170/TB-UBND ngày 28-08-2018 xác định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ qui định tại điều 100 của Luật này (Luật đất đai 2013) và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết”. Trong vụ tranh chấp này, cả hai bên đều không có giấy chứng nhận QSD đất, phía Bị đơn cũng không chứng minh được các đương sự có bất cứ loại giấy tờ nào khác có giá trị chứng minh, thỏa mãn đủ điều kiện qui định tại điều 100 Luật đất đai 2013, là không có căn cứ pháp luật.
3. Đề nghị.
Từ những căn cứ phân tích trên đây, tôi đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía Nguyên đơn.
                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét